Học sinh lớp 6,7 “than trời” vì lịch học 5 tiết từ thứ 2 đến thứ 7

06/02/2023 06:48
Kim Thu
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng tiếp thu bài của học sinh, có thể ảnh hưởng đến tâm lý, thần kinh các em.

Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 đang thực hiện ở bậc trung học cơ sở với khối lớp 6, 7.

Quá trình thực hiện chương trình mới ở bậc trung học cơ sở được cho là có nhiều phức tạp, rối rắm với các môn tích hợp, giáo dục địa phương, trải nghiệm, hướng nghiệp,..

Thêm một vấn đề hiện nay đang khiến học sinh lớp 6, 7 đang rất quá tải với việc phải học từ thứ 2 đến thứ 7 mỗi ngày 5 tiết, suốt 6 ngày, chưa kể học 2 tiết giáo dục thể chất trái buổi.

Số môn học, số tiết học của học sinh trung học cơ sở

Nội dung giáo dục cấp trung học cơ sở gồm 12 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc: Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục công dân; Lịch sử và Địa lý; Khoa học tự nhiên; Công nghệ; Tin học; Giáo dục thể chất; Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật); Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương và 2 môn học tự chọn là Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.

Mỗi môn học Công nghệ, Tin học, Giáo dục thể chất được thiết kế thành các học phần. Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được thiết kế thành các chủ đề. Học sinh được lựa chọn học phần, chủ đề phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường.

Điểm mới nhất của kế hoạch giáo dục cấp Trung học cơ sở chính là nội dung hướng nghiệp được yêu cầu tích hợp vào các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc.

Các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc đều tích hợp nội dung giáo dục hướng nghiệp; ở lớp 8 và lớp 9, các môn học Công nghệ, Tin học, Khoa học tự nhiên, Nghệ thuật, Giáo dục công dân, Hoạt động trải nghiệm và Nội dung giáo dục của địa phương có học phần hoặc chủ đề về nội dung giáo dục hướng nghiệp.

Thời lượng: Mỗi ngày học 1 buổi, mỗi buổi không bố trí quá 5 tiết học. Mỗi tiết học 45 phút, giữa các tiết học có thời gian nghỉ. Khuyến khích các trường trung học cơ sở đủ điều kiện thực hiện dạy học 2 buổi/ngày theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Vì sao học sinh lớp 6, 7 gần như học mỗi ngày 5 tiết từ thứ 2 đến thứ 7?

Thiết kế chương trình mới không quy định số tiết/ tuần chỉ quy định số tiết/năm học để tạo điều kiện cho các trường tự linh động sắp xếp, miễn sao đảm bảo giảng dạy đủ số tiết/năm học.

Tuy nhiên, gần như chưa có hướng dẫn cụ thể, các trường trong cả nước đa số cũng phân công theo số tiết tương ứng/tuần, với khung quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo là một năm thực dạy 35 tuần

Với thiết kế chương trình mới ở lớp 6, 7 là 29 tiết/tuần (chưa kể môn tự chọn), bên cạnh đó học sinh phải dự 1 tiết sinh hoạt dưới cờ, 1 tiết sinh hoạt lớp cuối tuần nên sẽ có 2 trường hợp xảy ra:

Nếu có dạy môn tự chọn tương ứng 3 tiết/tuần, tổng số tiết học sinh phải học, hoạt động là 34 tiết/tuần.

Nếu không dạy môn tự chọn, tổng số tiết học sinh phải học, hoạt động là 31 tiết/tuần.

Có thể thấy, một tuần học sinh học từ thứ 2 đến thứ 7 là 6 ngày, nếu mỗi ngày 5 tiết thì chỉ có sắp được 30 tiết.

Trường nào có dạy môn tự chọn với 34 tiết nếu dạy buổi có thể phải sắp xếp 4 ngày 5 tiết, thêm 2 ngày có 6 tiết (trái với quy định mỗi buổi không bố trí quá 5 tiết học), tổng cộng 32 tiết cộng với dạy môn giáo dục thể chất (2 tiết/tuần) trái buổi thì mới đảm bảo.

Trường không dạy môn tự chọn với thời lượng 31 tiết mỗi tuần cũng gần như xếp kín lịch từ thứ 2 đến thứ 7 mỗi buổi 5 tiết.

Thời gian tới, lớp 8, 9 học 29,5 tiết/tuần, cộng với 2 tiết sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, sẽ là 31,5 tiết/tuần thì lịch học còn dày đặc hơn.

Chương trình mới hướng đến học sinh học 2 buổi/ngày nhưng do điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, nhiều nơi chưa thể dạy như vậy, nên đa số chỉ dạy 1 buổi, học sinh học quá tải với chương trình mới.

Với học sinh lứa tuổi trung học cơ sở, cần thời gian học tập, nghỉ ngơi hợp lý, khoa học nên với lịch học như trên học sinh đã rất mệt mỏi, không thể tiếp thu kiến thức với lịch học dày đặc như trên.

Tôi đã trao đổi nhiều em học sinh lớp 6, 7 các em cho rằng với lịch học như trên các em vô cùng áp lực, quá tải. Các em không thể tiếp thu bài tốt, nhất là ở những tiết 4, 5.

Mong muốn của các em là được học với lịch học có thời gian học tập, nghỉ ngơi hợp lý, nếu học mỗi ngày 5 tiết suốt 6 ngày liên tiếp, các em cho rằng lợi bất cập hại.

Người viết là giáo viên dạy lớp 6, 7 nhận thấy với lịch học như trên học sinh đã rất mệt mỏi, sau tiết 4, 5 các em bơ phờ, khả năng tiếp thu bài vô cùng hạn chế.

Nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng tiếp thu bài của học sinh, có thể ảnh hưởng đến tâm lý, thần kinh các em.

Nên, người viết cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo nên quy định rõ nếu đơn vị nào tổ chức dạy 2 buổi/ngày thì có thể học với số tiết trên, nếu chưa tổ chức được 2 buổi ngày thì phải giảm tải một số tiết học, hoạt động, không thể để tình trạng học sinh học từ thứ 2 đến thứ 7 mỗi ngày 5 tiết.

Chúng ta kỳ vọng vào việc thực hiện chương trình mới sẽ giảm tải kiến thức, học sinh hạn chế học thêm tràn lan, được tham gia các hoạt động nhiều hơn, sẽ tăng tính tích cực, trải nghiệm,…nhưng hiện nay lại có tình trạng quá tải cho cả thầy lẫn trò, khó khăn cho các trường.

Ngoài việc quá tải với lịch học dày đặc, học sinh bậc trung học cơ sở hiện nay còn gặp nhiều vấn đề trong việc tiếp thu bài thông qua các môn tích hợp Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Trải nghiệm, hướng nghiệp, Giáo dục địa phương,…do không có giáo viên chuyên giảng dạy, kiến thức rời rạc,…

Rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm có những giải pháp quyết liệt, căn cơ để việc thực hiện chương trình mới được thực chất, hiệu quả, đem lại niềm tin trong nhân dân.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Kim Thu