Hiệp hội gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức lại trường CĐSP

17/01/2023 06:47
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-  Ngày 16/01, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp tổ chức lại các trường cao đẳng sư phạm.

Cụ thể trong văn bản kiến nghị nêu rõ, tại Nghị quyết số 46-NQ/BCS ngày 02/12/2022 của Ban cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 (NQ-46) có định hướng: “sắp xếp, tổ chức lại các trường cao đẳng sư phạm theo hướng sáp nhập thành phân hiệu của các cơ sở giáo dục đại học, hoặc hợp nhất với cơ sở giáo dục nghề nghiệp”. Liên quan đến chủ trương này, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam xin có một số ý kiến dưới đây:

Điểm lại công tác đào tạo giáo viên phổ thông

Ngay sau hòa bình lập lại ở nửa đất nước (1955), miền Bắc Việt Nam đã nỗ lực xây dựng các cơ sở đào tạo giáo viên phổ thông. Những nỗ lực của cả hệ thống chính trị đã hình thành một hệ thống cơ sở đào tạo giáo viên. Nhiệm vụ đào tạo giáo viên trung học phổ thông (còn gọi là cấp 3) do trung ương trực tiếp quản lý và triển khai ở các trường đại học sư phạm; nhiệm vụ đào tạo giáo viên trung học cơ sở (còn gọi là cấp 2), giáo viên tiểu học (còn gọi là cấp 1) giáo viên mầm non (còn gọi là tiền tiểu học) do chính quyền cấp tỉnh trực tiếp quản lý và triển khai ở các trường trung cấp sư phạm. Các mô hình 7+1, 7+2, 7+3, rồi sau là 10+1, 10+2, 10+3 lần lượt ra đời.

Các trường cao đẳng sư phạm hiện đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Ảnh minh hoạ: Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị

Các trường cao đẳng sư phạm hiện đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Ảnh minh hoạ: Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị

Sau ngày thống nhất đất nước (1975), mô hình đào tạo giáo viên của miền Bắc lan toả trong cả nước. Những năm cuối thập niên 1980 các trường trung cấp sư phạm phát triển mạnh, nhiều trường trở thành cao đẳng sư phạm. Đến năm 1995 cả nước có 61 trường cao đẳng sư phạm, gần phủ kín 63 tỉnh, thành phố (chỉ khuyết ở 3 tỉnh: Lai Châu, Đắk Nông, Hậu Giang). Những năm tiếp theo, mười lăm trường cao đẳng sư phạm đã làm nòng cốt cho việc phát triển mạng lưới đại học địa phương đồng thời làm tốt nhiệm vụ đào tạo, đào tạo lại (nâng chuẩn) nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên phổ thông.

Một thực tế rất đáng ghi nhận và phát huy là việc phân tầng, phân cấp quản lý đào tạo giáo viên phổ thông. Mô hình này đã đáp ứng tốt nhu cầu giáo viên, hoàn thành mục tiêu chiến lược của đất nước - phổ cập tiểu học, trung học cơ sở.

Kinh tế, xã hội phát triển, Nhà nước quyết định nâng chuẩn giáo viên phải đạt trình độ cử nhân trở lên (không kể giáo viên mầm non); đồng thời thiết kế và triển khai Chương trình phổ thông mới (theo hướng môn học tích hợp, tổng hợp, tự chọn...). Hai quyết định trên lại song hành với việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Đảng (NQ-19) về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập..

Xem ra các cơ sở cao đẳng sư phạm là nhân tố nổi trội trong việc thực hiện mục tiêu giảm đầu mối các đơn vị sự nghiệp công lập. Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu cho cấp có thẩm quyền sáp nhập Trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai vào Đại học Thái Nguyên, Trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận vào Trường Đại học Nông Lâm, Trường Cao đẳng sư phạm Hà Nam vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sáp nhập 7 trường cao đẳng sư phạm vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác trên địa bàn tỉnh thành cao đẳng cộng đồng (4 trường) hoặc cao đẳng địa phương (3 trường).

Trong khi đó, Trường Cao đẳng Sư phạm Cà Mau bị giải thể. Hiện có 22 trường cao đẳng sư phạm. Trong số này, có 19 trường thuộc Uỷ ban nhân dân các tỉnh, 3 trường thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhìn chung tất cả các trường trên đều có khuôn viên (đất) và cơ sở vật chất tốt do được nhà nước đầu tư bởi chương trình trọng điểm quốc gia (chương trình sư phạm) trong thời kỳ đổi mới, xứng đáng là điểm nhấn, là trung tâm văn hoá, giáo dục của địa phương.

