Trưởng Phòng GD nêu những điều kiện cấp thiết khi phổ cập GDMN trẻ 3-4 tuổi

28/11/2022 06:35
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ngoài tập trung đầu tư cho phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi, địa phương phấn đấu từng bước bố trí ngân sách trang bị cơ sở vật chất đáp ứng phổ cập GDMN trẻ 3-4 tuổi.

Thực hiện phát triển giáo dục mầm non, nhất là từ 2016 đến nay, các văn bản quan trọng phát triển giáo dục mầm non được Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành đã góp phần định hướng mục tiêu, đảm bảo điều kiện, cơ chế chính sách thúc đẩy củng cố, mở rộng mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, bổ sung cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên. Từng bước mở rộng khả năng thu nhận và nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Phỉ Đính, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Buôn Hồ (tỉnh Đắk Lắk) cho rằng, về mặt tích cực, thực hiện phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi những năm gần đây cho thấy, chính sách của nhà nước về phát triển giáo dục mầm non giúp các địa phương phát huy tiềm năng, nguồn lực tài chính, nhân lực, phấn đấu vượt qua thách thức.

Tránh đầu tư cục bộ trong giáo dục mầm non theo từng độ tuổi

Theo đó, thầy Đính chia sẻ thực tế và đề xuất mong muốn nhằm thực hiện hiệu quả Đề án “Phổ cập Giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo (3-4 tuổi) và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2023- 2030” tương ứng với đặc điểm của địa phương khi đề án được triển khai.

Một tiết học của học sinh Trường Mầm non Buôn Hồ (thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk). Ảnh: Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Buôn Hồ.

Một tiết học của học sinh Trường Mầm non Buôn Hồ (thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk). Ảnh: Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Buôn Hồ.

Sau hơn 10 năm thực hiện chủ trương phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, thầy Đính chỉ ra những hiệu quả rõ nét.

Thứ nhất, đây là một chủ trương đúng đắn, nhằm từng bước nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo bậc mầm non.

Thứ hai, giúp trẻ làm quen, chuẩn bị sẵn sàng tư tưởng, tâm lý vào lớp 1.

Thứ ba, giúp giải phóng lực lượng lao động. Cụ thể, phụ huynh sẽ gửi con em ra lớp để tập trung và yên tâm làm việc. Nhờ đó, thúc đẩy phát triển kinh tế gia đình, kinh tế xã hội.

Khi thực hiện phổ cập, buộc các địa phương, nhà trường phải có trách nhiệm huy động 99-100% trẻ 5 tuổi ra lớp để được chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục theo chương trình giáo dục mầm non.

Bên cạnh đó, trên cơ sở thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi, các địa phương phải đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học.

Khi các trường đạt đủ điều kiện về: tỷ lệ trẻ em ra lớp, tỷ lệ giáo viên/lớp, thực hiện bán trú, cơ sở vật chất phòng học… thì mới được công nhận là đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non.

Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy: về cơ sở vật chất, với cấp mầm non, năm học 2020-2021, toàn tỉnh Đắk Lắk có 48,2% phòng học kiên cố; 49,9% phòng học bán kiên cố và vẫn còn 1,9% phòng học tạm. Các trường trên địa bàn toàn tỉnh có tỷ lệ 24,4% đủ thiết bị dạy học; 79,6% trường có nhà bếp đúng quy cách.

“Đối với riêng địa bàn thị xã Buôn Hồ, hiện vẫn còn thiếu lực lượng giáo viên, cơ sở vật chất và thiết bị, dụng cụ dạy học. Để có đủ dụng cụ học tập, thị xã huy động các nguồn mượn, sáng tạo của giáo viên. Còn về phòng học, cơ bản các trường đáp ứng được yêu cầu thực hiện bán trú”, thầy Đính nói về khó khăn.

