Ông Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh có báo cáo số 4910/SGDĐT-KHTC, về tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 4/6/2019 của Chính phủ.
Từ 2016 – 2022, thành phố có thêm 30 trường ngoài công lập
Với mục tiêu đảm bảo đủ chỗ học, không còn trường học có cơ sở vật chất yếu kém, mạng lưới trường lớp ở các cấp học, bậc học đã được phủ khắp các phường, xã thành phố Thủ Đức và 21 quận, huyện trên toàn địa bàn thành phố với quy mô phát triển ngày một tăng.
Việc xây dựng trường lớp, tăng cường cơ sở vật chất phục vụ học tập đã góp phần đẩy mạnh việc tổ chức hoạt động dạy học 2 buổi/ngày, đáp ứng yêu cầu theo chương trình mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đến nay, tỷ lệ học 2 buổi/ngày đối với học sinh tiểu học là 74,1%, trung học cơ sở là 63,2% và trung học phổ thông là 95,3%.
Mạng lưới trường ngoài công lập phát triển mạnh, ngày càng mở rộng về quy mô, số lượng, chất lượng đã góp phần tích cực trong việc tạo ra nhiều chỗ học tập, đảm bảo cơ hội học tập cho học sinh, góp phần nâng cao dân trí của người dân, làm giảm đáng kể sức ép về ngân sách cho giáo dục.
Từ năm 2016 đến 2022, thành phố Hồ Chí Minh có thêm 30 trường ngoài công lập (ảnh minh họa: P.L) |
Các trường ngoài công lập góp phần mở rộng quy mô, điều kiện học tập, đáp ứng được nhu cầu học tập đa dạng của học sinh, định hướng học tập trong tương lai, đóng góp đáng kể vào mục tiêu phát triển nguồn nhân lực cho thành phố, bình ổn xã hội.
Việc mở rộng hội nhập quốc tế đã tạo điều kiện cho các trường có yếu tố nước ngoài có nhiều điều kiện phát triển về mọi mặt. Sự gia tăng về số lượng, các loại hình trường ngoài công lập nói chung đã đáp ứng tốt nhu cầu học tập của học sinh thành phố trong những năm qua.
Trong giai đoạn từ năm 2016 – 2022, hệ thống trường lớp ngoài công lập đã thành lập mới 30 trường, với 503 lớp, tổng số tiền đầu tư khoảng 440 tỷ đồng.
Mỗi năm, Thành phố Hồ Chí Minh dành hơn 26% vốn ngân sách cho việc chi thường xuyên, chi cho đầu tư xây dựng mới, sửa chữa và cải tạo, nâng cấp trường học.
Theo quy hoạch mạng lưới trường lớp đến năm 2022, mỗi năm, thành phố đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng khoảng 1.000 phòng học mới, tương ứng với số tiền đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng/năm, trong đó vốn từ ngân sách Nhà nước chiếm khoảng 60%, vốn vay từ quỹ đầu tư và từ các nguồn khác chiếm 15% và vốn xã hội hóa chiếm 25%.
Trẻ em mầm non con công nhân được hỗ trợ 160.000 đồng/tháng
Căn cứ vào Nghị định 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Nghị quyết số 27/2021/NQ-HĐND ngày 9/12/2021 về chính sách phát triển giáo dục mầm non ở địa bàn có khu công nghiệp tại thành phố, thành phố đã quyết định các chính sách như:
Đối với các cơ sở giáo dục mầm non độc lập ở địa bàn có khu công nghiệp được hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất 1 lần, bao gồm trang bị đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học theo danh mục quy định, hỗ trợ kinh phí sửa chữa cơ sở vật chất tối thiếu là 20 triệu đồng/cơ sở, tối đa là 50 triệu đồng/cơ sở.
Chính sách trợ cấp đối với trẻ em mầm non là con của công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp được hộ trợ 160.000 đồng/trẻ/tháng. Thời gian hỗ trợ tính theo số tháng học thực tế, nhưng không quá 9 tháng/năm học.
Chính sách đối với giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp được hỗ trợ 800.000 đồng/tháng. Thời gian hỗ trợ tính theo số tháng dạy thực tế trong năm học. Mức hỗ trợ này nằm ngoài mức lương thỏa thuận giữa chủ cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục với giáo viên, không dùng tính đóng hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.
Nhiều trường học tại Thành phố Hồ Chí Minh đã được công nhận chất lượng kiểm định (ảnh minh họa: V.T.C) |
Giáo viên hỗ trợ giữ trẻ ngoài giờ cho con công nhân tại khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn thành phố được chi 1 giờ làm thêm từ thứ 2 đến thứ 6 là 33.000 đồng/giờ, 1 giờ làm thêm thứ 7 là 44.000 đồng/giờ. Kinh phí ngân sách hỗ trợ chi trả là 50%, 50% kinh phí còn lại là vận động doanh nghiệp hỗ trợ, thu của phụ huynh.
Giờ làm thêm của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên giữ trẻ ngoài giờ không quá 200 giờ/năm, đăng ký tham gia trên tinh thần tự nguyện.
Trên 78% trường học được công nhận kiểm định chất lượng giáo dục
Tính đến năm 2022, thành phố có 128 đơn vị sự nghiệp công lập đã thực hiện tự chủ tài chính, trong đó thực hiện tự chủ 100% chi thường xuyên là 4 đơn vị, đã thực hiện tự chủ một phần chi thường xuyên là 119 đơn vị, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc do Nhà nước đảm bảo 100% chi thường xuyên là 5 đơn vị.
Về tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng, kiểm định chất lượng giáo dục: Tỷ lệ các trường đã được công nhận kiểm định chất lượng giáo dục, cấp học mầm non tỷ lệ này năm 2022 là 92,46%, cấp tiểu học đạt 96,75%, cấp trung học cơ sở là 96,67% và cấp trung học phổ thông là 78,50%, đã góp phần không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.