Cách tính chuẩn trình độ, xếp hạng giáo viên còn tồn tại nhiều bất cập

08/04/2023 07:48
LÊ VĂN MINH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Yêu cầu giáo viên đi học văn bằng 2 cũng đồng nghĩa cái bằng họ học trước đây không còn giá trị, vô nghĩa, lãng phí nhiều lần học để đáp ứng văn bằng.

Điều 72, Luật Giáo dục 2019 quy định về trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo như sau: “Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non; có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông.

Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm”.

Tiếp theo, ngày 02/2/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chùm Thông tư số 02, 03, 04/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường mầm non đến trung học phổ thông công lập và chùm thông tư này có hiệu lực từ ngày 20/3/2021.

Chính vì thế, nhiều giáo viên vẫn được nhà trường giữ ở hạng cũ nhưng cũng không ít giáo viên phải xuống hạng thấp hơn. Việc quy định về chuẩn trình độ giáo viên hiện nay còn khá nhiều bất cập, nhất là ở cấp Tiểu học và Trung học cơ sở.

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, ảnh: Lã Tiến

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, ảnh: Lã Tiến

Bất cập chuẩn trình độ giáo viên ở cấp Tiểu học và Trung học cơ sở

Nếu căn cứ vào câu chữ của Điều 72, Luật Giáo dục 2019, rất nhiều giáo viên ở cấp Trung học cơ sở hiện nay sẽ không đạt chuẩn trình độ để dạy các môn học tích hợp.

Chẳng hạn, một giáo viên có bằng đại học sư phạm Vật lí, được tuyển dụng và giảng dạy ở cấp Trung học cơ sở nhiều năm qua. Khi chương trình 2018 được triển khai, họ được phân công dạy môn Khoa học tự nhiên.

Như vậy, giáo viên dạy 2 phân môn Hóa học và Sinh học sẽ “chưa có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên” và cũng chưa có “bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp”.

Việc được cử đi bồi dưỡng theo Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT Chương trình bồi dưỡng giáo viên Trung học cơ sở dạy môn Khoa học tự nhiên từ 20-36 tín chỉ cũng chỉ là đào tạo để có chứng chỉ chứ không phải là “bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp”.

Những giáo viên Ngữ văn đang dạy môn Công nghệ 6 ở các trường Trung học cơ sở cũng không đúng với Điều 72, Luật Giáo dục 2019…

Thế nhưng, những giáo viên này không bị xem là thiếu chuẩn trình độ và họ được chuyển từ hạng II cũ sang hạng II mới.

Ngược lại, ở cấp Tiểu học có nhiều hiệu trưởng, phó hiệu trưởng đã có bằng cao đẳng sư phạm tiểu học và bằng cử nhân quản lý giáo dục nhưng vẫn không được xem là đủ chuẩn, phải xuống hạng.

Bởi lẽ, ngày 27/1/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn gửi các Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về một số nội dung liên quan đến trình độ chuẩn được đào tạo và chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm và hướng dẫn rất cụ thể.

Trong đó, Bộ đã hướng dẫn như sau: “về việc bổ nhiệm lại và bổ nhiệm, xếp lương đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng có bằng cử nhân quản lý giáo dục (không phải bằng cử nhân chuyên ngành đào tạo giáo viên).

Kể từ ngày 01/7/2020, khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực, đã có những tác động đến chính sách do thay đổi quy định về trình độ chuẩn được đào tạo đối với đội ngũ hiệu trưởng, phó hiệu trưởng cơ sở giáo dục có bằng cử nhân quản lý giáo dục mà không có bằng cử nhân chuyên ngành đào tạo giáo viên theo quy định.

Nhằm bảo đảm quyền lợi cho đội ngũ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các địa phương xem xét thực hiện quy trình bổ nhiệm lại cán bộ quản lý trường học đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng có bằng cử nhân quản lý giáo dục (không phải bằng cử nhân chuyên ngành đào tạo giáo viên).

Sau khi bổ nhiệm lại, cán bộ quản lý trường học phải tham gia đào tạo nâng chuẩn trình độ để đạt trình độ chuẩn theo quy định tại Luật Giáo dục 2019. Sau khi hoàn thành nâng chuẩn trình độ đào tạo theo quy định tại Luật Giáo dục 2019 thì thực hiện bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo”. [1]

Những môn học ở Tiểu học như Âm nhạc, Mĩ thuật thì nhiều địa phương không tuyển được giáo viên, không có nguồn tuyển.

Vì thế, một số địa phương đã linh hoạt tuyển giáo viên đã tốt nghiệp đại học một số ngành học khác đang dư thừa hoặc điều chuyển giáo viên từ cấp Trung học cơ sở, hoặc lựa chọn giáo viên Tiểu học có năng khiếu đi bồi dưỡng chuyên môn Âm nhạc, Mĩ thuật để về dạy suốt nhiều năm qua.

Bản thân những giáo viên này đã nỗ lực cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Nhiều giáo viên nhiều năm liền là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp thành phố, có nhiều danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, Bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh (thành phố). Thậm chí, có người đang là tổ trưởng Hội đồng bộ môn cấp huyện.