Bàn về chủ trương thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3-4 tuổi trong thời gian tới, vị Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Buôn Hồ cho biết, điều kiện đầu tiên là phải có đủ chỗ học, đầu tư xây mới phòng học, kiên cố hóa trường lớp nhằm đáp ứng nhu cầu trẻ mầm non tới trường.

“Việc cấp phát cơ sở vật chất, thiết bị còn phụ thuộc vào ngân sách địa phương. Có chỉ đạo của trung ương thì địa phương sẽ bố trí ngân sách để đầu tư cho cơ sở giáo dục. Đơn cử như các công trình phụ trợ, thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi trong các cơ sở giáo dục được cải tạo nâng cấp, mua mới...

Tuỳ theo nguồn lực hiện tại, địa phương có trích ngân sách để trang cấp thiết bị dạy học, đồ dùng dụng cụ chung cho bậc mầm non. Trong đó, tập trung đầu tư nhiều hơn cho trẻ 5 tuổi do đang thực hiện chủ trương phổ cập giáo dục ở bậc học này. Cùng với đó, địa phương cũng phấn đấu mở rộng bố trí ngân sách từng bước cấp dần thiết bị dạy học, cơ sở vật chất phục vụ dạy học cho trẻ 3-4 tuổi.

Việc dành đầu tư nhiều cho giáo dục mầm non 5 tuổi, ít quan tâm đến trẻ 3-4 tuổi sẽ dẫn đến tình trạng đầu tư cục bộ, khó phát triển toàn diện bậc giáo dục mầm non”, thầy Đính chia sẻ thêm.

Cân đối ngân sách từng bước đầu tư đồng đều cho giáo dục mầm non

Thực tế hiện nay, hầu hết các địa phương còn đối mặt với khó khăn về thiếu đồ dùng dạy học, đội ngũ giáo viên, trình độ giáo viên chưa đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2019 ở cấp mầm non, và đang dành ưu tiên cho phổ cập trẻ 5 tuổi. Thầy Đính cho rằng, đối với đề án phổ cập cho trẻ mẫu giáo 3-4 tuổi, các cơ sở giáo dục địa phương sẽ nỗ lực, quyết tâm vượt quá thách thức, đạt thành công phổ cập giáo dục.

"Huy động trẻ 3-4 tuổi ra lớp tạo cơ hội cho trẻ có môi trường học đường chuyên nghiệp, toàn diện ngay từ nhỏ, còn phụ huynh có thời gian tập trung cho lao động, sản xuất.

Thị xã Buôn Hồ cũng đã có văn bản gửi các cơ sở giáo dục về việc lấy ý kiến góp ý dự thảo đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3-4 tuổi, theo đó, đa phần các trường nhất trí. Tuy nhiên, tuỳ nguồn lực mỗi địa phương, mỗi vùng, mỗi trường sẽ có điều kiện, mong muốn khác nhau", thầy Đính chia sẻ.

Cũng theo vị này, nhìn chung, chế độ hỗ trợ cho trẻ về học phí, hỗ trợ trường tổ chức ăn trưa có tác động mạnh đến việc tăng tỷ lệ huy động trẻ ra lớp và tỷ lệ chuyên cần, giảm thiểu thiệt thòi cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn, vùng cao, biên giới, hải đảo. Từ đó, thực hiện thắng lợi công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi ở địa phương, cải thiện chính sách tiền lương giáo viên.

Từ thực tiễn địa phương, thầy Đính đề xuất một số góp ý nhằm thực hiện thuận lợi phổ cập giáo dục trẻ 3-4 tuổi như sau:

Một là, đầu tư đồng bộ và hiện đại các phòng học, công trình phụ.

Cụ thể, hiện nay, một số trường còn thiếu phòng học, tỷ lệ phòng học kiên cố thấp, còn phòng học tạm, học nhờ, nhất là các trường ở vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn.

“Ở đâu có học sinh, ở đó phải có phòng học thì mới đảm bảo yếu tố đầu tiên đón trẻ em ra lớp.