Tuy nhiên, vài ba năm trở lại đây, các cơ sở cao đẳng sư phạm không được đào tạo giáo viên cấp 1, cấp 2, đối tượng tuyển sinh thu hẹp. Cùng những thách thức được nhắc tới ở trên, các trường cao đẳng sư phạm còn phải đối mặt với việc cắt giảm chi thường xuyên theo tinh thần Nghị định 60/2021/NĐ-CP về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

Một số vấn đề đặt ra

Thứ nhất, hiện tượng thiếu, thừa giáo viên phổ thông trở nên gay gắt trong 5 năm trở lại đây. Năm học 2018-2019 cả nước thiếu 75970 giáo viên so với định mức giáo viên/lớp theo quy định; Trong khi đó, cấp trung học cơ sở thiếu cục bộ 10140 ở một số địa phương, cả nước lại thừa 12165 người. Năm học 2021-2022, tổng số giáo viên tại các địa phương là 1.212.684 người, số giáo viên thừa là 2.161 người và số giáo viên thiếu là 101.745 người. Trong khi đó, lượng giáo viên bỏ việc lên tới 16.000 người.

Thứ hai, chương trình giáo dục phổ thông mới đã triển khai năm thứ hai. Chúng tôi chưa thấy những dấu hiệu chứng tỏ đội ngũ giáo viên có thể bảo đảm dạy tốt chương trình mới (nhất là môn tích hợp, môn tổng hợp, môn tự chọn), chưa kể sách giáo khoa có những “hạt sạn” đang làm khó cho giáo viên.

Thứ ba, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm vẫn chưa xong, trong khi đó NQ-46 của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo có chủ trương: “sắp xếp, tổ chức lại các trường cao đẳng sư phạm theo hướng sáp nhập thành phân hiệu của các cơ sở giáo dục đại học, hoặc hợp nhất với cơ sở giáo dục nghề nghiệp”.

Thứ tư, Đề án sắp xếp tổ chức lại các trường sư phạm và thành lập mới các trường sư phạm trọng điểm (Dự thảo 30/6/2019) có những khía cạnh rất đáng lo ngại. Nó không kế thừa những giá trị tích cực của lịch sử phát triển đội ngũ và giải bài toán giáo viên trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Và dường như nó nhấn mạnh vai trò một số cơ sở giáo dục đại học sư phạm vốn là cách làm trong thời kỳ bao cấp.

Thứ năm, chúng tôi và có lẽ những ai tâm huyết với sự nghiệp đào tạo giáo viên đang lo ngại về nguy cơ xóa sổ các cơ sở cao đẳng sư phạm do bị hợp nhất khiên cưỡng với các cơ sở giáo dục khác mà phần lớn không cùng sứ mệnh mà không được hỗ trợ để tự thân phát triển.

Thứ sáu, việc triển khai Công văn số 1891/BGDĐT-GDĐH ngày 11/5/2021 hướng dẫn thực hiện phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo giáo viên theo nhu cầu xã hội quy định tại Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ cho tới nay đã bộc lộ hàng loạt hạn chế… Hoạt động thực tế cho thấy, phương thức trên (đặt hàng/ giao nhiệm vụ/ đấu thầu) chỉ đạt khoảng 11 % (Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 26/8/2022 tại Hội nghị sơ kết thực hiện NQ-19).

Một số kiến nghị

Cùng với những vấn đề lớn đã nêu (nâng chuẩn giáo viên, thay đổi chương trình, sách giáo khoa) xin đặc biệt lưu ý rằng nền giáo dục Việt Nam đang nhúng sâu vào cơ chế kinh tế thị trường, quyền công dân ngày một phát huy. Theo đó, sự di chuyển đội ngũ giáo viên để mưu sinh là điều không tránh khỏi. Cho nên, công tác tổ chức hệ thống trường đào tạo giáo viên để thích ứng với cơ chế thị trường là nhiệm vụ số một của mạng lưới giáo dục đại học, trong đó có cấu phần sư phạm. Với tinh thần đó, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam xin kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo:

Về một số vấn đề liên quan đến Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm.

Trong quá trình xây dựng Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm, các nhà hoạch định chính sách nên chú trọng những khía cạnh:

Thứ nhất, thực hiện phân tầng hệ thống trường sư phạm thành các cơ sở giáo dục sư phạm ở trung ương (đại học sư phạm, đại học giáo dục trọng điểm), các cơ sở giáo dục sư phạm ở địa phương (các trường/khoa đại học sư phạm địa phương, các trường/khoa cao đẳng sư phạm địa phương). Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định các chuẩn cơ sở sư phạm, chuẩn chương trình, theo hướng đào tạo các nhà giáo dục (kể cả trình độ cao đẳng) chứ không theo hướng “thợ dạy”; bảo đảm liên thông cả hệ thống; thực hiện quản lý hoạt động đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và giao chỉ tiêu đào tạo/phân công sau tốt nghiệp cho các trường đại học sư phạm/ đại học giáo dục trọng điểm (các trường này được tự chủ cao trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, tập trung đào tạo sau đại học và nghiên cứu khoa học giáo dục). Uỷ ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương quản lý trực tiếp và giao chỉ tiêu đào tạo/phân công sau tốt nghiệp cho các trường/khoa khoa sư phạm địa phương đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.

