Kiến nghị hạ chuẩn trình độ xuống cao đẳng đối với những môn đang thiếu GV

10/09/2022 06:48
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Gộp trường, xóa điểm trường lẻ sẽ giúp học sinh ở thôn, bản xa xôi có điều kiện học tập tốt hơn, khắc phục thiếu giáo viên. 

Trường học ở các thôn, bản có hộ dân sinh sống thưa thớt, phân tán thì việc điều động học sinh từ điểm trường lẻ về trường chính sẽ giúp tận dụng đội ngũ giáo viên hiện có, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên cục bộ và nâng cao hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất.

Chỉ giữ lại điểm trường lẻ để dạy học sinh lớp 1, 2

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Kim Thêu, nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tả Phìn (thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai) cho biết, gộp các điểm trường lẻ ở địa bàn vùng cao là chủ trương đúng, tạo thuận lợi cho các trường hoàn thành tốt công tác giảng dạy, từ đó chất lượng giáo dục cũng được nâng lên rõ rệt.

Cô Nguyễn Thị Kim Thêu, nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tả Phìn, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai. (Ảnh: website Nhà trường).

Cô Nguyễn Thị Kim Thêu, nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tả Phìn, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai. (Ảnh: website Nhà trường).

“Hiện nay, Trường Tiểu học Tả Phìn có 1 trường chính và các điểm trường lẻ nằm rải rác ở các thôn, bản. Từ khi cho học sinh lớp 3 từ điểm trường lẻ về trường chính thì 20% giáo viên ở trường lẻ cũng được huy động về.

Nhà trường ưu tiên cho học sinh khối lớp 3, 4, 5 tập trung về trường chính để tham gia học tập và giữ lại các trường lẻ chỉ để dạy cho học sinh lớp 1, 2.

Khoảng 2-3 năm thực hiện chủ trương này, chất lượng giáo dục và đào tạo đối với học sinh tiểu học đã được cải thiện rõ rệt”, cô Nguyễn Thị Kim Thêu, nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tả Phìn chia sẻ.

Lý giải về việc chưa xóa bỏ hoàn toàn các điểm trường lẻ, cô Nguyễn Thị Kim Thêu cho biết, có một số điểm trường lẻ được mở ở gần thôn, bản, đông dân cư để học sinh lớp 1, 2 còn nhỏ tuổi được gần bố mẹ và dễ dàng đến trường, nên những điểm trường lẻ này vẫn được duy trì.

Theo cô Thêu, học sinh lớp 3 tập trung về trường chính sẽ có những thuận lợi nhất định.

“Thứ nhất, khi về trường chính, học sinh sẽ được tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm, chương trình ngoại khóa, tiếp cận với các phương tiện, thiết bị giáo dục hiện đại. Từ đó, tạo thuận lợi khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Hơn nữa, khi chuyển học sinh về trường chính, các em sẽ ở bán trú và được hưởng chế độ hỗ trợ theo quy định.

Thứ hai, chuyển học sinh lớp 3 về trường chính thì đồng thời học sinh lớp 1, 2 sẽ được giáo viên quan tâm nhiều hơn. Bởi, đây là đối tượng còn nhỏ, nhiều bỡ ngỡ khi đi học, nên cần được giáo viên sát sao hơn”, nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tả Phìn chỉ ra những thuận lợi.

Đưa học sinh lớp 3 về điểm trường chính để tận dụng nguồn lực giáo viên

Tình trạng chung ở điểm trường lẻ là điều kiện thiếu thốn, cơ sở vật chất trường học còn sơ sài gồm: bảng đen, phấn trắng, nhà, lớp học dựng tạm... Do đó, công tác đưa học sinh về trường chính vừa góp phần tận dụng nguồn lực giáo viên, vừa nâng cao hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất. Song, việc quy hoạch, sắp xếp lại trường, lớp, cán bộ giáo viên đòi hỏi tốn nhiều thời gian, công sức và trí tuệ.

Bàn về vấn đề này, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Trường Chinh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Sa Pa (thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai) cho biết, nhờ sự quan tâm của ngành giáo dục tỉnh và kết quả thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, những năm qua, chủ trương xóa các điểm trường lẻ, tập trung học sinh về trường chính để nâng cao chất lượng đào tạo đang tiếp tục được đẩy mạnh thực hiện.

