Những ngành học 'hot' tỷ lệ có việc làm của sinh viên xấp xỉ 100% tại PTIT

17/04/2023 06:50
Bắc Sơn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- An toàn thông tin, CNTT, Kĩ thuật ĐTVT... là những ngành luôn có điểm trúng tuyển cao nhất tại PTIT, tỷ lệ có việc làm nhóm này cũng đạt mức xấp xỉ 100%

Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông được xem là một trong những cơ sở đào tạo uy tín với các ngành thế mạnh liên quan tới công nghệ và viễn thông.

Thực tế theo số liệu công bố của trường, những ngành này cũng chứng minh được sức nóng của mình khi tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm là 100% hoặc ở mức xấp xỉ 100% như: ngành An toàn thông tin (100%), ngành Công nghệ thông tin (98,28%), ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử (97,96%), ngành Kỹ thuật điện tử viễn thông (95,54%), ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử (97,69%), hay ngành Công nghệ đa phương tiện (97,78%),...

Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông được xem là một trong những cơ sở đào tạo uy tín với các ngành thế mạnh liên quan tới công nghệ và viễn thông. Ảnh: Fanpage nhà trường

Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông được xem là một trong những cơ sở đào tạo uy tín với các ngành thế mạnh liên quan tới công nghệ và viễn thông. Ảnh: Fanpage nhà trường

Ngành An toàn thông tin

Ngày nay, cùng với sự phát triển như vũ bão của mạng Internet, nhu cầu bảo mật thông tin ngày càng lớn. Do vậy, An toàn thông tin là một trong những ngành nghề hấp dẫn của thời đại công nghệ cao.

Đây cũng là một trong những ngành hot nhất tại Học viện Bưu chính Viễn thông. Minh chứng rõ nhất chính là điểm tuyển sinh ngành An toàn thông tin luôn đứng ở nhóm cao nhất Học viện. Năm 2022, thí sinh cần đạt 26,70 điểm mới có cơ hội trúng tuyển, năm 2021 là 26,55 điểm với tổ hợp xét tuyển Toán – Lý – Hóa (A00) hoặc Toán – Lý – Anh (A01).

Từ tháng 4/2022, Học viện đã thành lập khoa An toàn thông tin với định hướng trở thành đơn vị số 1 về đào tạo an toàn thông tin của cả nước về quy mô cũng như chất lượng đào tạo.

Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông tuyển sinh ngành An toàn thông tin ở cả 2 cơ sở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Sinh viên được đào tạo với thời gian là 4,5 năm.

Theo cam kết của nhà trường, chương trình đào tạo được xây dựng với định hướng cho sinh viên sau khi tốt nghiệp vừa có kỹ năng đáp ứng được yêu cầu của công nghệ hiện đại vừa có kiến thức nền tảng cho phép họ có cơ hội tiếp tục học tập và công tác lâu dài. Ngoài ra, sinh viên còn có năng lực tự học để tiếp thu các thành tựu khoa học kỹ thuật, tiếp tục nâng cao và mở rộng kiến thức nhằm thích ứng với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Sinh viên ngành An toàn thông tin sau khi ra trường có thể đảm nhận các vị trí như: Chuyên viên an toàn thông tin, quản trị an ninh mạng, chuyên viên phân tích, tư vấn, thiết kế hệ thống an toàn thông tin, chuyên viên kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin, chuyên viên lập trình và phát triển ứng dụng đảm bảo an toàn thông tin trong các công ty lập trình, doanh nghiệp,...

Tham khảo chương trình đào tạo chi tiết ngành An toàn thông tin tại PTIT TẠI ĐÂY.

Ngành Công nghệ thông tin

Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đào tạo ngành Công nghệ thông tin với 4 chuyên ngành: Máy tính và truyền thông, Khoa học máy tính, Kỹ thuật máy tính, Hệ thống thông tin.

Theo đó, sinh viên ngành Công nghệ thông tin sau khi kết thúc năm học thứ ba, sẽ được chọn theo học một trong năm chuyên ngành sau: Công nghệ phần mềm, Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu; Khoa học máy tính, Kỹ thuật máy tính, Hệ thống thông tin.

Nhà trường cam kết sau khi được đào tạo, sinh viên học ngành này sẽ được trang bị kiến thức nền tảng và chuyên sâu về lĩnh vực công nghệ thông tin để nâng cao tay nghề nhằm phát triển khả năng sửa chữa, xây dựng, cài đặt, bảo trì các phần cứng của máy tính cũng như nghiên cứu và phát triển các ứng dụng phần mềm. Ngoài ra cũng được trang bị kiến thức về an toàn và bảo mật thông tin mạng, một trong những lĩnh vực quan trọng được quan tâm hàng đầu trên thế giới hiện nay.

Được biết, năm 2022, điểm trúng tuyển của ngành này tại Học viện là 27,25 điểm, năm 2021 là 26,90 điểm với tổ hợp xét tuyển: Toán – Lý – Hóa (A00) hoặc Toán – Lý – Anh (A01).

