Bộ Giáo dục đã giảm tải chương trình, sao có địa phương vẫn tăng tiết học?

12/06/2022 06:30
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chương trình mới đã quy định dạy 9 buổi/tuần nhưng vì sao việc dạy học 2 buổi/ngày không có được sự thống nhất của toàn ngành mà vẫn mỗi nơi thực hiện một kiểu?

Năm học 2021-2022 là năm thứ 2 thực hiện giảng dạy theo chương trình mới ở hai khối lớp (khối 1 và khối 2). Mục tiêu mà chương trình mới đưa ra là giảm áp lực học tập, có điều kiện tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí cho học sinh nhiều hơn tuy nhiên thực tế triển khai ra sao? Theo người viết nhận thấy, mục tiêu này ở một số nơi như cách triển khai hiện nay khó đạt được.

Nguyên nhân là do một số địa phương không thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Giáo dục về việc bố trí các buổi học trong tuần, dẫn đến học sinh phải học tăng tiết, tăng buổi, thậm chí còn học cả ngày thứ Bảy.

Bộ Giáo dục đã giảm tải chương trình sao địa phương lại tăng buổi, tăng tiết học?

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã cho biết: “Trong chương trình mới, thời lượng giáo dục 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học; mỗi tiết học 35 phút (có hướng dẫn riêng cho các trường chưa đủ điều kiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày).

Ở tiểu học, học sinh học 2.838 giờ. Theo chương trình cũ, học sinh học 2.353 giờ. Chương trình mới là chương trình học 2 buổi/ngày (9 buổi/tuần), tính trung bình học sinh học 1,8 giờ/lớp/buổi học; có điều kiện tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí nhiều hơn”.[1]

Học sinh tiểu học ở thị xã La Gi đang học 10 buổi/tuần. (Ảnh tác giả)

Học sinh tiểu học ở thị xã La Gi đang học 10 buổi/tuần. (Ảnh tác giả)

Hiện nay, chương trình mới bậc tiểu học đã được triển khai ở 2 khối lớp 1 và 2. Tuy nhiên, ngoài các trường chưa đủ điều kiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày (đã có hướng dẫn riêng về chương trình) thì vẫn có những địa phương tổ chức cho học sinh học vượt số buổi và giờ học theo quy định.

Điều này không chỉ gây áp lực cho học sinh mà chính giáo viên cũng không còn thời gian để nghiên cứu chương trình, để sinh hoạt chuyên môn.

Mỗi nơi triển khai mỗi khác

Không nói đến những trường chưa đảm bảo cơ sở vật chất để triển khai việc dạy học 2 buổi/ngày theo quy định. Vì thế, có trường chỉ dạy được 5 buổi/tuần, trường lại dạy 6 hoặc 7 buổi/tuần.

Ở bài viết này, chúng tôi nói đến những trường học có đầy đủ điều kiện để tổ chức việc dạy học 2 buổi/ngày.

Đồng nghiệp của người viết ở nhiều địa phương cho biết, các trường tiểu học nơi đó chỉ bố trí dạy và học 9 buổi/tuần đúng như quy định của chương trình mới.

Tuy nhiên, tại địa phương chúng tôi học sinh vẫn phải học 10 buổi/tuần (nghĩa là tăng 1 buổi theo quy định). Việc bố trí dạy thêm một buổi đã dẫn đến khá nhiều bất cập cho giáo viên, học sinh và cả phụ huynh.

Bất cập khi dạy 10 buổi/tuần

Học sinh quá tải việc học, đi học cả thứ Bảy để thao giảng dự giờ

Mỗi tuần học sinh phải học tăng thêm 1 buổi (khoảng 3 tiết), cả năm học các em phải học tăng 105 tiết (có 35 tuần x 3 = 105 tiết).

Ngoài việc phải học tăng tiết, học sinh phải đi học tăng thêm 35 buổi/năm. Điều này đã kéo theo việc thi thoảng các em phải đi học luôn sáng thứ Bảy để thao giảng dự giờ.

Những trường học tổ chức dạy 9 buổi/tuần sẽ dành 1 buổi trong tuần (chiều thứ 5, hoặc chiều thứ 6) để sinh hoạt chuyên môn.