Thầy Nguyễn Trường Chinh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Sa Pa, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai. (Ảnh: NVCC).

Thầy Nguyễn Trường Chinh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Sa Pa, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai. (Ảnh: NVCC).

“Điểm trường chính chỉ dạy học sinh lớp 3, 4 và 5. Năm học 2022-2023, khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, học sinh lớp 3 sẽ tiếp tục được chuyển về trường chính để học môn Tiếng Anh và Tin học", Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Sa Pa chia sẻ.

Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Sa Pa, thực hiện xóa các điểm trường lẻ, đưa học sinh về trường chính tạo ra nhiều thuận lợi.

“Trước hết, khắc phục được tình trạng học sinh bỏ học, đến lớp thất thường vốn tồn tại dai dẳng ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đội ngũ giáo viên nhờ vậy cũng được tập trung, đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Học sinh được tham gia mô hình học tập định hướng phát triển năng lực, hoạt động ngoại khóa thiết thực, nâng cao chất lượng học tập. Được giao lưu, học hỏi bạn bè nên tiến bộ nhanh hơn, nhất là về khả năng tiếng Việt.

Học sinh về trường chính sẽ ở bán trú và được hỗ trợ theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn”, thầy Nguyễn Trường Chinh chia sẻ thêm.

Trước đó, thị xã Sa Pa đã xóa 7 điểm trường lẻ. Hiện, thị xã còn 86 điểm trường lẻ và 61 trường chính.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Sa Pa cho biết, gộp trường, ghép lớp phải thực hiện rất linh hoạt, đảm bảo sự đồng thuận của phụ huynh và không phải trường nào cũng thực hiện được.

“Với những trường còn nhiều điểm lẻ, chưa đảm bảo nhiệm vụ giáo dục và đào tạo, phòng Giáo dục và Đào tạo tiếp tục hướng dẫn các trường căn cứ số km để tiến hành gộp trường, xóa điểm lẻ. Bởi, nếu không làm tốt, thực hiện đồng bộ thì sẽ càng làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu giáo viên trên địa bàn".

Cụ thể, cự ly từ thôn, bản đến trường chính thuận lợi, bê tông hóa, ít lớp, sĩ số dưới 35 học sinh/lớp thì sẽ tiến hành ghép trường”, thầy Nguyễn Trường Chinh thông tin thêm.

Cũng theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai, riêng năm học 2021-2022, toàn tỉnh sáp nhập 6 trường thành 3 trường; gộp 19 điểm trường mầm non và tiểu học, xóa 72 điểm trường và đưa trên 2,200 học sinh ở điểm trường về trường chính.

Bàn về tình trạng thiếu giáo viên, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Sa Pa cho biết, năm học trước, thị xã chủ trương tuyển 86 chỉ tiêu nhưng chỉ tuyển được 41 giáo viên do không có nguồn, đặc biệt là giáo viên môn Tiếng Anh, Tin học. Năm học 2022-2023, thị xã Sa Pa còn thiếu 187 biên chế giáo viên.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học, phòng đã kiến nghị bổ sung đội ngũ giáo viên, tăng cường phân bổ kinh phí, thiết bị phục vụ chương trình mới cấp tiểu học, trung học cơ sở, bộ đồ chơi cho cấp mầm non.

“Chỉ tiêu biên chế vẫn còn nhưng công tác tuyển dụng giáo viên gặp rất nhiều khó khăn. Điều này một phần do thay đổi chuẩn trình độ giáo viên. Mong muốn chung, là ngành giáo dục xem xét, và điều chỉnh để công tác tuyển dụng dễ dàng hơn trong bối cảnh thiếu giáo viên ở thị xã Sa Pa nói riêng và các địa phương khác nói chung.

Lấy ví dụ, quy định giáo viên cấp tiểu học, trung học cơ sở phải có trình độ đại học. Tuy nhiên, có thể hạ chuẩn trình độ xuống cao đẳng đối với các môn đang thiếu như Tiếng Anh, Tin học. Bởi, trên thực tế, những giáo sinh trình độ cao đẳng được đào tạo bài bản và có kỹ năng sư phạm tốt thì vẫn có thể đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu giảng dạy môn học”, thầy Nguyễn Trường Chinh nhận định.

Ngọc Mai