Chương trình giáo dục phổ thông 2018 mang tính mở, khuyến khích sự linh hoạt và đa dạng hoá các hình thức kiểm tra đánh giá. Hình thức kiểm tra bằng câu hỏi trắc nghiệm lâu nay đã được áp dụng ở nhiều môn học nhưng với môn Ngữ văn, việc xuất hiện câu hỏi dạng này đã khiến không ít giáo viên khá băn khoăn. Liệu khi đưa câu hỏi trắc nghiệm vào kiểm tra ở môn Ngữ văn có làm mất đi bản chất đặc thù của môn học, mất đi xúc cảm ngôn từ và xúc cảm thẩm mĩ vốn có của văn chương?
Thầy giáo Nguyễn Văn Nhượng - Giáo viên Trường Trung học cơ sở Giao Nhân, Giao Thủy, Nam Định đã có một số chia sẻ gửi Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.
Theo thầy Nhượng, những lo lắng đó không phải không có cơ sở.
Cho đến thời điểm này, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có công văn nào chỉ đạo, yêu cầu bắt buộc phải kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn bằng hình thức trắc nghiệm. Trong công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH (ban hành ngày 21/7/2022) về hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông cũng không đề cập đến việc phải kiểm tra đánh giá cụ thể theo hình thức nào.
Một tiết dạy học tích hợp môn Ngữ văn của cô và trò Trường Trung học cơ sở Nguyễn Du (Nam Từ Liêm - Hà Nội). Ảnh: Website nhà trường |
Nhưng sau khi Bộ tổ chức tập huấn xây dựng ma trận, đặc tả đề kiểm tra định kì, các Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai cho giáo viên thì ngay lập tức mô hình đề kiểm tra minh hoạ trong tập huấn theo hình thức 2 phần: phần Đọc gồm 10 câu hỏi với 8 câu trắc nghiệm (4,0 điểm) và 2 câu tự luận (2,0 điểm); phần Viết gồm 1 câu (4,0 điểm) đã được lan truyền rộng rãi. Nhiều giáo viên coi đó như một bản mẫu, lấy đó luyện cho học sinh để đáp ứng với yêu cầu mà họ nghĩ là của đề kiểm tra mới.
Theo đó, khắp nơi các loại sách tham khảo cũng được "hạ sinh" theo mô hình đó, nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu của giáo viên. Và hiện cũng không ít Sở Giáo dục và Đào tạo đã và đang theo mô hình đề kiểm tra kết hợp trắc nghiệm với tự luận này như một "mốt" thời thượng trong đổi mới kiểm tra đánh giá từ khi bắt đầu thay sách giáo khoa lớp 6.
Cần lưu ý rằng, Bộ đã nêu rõ quan điểm chỉ đạo, hướng dẫn trong công văn 3175 về kiểm tra đánh giá cần: 1) Đảm bảo phát huy những mặt tích cực của cá tính, trí tưởng tượng, năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học, tư duy hình tượng và tư duy logic; 2) Yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức đã học và kĩ năng đọc, viết, nói, nghe vào bối cảnh và ngữ liệu mới; tạo cơ hội để học sinh khám phá, đề xuất ý tưởng và sáng tạo ra sản phẩm mới, gợi mở liên tưởng, tưởng tượng, huy động được vốn sống vào quá trình đọc, viết, nói, nghe; 3) Tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa để kiểm tra nhằm khắc phục tình trạng học thuộc và sao chép; 4) Khuyến khích xây dựng đề kiểm tra để phát huy cao nhất khả năng sáng tạo của học sinh, hạn chế tính chủ quan, cảm tính của người chấm; tôn trọng cách nghĩ, cách cảm riêng của học sinh trên nguyên tắc không vi phạm các chuẩn mực…
Như vậy, có thể thấy, toàn bộ phần hướng dẫn của Bộ không đề cập đến việc phải kiểm tra đánh giá theo hình thức nào vì Chương trình giáo dục phổ thông 2018 mở, tự chủ và linh hoạt. Và theo tôi hiểu, đề kiểm tra đánh giá trong tài liệu tập huấn của Bộ đưa ra chỉ mang tính chất minh hoạ để giáo viên tham khảo, có thêm kĩ năng thiết kế câu hỏi trong xây dựng đề, mà không có ý nghĩa chỉ đạo, hướng dẫn hay bắt buộc. Nhưng một số nơi đã rập khuôn theo mô hình đó, thành ra giáo viên đành chạy theo, luyện đề cho học sinh, để bám sát với đề (có thể là minh họa) của Sở, của Phòng.
Mỗi hình thức kiểm tra đánh giá đều có ưu và nhược điểm riêng, việc lựa chọn hình thức nào thì tuỳ thuộc vào mục tiêu đánh giá, cấp đánh giá, đối tượng được đánh giá.
Đánh giá bằng hình thức trắc nghiệm môn Ngữ văn thường áp dụng trong đánh giá diện rộng vì tiết kiệm thời gian, cho kết quả nhanh, khách quan, bao quát được kiến thức, tránh được nạn học tủ, "hạn chế tính chủ quan, cảm tính của người chấm" như công văn 3175 đã nêu. Tuy nhiên độ rủi ro của hình thức kiểm tra trắc nghiệm cũng không phải là ít, nếu không có các điều kiện đảm bảo đi kèm như: phần mềm đảo câu hỏi và đáp án; khoảng cách ngồi giữa các học sinh; sự kiểm soát của người coi thi;và đặc biệt hơn là đề kiểm tra có đảm bảo nguyên tắc, kĩ thuật yêu cầu về viết câu hỏi trắc nghiệm không, giáo viên có được tập huấn kĩ lưỡng không?... Nếu người ra đề "non tay" ở lệnh hỏi và những phương án gây nhiễu, sẽ mất tác dụng của câu hỏi trắc nghiệm, học sinh nhìn vào sẽ tìm ngay được đáp án đúng, và làm như cái máy, thiếu xúc cảm với văn bản.
Theo tôi, hình thức kiểm tra đánh giá bằng trắc nghiệm áp dụng với môn Ngữ văn không nên được khuyến khích hay nhân rộng vì nếu theo mô hình đề minh hoạ trong tài liệu tập huấn của Bộ thì câu hỏi trắc nghiệm chiếm đến 8/10 câu, tương đương với 4/6 điểm. Như vậy, số lượng câu hỏi và điểm cho trắc nghiệm đã chiếm áp đảo trong phần kiểm tra kĩ năng Đọc.
Vấn đề đặt ra, với câu trắc nghiệm nhiều như vậy, nếu không đảm bảo chất lượng, thì liệu có vô tình giới hạn khả năng suy nghĩ của học sinh, có đánh giá hết được khả năng diễn đạt và "phát huy những mặt tích cực của cá tính, trí tưởng tượng, năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học, tư duy hình tượng và tư duy logic; tạo cơ hội để học sinh khám phá, đề xuất ý tưởng và sáng tạo ra sản phẩm mới, gợi mở liên tưởng, tưởng tượng, huy động được vốn sống…" như tinh thần chỉ đạo của công văn 3175 mà Bộ đã nêu hay không?
Điều này thực sự khiến chúng ta cần suy nghĩ để cân nhắc lựa chọn, giảm tỉ lệ giữa trắc nghiệm và tự luận.
Bản thân tôi, thực sự băn khoăn và hoài nghi, cảnh giác với kiểu ra câu hỏi trắc nghiệm chiếm quá nhiều điểm trong một đề như vậy. Đành rằng, câu hỏi trắc nghiệm rất thuận lợi cho việc kiểm tra được nhiều đơn vị kiến thức nhưng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là chương trình phát triển năng lực, quan trọng nhất vẫn là kiểm tra được khả năng vận dụng của học sinh vào hoàn cảnh và ngữ liệu mới như thế nào. Thêm vào đó, khi ngữ liệu kiểm tra nằm ngoài sách giáo khoa, nếu ra tới 8 câu trắc nghiệm thì đề kiểm tra sẽ có nguy cơ dài, lãng phí công sức người ra đề và giấy thi một cách không cần thiết.
Tôi thiết nghĩ chỉ nên ra đề trắc nghiệm với loại văn bản thông tin và văn bản nghị luận khi cần kiểm tra mức độ nhận biết những thông tin bề nổi, và số lượng cũng chỉ nên dừng ở 2 đến 3 câu là vừa. Trên cơ sở nhận biết những thông tin bề nổi của văn bản, học sinh sẽ trả lời tiếp các câu hỏi theo hình thức tự luận để thấu hiểu văn bản, bộc lộ khả năng diễn đạt, trình bày ý tưởng, suy nghĩ, tình cảm, cảm xúc,… Như vậy sẽ phù hợp hơn, mà vẫn đảm bảo việc đáp ứng yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Trước băn khoăn của giáo viên môn Ngữ văn và dư luận về việc đưa trắc nghiệm vào kiểm tra môn Ngữ văn, ngày 18/8/2022, Vụ Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã khẳng định: “Bộ không có văn bản nào hướng dẫn, chỉ đạo bắt buộc sử dụng hình thức trắc nghiệm khách quan kết hợp tự luận trong kiểm tra, đánh giá định kì đối với môn Ngữ văn". Như vậy câu trả lời từ Bộ đã thật rõ ràng, việc kiểm tra đánh giá bằng hình thức nào là tuỳ thuộc vào các mục tiêu và mục đích của chương trình và của các cơ sở giáo dục, không nên quan niệm, hay coi, hoặc lấy mô hình đề tham khảo trong tài liệu tập huấn làm căn cứ mang tính bắt buộc phải theo. Nếu không sẽ xảy ra hiện tượng có nơi đang quan niệm rằng bản đặc tả của tài liệu tập huấn không có yêu cầu kĩ năng viết đoạn, hay tóm tắt văn bản, (ở lớp 7)… nên mặc nhiên cho là kĩ năng đó sẽ không kiểm tra, theo đó, sẽ không ôn luyện cho học sinh.
Vấn đề cần thống nhất ở chỗ, từ sách giáo khoa, người dạy, người học và người ra đề đều phải căn cứ vào yêu cầu cần đạt của chương trình làm chuẩn để thực hiện, chứ không phải căn cứ hoàn toàn ở tài liệu tập huấn. Còn việc lựa chọn hình thức kiểm tra đánh giá như thế nào là việc của cơ quan quản lí các cấp. Khi học sinh được hình thành và rèn luyện tốt các kĩ năng thì việc làm bài kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm hay tự luận (hoặc kết hợp cả hai) không còn trở nên quá quan trọng.