Ngày nay, mạng xã hội đã trở thành một công cụ hiệu quả để nâng cao nhận thức, tiếng nói của cộng đồng. Nhờ đó mà ngày càng có nhiều nạn nhân lên mạng, thông qua các kênh này để kể lại những hành vi bạo lực học đường mà họ đã phải chịu đựng trong quá khứ - đặc biệt khi thủ phạm là những nhân vật nổi tiếng, là người của công chúng - như một lời cầu cứu.
Nhiều “ngôi sao” Hàn Quốc bị phanh phui sự thật từng có hành vi bạo lực bạn học trong quá khứ, và người dân tại quốc gia này tẩy chay rất quyết liệt những ngôi sao có quá khứ bạo hành ấy.
Một trong số đó là nam diễn viên Ji Soo, người đã mất vai chính trên truyền hình vào năm 2021 sau khi bị buộc tội bắt nạt và đánh đập bạn học, tống tiền và quấy rối tình dục bạn học khi còn ở cấp trung học cơ sở.
Ảnh minh họa. (Nguồn: The Korea Times). |
Một trường hợp khác là hai vận động viên bóng chuyền Lee Jae-yeong và Lee Da-yeong, họ đã bạo hành đồng đội bằng lời nói và thể xác trong thời còn đi học. Sau khi thừa nhận các cáo buộc, họ bị cấm tham gia đội tuyển địa phương và đội tuyển quốc gia vô thời hạn.
Ngoài ra, một trong những ứng cử viên nặng ký nhất tại một chương trình thi âm nhạc sau khi bị phát hiện là kẻ chuyên bắt nạt đã nhận nhiều lời chỉ trích với mức độ nghiêm trọng ngày càng tăng, người này phải bỏ cuộc thi.
Thời gian gần đây, đặc biệt là sau khi series phim “The Glory” của Hàn Quốc phát sóng với nội dung về sự trả thù của nữ chính sau khi bị bạo lực học đường dã man từ những bạn cùng trường trong suốt thời gian dài, cũng khiến một số người nổi tiếng, người có chức quyền bị phơi bày sự thật về quá khứ từng là kẻ bắt nạt của họ.
Bê bối gần nhất chính là vụ việc liên quan đến ông Chung Sun Sin, người mới được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo Văn phòng Điều tra Quốc gia thuộc lực lượng cảnh sát Hàn Quốc đã từ chức ngày 25/2/2023 do bê bối liên quan tới con trai.
Con trai của ông Chung bị phát hiện là đã chửi mắng một người bạn cùng phòng ở trường trung học khiến nạn nhân phải điều trị tâm thần và định tự tử do quá đau khổ. Theo nhiều nguồn thông tin, người con trai biết rõ cha mình có tầm ảnh hưởng, sẽ huy động mọi biện pháp quyền lực để bảo vệ cho mình nên ngang nhiên bắt nạt người khác.
Còn cựu thành viên nhóm nhạc nam Kpop BLACK6IX, Kim Hyun Jae, đã rút khỏi chương trình mới lên sóng của JTBC - Peak Time vì quá khứ tai tiếng với cáo buộc đã có hành vi bạo lực học đường hồi còn đi học.
Mặc dù được kỳ vọng sẽ trở thành người chiến thắng khi thống trị số phiếu bầu của người xem từ đầu chương trình, ca sĩ nhạc trot Hwang Young Woong - người nổi tiếng trong cuộc thi âm nhạc Glowing Trotmen của kênh truyền hình cáp MBN, đã rút khỏi chương trình trước vòng chung kết bởi các cáo buộc bắt nạt và bạo lực của anh ngày càng gia tăng.
Ngoài ra, một số nạn nhân cũng đã đứng ra làm chứng về tác động nghiêm trọng của bạo lực học đường đối với cuộc sống của bản thân họ hiện tại.
Kwak Jun-bin, một YouTuber nổi tiếng về mảng du lịch đã chia sẻ trong chương trình truyền hình rằng anh bị bắt nạt suốt những năm đi học nên cuối cùng đã phải bỏ học. Suốt quãng thời gian sau đó, Kwak Jun-bin đã sống ẩn dật trong nhiều năm với ý nghĩ trả thù những kẻ đã bắt nạt mình.
Một người phụ nữ khác cũng xuất hiện trên một chương trình trò chuyện để nói rằng cô ấy đã phải chịu đựng sự tra tấn giống như nhân vật chính trong series phim "The Glory" là bị kẻ bắt nạt làm bỏng da từ một chiếc máy là tóc.
Việc trả giá của những kẻ đi bắt nạt là chuyện sớm muộn, tuy nhiên, gia đình, giáo viên và nhà trường đều phải có trách nhiệm và kiên quyết trong việc giáo dục con trẻ về tính nghiêm trọng của bạo lực học đường dù là nạn nhân hay là kẻ bắt nạt. Bởi, nó sẽ ảnh hưởng đến cả tương lai của họ, có thể khiến nạn nhân mất đi mạng sống, nhiều gia đình, cá nhân bị hủy hoại,...
Vào tháng 12 năm ngoái, Chính phủ Hàn Quốc đã thông qua dự luật hạ thấp giới hạn độ tuổi từ 14 xuống 13 trong Đạo luật Phòng chống Tội phạm và Tư pháp Vị thành niên.
Thông tấn xã Yonhap đưa tin độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự sẽ giảm xuống một năm so với mức 14 tuổi hiện tại, Bộ Tư pháp Hàn Quốc cho rằng đây là biện pháp để đối phó với tình trạng ngày càng nhiều tội phạm nghiêm trọng do người chưa thành niên thực hiện.
Và mới đây, Chính phủ nước này cũng đưa ra thông báo học sinh có hành vi bắt nạt tại trường học sẽ bị lưu hồ sơ kỷ luật cho đến khi làm hồ sơ xét tuyển vào đại học. Biện pháp này bắt đầu được thực hiện từ năm 2026.
Ngoài ra, sẽ tăng gấp đôi thời gian lưu giữ bắt buộc hồ sơ kỷ luật đối với các trường hợp sinh viên có hành vi bắt nạt nghiêm trọng lên 4 năm để các trường hợp này sẽ bất lợi khi tuyển dụng. Điều này nhằm bảo đảm thủ phạm không thể che giấu quá khứ bắt nạt bạn học và phải gánh trách nhiệm nặng ngay cả sau khi tốt nghiệp.