Thu hẹp quy mô đào tạo khiến trường CĐSP lãng phí trong sử dụng tài sản công

11/04/2023 06:35
Nguyên Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Thực hiện sáp nhập nhiều trường cao đẳng trong một địa phương gây khó khăn trong quản lý đào tạo, và sẽ làm mất đi sứ mạng của trường sư phạm, ngành sư phạm.

Những năm gần đây, các trường cao đẳng sư phạm địa phương đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức khi nhiệm vụ đào tạo bị thu hẹp, vì theo quy định của Luật Giáo dục 2019, các trường không còn được đào tạo giáo viên tiểu học và giáo viên trung học cơ sở.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia đang lo ngại một số trường cao đẳng sư phạm sẽ bị xoá sổ khi bị sáp nhập một cách khiên cưỡng với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Với kinh nghiệm đào tạo giáo viên trong hơn 6 thập kỷ qua, nhiều trường mong mỏi được phát triển trở thành cơ sở giáo dục đại học, tiếp tục thực hiện sứ mạng của mình.

Các trường mong muốn được phát triển thành cơ sở giáo dục đại học

Tiến sĩ Hồ Cảnh Hạnh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: giaoduc.net.vn

Tiến sĩ Hồ Cảnh Hạnh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: giaoduc.net.vn

Trong cuộc trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Hồ Cảnh Hạnh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, từ khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực, các trường cao đẳng sư phạm chỉ được đào tạo giáo viên mầm non.

Vì nhiều lý do, trong đó bao gồm sự bị động, không có quá trình chuyển tiếp, nên các trường cao đẳng sư phạm nói chung gặp rất nhiều khó khăn khi bị cắt giảm quy mô đào tạo, nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên.

Trường Cao đẳng Sư phạm Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong số ít các trường cao đẳng sư phạm còn đào tạo các ngành cao đẳng thuộc giáo dục nghề nghiệp, tuy nhiên, nhà trường cũng gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh.

Khi quy mô đào tạo bị thu hẹp, các trường chưa có định hướng con đường phát triển trong giai đoạn mới nên phải đối mặt với nguy cơ giảm số lượng nhân sự.

Đội ngũ giảng viên các trường cao đẳng sư phạm có trình độ cao, có kinh nghiệm trong giáo dục, đào tạo, tâm huyết, gắn bó với ngành sư phạm, trường sư phạm nhưng nhiều người buộc phải lựa chọn vị trí việc làm mới.

Cơ sở vật chất của các trường cao đẳng sư phạm được đầu tư từ trung ương (chương trình 4 trước đây) và của các địa phương trong nhiều năm qua đảm bảo đồng bộ, khang trang, hiện đại, đáp ứng nhu cầu hiện tại và phát triển trong thời gian tới.

Vì thế, việc khai thác, sử dụng hết công suất, hiệu quả tài sản công ở các trường vào mục đích đào tạo là vấn đề cần được quan tâm để tránh lãng phí, xuống cấp.

“Đội ngũ giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Bà Rịa - Vũng Tàu trong vài năm gần đây không có biến động lớn, vẫn có giảng viên thuyên chuyển công tác và có giảng được tiếp nhận.

Tuy nhiên một số giảng viên các ngành khoa học cơ bản phải sắp xếp, bố trí, phân công giảng dạy lại và làm công tác chuyên môn khác hoặc tiếp tục đào tạo lại, đào tạo nâng cao trong thời gian “chuyển tiếp” lập đề án phát triển nhà trường”, Thầy Hạnh cho biết.

Về định hướng sáp nhập các trường cao đẳng sư phạm vào cơ sở giáo dục đại học, hoặc vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện nay, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết: Việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung, các trường cao đẳng nói riêng, trong đó có trường cao đẳng sư phạm là chủ trương của Nhà nước, được các địa phương thực hiện trong mấy năm gần đây.

Mong muốn của nhiều trường là phát triển thành cơ sở giáo dục đại học, cụ thể là phát triển thành trường đại học hoặc phân hiệu đại học, phân hiệu trường đại học.

Việc sáp nhập nhiều trường cao đẳng với nhau (thậm chí cả trường trung cấp) trong một địa phương thường là phương án “sáp nhập cơ học” (sáp nhập nguyên trạng đất đai, nhà cửa, tài sản, vật tư thiết bị, nhân sự, tài chính,…) có thể có một số thuận lợi, nhưng cũng gặp nhiều khó khăn trong quản trị nhà trường, nhất là quản lý đào tạo. Đặc biệt, thực hiện theo phương án này sẽ làm mất đi sứ mạng của trường sư phạm, ngành sư phạm – loại ngành, loại trường đặc thù, đặc biệt được hình thành và phát triển ở các địa phương mấy chục năm qua.

