Cần nhìn nhận bạo lực học đường là một vấn nạn để có "thuốc" đặc trị

05/05/2023 09:05
Tường San
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Dù đã có nhiều cảnh báo thông qua những hình thức khác nhau, thế nhưng bạo lực học đường vẫn đang có xu hướng gia tăng với biểu hiện đa dạng và tinh vi hơn.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về tình trạng bạo lực học đường đáng báo động trong thời gian gần đây, chuyên gia Tâm lý, Tiến sĩ Nguyễn Thị Vui, Giảng viên Bộ môn Tâm lý - Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 bày tỏ quan điểm:

“Tôi rất bất ngờ khi một câu chuyện bị nghi là do bạo lực học đường gây ra với hậu quả nghiêm trọng lại xảy ra tại một trường chuyên, nơi vốn được đánh giá là môi trường học tập tốt. Nó đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo rằng chúng ta không nên chủ quan, đồng nhất giữa việc học tập tốt với những giá trị cốt lõi, phẩm chất của học sinh để cùng nhìn nhận lại và lưu tâm hơn”.

Chuyên gia Tâm lý, Tiến sĩ Nguyễn Thị Vui, Giảng viên Bộ môn Tâm lý - Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ và phát triển giáo dục đặc biệt Nụ Cười (Nguồn: Fanpage Trung tâm hỗ trợ và phát triển giáo dục đặc biệt Nụ Cười).

Chuyên gia Tâm lý, Tiến sĩ Nguyễn Thị Vui, Giảng viên Bộ môn Tâm lý - Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ và phát triển giáo dục đặc biệt Nụ Cười (Nguồn: Fanpage Trung tâm hỗ trợ và phát triển giáo dục đặc biệt Nụ Cười).

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Vui, nếu đây là hậu quả do bạo lực học đường gây nên thì sẽ là một vụ việc có mức độ rất nghiêm trọng. Bởi, nó không gây ra sự tổn thất lớn cho gia đình mà còn sinh ra nhiều hậu quả xấu, hoang mang của xã hội với môi trường giáo dục hiện nay, ảnh hưởng đến niềm tin của các em học sinh về giá trị, truyền thống, văn hóa cho nhà trường. Và bất kỳ sự việc gì xảy ra trong trường liên quan đến với con người, giáo dục,... nhà trường đều phải có trách nhiệm.

Chia sẻ về dấu hiệu của những học sinh bị bạo lực học đường, Tiến sĩ Nguyễn Thị Vui cho biết, những học sinh thường bị giảm hứng thú đến trường, có những cảm xúc vui buồn thất thường, nhiều lo âu, thậm chí có những bạn bị gặp ác mộng, rối loạn giấc ngủ, bị đau bụng triền miên,...

Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Vui, hiện nay, bạo lực học đường đang có xu hướng gia tăng với rất nhiều hình thức đa dạng, không chỉ còn là đánh đập, trêu chọc như trước đây. Với sự phát triển của internet, các ứng dụng mạng xã hội, nhiều bạn học sinh hiện nay đã lợi dụng sự phát triển này để dùng mạng xã hội tấn công đời sống tinh thần của người khác.

Do vậy, nhà trường cần phải thay đổi lại những phương pháp, hình thức để quản lý được hành vi của học sinh; xem xét, rà soát lại những nội quy, quy định, giới hạn mà nhà trường đã xác lập với học sinh hiện tại có còn phù hợp, khả thi với tình hình hiện nay hay không cũng như những quy định đó đã đi vào được đời sống học đường của người học hay chưa để điều chỉnh lại cho phù hợp.

Bên cạnh đó, cần xem xét lại trong công tác phổ biến những quy tắc đó của nhà trường nếu chỉ dừng lại ở việc treo, dán ở những bảng thông báo hay giáo viên chỉ nhắc nhở trên lớp thông thường có thể chưa hiệu quả. Thay vào đó, trường có thể để các em học các quy tắc đó dưới dạng trải nghiệm để hình thành nên kỷ luật tích cực cho nhà trường,...

