Hơn 10 năm thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục bậc mầm non. Một trong số đó là hệ thống mạng lưới trường, lớp được củng cố, mở rộng và phân bố đến hầu hết các địa bàn dân cư xã, phường, thôn, bản. Từ đó, đáp ứng ngày tốt nhu cầu đưa trẻ đến trường.
Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi luôn được các địa phương đặc biệt quan tâm. (Ảnh: Website Trường Mầm non Chiềng Lề). |
Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố cho thấy, đến cuối năm học 2020-2021, các địa phương đã quan tâm quy hoạch, mở rộng mạng lưới trường, lớp học cho phù hợp với yêu cầu chương trình giáo dục mầm non. Tiến hành rà soát quy hoạch đất đai, dành quỹ đất xây dựng trường, lớp mầm non. Đồng thời, ban hành đề án, chính sách địa phương, đầu tư và huy động nguồn lực phát triển giáo dục mầm non, có chính sách ưu đãi cho thuê đất để mở thêm các trường mầm non tư thục nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ và thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.
Theo kết quả tổng hợp của Bộ Giáo dục và Đào tạo cuối năm 2021, cả nước có 15.480 trường mầm non, tăng 5,8% so với năm 2016.
Để có cái nhìn tổng quát, xét theo các nhóm vùng Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có bảng thống kê tổng hợp số nhóm trẻ tính đến cuối năm học 2020-2021 theo vùng kinh tế như sau:
Dựa vào biểu đồ cho thấy, vùng Đồng bằng Sông Hồng có số lượng nhóm trẻ công lập (8.663) và ngoài công lập (7.318) nhiều nhất.
Trung du và Miền núi phía Bắc có số nhóm trẻ công lập (6.232) chỉ sau Đồng bằng Sông Hồng, số nhóm trẻ ngoài công lập (1.334) đứng thứ 4/6 vùng kinh tế.
Số nhóm trẻ công lập và ngoài công lập còn có chênh lệch lớn ở các vùng như: Tây Nguyên, Đông Nam Bộ; Trung du và Miền núi phía Bắc.
Về số lớp mẫu giáo theo nhóm vùng, căn cứ vào số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có biểu đồ như sau:
Qua biểu đồ trên cho thấy, số lớp mẫu giáo công lập ở vùng Đồng bằng Sông Hồng (31.639) dẫn đầu trong 6 vùng kinh tế, xã hội, và đứng thứ 2 sau Đông Nam Bộ về số lớp mẫu giáo ngoài công lập.
Xếp sau vùng Đồng bằng Sông Hồng về số lớp mẫu giáo công lập là Bắc Trung Bộ và Trung du và Miền núi phía Bắc. Tiếp đó là đến các vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, và Tây Nguyên.
Trung du và Miền núi phía Bắc có số lớp mẫu giáo ngoài công lập ít nhất cả nước (1.105).
Cũng theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong đề án phổ cập giáo dục mầm non, so với năm 2016, số trường ngoài công lập tăng 55,3%. Điều này cho thấy phát triển mạnh mẽ của loại hình trường này cũng như nhu cầu xã hội về giáo dục mầm non.
Các địa phương đã quan tâm đầu tư nguồn lực và có những chính sách thu hút các nhà đầu tư để phát triển loại hình trường ngoài công lập.
Đến năm 2021, một số vùng có tốc độ phát triển trường ngoài công lập khá cao so với năm 2016 như: vùng miền núi phía Bắc tăng 70,7%, tiếp Bắc Trung Bộ tăng 69% và vùng Đông Nam Bộ tăng 61,7%.
Thống kê riêng các số liệu về tỷ lệ nhóm trẻ, tỷ lệ lớp mẫu giáo ngoài công lập của các vùng ta có biểu đồ sau:
Vùng Tây Nguyên chiếm 70,7% tỷ lệ nhóm trẻ ngoài công lập (cao nhất trong 6 vùng), có 24,3% tỷ lệ lớp mẫu giáo ngoài công lập.