“Hiện tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có chủ trương phát triển Trường Cao đẳng Sư phạm thành cơ sở giáo dục đại học, đang lấy ý kiến các sở, ngành liên quan trong tỉnh”, thầy Hạnh cho biết thêm.

Trường cao đẳng vừa thừa vừa thiếu giảng viên

Chia sẻ với phóng viên về vấn đề này, thầy Nguyễn Văn Dũng – Trưởng phòng Tổ chức hành chính, Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An cho biết, trong những năm gần đây, khi bị thu hẹp phạm vi tuyển sinh, trường cũng gặp những khó khăn nhất định.

Với ngành đào tạo giáo viên mầm non, năm học 2022 – 2023, trường được giao 200 chỉ tiêu.

Bên cạnh đào tạo chính quy sư phạm mầm non, trường còn đào tạo Tiếng Việt cho lưu học sinh Lào và đào tạo 2 ngành cao đẳng thuộc giáo dục nghề nghiệp (Công nghệ thông tin và tiếng Anh). Ngoài ra, hai năm qua, trường đã thành lập trường thực hành sư phạm tiểu học và trung học cơ sở. Mặc dù quy mô đào tạo giảm, số lượng sinh viên ít nhưng công việc của giảng viên cơ bản ổn định.

Thầy Dũng cho biết, từ năm 2015 đến nay, nhà trường không tuyển dụng thêm giảng viên.

Từ tháng 1/2019 đến tháng 3/2023, đội ngũ nhân sự của trường giảm 30 người, trong đó có 14 giảng viên chuyển công tác và 5 giảng viên xin thôi việc, còn 11 thầy cô nghỉ hưu. Các thầy cô chuyển về các trường phổ thông, chuyển về trường đại học hoặc các đơn vị khác. Trong các giảng viên xin chuyển công tác có 3 cán bộ, giảng viên trình độ tiến sĩ.

Từ khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực, trường không còn được đào tạo giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, nhà trường xảy ra tình trạng có môn học thiếu giảng viên nhưng có môn học lại thừa giảng viên. Một phần nguyên nhân vì từ năm 2015 nhà trường không tuyển dụng thêm và nhiều giảng viên đã chuyển công tác, xin nghỉ việc.

Có môn học chỉ có 1 – 2 giảng viên nên nhà trường cũng gặp khó khăn, phải tính toán lại bài toán về đội ngũ. Từ năm 2019, nhà trường đã phải điều chỉnh, tổ chức, sắp xếp lại đội ngũ, bộ máy nhân sự của trường.

“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cử giảng viên đi học thêm. Ví dụ với những giảng viên không có giờ dạy hoặc giờ dạy ít sẽ bố trí đi học các lớp đại học văn bằng 2 của những môn học nhà trường đang thiếu để bổ sung sự thiếu hụt về đội ngũ.

Nhà trường cũng xác định trong thời gian tới còn nhiều khó khăn nên không tuyển thêm giảng viên vì sợ không có việc làm bố trí cho thầy cô”, thầy Dũng chia sẻ.

Về định hướng phát triển của trường, thầy Dũng cho biết, tỉnh Nghệ An đã định hướng sáp nhập 3 trường là Trường Đại học Kinh tế Nghệ An, Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An và Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Nghệ An, đổi tên thành Trường Đại học Nghệ An.

“Điều cần quan tâm là, dù sáp nhập hay không thì trường phải thu hút được người học. Trong quá trình xây dựng đề án, dựa vào cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn để tiến hành sáp nhập hay không, nếu giải pháp sáp nhập tạo cơ hội phát triển tốt cho các trường, chúng tôi cũng rất ủng hộ và chắc chắn tỉnh sẽ thực hiện.

Còn nếu phương án sáp nhập không có nhiều khả thi, không tạo ra tác động tích cực với xã hội và hoạt động đào tạo của các trường thì cơ quan quản lý cũng sẽ xem xét vấn đề này.

Với Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An, chúng tôi luôn mong muốn được định hướng con đường phát triển để tiếp tục thực hiện sứ mệnh đào tạo giáo viên như hơn 60 năm qua đã thực hiện. Cùng với đó, trong tương lai nếu đề án sáp nhập thành công, trường cũng mong muốn được đào tạo những ngành nghề xã hội đang có nhu cầu và năng lực của nhà trường đáp ứng được”, Thầy Dũng chia sẻ.

Nguyên Phương