“Trước giờ tôi vẫn luôn quan niệm rằng, một đứa trẻ nếu không có kỷ luật tích cực sẽ không có tương lai. Do vậy, nhà trường cần phải xây dựng, hình thành nên kỷ luật tích cực cho học sinh. Ngoài ra, còn cần tăng cường giáo dục kỹ năng sống, giáo dục trí tuệ cảm xúc cũng như giáo dục 5 phẩm chất theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới cho các em.

Nếu học sinh có được và đạt được các yêu cầu 5 phẩm chất này, tôi tin rằng, vấn nạn bạo lực học đường sẽ dần được đẩy lùi. Bởi, đây là những giá trị cốt lõi giúp các em hình thành những hành vi được phù hợp”, cô Vui cho hay.

Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Vui, nhà trường nên tập trung vào việc ngăn chặn, tránh khi sự việc xảy ra rồi lại bối rối, để lại những hậu quả đáng tiếc.

Theo đó, nhà trường cần giáo dục các em tránh những nhận thức lệch lạc, hành vi không phù hợp, thiếu những kỹ năng xã hội cần thiết, từ đó, giúp các em hiểu được về hậu quả của các hành vi đi ngược lại chuẩn mực đạo đức của xã hội.

Theo chuyên gia tâm lý, Thạc sĩ Nguyễn Thị Tâm, công tác tại Trung tâm đào tạo, huấn luyện, tư vấn, chẩn đoán, can thiệp và trị liệu Tâm lý Hồn Việt cho rằng, các ca nạn nhân là trẻ em bị ảnh hưởng tâm lý mà cô đã tiếp nhận thường xảy ra bởi các nguyên nhân do bạo lực gia đình hoặc bạo lực học đường. Tuy nhiên, trong bối cảnh xã hội càng phát triển như hiện nay, vấn nạn bạo lực gia đình đã giảm nhiều nhưng bạo lực học đường có dấu hiệu tăng.

Các nạn nhân “được” các kẻ bắt nạt học đường lựa chọn thường là những bạn có những điểm đặc biệt như tính cách khác lạ, hướng nội, học giỏi, ngoan, ít muốn giao tiếp với người xung quanh,... để chọc ghẹo, tẩy chay, cô lập, chế giễu.

Những việc làm này đã để lại một sang chấn tâm lý rất nặng cho các em, khiến các em trở nên nhút nhát, sợ hãi, không còn tự tin để đấu tranh cho bản thân và thậm chí là luôn nghi ngờ bản thân và cả những người xung quanh. Đây là một vấn nạn nghiêm trọng gây ra ảnh hưởng đến toàn bộ nhân cách của một con người.

Thậm chí, theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Tâm, đã có một số em khi đến gặp cô để khắc phục vấn đề của mình là những học sinh bị rơi vào bế tắc do sau khi bị bắt nạt. Các em đã nói với cô giáo nhưng mức độ bạo lực sau đó mà các em phải chịu lại có xu hướng gia tăng thay vì phải giảm đi.

“Nhiều kẻ bắt nạt càng bị cô giáo kỷ luật lại càng trừng trị nạn nhân nặng hơn. Vì thế, các em học sinh bị bạo lực đành phải chịu đựng và dần trở nên không còn niềm tin mong chờ giáo viên, nhà trường có thể giải quyết được vấn đề cho mình”, cô Tâm bày tỏ.

Do vậy, nhà trường cần phải lọc đầu vào của mình thật kỹ càng cũng như nghiêm khắc hơn trong mặt kỷ luật các đối tượng này. Lần đầu có thể là cảnh cáo nhưng đến lần thứ 2 có thể thẳng tay cho thôi học.

Ngoài ra, các giáo viên cũng cần phải có sự tôn trọng học sinh, và phải minh bạch, rõ ràng, không được để đồng tiền thao túng bởi có một số giáo viên do muốn có nguồn lợi từ học thêm nên một số học sinh có hành vi bạo lực đã lợi dụng điều này và không còn sợ khi vi phạm.

Mặt khác, cha mẹ, gia đình nên trang bị, dạy con từ nhỏ khả năng về khả năng tự xoay xở và giải quyết vấn đề có thể chỉ bằng những lời nói để tự thân mình có thể “chiến đấu” trong mọi hoàn cảnh.

Tường San