Thanh tra Sở GD lúng túng khi thanh, kiểm tra về dạy thêm, học thêm

08/10/2022 06:45
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Khó khăn trong thanh, kiểm tra, Chánh Thanh tra Sở kiến nghị ngành giáo dục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế một số quy định. 

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một cán bộ Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn đã chia sẻ về những vướng mắc trong thực tiễn quá trình triển khai công tác thanh, kiểm tra, đồng thời chủ động đề xuất kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung và thay thế một số quy định Thông tư nhằm tạo thuận lợi trong công tác thanh tra, kiểm tra trong thời gian tới.

Dù công tác thanh tra, kiểm tra đang còn nhiều khó khăn, nhưng bằng sự chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt, khoa học, việc thanh, kiểm tra của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn luôn được thực hiện theo đúng quy định tại Khoản 1 Điều 29 Thông tư 06/2021/TT-TTCP ngày 1/10/2021 của Thanh tra Chính phủ, quy định về tổ chức, hoạt động của Đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra.

Thanh, kiểm tra bám sát hướng dẫn của Bộ và Thanh tra tỉnh

Trong những năm học vừa qua, công tác thanh, kiểm tra của Sở được tiến hành căn cứ vào các văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Thanh tra tỉnh Lạng Sơn.

“Thanh tra Sở tham mưu Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch thanh tra theo từng năm học. Căn cứ kế hoạch phê duyệt này, Thanh tra Sở xây dựng kế hoạch thanh tra và tổ chức triển khai thực hiện các cuộc thanh tra theo đúng quy định pháp luật, tiến trình kế hoạch”, vị này chia sẻ.

Các em học sinh Trường Trung học phổ thông Việt Bắc, tỉnh Lạng Sơn (Ảnh: Website nhà trường).

Các em học sinh Trường Trung học phổ thông Việt Bắc, tỉnh Lạng Sơn (Ảnh: Website nhà trường).

Tổng hợp báo cáo kết quả sau thanh tra cho thấy, năm học 2021-2022, Thanh tra Sở tiến hành 4 cuộc thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch đối với 7 đơn vị.

Đối với Phòng Giáo dục và Đào tạo: Thanh tra Sở tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, chính sách phát triển giáo dục trên địa bàn huyện. Tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện thành lập, cho phép thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể cơ sở giáo dục.

Thực hiện chỉ tiêu biên chế, số lượng, trình độ và công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo ở các cấp học. Công khai trong lĩnh vực giáo dục; tuyên truyền phổ biến pháp luật về giáo dục. Chỉ đạo việc thực hiện quy chế chuyên môn, nội dung, phương pháp giáo dục, triển khai dạy học trực tuyến. Đồng thời, chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất cho thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, lựa chọn sách giáo khoa. Chỉ đạo và thực hiện công tác kiểm tra, kiểm tra nội bộ, đẩy mạnh chuyển đổi số.

Đối với các cơ sở giáo dục: Thanh tra Sở tham mưu ban hành văn bản quản lý nội bộ, thực hiện các quy định về công khai, kiểm tra nội bộ. Quản lý, thực hiện quy chế chuyên môn, nội dung, phương pháp giáo dục, quản lý, sử dụng sách giáo khoa, tài liệu giáo dục, thiết bị dạy học. Đặc biệt, chỉ đạo làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Chú trọng dạy học trực tuyến, đảm bảo an toàn trường học trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.

Cũng theo vị này, công tác xây dựng kế hoạch thanh tra cũng được tổ chức nghiêm túc, chặt chẽ vào đầu năm học 2022-2023. Cụ thể, Thanh tra Sở tham mưu Giám đốc Sở ban hành Quyết định số 1148/QĐ-SGDĐT ngày 14/9/2022 về Việc phê duyệt Kế hoạch thanh tra năm học 2022-2023 của Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo.

“Năm học 2022-2023 tiến hành thanh tra hành chính 2 cuộc/4 đơn vị; thanh tra chuyên ngành 8 cuộc/13 đơn vị; thanh tra thi 9 cuộc. Hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo thành lập 4 Đoàn kiểm tra nhiệm vụ đầu năm học đối với 11 huyện, thành phố của tỉnh”, cán bộ Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo Lạng Sơn chia sẻ.

Kịp thời đề xuất các biện pháp xử lý sai phạm

Cụ thể, Thanh tra Sở đã phát hiện những sai phạm trong năm học vừa qua và kịp thời đề xuất biện pháp xử lý.

Về thực tế phát hiện vi phạm tại cơ sở, đơn vị:

Một số giáo viên chưa làm tròn trách nhiệm được giao dẫn đến vi phạm quy chế chuyên môn.

