GV lớn tuổi học nâng chuẩn: Việc thi để có chứng chỉ ngoại ngữ là không khả thi

06/05/2023 06:33
Nguyên Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều học viên đã có kiến nghị với Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội, “cởi trói” chứng chỉ ngoại ngữ khi đào tạo nâng chuẩn.

Theo quy định hiện hành, giáo viên đang dạy ở các cấp học, bậc học đã không còn yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ.

Tuy nhiên, với những giáo viên học nâng chuẩn trình độ đào tạo từ cao đẳng lên đại học vẫn bắt buộc phải có chứng chỉ ngoại ngữ mới được cấp bằng tốt nghiệp. Với nhiều giáo viên học nâng chuẩn, đặc biệt là những thầy cô lớn tuổi, yêu cầu chuẩn đầu ra ngoại ngữ là một khó khăn vô cùng lớn.

Hiện đang có kiến nghị "cởi trói" chuẩn đầu ra ngoại ngữ đối với giáo viên lớn tuổi học nâng chuẩn, tạo điều kiện cho thầy cô học tập nâng cao chuyên môn, tốt nghiệp, đáp ứng yêu cầu theo Luật Giáo dục 2019.

. Ảnh minh họa: NP

. Ảnh minh họa: NP

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, lãnh đạo Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, hiện nhà trường đang đào tạo liên thông hệ vừa làm vừa học theo Nghị định 71/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.

Theo quy định hiện hành, việc đào tạo nâng chuẩn cho giáo viên phải được thực hiện giống đào tạo đại học chính quy, dù đào tạo liên thông vừa làm vừa học thì về nguyên tắc đều phải đáp ứng đúng chuẩn chương trình, trong đó ngoại ngữ là một chuẩn đầu ra mà học viên phải thực hiện.

Theo đó, yêu cầu với người có bằng đại học là năng lực ngoại ngữ bậc 3/6 theo Khung năng lực ngoại ngữ của Việt Nam (tương đương trình độ B1 theo khung châu Âu).

“Qua quá trình đào tạo, nhà trường cũng đã tiếp nhận nhiều ý kiến đề xuất, góp ý của các học viên – là các giáo viên học nâng chuẩn, thầy cô đều cho rằng, yêu cầu chuẩn đầu ra ngoại ngữ khiến họ gặp nhiều khó khăn, trong khi công việc chuyên môn ở nhiều bộ môn không cần thiết yêu cầu trình độ ngoại ngữ như vậy. Và thực tế triển khai đào tạo, chúng tôi cũng nhận thấy có nhiều khó khăn”, vị lãnh đạo này cho hay và chỉ rõ:

Thứ nhất, thầy cô giáo hiện đang học nâng chuẩn là những người đã được tuyển dụng, làm việc tại các trường học trong một thời gian dài, có người sắp đến tuổi nghỉ hưu. Dù vậy, theo quy định, họ vẫn phải học nâng chuẩn, trừ một số người được miễn nếu thời gian công tác không dài bằng thời gian đi học.

Tuy nhiên, phần lớn các thầy cô ngày trước dạy tiểu học đều được đào tạo trình độ trung cấp, sau đó học nâng chuẩn lên trình độ cao đẳng và giờ nâng chuẩn lên trình độ đại học. Như vậy, chương trình ngoại ngữ trước đây thầy cô được đào tạo rất khó liên thông để phù hợp với yêu cầu đào tạo hiện tại ở các trường đại học.

Với chương trình hiện nay, những học viên, sinh viên trẻ sẽ thuận lợi hơn, còn các thầy cô ngày xưa học theo chương trình cũ, bây giờ quay lại học sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Có thầy cô trước đây học ngoại ngữ khác nhưng giờ họ chọn tiếng Anh cũng gặp khó, vì giáo viên lâu nay ít khi sử dụng ngoại ngữ, đặc biệt là giáo viên lớn tuổi.

Với một số thầy cô biết sử dụng ngoại ngữ thì cũng chủ yếu dừng lại ở kỹ năng đọc hiểu trong chuyên môn, trong khi trình độ B1 phải đảm bảo 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết, để đáp ứng yêu cầu này không phải việc dễ dàng với thầy cô.

