Trước thềm năm mới, năm Quý Mão 2023, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã có những chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về những thành tựu nổi bật của ngành giáo dục thành phố trong năm vừa qua.
Xin ông cho biết những thành tựu nổi bật của ngành giáo dục thành phố đã đạt được trong năm 2022?
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu: Trong năm học 2021 – 2022, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm của năm học, được Bộ Giáo dục và Đào tạo trao cờ thi đua, vì đã có các thành tích tiêu biểu, xuất sắc, dẫn đầu phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”.
Ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố tiếp tục hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt là hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn của năm học, không để việc học trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 bị gián đoạn, làm ảnh hưởng đến kết quả dạy và học của các cơ sở giáo dục.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: Website Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh) |
Bên cạnh đó, ngành giáo dục thành phố cũng đẩy mạnh tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong toàn ngành, bằng một loạt các kế hoạch triển khai, hội thảo khoa học, sử dụng các hệ thống, phần mềm ứng dụng vào công tác quản lý, dạy học.
Trong năm 2022, ngành giáo dục thành phố đã trở lại hoạt động bình thường. Học sinh đã được đến trường học trực tiếp sau nhiều tháng phải học trực tuyến. Xin ông cho biết những khó khăn mà các bậc học đã gặp phải trong vấn đề này, các biện pháp khắc phục khó khăn?
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu: Với bậc tiểu học: Từ giữa học kỳ 2 của năm học 2021 – 2022, học sinh tiểu học của thành phố đã được đến trường học trực tiếp. Giáo dục tiểu học của thành phố vào thời điểm đó cũng đứng trước nhiều khó khăn, trong đó khó khăn nhất chính là trong giai đoạn dạy học linh hoạt kết hợp giữa trực tiếp và môi trường học trên internet, học sinh nắm được kiến thức cơ bản, nhưng năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn của nhiều học sinh vẫn còn hạn chế.
Ngoài ra, tình trạng cơ sở vật chất của một số trường học được trưng dụng dành cho công tác phòng chống dịch Covid-19 bị xuống cấp, trang thiết bị hư hỏng cũng làm ảnh hưởng ít nhiều đến công tác giảng dạy.
Để khắc phục những khó khăn này, các cán bộ quản lý, giáo viên đã nỗ lực, động viên nhau cùng dành thêm thời gian để củng cố kiến thức cho học sinh, tăng cường ôn tập cho các em, xây dựng các nội dung, hoạt động thực hành giúp học sinh trau dồi kiến thức, kỹ năng vận dụng.
Trước khi học sinh trở lại học bình thường, các đơn vị trường học đã nhanh chóng sửa chữa các trang thiết bị, vệ sinh trường lớp, phòng học, tái trang bị các đồ dùng dạy học và các thiết bị khác để kịp thời phục vụ cho học sinh học tập.
Với bậc trung học: Khi tình hình dịch Covid-19 đã được kiểm soát, học sinh được đi học trực tiếp trở lại. Các cơ sở giáo dục đã có điều kiện để thực hiện việc cập nhật, bổ sung các nội dung kiến thức, thực hiện các nội dung dạy học theo quy định của chương trình và nội dung giáo dục đòi hỏi giáo viên phải thực hành, thực nghiệm, trải nghiệm thực tế, khắc phục các hạn chế của việc dạy học trực tuyến, thực hiện bổ sung các nội dung kiến thức đã được điều chỉnh, giảm bớt trong thời gian dịch bệnh.
Việc học sinh phải ở nhà kéo dài, không có sự giao lưu, tiếp xúc trực tiếp có phần nào ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, sự phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh và cũng ảnh hưởng phần nào đến sức khỏe thể chất, sức khỏe tâm thần của các em.
Giáo dục trung học thành phố đã hướng dẫn các cơ sở giáo dục, các trường học đã cập nhật, bổ sung các nội dung kiến thức, thực hiện các hoạt động dạy học theo đúng quy định của chương trình, nội dung giáo dục trước đây chưa thực hiện được do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Năm học 2021 – 2022 đã kết thúc đúng với tiến độ quy định. Học sinh cuối cấp của thành phố đã được chuẩn bị tốt, tham dự các kỳ thi với kết quả tốt nhất.
Các cơ sở giáo dục của thành phố cũng đã quan tâm đến sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần của học sinh. Khi có điều kiện, các hoạt động giáo dục, trải nghiệm, thực hành, các hoạt động về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được quan tâm, tổ chức, công tác tư vấn tâm lý trong trường học cũng được chú trọng.
Các bậc học đánh giá như thế nào về sự thích ứng của giáo viên, học sinh trong điều kiện buộc phải thay đổi trong giai đoạn nêu trên. Ông vui lòng cho biết các bài học kinh nghiệm được rút ra, để ứng phó với các trường hợp tương tự có thể xảy ra?
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu: Năm học 2021 – 2022 là một năm học bất thường, khi ngay từ đầu năm học, ngành giáo dục thành phố đã phải chuyển đổi hình thức dạy học trực tiếp sang trực tuyến. Để có thể duy trì chất lượng dạy và học, bằng nhiều giải pháp khác nhau, giáo dục của thành phố đã cùng nhau vượt qua nhiều khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Những khó khăn trong năm vừa rồi cũng đồng thời mở ra một cơ hội, thách thức để giáo viên phát huy năng lực cá nhân, tự nâng cao năng lực dạy và học.