Tương tự, Đồng bằng Sông Cửu Long có tỷ lệ nhóm trẻ ngoài công lập là 50,3%, trong khi lớp mẫu giáo ngoài công lập chiếm 13,8%.
Đặc biệt, vùng Đông Nam Bộ có tỷ lệ nhóm trẻ ngoài công lập và lớp mẫu giáo tương đối cân bằng.
Theo thông tin đề án phổ cập giáo dục mầm non trẻ 3-4 tuổi của Bộ Giáo dục và Đào tạo, so sánh số nhóm trẻ công lập và ngoài công lập, nhìn chung, số nhóm trẻ ngoài công lập ít hơn công lập. Duy có một số tỉnh số nhóm trẻ ngoài công lập nhiều hơn công lập như: Hà Nội (4.738), Bắc Giang (461), Hà Tĩnh (203), Đà Nẵng (975), Quảng Nam (922), Phú Yên (241), Khánh Hòa (403), Ninh Thuận (218), Bình Thuận (317), Gia Lai (276), Đắk Lắk (325), Đắk Nông (105)...
Tương tự, số lớp mẫu giáo công lập và ngoài công lập cũng có chênh lệnh. Theo đó, số lớp mẫu giáo công lập nhiều hơn lớp mẫu giáo ngoài công lập. Chỉ có Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh là các địa phương có số lớp mẫu giáo ngoài công lập cao hơn hẳn với số lớp mẫu giáo công lập.
Hà Giang là địa phương có số nhóm/lớp công lập và ngoài công lập không cân bằng nhất. Cụ thể, lớp mẫu giáo công lập có 2 nghìn rưỡi, trong khi không có lớp mẫu giáo ngoài công lập. Nhóm trẻ công lập là 767 và nhóm trẻ ngoài công lập là 29. Tương tự với Cao Bằng, Bắc Kạn, Lai Châu...
Với nhóm trẻ công lập, chiếm số lượng nhiều nhất là Hà Nội (2.223), tiếp đó là tỉnh Thanh Hóa (1.947) và tỉnh Thái Bình (1.005). Tỉnh, thành phố có số lượng nhóm trẻ công lập là Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Quảng Nam, Bạc Liêu...
Hà Nội cũng là địa bàn có số lớp mẫu giáo công lập và nhóm trẻ ngoài công lập đứng đầu trong 63 tỉnh, thành phố lần lượt là 9.778 và 4.738; đứng thứ 2 về số lớp mẫu giáo ngoài công lập là 7.368 (sau Thành phố Hồ Chí Minh).
Với lớp mẫu giáo công lập, 55/63 tỉnh thành có trên 1 nghìn mẫu giáo công lập. Ngay sau Hà Nội là tỉnh Nghệ An (5.392). Chiếm tỷ lệ thấp nhất là Ninh Thuận (568).
Với nhóm trẻ ngoài công lập, có 19/63 tỉnh thành chưa đến 100. Trong đó, chiếm số lượng ít nhất là Hà Giang (29). Đồng thời, Hà Giang cũng là tỉnh có lớp mẫu giáo ngoài công lập đứng cuối cùng trong "bảng xếp hạng" 63 tỉnh thành là 0.
Thành phố Hà Nội có 4.738 nhóm trẻ, "bỏ xa" Thành phố Hồ Chí Minh (2.137) và các tỉnh thành khác như Bình Dương (1.066) về nhóm trẻ ngoài công lập.
Với lớp mẫu giáo ngoài công lập, Thành phố Hồ Chính Minh, Hà Nội có lớp mẫu giáo ngoài công lập trên 7 nghìn, Đà Nẵng hơn 1 nghìn, Bình Dương hơn 2 nghìn và Đồng Nai gần 3 nghìn. 14/63 tỉnh thành chưa đạt mốc 100, đặc biệt, Hà Giang (0), Lai Châu (3), Cao Bằng (5) và Bắc Kạn (6).