Thứ hai, hướng tới một hệ thống sư phạm mở. Các cơ sở sư phạm trở thành trường giáo dục thuộc đại học đa lĩnh vực, hoặc khoa sư phạm trong trường đại học/cao đẳng địa phương.

Thứ ba, trong khoảng 10 năm tới, việc đào tạo bồi dưỡng giáo viên tổ chức chủ yếu theo địa chỉ, chưa theo cơ chế thị trường hoàn toàn. Trước mắt, chính quyền địa phương cần căn cứ vào nhu cầu thực tế về giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở của địa phương để giao chỉ tiêu đào tạo, đồng thời với việc nâng chuẩn cho trường cao đẳng/đại học sư phạm địa phương của mình. Riêng đối với những trường sư phạm trong thời gian còn chưa đạt chuẩn đại học như quy định ở Luật Giáo dục sửa đổi 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có chỉ đạo cụ thể thực hiện quy trình đào tạo kết hợp: 3 năm (tại trường cao đẳng sư phạm địa phương) + 1 năm (tại trường đại học sư phạm trọng điểm). Mô hình đào tạo này hiện nay đang được nhiều nước áp dụng và được xem như một giải pháp quan trọng để thực hiện quyền bình đẳng học tập cho học sinh ở các vùng khó khăn. Để làm được điều đó tại các địa phương cần sớm thành lập một hội đồng tư vấn. Có thể gọi là “Hội đồng Giáo dục – Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực” (bao gồm đại diện các sở, ban, ngành liên quan của địa phương, đại diện cộng đồng địa phương,…). Hội đồng làm chức năng tham mưu cho lãnh đạo địa phương về quy hoạch phát triển giáo dục - đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nói chung cũng như nguồn nhân lực cho giáo dục đào tạo nói riêng, trên cơ sở bám sát kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương qua từng thời kỳ, thậm chí qua từng năm, điều mà các chiến lược/kế hoạch ở tầm quốc gia không thể thực hiện. Trong tương lai gần, khi cả nước chỉ còn một hệ thống giáo dục – đào tạo thống nhất, hội đồng trên càng phát huy tác dụng mạnh mẽ.

Thứ tư, để hỗ trợ cho hệ thống trường địa phương hoạt động hiệu quả và chất lượng, Nhà nước cần khuyến khích các địa phương thành lập cụm trường liên kết trên địa bàn của mình. Những giá trị tích cực của công cuộc đổi mới giáo dục đại học Việt Nam cho thấy việc thiết lập một hệ thống giáo dục đại học mở thông qua triển khai quy trình đào tạo mới là hết sức cần thiết. Đặc biệt trong điều kiện cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nếu thực hiện được chuyển đổi số theo cách làm này, thì hy vọng đây chính là giải pháp tổng thể để duy trì sự ổn định và tạo cơ hội phát triển bền vững cho các hệ thống trường đại học - cao đẳng địa phương, trong đó có hệ thống các trường sư phạm.

Về một số vấn đề liên quan đến các cơ sở cao đẳng sư phạm

Bộ Giáo dục và Đào tạo làm việc với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trước mắt không sáp nhập các trường cao đẳng sư phạm. Việc tổ chức sắp xếp lại các cơ sở đào tạo trên từng địa bàn là đúng, nhưng cần phân biệt sáp nhập các trường nghề vào trường sư phạm khác với sáp nhập trường sư phạm vào các trường nghề. Công việc này sẽ triển khai tiếp khi đề án Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đối với 7 cơ sở cao đẳng được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thành lập trên cơ sở trường cao đẳng sư phạm và một số đơn vị giáo dục nghề nghiệp khác, đề nghị hai bộ (Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) có phương án để nhiệm vụ đào tạo giáo viên được xem là thành phần không thể thiếu; bảo đảm chương trình đào tạo giáo viên theo hướng nâng cao học vấn và tương đương cấp độ 5 của Phân loại giáo dục quốc tế (ISCED -2011). Để làm tốt nhiệm vụ này, theo chúng tôi, các cơ sở cao đẳng trên nên được đặt dưới sự quản lý của ngành Giáo dục có phân cấp cho địa phương. Bởi lẽ, các tổ chức này vốn có kinh nghiệm quản lý sư phạm và đào tạo nghề nghiệp ở địa phương.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường cao đẳng sư phạm tự xây dựng Đề án phát triển nhà trường theo hướng duy trì sự ổn định và phát triển trước mắt và lâu dài.

Với tinh thần xây dựng Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm đáp ứng tốt công tác đào tạo đội ngũ giáo viên của đất nước, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam trân trọng kiến nghị./.

Phạm Minh