Thế nhưng, họ bị xếp vào diện không đủ chuẩn trình độ theo Luật Giáo dục 2019 và đương nhiên họ phải xuống hạng. Nhiều giáo viên khi mới được tuyển dụng được gọi là giáo viên cao cấp vì họ có bằng đại học, trong khi trước khi có Luật Giáo dục 2019 thì chuẩn trình độ giáo viên Tiểu học chỉ yêu cầu trung cấp.

Vì thế, chúng ta thấy rằng việc quy định chuẩn trình độ giáo viên theo Luật Giáo dục 2019 và chùm Thông tư 02,03/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường phổ thông công lập hiện nay đang còn khá nhiều bất cập.

Cấp Trung học cơ sở thì nhiều giáo viên đang dạy những môn học chẳng liên quan gì đến chuyên môn đào tạo , đó là giáo viên Ngữ văn đi dạy Công nghệ 6 nhưng không bị xem là thiếu chuẩn trình độ- không bị xuống hạng.

Nhưng, nếu bị xuống hạng, họ sẽ xin trở về dạy Văn, còn môn Công nghệ 6 sẽ bỏ trống vì đa số các trường sư phạm không có đào tạo chuyên ngành Công nghệ 6 nhưng trong trường phổ thông lại có môn học này.

Trong khi, ở Tiểu học, nhiều giáo viên đã có bằng đại học một số chuyên ngành khác nhưng được tuyển dụng, hoặc động viên đi dạy Âm nhạc, Mĩ thuật và họ đã được bồi dưỡng kiến thức ngang trình độ cao đẳng để dạy môn học mới thì giờ lại bị xem là không đủ chuẩn, phải xuống hạng.

Bắt buộc phải xuống hạng và họ phải lựa chọn đi học văn bằng 2 để về nâng lên hạng cũ, hoặc chấp nhận xuống hạng và dạy đến khi nào bị tinh giản rồi về luôn.

Máy móc, cứng nhắc làm khổ giáo viên

Nhân lực ngành giáo dục từ trước đến nay có nhiều môn học đặc thù và thiếu nguồn tuyển.

Đó là môn Âm nhạc, Mĩ thuật ở Tiểu học và bây giờ khi triển khai chương trình 2018 thì cấp Trung học phổ thông cũng chưa tuyển được giáo viên 2 môn học này.

Môn Công nghệ ở cấp Trung học cơ sở nhiều nơi cũng không có giáo viên đúng chuyên ngành. Giáo viên Văn dạy Công nghệ 6; giáo viên Sinh học dạy Công nghệ 7; giáo viên Vật lí dạy Công nghệ lớp 8, lớp 9.

Các môn học ở Tiểu học như Đạo đức; Tự nhiên và Xã hội; Lịch sử và Địa lí…cũng đang dạy tay ngang, không phải chuyên môn chính.

Điều này cũng đồng nghĩa yếu tố lịch sử và thực tế của ngành hiện nay còn rất nhiều bất cập. Những bất cập này không thuộc về giáo viên. Bởi lẽ, khi cơ quan tuyển dụng tuyển họ vào có các quyết định đầy đủ.

Bây giờ, trước yêu cầu mới của ngành, tất nhiên giáo viên sẽ phải thay đổi nhưng cũng không nên quá cứng nhắc, máy móc về chuyện bằng cấp bởi thực tế đa phần giáo viên hiện nay họ đã có bằng đại học 1 chuyên ngành.

Việc họ dạy 1-2 môn học khác đó là theo yêu cầu, chủ trương của ngành, của địa phương và họ đã được bồi dưỡng kiến thức, chuyên môn để đáp ứng yêu cầu công việc và họ đang làm tốt công việc của họ.

Yêu cầu họ đi học văn bằng 2 cũng đồng nghĩa cái bằng họ học trước đây không còn giá trị, vô nghĩa nhưng liệu đi học văn bằng 2 rồi có nâng được hiệu quả giảng dạy hay không?

Chẳng hạn như nhiều giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật ở Tiểu học họ đã có 1 bằng đại học, sau đó được các cơ quan tuyển dụng để dạy 2 môn này thì họ đã đi bồi dưỡng chuyên môn nhiều tháng trời để lấy chứng chỉ.

Bây giờ, lại yêu cầu đi học đại học để đáp ứng Điều 72, Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019. Như vậy, nhiều giáo viên đã có tới 2 bằng đại học và 1 chứng chỉ để dạy môn Âm nhạc, Mĩ thuật! Trong khi, môn học này vẫn được xem là môn “phụ”…!

Thay vì yêu cầu học văn bằng 2, tại sao Bộ không chủ trương bồi dưỡng kiến thức trọng tâm như giáo viên dạy các môn học tích hợp ở cấp Trung học cơ sở sẽ giúp họ rút ngắn được thời gian học tập mà không ảnh hưởng đến quyền lợi và lãng phí thời gian, tiền bạc của rất nhiều nhà giáo.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/huong-dan-tuyen-dung-dac-cach-giao-vien-da-co-nhieu-nam-cong-tac-yAqjqha7R.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

LÊ VĂN MINH