Ngoài ra, công trình phụ tại các trường học còn ít được quan tâm. Theo tôi được biết, có những nơi do thiếu nhà vệ sinh học đường nên buộc giáo viên và học sinh phải sử dụng chung công trình phụ. Như vậy sẽ không đảm bảo yêu cầu, quyền lợi cho cả người học và giáo viên”, thầy Đính chia sẻ.

Hai là, bổ sung đội ngũ và nâng chuẩn trình độ giáo viên mầm non.

Đội ngũ giáo viên mầm non đạt chuẩn trình độ theo Luật Giáo dục 2019 hiện được ưu tiên để dạy trẻ 5 tuổi. Tới đây sẽ phổ cập giáo dục cho trẻ 3-4 tuổi thì buộc giáo viên cũng phải hoàn thành nâng chuẩn trình độ, tuyển dụng giáo viên đạt chuẩn trình độ để đáp ứng mục tiêu yêu cầu.

Mỗi cán bộ quản lý, giáo viên phải xác định tầm quan trọng của bậc học mầm non, gắn thành công của chương trình phổ cập giáo dục với trách nhiệm của bản thân để tạo dựng hiệu quả trong quá trình thực hiện.

“Thiếu giáo viên thì không thể thực hiện phổ cập giáo dục mầm non thuận lợi. Chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ đòi hỏi phải có đủ lực lượng đứng lớp để san sẻ công việc, giảm bớt áp lực. Do đó, cần thiết bổ sung thêm lực lượng giáo viên phục vụ phổ cập giáo dục mầm non trẻ 3-4 tuổi.

Song thực tế, công tác tuyển dụng ở một số trường còn chậm. Điều này phụ thuộc chỉ tiêu biên chế được giao theo năm tài chính hoặc giao chậm hơn so với thời gian năm học, từ địa phương giao về các trường cũng chậm, nên tuyển dụng chưa đáp ứng nhu cầu bố trí giáo viên thực tế”, thầy Đính chia sẻ.

Ba là, đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ bồi dưỡng, dạy học.

Việc bồi dưỡng, nâng cao tay nghề làm việc cho cán bộ quản lý, giáo viên mầm non là nhiệm vụ quan trọng. Nếu được trang bị hạ tầng công nghệ thông tin, mạng internet tốc độ cao, mạnh thì giáo viên hoàn toàn có thể tự học, tự tìm tòi và ứng dụng các bài giảng sử dụng đến công nghệ thông tin vào dạy học. Từ đó, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo cho trẻ em.

Tuy nhiên, một số trường đang gặp khó, nhất là trường ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Có trường có đủ mạng internet, thiết bị kết nối để dạy học nhưng năng lực, tay nghề giáo viên chưa đảm bảo sử dụng hiệu quả. Nguyên nhân chủ yếu là thiếu lực lượng chuyên môn về công nghệ thông tin, giáo viên chưa được hướng dẫn sử dụng thành thạo, tiếp cận nhiều với thiết bị công nghệ trong quá trình học tập trước đó.

Bốn là, cân đối ngân sách từng bước đầu tư thiết bị dạy học phục vụ phổ cập giáo dục trẻ 3-4 tuổi.

Vì hơn 10 năm qua, thực hiện phổ cập giáo dục trẻ 5 tuổi nên chú trọng đầu tư nhiều về cơ sở vật chất, giáo viên cho lớp 5 tuổi là hợp lý. Tuy nhiên, nhà trường, địa phương nên từng bước có những đầu tư cho giáo dục mầm non trẻ 3-4 tuổi để tạo sự đồng đều ở mọi lớp học, có trọng tâm, trọng điểm.

“Làm được như vậy thì đến khi đề án “Phổ cập Giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo (3-4 tuổi) và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2023- 2030” chính thức thực hiện thì các trường, địa phương mới dễ dàng thích ứng, tránh thiếu hụt quá lớn về thiết bị, dụng cụ đồ dùng dạy học cho trẻ”, thầy Đính cho biết.

Ngọc Mai