Một số cán bộ quản lý giáo dục chưa thực sự gương mẫu, chưa sát sao trong công tác quản lý và chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ năm học dẫn tới xuất hiện hành vi vi phạm của giáo viên. Cá biệt, có cán bộ quản lý chưa chặt chẽ trong phát hiện những vi phạm tại cơ sở. Có trường hợp phát hiện giáo viên vi phạm nhưng chưa quyết liệt xử lý.

Về biện pháp khắc phục, xử lý:

Phát hiện những vi phạm kể trên, Thanh tra Sở kiến nghị xử lý kỷ luật đối với giáo viên vi phạm quy chế chuyên môn với tổng số 3 giáo viên cấp trung học cơ sở. Đồng thời, tiến hành nhắc nhở, phê bình và đề nghị cán bộ quản lý các đơn vị trường có giáo viên vi phạm nghiêm túc rút kinh nghiệm sâu sắc.

Công tác thanh, kiểm tra khó khăn hơn từ khi Bộ thay đổi một số quy định Thông tư

Trước hết, bàn về cơ cấu, tổ chức, vị này cho biết, đội ngũ thanh tra có vai trò quan trọng, trình độ, năng lực chuyên môn của lực lượng thanh tra quyết trực tiếp đến chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra giáo dục.

Theo cán bộ Thanh tra này, hiện nay, đội ngũ Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn có tổng 4 người, trong đó có 1 Chánh Thanh tra, 1 Phó Chánh Thanh tra và 2 chuyên viên thanh tra. Trong số này, chỉ có 2/4 người được bổ nhiệm ngạch thanh tra viên.

Để tăng cường lực lượng cho công tác thanh tra, kiểm tra, xây dựng đội ngũ cộng tác viên luôn là chủ trương được lãnh đạo Sở quan tâm chỉ đạo.

“Hàng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn chủ động phối hợp với Học viện Quản lý Giáo dục để tổ chức các lớp bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, tay nghề cho cộng tác viên thanh tra giáo dục. Nhờ làm tốt công tác này, đến nay, có 510 người đã được cấp thẻ cộng tác viên thanh tra giáo dục Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh”, vị này cho biết.

Cũng liên quan đến vấn đề đội ngũ thanh tra, vị này chỉ ra những khó khăn, thử thách trong thực tiễn triển khai.

Khó khăn thứ nhất, là do lực lượng thanh tra mỏng, chưa thể đáp ứng yêu cầu theo quy định.

Chiếu theo nội dung tại Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 4/4/20214 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 của Chính phủ, cho thấy, với đội ngũ thanh tra Sở chỉ có 4 người nên chưa đảm bảo theo các quy định tại các Nghị định trên.

Do chưa đảm bảo đội ngũ nên chất lượng thanh tra, kiểm tra ít nhiều cũng có phần hạn chế, khó khăn.

Khó khăn thứ hai là Phòng Giáo dục không có chức năng thanh tra nên số lượng đơn vị, cơ sở được Sở thanh tra rất ít.

Hiện, đội ngũ thanh tra chỉ có 4 người, mà Lạng Sơn có diện tích rộng, địa hình cản trở do chủ yếu là đồi núi, cơ sở hạ tầng, giao thông đi lại hạn chế nên việc tổ chức thanh tra, kiểm tra rất khó khăn.

Phòng Giáo dục và Đào tạo là các đơn vị trực tiếp hướng dẫn, quản lý các trường trung học cơ sở, tiểu học và mầm non nên việc đi lại giữa Phòng và các trường sẽ dễ dàng hơn, công tác thanh tra sẽ đạt hiệu quả hơn.

Thế nhưng, thực tế hiện nay, Phòng Giáo dục và Đào tạo không có chức năng thanh tra, kiểm tra nên số trường được Sở Giáo dục và Đào tạo tiến hành thanh tra, kiểm tra đạt tỷ lệ rất nhỏ. Cụ thể, hàng năm, số trường được Sở tổ chức thanh tra, kiểm tra là 15/676 trường, chiếm tỷ lệ, 2,2%.

Như vậy, còn rất nhiều trường chưa được thanh tra, kiểm tra trong cùng một thời điểm.

Khó khăn thứ ba, tổ chức và tiến hành thanh, kiểm tra lúng túng do một số quy định thay đổi.

Thông tin chi tiết về khó khăn này, theo cán bộ Thanh tra Sở này, ngày 16/5/2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT Quy định về dạy thêm, học thêm, và ngày 26/8/2019 Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định số 2499/QĐ-BGDĐT Về việc công bố hết hiệu lực các điều: 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13 và 14 của Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012.

“Từ đó, việc tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với công tác quản lý dạy thêm, học thêm tại địa phương, các cơ sở giáo dục xuất hiện nhiều khó khăn, bất cập hơn.

