Những thầy cô nào không đủ chuẩn trình độ nhưng không phải nâng chuẩn?

07/06/2020 07:30
THANH AN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Các thầy cô chưa đạt chuẩn chú ý về số năm công tác còn lại của mình nếu đúng độ tuổi theo quy định thì không phải tham gia nâng chuẩn trình độ trong các năm tới.

Nhiều giáo viên đang lo lắng là sau ngày 1/7/2020 tới đây thì Luật Giáo dục mới có hiệu lực sẽ khiến cho hàng trăm giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ phải thực hiện việc nâng chuẩn.

Tuy nhiên, những thầy cô chưa đủ chuẩn cũng cần chú ý xem mình có thuộc đối tượng phải nâng chuẩn khi Luật có hiệu lực hay không.

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ cung cấp, phân tích một số thông tin cần thiết nhằm giúp một số thầy cô chưa đủ chuẩn theo Luật Giáo dục mới có những định hướng phù hợp cho mình trong thời gian tới.

Hàng chục ngàn thầy cô chưa đạt chuẩn nhưng sẽ không phải nâng chuẩn (Ảnh minh họa: TTXVN)

Hàng chục ngàn thầy cô chưa đạt chuẩn nhưng sẽ không phải nâng chuẩn

(Ảnh minh họa: TTXVN)

Ngày 22/5, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo Thông tư quy định sử dụng giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo.

Thông tư này sẽ là cơ sở để ngành giáo dục ở các địa phương có những kế hoạch phù hợp nhằm sắp xếp đội ngũ giáo viên chưa đủ chuẩn cho các năm học tiếp theo.

Đồng thời, cũng giúp cho hàng chục ngàn nhà giáo yên tâm công tác, cống hiến trong ngành giáo dục.

Tại Điều 3 của dự thảo đã hướng dẫn như sau:

Sử dụng giáo viên chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo

1. Giáo viên trong 02 (hai) năm liên tiếp liền kề với năm Thông tư này có hiệu lực thi hành có kết quả đánh giá, xếp loại đạt chuẩn nghề nghiệp trở lên hoặc được phân loại, đánh giá viên chức xếp vào mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên, có đủ sức khỏe thì tiếp tục bố trí công tác giảng dạy cho đến khi nghỉ hưu theo quy định.

2. Giáo viên trong 02 (hai) năm liên tiếp liền kề với năm Thông tư này có hiệu lực thi hành có kết quả đánh giá, xếp loại không đạt chuẩn nghề nghiệp và có một năm được phân loại, đánh giá viên chức xếp vào mức không hoàn thành nhiệm vụ thì không bố trí giảng dạy và được sắp xếp tham gia bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ để bố trí sang vị trí việc làm khác phù hợp cho đến khi nghỉ hưu theo quy định.

3. Giáo viên không đủ sức khỏe, có nguyện vọng nghỉ hưu, đủ các điều kiện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội thì được nghỉ hưu theo quy định”.

Căn cứ vào dự thảo của Thông tư này thì chúng ta thấy Bộ cũng đã hướng dẫn khá cụ thể cho những thầy cô mà chưa đủ chuẩn nhưng không phải thực hiện nâng chuẩn.

Theo ông Đặng Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo (Bộ Giáo dục và Đào tạo) thì số lượng giáo viên không đủ chuẩn nhưng không phải tham gia đào tạo trong thời gian tới là 40.259 giáo viên, cán bộ quản lý ở cả 3 cấp học: mầm non, tiểu học và trung học cơ sở.

Vậy, thầy cô nào không phải thực hiện nâng chuẩn khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực?

Đó là những giáo viên mầm non chưa có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên, tính từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 mà không còn đủ 7 năm công tác (84 tháng) đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định.

Giáo viên tiểu học chưa có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên tiểu học hoặc chưa có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trở lên.

Tính từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 mà những giáo viên này không còn đủ 8 năm công tác (96 tháng) đối với giáo viên có trình độ trung cấp, không còn đủ 7 năm công tác (84 tháng) đối với giáo viên có trình độ cao đẳng đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định.

Giáo viên trung học cơ sở chưa có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên hoặc chưa có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trở lên.

Tính từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 mà không còn đủ 7 năm công tác (84 tháng) đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định.

Như vậy, những thầy cô giáo từ cấp mầm non đến trung học cơ sở mà chưa đạt chuẩn nhưng còn 7 năm công tác (những thầy cô tiểu học mà đào tạo hệ trung cấp thì còn 8 năm công tác) là không phải thực hiện nâng chuẩn.

Trong đó, dự thảo cũng đã quy định rất rõ, đó là khi Thông tư này (dự thảo) có hiệu lực mà giáo viên có 2 năm liền kề: “có kết quả đánh giá, xếp loại đạt chuẩn nghề nghiệp trở lên hoặc được phân loại, đánh giá viên chức xếp vào mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên” mà đảm bảo sức khỏe thì được bố trí giảng dạy cho đến khi nghỉ hưu.

Đối với những thầy cô “có kết quả đánh giá, xếp loại không đạt chuẩn nghề nghiệp và có một năm được phân loại, đánh giá viên chức xếp vào mức không hoàn thành nhiệm vụ” thì không bố trí giảng dạy mà chuyển sang công tác khác.

Những thầy cô không đảm bảo sức khỏe “có nguyện vọng nghỉ hưu, đủ các điều kiện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội thì được nghỉ hưu theo quy định”.

Vì thế, các thầy cô chưa đạt chuẩn chú ý về số năm công tác còn lại của mình nếu đúng vào độ tuổi theo quy định thì không phải tham gia nâng chuẩn theo Luật Giáo dục 2019 và có những định hướng cần thiết cho tương lai của mình.

Tài liệu tham khảo:

://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/hon-40-000-giao-vien-vao-dien-neu-2-nam-lien-khong-dat-chuan-se-phai-sang-lam-viec-khac-644885.html

//moet.gov.vn/van-ban/vbdt/Pages/chi-tiet-van-ban.aspx?ItemID=1483

THANH AN