Thực trạng công tác giáo dục nghề nghiệp tại Quảng Ninh trong thời gian qua

07/12/2022 09:58
Phạm Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Những năm qua, công tác đào tạo nghề của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 72% (năm 2017) lên 85,85% (năm 2022).

Tốc độ tăng trưởng nhân lực khoảng 18%/năm

Trong những năm qua, việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm sau đào tạo cho lao động trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã có những chuyển biến tích cực.

Theo thống kê của Sở Lao động – Thương Binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh tăng từ 72% (năm 2017) lên 85,85% (năm 2022).

Thực tế hiện nay, dân số toàn tỉnh Quảng Ninh có trên 1.320.000 người, trong đó dân số trong độ tuổi lao động chiếm trên 66%. Tổng số lao động đang làm việc tại tỉnh Quảng Ninh là khoảng 735.000 người.

Toàn tỉnh hiện có 17.142 doanh nghiệp và đơn vị phụ thuộc thu hút hơn 236.000 lao động (hơn 233.000 lao động thuộc các doanh nghiệp đang hoạt động); số doanh nghiệp trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh là 110 dự án.

Hằng năm, lực lượng lao động tỉnh cần bổ sung từ khoảng 30.000 đến 60.000 lao động. Nhu cầu nhân lực dự kiến đến năm 2025 cần 821,94 ngàn người; năm 2030 cần 874,25 ngàn người (tốc độ tăng trưởng trung bình về nhân lực khoảng 18%/năm).

Trong đó, tập trung ở một số lĩnh vực chủ yếu như: Chế biến chế tạo đến năm 2025 cần khoảng 130.000 lao động, đến năm 2030 cần khoảng 180.000 lao động; Vận tải, kho bãi, logictic năm 2025 cần khoảng 62.000 người, đến năm 2030 cần khoảng 71.000 người; Dịch vụ du lịch năm 2025 cần khoảng 170.000 người, đến năm 2030 cần khoảng 210.000 người;…

Riêng chỉ với Khu công nghiệp Texhong Hải Hà, nhu cầu tuyển dụng mới 2022 là 2.400 lao động và đến năm 2025 cần bổ sung 2.500 lao động.

Điều đó một lần nữa khẳng định rằng nhu cầu việc làm tại tỉnh Quảng Ninh là rất lớn tạo nhiều cơ hội tìm hiểu, sự lựa chọn đa dạng cho học sinh, sinh viên.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh Quảng Ninh tăng từ 72% (năm 2017) lên 85,85% (năm 2022)(Ảnh minh hoạ: Phạm Linh)

Tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh Quảng Ninh tăng từ 72% (năm 2017) lên 85,85% (năm 2022)(Ảnh minh hoạ: Phạm Linh)

Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện có có 42 cơ sở giáo dục nghề nghiệp gồm: 6 trường cao đẳng; 1 trường trung cấp; 13 trung tâm Giáo dục ngoại ngữ - giáo dục thường xuyên; 2 trường đại học và 20 đơn vị gồm các đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Trong đó, có 30 cơ sở công lập và 12 cơ sở thuộc doanh nghiệp và được phân bố trên tất cả các huyện, thị xã, thành phố.

Thành phố Hạ Long là địa phương có nhiều cơ sở đào tạo nghề nghiệp đóng trên địa bàn với 18 cơ sở, tiếp theo là thành phố Uông Bí, thị xã Đông Triều và thị xã Quảng Yên với 4 cơ sở.

Hằng năm, các cơ sở đào tạo nghề nghiệp tuyển sinh, đào tạo nghề nghiệp mới trên 36.000 người.

Các đơn vị này tham gia đào tạo 141 ngành, nghề theo 7 nhóm, gồm: nhóm Vận hành, nhóm nghề Điện nước - Sửa chữa - Cơ khí, nhóm Nghề mỏ - Hỗ trợ nghề mỏ, nhóm Du lịch - Dịch vụ, nhóm Nông - Lâm - Ngư nghiệp, nhóm Công nghệ thông tin và nhóm nghề khác.

Nhu cầu việc làm tại tỉnh Quảng Ninh là rất lớn tạo nhiều cơ hội tìm hiểu, sự lựa chọn đa dạng cho học sinh, sinh viên (Ảnh minh hoạ: Phạm Linh)

Nhu cầu việc làm tại tỉnh Quảng Ninh là rất lớn tạo nhiều cơ hội tìm hiểu, sự lựa chọn đa dạng cho học sinh, sinh viên (Ảnh minh hoạ: Phạm Linh)

Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp, tầm nhìn đến năm 2045

Trong 5 năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn dẫn đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI). Trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 72% (năm 2017) lên 85,85% (năm 2022) và tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ tăng từ 40% (năm 2017) lên 46% (năm 2021).

Nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, của người dân và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh trong từng giai đoạn, ngày 28/01/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 37/KH-UBND về việc Thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong đó, đặt ra mục tiêu đến năm 2025, bảo đảm quy mô, cơ cấu ngành, nghề đào tạo cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Chất lượng đào tạo của một số trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4 với một số nghề tiếp cận trình độ các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới. Từ đó, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 87,5%.

Đến năm 2030, tỉnh sẽ tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cho quốc gia đang phát triển, có công nghiệp hiện đại.

Chủ động tham gia vào thị trường đào tạo nhân lực quốc tế; một số trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4, trong đó một số nghề tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20 (nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt trên 90%).

Tầm nhìn đến năm 2045, giáo dục nghề nghiệp của tỉnh Quảng Ninh sẽ đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao của một tỉnh phát triển (Ảnh minh hoạ: Phạm Linh)

Tầm nhìn đến năm 2045, giáo dục nghề nghiệp của tỉnh Quảng Ninh sẽ đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao của một tỉnh phát triển (Ảnh minh hoạ: Phạm Linh)

Ở giai đoạn này, tỉnh dự kiến thu hút 30 - 35% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp; học sinh, sinh viên nữ đạt trên 40% trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh mới.

Toàn tỉnh sẽ có ít nhất 70% cơ sở giáo dục nghề nghiệp và 100% chương trình đào tạo các ngành, nghề trọng điểm đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng.

Bên cạnh đó, phấn đấu 100% nhà giáo đạt chuẩn và khoảng 90% cán bộ quản lý được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng quản lý - quản trị hiện đại.

Tầm nhìn đến năm 2045, giáo dục nghề nghiệp của tỉnh sẽ đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao của một tỉnh phát triển.

Trở thành tỉnh phát triển hàng đầu về giáo dục nghề nghiệp trong khu vực, bắt kịp trình độ tiên tiến của ASEAN, có năng lực cạnh tranh vượt trội ở một số ngành, nghề đào tạo.

Phạm Linh