Chưa kể, những quy định dạy thêm, học thêm thay đổi còn khiến cho việc xây dựng kế hoạch và tổ chức thanh tra, kiểm tra của Sở bị rơi vào trạng thái lúng túng, khó thực hiện”, vị Thanh tra Sở chia sẻ khó khăn.

Kiến nghị xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế quy định tại một số Thông tư

Tại Hội nghị tổng kết công tác thanh tra, kiểm tra năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ công tác thanh tra, kiểm tra năm học 2022-2023, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào Tạo Phạm Ngọc Thưởng đã đề cập đến những khó khăn trong công tác thanh tra, kiểm tra khối Sở Giáo dục và Đào tạo đồng thời mong muốn lắng nghe chia sẻ vướng mắc và đề xuất giải pháp, kiến nghị từ cơ sở.

Do đó, trước những khó khăn, hạn chế còn tồn đọng, để nhằm củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động công tác thanh, kiểm tra trong thời gian tới, vị Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn thẳng thắn nêu ra một số kiến nghị cụ thể như sau:

Một là, Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Thông tư số 39/2013/TT-BGDĐT ngày 4/12/2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Hướng dẫn thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực giáo dục.

“Việc điều chỉnh này có ý nghĩa lớn đối với công tác Thanh tra Sở. Một trong số đó là nhằm tạo cơ sở pháp lý và định hướng đầy đủ cho việc thanh tra, kiểm tra đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018”, vị Thanh tra Sở nhận định.

Hai là, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về dạy thêm, học thêm.

Cũng theo vị này, việc thay đổi phải trên tinh thần đảm bảo sao cho phù hợp với quy định của Luật đầu tư và thực tiễn quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm. Để từ đó, Thanh tra Sở có cơ sở pháp lý giúp cho công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá các điều kiện, hồ sơ, thủ tục tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm.

Những kiến nghị trên nhằm khắc phục vướng mắc trong công tác thanh, kiểm tra của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn nói riêng, cũng như các đơn vị Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố trong cả nước nói chung.

Những kiến nghị, đề xuất đã và đang được cơ sở, đơn vị Thanh tra Sở nêu ra có thể là tham mưu để lãnh đạo bộ, ngành giáo dục xem xét, cân nhắc và làm căn cứ điều chỉnh nội dung quy định sao cho phù hợp tình hình thực tế, nhất là về đội ngũ thanh tra, các quy định thanh tra, kiểm tra.

Tổng hợp nội dung, kết quả công tác thanh tra, kiểm tra của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn năm học 2021-2022:

Về công tác thanh tra:

* Thanh tra chuyên ngành:

- Số cuộc thanh tra: 4 cuộc đối với 7 đơn vị, gồm: Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đình Lập, Trường Trung học phổ thông Chi Lăng, Trường Trung học phổ thông Đồng Bành, Trường Trung học phổ thông Văn Quan, Trường Trung học phổ thông Lương Văn Tri, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Tràng Định, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Cao Lộc.

* Thanh tra đột xuất: Về việc thực hiện nghĩa vụ giảng dạy của cán bộ quản lý và thực hiện quy chế chuyên môn của giáo viên.

- Số cuộc thanh tra: 2 cuộc/6 trường gồm: 3 trường trực thuộc Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cao Lộc: Trường Tiểu học Thuỵ Hùng, Trường Trung học cơ sở xã Bảo Lâm, Trường Trung học cơ sở Hồng Phong. 3 trường trực thuộc Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lộc Bình: Trường Tiểu học Tú Mịch, Trường Trung học cơ sở Tú Mịch, Trường Trung học cơ sở thị trấn.

* Thanh tra các kỳ thi:

- Số cuộc thanh tra: 5 cuộc. Trong đó, 2 cuộc thanh tra thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 9, 11 và 12; 2 cuộc thanh tra công tác tổ chức kiểm tra học kỳ I và học kỳ II; 1 cuộc thanh tra công tác thi tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông năm học 2022 - 2023.

Về hoạt động kiểm tra:

- Kiểm tra việc triển khai, thực hiện nhiệm vụ đầu năm học đối 74 cơ sở giáo dục. Trong đó, mầm non: 13, tiểu học: 14, tiểu học và trung học cơ sở: 1, trung học cơ sở: 16, trung học phổ thông: 13, trung tâm: 11, nội trú huyện: 6.

- Kiểm tra việc triển khai, thực hiện nhiệm vụ học kỳ II đối 61 cơ sở giáo dục.

- Tham gia kiểm tra công tác coi thi kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia năm học 2021-2022 tại tỉnh Bắc Kạn.

- Tổ chức kiểm tra công tác tham mưu tuyển dụng viên chức các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo năm 2020.

- Tham mưu tổ chức giám sát thi khảo sát giáo viên Tiếng Anh các trường trung học năm học 2021-2022.

Ngọc Mai