Cô giáo Hà Nội vượt đỉnh Pù Sâng để dạy tiếng Anh cho học trò ở Sơn La

08/01/2023 06:37
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Từng định bỏ nghề, nhưng rồi vì sự gắn bó với lớp học, cô Quỳnh đã quyết định tạm xa gia đình ở Thủ đô, ngược lên miền núi để làm GV tiếng Anh. 

Chúng tôi có dịp về Sam Kha - xã vùng sâu, vùng xa huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La để tìm hiểu về những ngày vượt khó của các thầy cô giáo trong hành trình gieo chữ.

Đường vào xã Sam Kha khó khăn, vòng vèo, núi cao vây quanh, đứng từ đỉnh đèo Pù Sâng nhìn xuống, thung lũng Sam Kha trông càng thêm nhỏ bé. Địa hình chia cắt cũng làm cho vùng đất Sam Kha trở nên xa xôi với trung tâm huyện Sốp Cộp, khiến việc đi học của các em học sinh ở Sam Kha nhiều nỗi gập ghềnh.

Và lúc đến với Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Sam Kha mới càng thấu hiểu hơn nỗi vất vả của các thầy cô giáo nơi đây trong sự nghiệp giáo dục.

Trường phải bố trí khu bán trú cách khu lớp học hơn 1km, ngay cả ở điểm trường trung tâm, thì vẫn có các lớp học lẻ, phải bố trí nằm rải rác trên từng mỏm đồi.

“Địa hình ở đây nhỏ hẹp, nên trường cũng phải tản mát mỗi nơi bố trí một vài phòng học”, thầy Nguyễn Trung Hiếu – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Những năm trước, khi đường vào còn khó khăn, cuộc sống, sinh hoạt của cả thầy và trò ở Sam Kha rất vất vả. Ở một nơi như vậy, nhưng các thầy cô vẫn kiên trì bám trường, bám bản thực hiện nhiệm vụ giáo dục.

Được sự giới thiệu của Ban Giám hiệu nhà trường, chúng tôi biết đến câu chuyện “ngược non gieo chữ” của cô giáo Phan Thị Thu Quỳnh – giáo viên dạy môn tiếng Anh tại đây.

Cô Quỳnh bảo chuyện của cô không có gì lớn lao cả, chỉ là giống như bao đồng nghiệp khác tại đây, đều vượt qua những khó khăn ban đầu để gắn bó với giáo dục miền núi.

Cô giáo Phan Thị Thu Quỳnh trong một giờ lên lớp. Ảnh: LC

Cô giáo Phan Thị Thu Quỳnh trong một giờ lên lớp. Ảnh: LC

Qua câu chuyện, chúng tôi được biết, gia đình cô giáo Phan Thị Thu Quỳnh (sinh năm 1979) hiện nay đang ở quận Hoàng Mai – Hà Nội.

Trước đây, lúc tốt nghiệp ra trường ở Hà Nội, cô Quỳnh cũng đã trải qua rất nhiều trải nghiệm đối với nghề giáo từ đi dạy tại trường tư đến dạy các trung tâm ngoại ngữ…

“Với chuyên môn ngoại ngữ thì một giáo viên như chúng tôi ở Hà Nội để tìm được nơi dạy học có lẽ không khó. Và thực tế, tôi cũng đã nhiều năm đi dạy ở các trung tâm và trường tư thục như vậy. Nhưng cuộc đời con người có nhiều ngã rẽ. Lên vùng cao dạy học cũng là một ngã rẽ và cho tôi rất nhiều trải nghiệm”, cô Quỳnh cho biết.

Sau hơn 10 năm làm giáo viên tại các trung tâm, giáo viên trường tư và cũng không ít lần định bỏ nghề, đến năm 2017, cô giáo Quỳnh quyết định nộp hồ sơ lên huyện Sốp Cộp để thi tuyển viên chức.

Quyết định bất ngờ của cô Quỳnh đã khiến bạn bè, người thân cảm thấy quá bất ngờ. Bởi nơi cô định chuyển đến công tác là một huyện miền núi còn nhiều vất vả, quá khác với điều kiện sinh hoạt, dạy và học ở Hà Nội.

“Cho đến bây giờ, tôi luôn cảm ơn chồng đã ủng hộ và cho tôi được theo nghề với cả tâm huyết”, cô giáo Quỳnh chia sẻ.

Khi đậu vào ngành, nghe thông báo được phân công về dạy ở trường chỉ cách trung tâm thị trấn Sốp Cộp (huyện Sốp Cộp) tầm 20 – 30 km, cô Quỳnh đã không hình dung được rằng, trường cô dạy còn nhiều khó khăn như vậy.

“Thực sự là khi vào Sam Kha, mọi thứ khác hoàn toàn so với tưởng tưởng. Từ khó khăn đường sá, điều kiện sinh sống, đến khó khăn trong cơ sở vật chất để dạy học”, cô Quỳnh nói.

Cuộc sống nơi vùng đất mới chưa bao giờ là dễ dàng, nhất là khi tạm xa chồng con ở lại Thủ đô để ngược non theo đuổi ước mơ. "Những năm trước, cứ khi trường tổ chức sự kiện cho các em học sinh như Tết Trung thu, Tết Thiếu nhi... tôi lại nghĩ đến con mình. Cũng không ít lần muốn buông bỏ nghề dạy. Nhưng nghĩ đến học trò, nghĩ đến hành trình theo đuổi ước mơ làm giáo viên, tôi lại cố gắng tiếp", cô Quỳnh tâm sự.

Vượt lên tất cả, đến nay, cô giáo Phan Thị Thu Quỳnh cũng đã gắn bó 6 năm với học sinh ở xã vùng khó Sam Kha.

“Các em học sinh ở đây rất ngoan, chịu khó học hỏi. Tuy nhiên, cũng rất vất vả cho các cô giáo khi có sự chênh lệch về ngôn ngữ. Lắm lúc, dạy ngoại ngữ nhưng tôi còn phải nói vui rằng: Mình phải nói đến “tam ngữ” (cả tiếng Anh, tiếng Mông và tiếng Việt) để truyền tải nội dung bài học.

Nhiều lúc học sinh cứ tủm tỉm cười khi thấy cô giáo Hà Nội nói tiếng Mông. Tôi phải bảo các con là: không sao cả, cô giáo học nói tiếng Mông như các em học ngoại ngữ khác vậy, phải mạnh dạn nói, mạnh dạn phát âm thì mới quen dần, mới biết ở đâu sai hoặc chưa tốt để sửa… Cũng từ đó, học sinh cũng mạnh dạn hơn khi giao tiếp với cô”, cô Quỳnh kể.

Học sinh cũng rất tích cực hợp tác với cô giáo trong mỗi giờ học. Ở Sam Kha, đã có học sinh của cô Quỳnh đã đạt học sinh giỏi ngoại ngữ cấp huyện. Cô Quỳnh cũng được Ủy ban nhân dân huyện tặng giấy khen vì những thành tích trong giáo dục của cô đóng góp cho trường, cho địa phương.

Nhiều học sinh người Mông cũng thể hiện niềm yêu thích với ngoại ngữ và tâm sự mai này sẽ trở thành cô giáo tiếng Anh giống cô Quỳnh. “Thấy học sinh nói ước mơ như vậy, tôi cũng cảm thấy hạnh phúc”, cô Quỳnh chia sẻ.

Tuy nhiên, trong quá trình dạy học môn của mình, cô Quỳnh cũng còn đó những trăn trở. Cô thấy nhiều học sinh có ước mơ với ngoại ngữ, muốn tiếp tục con đường học tập lâu dài với bộ môn này, nhưng vì kinh tế gia đình còn eo hẹp, nên chính các em cũng không biết mình có thể theo học lên bậc cao nữa được không.

Vì vậy, cô Quỳnh luôn hi vọng, các em học sinh ở Sam Kha sẽ bớt vất vả, có thể theo đuổi những ước mơ, đặc biệt là ước mơ học ngoại ngữ để góp phần thay đổi vùng phên dậu còn nghèo khó này.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Sam Kha, huyện Sốp Cộp, Sơn La. Ảnh: LC

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Sam Kha, huyện Sốp Cộp, Sơn La. Ảnh: LC

Thầy giáo Nguyễn Trung Hiếu – Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Sam Kha cho biết: "Cô Quỳnh là một trong những giáo viên miền xuôi lên công tác tại Sam Kha. Cô gắn bó với học trò, chịu khó học tiếng Mông để hiểu các em hơn, học sinh luôn quý mến và yêu thích những giờ học của cô".

Trong bối cảnh thiếu giáo viên đặc biệt là giáo viên ngoại ngữ, nhà trường cũng đang cố gắng xin các cấp phê duyệt thêm nhân sự để chia sẻ gánh nặng với các thầy cô giáo tại đây. Với các giáo viên miền xuôi lên, có thể các thầy cô giáo sẽ còn những dự định xa hơn trong tương lai, nhưng thời gian các thầy cô đến với vùng núi, gắn bó và công tác tại đây luôn rất trân trọng, đáng quý.

Chúng tôi luôn động viên và hi vọng các thầy cô sẽ tiếp tục cống hiến cho giáo dục vùng cao".

Trần Phương