Chiều ngày 11/5/2023, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã có buổi làm việc với Trường Đại học Nam Cần Thơ.
Tham dự buổi làm việc về phía Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam có các Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam gồm: Giáo sư Trình Quang Phú, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cùng lãnh đạo Viện nghiên cứu phát triển Phương Đông.
Về phía Trường Đại học Nam Cần Thơ có Anh hùng Lao động, Nhà giáo nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân – Hiệu trưởng danh dự nhà trường, Tiến sĩ Nguyễn Văn Quang – Hiệu trưởng cùng các phó hiệu trưởng và lãnh đạo một số phòng, ban trực thuộc trường.
Trường đã có trên 8.000 học viên, sinh viên ra trường
Phát biểu tại buổi làm việc, Tiến sĩ Nguyễn Văn Quang – Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ cho biết, sau hơn 10 năm xây dựng và phát triển, nhà trường đã ổn định bộ máy hoạt động, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng thí nghiệm thực hành, thư viện điện tử, phòng máy vi tính, tài liệu giảng dạy, học tập hiện đại, phục vụ cho việc đào tạo và nghiên cứu khoa học cho hơn 20.000 sinh viên đang học tập tại trường.
Nhà trường có trên 8.000 học viên, sinh viên đã tốt nghiệp ra trường, cung cấp nguồn nhân lực cho thành phố Cần Thơ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Dù gặp nhiều khó khăn và thách thức, tập thể sư phạm nhà trường vẫn luôn tin tưởng, tự hào về sứ mạng và vai trò tiên phong của một trường đại học Việt Nam từng bước đem lại chất lượng, thành quả và môi trường học thuật tiên tiến cho các bạn trẻ Việt Nam đủ khả năng hội nhập, bản lĩnh nghề nghiệp.
Hiện trường có 11 chương trình đào tạo bậc đại học chính quy và 1 chương trình đào tạo bậc thạc sĩ được cấp giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục, là 1 trong top 21 cơ sở giáo dục được chấm sao, đạt chuẩn quốc tế theo hệ thống xếp hạng đối sánh “University Performance Metrics (UPM)” đạt chuẩn 3 sao.
Quang cảnh buổi làm việc |
Năm 2023, trường tuyển sinh đào tạo 41 ngành bậc đại học chính quy, 5 ngành bậc thạc sĩ, 1 ngành bậc tiến sĩ và có thực hiện việc liên thông từ trung cấp lên cao đẳng rồi lên đại học với ngành Dược chính quy, tuyển sinh và đào tạo bậc đại học ngành Xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học hệ vừa học vừa làm.
Ngoài ra, trường còn tuyển sinh văn bằng 2 hệ vừa làm vừa học. Hiện tại, trường đang đầu tư và dần hoàn thiện cơ sở vật chất giai đoạn 2, các trang thiết bị, tài liệu giảng dạy, dụng cụ thí nghiệm, học tập hiện đại, giáo trình tiên tiến để phục vụ cho việc đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Khu ký túc xá của nhà trường được xây dựng theo mô hình khu phức hợp khép kín, với tiện nghi dành cho sinh viên nhiều dịch vụ, diện tích hơn 10.000m2, sức chứa khoảng 2.000 sinh viên.
Hiệu trưởng trường Đại học Nam Cần Thơ chia sẻ thông tin |
Trường Đại học Nam Cần Thơ đẩy mạnh việc liên kết, hợp tác quốc tế với nhiều quốc gia lớn trên thế giới, đã xuất bản 19 kỳ Tạp chí Khoa học và Kinh tế phát triển.
Hoạt động khoa học công nghệ của trường trong những năm qua đã bám sát chiến lược khoa học công nghệ của quốc gia, gắn liền với công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng.
Trường đã thành lập các doanh nghiệp, để xây dựng mô hình doanh nghiệp trong trường học, liên kết sâu rộng với nhiều đối tác lớn để đào tạo các kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng mềm xuyên suốt và liên tục cho sinh viên ngay từ năm thứ nhất cho đến khi tốt nghiệp ra trường, để sinh viên thực sự quen thuộc với môi trường làm việc của doanh nghiệp/đơn vị, đồng thời có thể tham gia làm việc như một nhân viên chính thức sau khi tốt nghiệp.
Bên cạnh những thuận lợi đã đạt được, Tiến sĩ Nguyễn Văn Quang còn cho biết, trường vẫn có điều khó khăn là tự bỏ ra kinh phí rất lớn để bồi thường đất, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động của trường.
Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định số 69/2008/NĐ-CP và Nghị định 59/2014/NĐ-CP ngày 16/6/2014, trường được địa phương giao đất sạch để đầu tư nhưng chưa thực hiện được, nên đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng do vướng nhiều thủ tục chồng chéo rất khó để thực hiện.
Thời gian tới, Trường Đại học Nam Cần Thơ xác định 4 phương hướng trọng tâm, đó là: Xây dựng và hoàn thiện cơ cấu ngành đào tạo, chương trình đào tạo, tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy, quản lý đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; tăng cường hiệu quả hợp tác với các đối tác quốc tế, nâng cao trình độ tiếng Anh cho sinh viên, phấn đấu đưa 30% giáo trình, tập bài giảng vào giảng dạy bằng tiếng Anh cho một số ngành đào tạo; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong giảng viên và sinh viên; hoàn thiện cơ sở vật chất và trang thiết bị đáp ứng nhu cầu dạy và học.
Để phát triển tốt hơn trong thời gian tới, lãnh đạo nhà trường đã nêu lên 6 kiến nghị:
Thứ nhất, hiện thành phần Hội đồng trường theo quy định của Luật Giáo dục đại học năm 2012 (sửa đổi bổ sung năm 2018) chỉ phù hợp với các trường đại học công lập. Còn đối với các trường đại học tư thục thì thành viên Hội đồng trường nên quy định theo hướng chủ đầu tư là các thành viên của Hội đồng trường, còn thành viên khác không tham gia góp vốn chỉ khuyến khích chứ không nên bắt buộc theo quy định hiện nay.
Thứ hai, đề xuất sửa đổi Luật Đất đai liên quan đến đầu tư xây dựng trường theo hướng giao đất lâu dài, không nên theo quy định hiện nay là cho thuê đất có thời hạn 50 năm, vì quy định này không khuyến khích được nhà đầu tư phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ cho hoạt động giáo dục. Kiến nghị Luật Đất đai nên đưa trường hợp sử dụng vì mục đích giáo dục vào trường hợp được thu hồi đất trong quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy định tại Điều 62 của Luật Đất đai năm 2013.
Thứ ba, kiến nghị nên có cơ chế đặc biệt dành cho vùng khó khăn, dân trí thấp được tăng tỷ lệ sinh viên/giảng viên, cho phép giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên được đứng tên ở hai cơ sở giáo dục đại học.
Thứ tư, cần giao quyền tự chủ hơn nữa cho trường trong việc công nhận, sử dụng văn bằng của các cán bộ, giảng viên tốt nghiệp các chương trình đào tạo của nước ngoài cấp.
Thứ năm, cần giao quyền tự chủ hơn nữa cho trường trong việc xét, công nhận giáo sư, phó giáo sư.
Thứ sáu, cần mở rộng điều kiện và chỉ tiêu tuyển sinh liên thông trình độ từ trung cấp, cao đẳng lên đại học vì người học đang có nhu cầu cao.
Hiệp hội mong nhà trường tiếp tục khẳng định được thương hiệu, vị thế
Tại buổi làm việc này, lãnh đạo Hiệp hội đã có những trao đổi về vai trò của các thành viên trong Hội đồng trường, cả đối với trường đại học công lập và tư thục, vai trò của Bí thư Đảng ủy trong trường đại học tư thục, việc thuê đất dành cho mục đích giáo dục mà chỉ 50 năm là bất cập lớn…
Giáo sư Trình Quang Phú – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho biết, những kiến nghị của trường sẽ được Hiệp hội ghi nhận và chuyển tới các cơ quan có thẩm quyền |
Chia sẻ với những vấn đề mà hiện nay Trường Đại học Nam Cần Thơ đang gặp phải, Giáo sư Trình Quang Phú – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam mong rằng, trường cần làm sao để phát triển đa dạng hơn nữa, làm tốt công việc của mình hơn nữa, cần xây dựng được thương hiệu và vị thế của mình trong hệ thống các trường đại học tại Việt Nam.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhấn mạnh, ông rất khâm phục vì những điều mà Trường Đại học Nam Cần Thơ đã làm được trong vòng 10 năm hình thành và phát triển vừa qua.
Đồng thời, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến đề nghị, trường cần tiếp tục cố gắng thực hiện việc minh bạch chất lượng đào tạo, minh bạch về tài chính, khắc phục được những điều khó khăn trong đội ngũ để tiếp tục đưa nhà trường phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.