Thứ hai, hiện nay, theo tinh thần của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quán triệt, là hạn chế yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học để tránh phiền hà cho giáo viên, ngay cả chuẩn nghề nghiệp giáo viên cũng không yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ.

Vậy, vấn đề đặt ra là, đạt chuẩn ngoại ngữ có bắt buộc giáo viên phải thi và có chứng chỉ hay không?

Như trước đây, chúng ta đã từng áp dụng, người học vẫn phải học các học phần ngoại ngữ theo chương trình, nhưng chỉ cần tổ chức đánh giá tương đương chứ không cần thi chứng chỉ. Nên chăng chúng ta có thể áp dụng cách làm này đối với các giáo viên lớn tuổi, để tạo điều kiện cho thầy cô học tập nâng chuẩn, đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Thứ ba, giáo viên học nâng chuẩn theo yêu cầu nhưng vẫn phải đảm nhận việc giảng dạy hằng ngày ở trường, duy trì công tác dạy học và phải hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại các cơ sở giáo dục và đào tạo.

Như vậy, thầy cô phải dành nhiều thời gian cho công việc, lại vừa phải đi học nâng chuẩn mà yêu cầu họ trong thời gian ngắn phải có chứng chỉ ngoại ngữ để tốt nghiệp là áp lực rất lớn với thầy cô.

Chưa kể, muốn nâng cao năng lực ngoại ngữ không thể một sớm một chiều mà phải có thời gian dài học tập chuyên tâm, chính vì vậy, quy định chuẩn đầu ra ngoại ngữ với các thầy cô, đặc biệt thầy cô lớn tuổi dường như chưa phù hợp.

Có những học viên cũng từng trải lòng với nhà trường rằng, họ không thể học đạt được chuẩn đầu ra ngoại ngữ dù đã cố gắng nhiều, nhưng theo quy định, nếu giáo viên không có chứng chỉ thì họ không được cấp bằng, không thể đạt chuẩn, và làm sao để họ tiếp tục công tác, cống hiến trong ngành giáo dục.

Thứ tư, hiện tại, để đáp ứng công việc, các thầy cô cần nhiều thời gian học tập, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn. Vậy yêu cầu thiết thực hiện nay là tập trung nâng cao chuyên môn cho thầy cô để đáp ứng được yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018 với giáo viên phổ thông và đổi mới với giáo viên mầm non.

Tập trung bồi dưỡng chuyên môn cho thầy cô sẽ khả thi hơn và phù hợp hơn yêu cầu thầy cô có chứng chỉ ngoại ngữ trong thời gian ngắn, tất nhiên chúng ta sẽ có lộ trình, sau khi các thầy cô đạt chuẩn rồi sẽ tiếp tục bồi dưỡng trình độ ngoại ngữ, tin học cho giáo viên trong quá trình giáo viên công tác tại cơ sở.

Theo lãnh đạo Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội: Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã mở rộng cơ sở đào tạo được cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tuy nhiên việc thi để có chứng chỉ với nhiều thầy cô lớn tuổi là không khả thi.

Đối với thầy cô lớn tuổi, họ đã nỗ lực học tập để nâng chuẩn trình độ trong khi vẫn phải đảm bảo công tác giảng dạy thì nên chăng cần giảm bớt áp lực cho thầy cô.

Tính đến yếu tố lịch sử, trước đây, thi nâng ngạch công chức, viên chức, những người đạt độ tuổi nào đó sẽ được miễn ngoại ngữ, vậy hiện tại, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị chức năng cũng nên “cởi trói” chuẩn đầu ra ngoại ngữ với những thầy cô lớn tuổi. Chúng ta vẫn đảm bảo có thời gian cho thầy cô học ngoại ngữ, đánh giá đạt chuẩn nhưng không bắt buộc các học viên phải thi để có chứng chỉ.

Áp dụng quy định cũng nên tính đến yếu tố hồi tố có lợi cho thầy cô, tạo điều kiện để họ học tập, bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn và để thầy cô có nhiều động lực cống hiến với nghề.

Nguyên Phương