Bằng cách ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số một cách hiệu quả, các cơ sở giáo dục đã thực hiện thích ứng linh hoạt để tổ chức dạy học, đạt được đúng mục tiêu đã đề ra,
Những bài học kinh nghiệm rút ra: Trong mọi tình huống, hoàn cảnh, cán bộ quản lý phải luôn sâu sát với giáo viên, kịp thời đưa ra những hướng dẫn, điều chỉnh hoạt động dạy học cụ thể, phù hợp.
Việc chuyển đổi dạy học trực tiếp sang trực tuyến cũng là một cơ hội để phát hiện năng lực ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học của giáo viên, đặt giáo viên vào tình huống phải tự mình nâng cao năng lực cá nhân để đáp ứng yêu cầu dạy học.
Đồng thời, cần có sự hợp tác chặt chẽ của nhiều nguồn lực, để xây dựng hệ thống kho học liệu số phục vụ cho hoạt động dạy và học.
Ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học và quản lý là một nội dung cần phải thực hiện tốt, phát huy hiệu quả của công nghệ thông tin, đáp ứng kịp thời xu thế chuyển đổi số toàn cầu do tác động từ Cách mạng công nghệ 4.0. Tất cả các cán bộ, giáo viên ngành giáo dục đều phải tham gia vào hoạt động này nếu không muốn bị bỏ rơi lại phía sau.
Là một thành phố có số học sinh đông bậc nhất cả nước, là nơi có rất nhiều cơ sở đào tạo sư phạm, nhưng cũng lại là địa phương thiếu giáo viên trầm trọng.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất hiện nay của ngành giáo dục thành phố cũng chưa đáp ứng tốt cho việc dạy học 2 buổi/ngày theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Xin ông cho biết hướng giải quyết vấn đề này trong năm 2023, và những năm tiếp theo?
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu: Về vấn đề giáo viên: Việc thiếu nguồn giáo viên tuyển dụng hiện nay chỉ tập trung vào một số bộ môn như: Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật. Để giải quyết vấn đề này, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố trong năm 2023 dự kiến sẽ thực hiện những nội dung sau:
Phối hợp đặt hàng đào tạo đối với một số trường đại học có ngành đào tạo giáo viên theo quy định tại Nghị định số 116/20202/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ. Thành phố đã giao dự toán kinh phí giao nhiệm vụ, đặt hàng đào tạo giáo viên theo nhu cầu xã hội quy định tại Nghị định số 116/2020.
Tổ chức tuyển dụng giáo viên bằng nhiều hình thức: Ưu tiên hình thức xem xét, tiếp nhận vào làm viên chức đối với các trường hợp đủ điều kiện theo quy định, hình thức xét tuyển viên chức.
Tiếp tục hướng dẫn Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện và Thành phố Thủ Đức tham mưu Ủy ban nhân dân các cấp, các đơn vị trực thuộc Sở chủ động liên kết để chia sẻ giáo viên thỉnh giảng, hoặc ký kết hợp đồng lao động ngắn hạn (theo quy định tại Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 3/7/2020 của Chính phủ về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế), với điều kiện đặt ra là các trường hợp này phải đáp ứng được các điều kiện tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với cấp học.
Về cơ sở vật chất: Mặc dù thành phố đã đặc biệt quan tâm trong việc ưu tiên bố trí ngân sách đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng trường học. Riêng trong năm 2022, thành phố đã đưa vào sử dụng 51 dự án với 874 phòng học mới, với tổng mức đầu tư là 2.262,530 tỷ đồng, góp phần vào việc đảm bảo 100% trẻ em trong độ tuổi đi học trên địa bàn thành phố được đến trường (không phân biệt đối tượng cư trú, hoàn cảnh).
Tuy nhiên, việc này vẫn chưa đáp ứng được tốt điều kiện cơ sở vật chất cho việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Nguyên nhân của việc này là do áp lực gia tăng dân số cơ học, khả năng cân đối ngân sách đầu tư chưa đáp ứng, quá trình thực hiện kế hoạch đầu tư công kéo dài, trong 2 năm là 2021, 2022 thì dịch bệnh Covid-19 kéo dài làm cho nhiều cơ sở giáo dục ngoài công lập giải thể.
Những giải pháp sẽ thực hiện trong năm 2023 và những năm tiếp theo: Tổ chức nhiều Hội nghị về chuyên đề đầu tư xây dựng trường lớp nhằm mục tiêu để phân tích, đánh giá thực trạng mạng lưới giáo dục, những khó khăn, nguyên nhân làm ảnh hưởng đến công tác đầu tư, phát triển trường lớp.
Từ đó sẽ đề xuất các giải pháp tối ưu, hiệu quả trong đẩy mạnh đầu tư phát triển mạng lưới trường lớp, tăng thêm số lượng phòng học trong giai đoạn năm 2023 – 2025.
Phối hợp với các cơ quan, Sở ban ngành khác của thành phố, các đơn vị có liên quan xác định các nhóm giải pháp mang tính hiệu quả, khả thi và phù hợp.
Đẩy mạnh việc xã hội hóa giáo dục, tham mưu thành phố ban hành các chính sách hỗ trợ cụ thể, nhằm tháo gỡ được các vướng mắc, khó khăn để đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, phát triển các trường phổ thông nhiều cấp học, bậc học có vốn đầu tư của tư nhân trong và ngoài nước.
Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu!