Dù cơ sở vật chất còn thiếu thốn nhưng ở huyện miền núi Sốp Cộp (Sơn La), các em học sinh vùng khó khăn vẫn được các cô, thầy chăm sóc bán trú đầy đủ. Ở trường có cơm no, áo ấm giúp các em trong quá trình học tập bớt vất vả hơn.
Nỗ lực cải thiện bữa cơm cho học trò
Từ trung tâm xã lên đến điểm trường bản Huổi My (thuộc Trường Mầm non Sơn Ca – xã Sam Kha) chúng tôi phải vượt qua quãng đường dài 12 km đường núi. Con đường ngoằn nghèo vắt ngang lưng núi với nhiều đoạn dốc khó đi. Huổi My là điểm trường khó khăn nhất của xã vùng cao Sam Kha (huyện Sốp Cộp).
Đường lên bản Huổi My. Ảnh: LC |
Khi chúng tôi đến, cô giáo Lò Thị Hương đang tất bật chuẩn bị bữa cơm bán trú cho 38 học sinh mầm non.
“Hôm nay các cháu ăn gà xào với quả su su. Các cháu cũng được đổi bữa ăn theo từng ngày trong tuần...”, cô giáo Hương tất bật tay vừa băm thịt gà vừa giới thiệu "thực đơn" của các trò nhỏ ở điểm trường cho chúng tôi nghe.
Trường Mầm non Sơn Ca thực hiện chế độ ăn bán trú từ nhiều năm nay. “Từ ngày có bếp ăn bán trú, học sinh đi học đều hơn, các thầy cô giáo cũng đỡ vất vả khi vận động phụ huynh cho học trò đến lớp.
Học sinh mầm non ở Huổi My được hỗ trợ theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP với mức 160.000 đồng/trẻ/tháng. Các cô giáo sẽ nấu 22 bữa ăn/tháng cho các cháu, nghĩa là tính ra, mỗi bữa của các cháu chỉ hơn 7.000 đồng, gạo phụ huynh góp", cô Hương cho biết.
Khi được hỏi mức tiền này có đảm bảo cho học sinh ăn đủ no không, cô giáo Hương nói: “Bây giờ vật giá cao, chúng tôi cố gắng xoay xở. Giá thực phẩm ở vùng sâu, vùng xa này đắt hơn nhiều lần so với ngoài trung tâm. Nên các cô phải tính toán, đảm bảo bữa ăn cho trẻ”.
Với bữa cơm hơn 7.000 đồng/trẻ, các cô giáo ở Huổi My đã phải hết sức cố gắng cân đối để đảm bảo bữa ăn bán trú cho học trò. Ảnh: LC |
Cô giáo Quàng Thị Dương, Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Ca chia sẻ: “Ở xã Sam Kha, phụ huynh học sinh rất ủng hộ tham gia bếp ăn bán trú nên việc vận động các con đến trường, thực hiện ăn bán trú không gặp nhiều khó khăn. Trường có 1 điểm chính và 10 điểm lẻ, ở các điểm lẻ, học sinh tham gia ăn bán trú đạt 100%”.
Tuy nhiên, cũng theo cô Hiệu trưởng, khó khăn chính vẫn là giá thực phẩm tăng cao nên các thầy cô phải tính toán, cân đối khá vất vả. Tại các điểm trường, thầy cô phải tăng gia thêm thực phẩm bằng vườn rau tự trồng. Bớt chi phí tiền rau để các con có thêm chút thịt.
Nhà công vụ của các thầy cô giáo ở Huổi My. Ảnh: LC |
“Chúng tôi ở đây thì mùa nào trồng rau đấy. Mùa trồng được rau xanh thì các cháu có thêm rau xanh, mùa trồng được củ, quả thì các cháu có thực đơn bữa ăn là củ, quả. Đây là các cô tự trồng lấy thêm thực phẩm, chứ không tính vào chi phí bữa ăn của các cháu”, cô giáo Lò Thị Hương chia sẻ.
Các cô cũng mong muốn rằng, mức kinh phí bữa ăn cho trẻ nếu được điều chỉnh phù hợp với vật giá leo thang hiện nay thì bữa cơm các con sẽ đầy đặn hơn…
Vất vả "chia cơm" khi trò đang đến tuổi ăn tuổi lớn
Tại điểm trường khu Nà Trịa bản Huổi Pô, các khay thức ăn của học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Sam Kha được sắp xếp ngay ngắn, đợi đến giờ cơm. Bữa hôm nay, các con được ăn cơm với rau cải, thịt lợn xào và đậu phụ trắng…
Thầy giáo Nguyễn Trung Hiếu – Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Sam Kha cho biết, do đặc thù không có đất để xây dựng tập trung nên trường phải phân ra nhiều cụm điểm bản. Học sinh ở điểm trường Nà Trịa được xây dựng một khu bán trú riêng.
Bữa cơm bán trú tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Sam Kha. Ảnh: LC |
Trước đây, cơ sở vật chất thiếu thốn, bàn ghế và đồ dùng học tập không đủ, việc học hành, ăn uống, nhà trường phải nhờ những hộ dân xung quanh giúp đỡ.
Khi có bếp ăn bán trú, học sinh ở Sam Kha đã bớt khó khăn hơn khi đến lớp. Gạo được hỗ trợ theo chính sách, cấp phát đầy đủ, học sinh nào ăn không hết có thể được mang về.
Tuy nhiên, điều trăn trở của các thầy cô giáo ở Sam Kha chính là việc làm sao để đảm bảo cho học trò có bữa ăn đủ dinh dưỡng, nhất là với những học trò lớp 8, lớp 9 đang tuổi ăn, tuổi lớn.
Tổ chức cho các em một bữa cơm no không khó, nhưng để các em có một bữa cơm có đủ dinh dưỡng, nhất là đang trong độ tuổi cần dinh dưỡng để phát triển là vấn đề các thầy cô trăn trở.
Dù còn khó khăn, các thầy cô vẫn cố gắng lo cho bữa ăn của học sinh bán trú được đầy đủ. Ảnh: LC |
Hiện nay, cũng như các trường bán trú khác, học sinh ở Sam Kha được hưởng chế độ bán trú theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP với mức hỗ trợ tiền ăn bằng 40% mức lương cơ sở, nghĩa là các cháu được hưởng khoảng 596.000 đồng/tháng.
Học sinh được hỗ trợ đều như nhau. Nghĩa là không phân biệt học trò lớp từ 1 đến lớp 9. Để cho các cháu có bữa ăn đủ dinh dưỡng, các thầy cô giáo rất vất vả trong việc cân đối chi tiêu, tính toán thực phẩm, khẩu phần khi giá cả thực phẩm giờ đã khác trước nhiều.
Khay cơm của học trò vùng cao. Từ lớp 1 đến lớp 9 các em đều chỉ được hưởng chung 1 mức hỗ trợ. Ảnh: LC |
Hiện nay, các giáo viên của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Sam Kha vẫn tổ chức tăng gia, trồng rau xanh, nuôi gà, lợn để có thêm nguồn thực phẩm, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng trong bữa ăn cho học sinh.
Tuy nhiên, các thầy cô vẫn mong mỏi, nếu học sinh được hỗ trợ nhiều hơn 1 chút, có lẽ các thầy cô cũng bớt vất vả trong việc “chia cơm” cho học trò, còn các em sẽ có những bữa ăn chất lượng hơn.