Nhu cầu nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin luôn đa dạng. Sinh viên ngành Công nghệ thông tin sau khi ra trường có thể đảm nhận các vị trí như: cán bộ kỹ thuật, quản lý, điều hành trong lĩnh vực công nghệ thông tin; Hay trở thành các lập trình viên, các nhà quản trị hệ thống, quản trị bảo mật hệ thống công nghệ thông tin trong bất kỳ doanh nghiệp nào; Có thể làm việc trong các dự án với vai trò là người quản trị dự án về công nghệ thông tin; Cán bộ nghiên cứu, cán bộ giảng dạy về công nghệ thông tin tại các Viện, Trung tâm nghiên cứu và các Cơ sở đào tạo,...

Tham khảo chương trình đào tạo chi tiết ngành Công nghệ thông tin tại PTIT TẠI ĐÂY.

Ngành Kỹ thuật điện tử viễn thông

Ảnh minh họa: Fanpage nhà trường

Ảnh minh họa: Fanpage nhà trường

Sinh viên học ngành kỹ thuật điện tử viễn thông tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông sẽ được trang bị những hiểu biết cơ bản về các lĩnh vực liên quan đến ngành điện tử viễn thông. Nắm vững các phương pháp, công cụ để phân tích, thiết kế, phát triển, vận hành mạng, hệ thống và thiết bị viễn thông; Kiến thức về cơ sở dữ liệu, thu thập và phân tích dữ liệu. Đồng thời, vận dụng tốt kiến thức về hệ thống thông tin và truyền thông, có khả năng tích hợp hệ thống. Nắm vững các kiến thức, công cụ phù hợp để quản lý và ứng dụng công nghệ truyền thông vào các lĩnh vực thực tế, các ngành khác nhau.

Theo đó, dựa trên cơ sở của xu hướng phát triển mạng, công nghệ, dịch vụ, yêu cầu nhân sự và kiến thức từ các doanh nghiệp, chương trình đào tạo ngành Kỹ Thuật điện tử viễn thông được chia ra thành 3 chuyên ngành chính: Mạng và Dịch vụ Internet, Thông tin vô tuyến và Di động, Hệ thống IoT.

Cũng tuyển sinh dựa trên hai tổ hợp A00 và A01, năm 2022, điểm chuẩn trúng tuyển ngành này là 25,06 điểm, năm 2021 là 25,65 điểm.

Sinh viên tốt nghiệp ngành Điện tử viễn thông là những ứng viên tiềm năng cho các vị trí công việc như: Kỹ sư tư vấn, thiết kế trong hầu hết các tổ chức, doanh nghiệp có liên quan đến lĩnh vực điện tử viễn thông và công nghệ thông tin; Kỹ sư vận hành, giám sát trong các doanh nghiệp sở hữu và khai thác hạ tầng truyền thông; Kỹ sư phát triển ứng dụng trong các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông và Internet, các tổ chức và doanh nghiệp ứng dụng hệ thống mạng và dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin;Chuyên gia kỹ thuật trong các doanh nghiệp triển khai hệ thống ICT trong điều hành sản xuất, kinh doanh,...

Tham khảo chương trình đào tạo chi tiết ngành Kỹ thuật điện tử viễn thông tại PTIT TẠI ĐÂY.

Ngoài Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, các thí sinh có nguyện vọng học những ngành hot này có thể tham khảo thêm các trường khác như Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội,...

Năm 2022, điểm trúng tuyển ngành Công nghệ thông tin của Đại học Bách khoa Hà Nội và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông bằng nhau là 27,25 điểm

Trong suốt 5 năm kể từ 2018 đến nay, ngành Công nghệ thông tin luôn có mức điểm trúng tuyển cao nhất tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (khoảng 9 điểm/môn mới có cơ hội đỗ ngành này).

Điểm chuẩn ngành Công nghệ thông tin tại Đại học Bách khoa Hà Nội cũng có mức điểm chuẩn tương đối cao, tuy nhiên lại có xu hướng giảm điểm trúng tuyển trong 3 năm trở lại đây.

Điểm chuẩn ngành này tại Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội trong vòng 3 năm trở lại đây luôn giữ mức trên 28 điểm, đáng chú ý năm 2022 điểm trúng tuyển gần tuyệt đối là 29,15 điểm.

So sánh 3 cơ sở đào tạo, ngành Kỹ thuật điện tử viễn thông tại Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông có điểm trúng tuyển cao nhất

Điểm chuẩn ngành Kỹ thuật điện tử viễn thông tại Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông có xu hướng tăng ổn định qua các năm: 25,25 điểm (năm 2020); 25,65 điểm (năm 2021); 25,6 điểm (năm 2022).

Điểm chuẩn trúng tuyển ngành này tại Đại học Bách khoa Hà Nội và Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội có phần “hạ nhiệt hơn”. Tuy nhiên, thí sinh vẫn phải nắm chắc từ 8 điểm/môn mới có cơ hội đăng ký xét tuyển vào ngành này tại 2 cơ sở đào tạo trên.

Quá trình chuyển đổi số đã và đang diễn ra mạnh mẽ trên tất cả các ngành nghề, lĩnh vực trong đời sống. Theo đó, các ngành liên quan tới công nghệ vì thế luôn trong tình trạng "khát" nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao. Do vậy, thí sinh có thể cân nhắc tới niềm đam mê, khả năng bản thân và nhu cầu thị trường lao động để đưa ra sự lựa chọn về ngành học phù hợp với bản thân.

Bắc Sơn