Địa phương mong Bộ Giáo dục sớm quy định tính pháp lý của học bạ điện tử

05/03/2023 06:42
Kim Ngọc
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Muốn triển khai học bạ điện tử thành công, cần có nền tảng phần mềm chung và cần có sự điều hành thống nhất từ Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Việc triển khai học bạ điện tử không chỉ góp phần làm đơn giản hoá các thủ tục, công việc cho giáo viên mà còn nâng cao hiệu quả quản lý cũng như chất lượng đào tạo toàn diện.

Tuy nhiên, dù đã nhiều năm triển khai nhưng đến nay, nhiều địa phương vẫn chưa thực hiện được, trong khi một số địa phương phải sử dụng đồng thời học bạ điện tử và học bạ giấy.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Châu Tuấn Hồng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng cho biết, theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỉnh Sóc Trăng cũng đã thông tin đến các trường để các trường nghiên cứu thực hiện triển khai học bạ điện tử.

Hiện các trường đều đang quản lý học sinh theo các phần mềm khác nhau, việc thực hiện không quá khó khăn. Tuy nhiên, vấn đề vướng mắc là chưa có một nền tảng, hệ thống phần mềm dùng chung cho tất cả các trường học trên địa bàn tỉnh.

Nhiều địa phương vẫn song song dùng học bạ điện tử và học bạ giấy. (Ảnh minh hoạ: Báo điện tử VTV)

Nhiều địa phương vẫn song song dùng học bạ điện tử và học bạ giấy. (Ảnh minh hoạ: Báo điện tử VTV)

“Dùng học bạ điện tử nhưng cuối cùng thầy cô vẫn phải in ra giấy, vẫn phải ký tên bằng tay và khi chuyển hồ sơ học sinh vẫn phải sử dụng học bạ giấy.

Vì mỗi trường học sử dụng một phần mềm khác nhau nên học bạ điện tử chỉ có thể sử dụng, lưu hành và quản lý trong nội bộ trường học, chưa thể kết nối với các trường học khác cũng như những đơn vị bên ngoài. Đây là một vướng mắc lớn nhất trong quá trình triển khai.

Thời điểm hiện tại, dù nhiều trường đã thực hiện số hoá trong quản lý thì việc sử dụng học bạ giấy vẫn rất cần thiết”, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng khẳng định.

Theo ông Hồng, việc tồn tại đồng thời học bạ điện tử và học bạ giấy không gây nhiều khó khăn cho giáo viên. Vì học bạ giấy cũng chỉ cần in ra từ hệ thống quản lý, nếu trước đây giáo viên phải tự điền điểm của học sinh vào sổ thì nay thầy cô đều đã nhập điểm lên hệ thống, cuối năm chỉ cần in và đóng dấu, ký tên.

Muốn thực hiện tốt học bạ điện tử, cần thực hiện đồng bộ giữa các tỉnh thành trên cả nước, và cần có sự điều hành thống nhất từ Bộ Giáo dục và Đào tạo.

“Được biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lấy ý kiến và đang triển khai để sớm thống nhất phần mềm quản lý chung, tuy nhiên, vẫn chưa biết thời điểm nào chính thức thực hiện.

Chúng tôi rất ủng hộ chủ trương này của Bộ và kỳ vọng việc thực hiện học bạ điện tử sẽ sớm đi vào thực tiễn, triển khai đồng bộ trên cả nước.

Khi đó, việc quản lý học sinh sẽ đơn giản hơn, bớt các thủ tục rườm rà, đặc biệt là việc quản lý học sinh đi đến các địa phương khác nhau sẽ trở nên dễ dàng hơn, thông tin cập nhật đầy đủ hơn”, ông Hồng cho hay.

Cùng bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Tân - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế cho biết, địa phương này đã triển khai tất cả các hồ sơ điện tử, rất thuận lợi cho thầy cô, nên nhận được sự đồng tình cao từ lãnh đạo, quản lý đến các giáo viên ở các trường học.

Ông Nguyễn Tân - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế. Ảnh: NVCC

Ông Nguyễn Tân - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế. Ảnh: NVCC

Tuy nhiên, địa phương vẫn phải sử dụng song song học bạ điện tử và học bạ giấy vì hệ thống trên toàn quốc chưa đồng bộ và chưa liên kết được với nhau. Khi học sinh có nguyện vọng chuyển trường đến các địa phương khác thì vẫn phải sử dụng học bạ giấy.

Tỉnh Thừa Thiên Huế có nền tảng Hue-S, ngành giáo dục cũng thực hiện chuyển đổi số trên nền tảng này, khi giáo viên nhập điểm số của học sinh, phụ huynh cũng có thể cập nhật nhanh chóng, thông tin đảm bảo công khai, minh bạch và không xảy ra hiện tượng sửa điểm.

Theo đó, mỗi học sinh đều có mã định danh, mật khẩu đăng nhập riêng nên phụ huynh, học sinh cũng chỉ được xem thông tin của con em mình và không xem được của người khác, đảm bảo bảo mật thông tin cá nhân.

Việc triển khai được học bạ điện tử trên nền tảng Hue-S cũng giúp cho công tác tuyển sinh hằng năm đầu cấp trở nên đơn giản hơn, phụ huynh học sinh không cần nộp hồ sơ trực tiếp tại trường học, giảm bớt các thủ tục giấy tờ.

Tuy nhiên, việc triển khai học bạ điện tử và ứng dụng chuyển đổi số trong trường học cũng đặt ra thách thức mới về vấn đề quản lý ở mỗi trường học.

Các lãnh đạo trường phải có sự quản lý chặt chẽ khi vận hành hệ thống này, quy định cụ thể thời gian được phép vào hệ thống, khi phát sinh trường hợp chính đáng cần được điều chỉnh sửa điểm do sai sót thì cần phải có hội đồng chứng kiến và quản lý chặt chẽ. Như vậy phải tăng cường công tác quản lý, đảm bảo công khai, minh bạch, rõ ràng và công bằng cho học sinh.

“Chúng tôi kỳ vọng học bạ điện tử sớm được triển khai đồng bộ, thống nhất, đến thời điểm có quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định tính pháp lý của học bạ điện tử thì ngành giáo dục các địa phương sẽ cắt giảm học bạ giấy. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho công tác quản lý của các trường học và các địa phương, hoạt động tuyển sinh các cấp cũng được đơn giản hoá, bớt các khâu giấy tờ cho học sinh”, ông Tân chia sẻ.

Kim Ngọc