Do học 9 buổi/tuần, học sinh sẽ đi học dự giờ chuyên đề, dự thao hội giảng vào một buổi nghỉ trong tuần nên các em được nghỉ trọn 2 ngày cuối tuần. Riêng nơi học 10 buổi/tuần, học sinh phải đi học dự giờ vào sáng thứ Bảy. Việc bắt các em nhỏ đi học thêm một buổi vào sáng thứ Bảy để dự giờ đã gây không ít khó khăn cho cả phụ huynh và giáo viên.

Có phụ huynh than phiền và trực tiếp chia sẻ với người viết, con đi học cả tuần phải dậy sớm nên trông được ngày thứ Bảy ngủ trễ một tý lại bị gọi dậy đi học dự giờ. Có bé gọi hoài không muốn dậy, hoặc dậy rồi tới lớp vẫn còn ngáp ngắn ngáp dài vì muốn ngủ. Có phụ huynh đi làm ngày thứ Bảy nhưng phải nghỉ làm vì bận đưa đón con tới trường.

Giáo viên không còn thời gian sinh hoạt chuyên môn

Về phần giáo viên, do phải dạy 10 buổi/tuần nên sinh hoạt chuyên môn phải tổ chức vào sáng thứ Bảy. Có tuần kẹt lịch dự giờ, nhà trường phải tổ chức các cuộc họp chuyên môn trường hoặc hội đồng vào chiều thứ Bảy. Thế là, ngày nghỉ cuối tuần nhưng giáo viên vẫn phải đi dạy và hội họp cả ngày.

Phụ huynh mất thêm một khoản tiền

Chương trình mới quy định học sinh tiểu học sẽ học 9 buổi/tuần khác với chương trình hiện hành chỉ dạy 5 buổi/tuần. Nếu đảm bảo đúng như quy định, nhà trường không phải thu thêm tiền từ phụ huynh để hỗ trợ việc dạy tăng tiết cho giáo viên.

Từng trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) nêu, dạy 2 buổi/ngày của chương trình mới sẽ khác 2 buổi/ngày của chương trình hiện hành với những định mức khác nhau vì sự tinh giản, tích hợp.

Trong trường hợp không đủ người, giáo viên phải cáng đáng thêm, làm thêm một chút thời gian thì có thể được trả thêm lương thừa giờ.

Nghĩa là, nhà nước sẽ chi trả tiền cho những tiết dạy vượt quy định do học sinh học 2 buổi/ngày chứ không phải lấy tiền từ hầu bao của phụ huynh như trước đây. [2]

Tuy nhiên trong thực tế, nhiều trường học đang buộc phụ huynh phải đóng thêm tiền buổi chiều để chi hỗ trợ cho giáo viên dạy vượt tiết. Điều này, đang trái ngược với những gì mà đại diện Cục Nhà giáo từng nói.

Bộ Giáo dục cần có sự chỉ đạo thống nhất

Khi xây dựng chương trình mới cho học sinh tiểu học học 9 buổi/tuần, các nhà giáo dục đã tính toán rất kỹ về lượng kiến thức cần đạt và tính vừa sức của học sinh.

Việc những địa phương sắp xếp cho học sinh học thêm 1 buổi/tuần (một buổi chiều khoảng 3 tiết) thì một năm học 35 tuần sẽ phải tăng 105 tiết. Việc này, không chỉ tăng nhiều về lượng kiến thức mà còn tăng thêm cả thời gian như chúng tôi vừa phân tích ở trên.

Để giảm áp lực cho học sinh, để thực hiện đúng tinh thần của chương trình mới, để phụ huynh không phải gồng thêm một khoản tiền trường và để giáo viên có thêm thời gian đầu tư cho chuyên môn, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có một hướng dẫn cụ thể rõ ràng cho những trường học đủ điều kiện dạy 2 buổi/ngày chỉ dạy tối đa 9 buổi/tuần là được.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://www.baoapbac.vn/giao-duc/201812/chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi-giam-tai-phat-trien-nang-luc-hoc-sinh-831461

[2] https://etep.moet.gov.vn/tintuc/chitiet?Id=1085

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết