ĐH Cần Thơ gặp khó trong đào tạo sư phạm khi chỉ được giao 7– 8 chỉ tiêu/ngành

11/05/2023 13:03
Nguyên Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sáng ngày 11/5, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam có cuộc làm việc với Trường Đại học Cần Thơ.

Tham dự cuộc làm việc, về phía Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam có Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng – Chủ tịch Hiệp hội cùng các Phó Chủ tịch: Giáo sư- Tiến sĩ Trình Quang Phú, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, Tiến sĩ Nguyễn Đình Hảo và lãnh đạo Viện nghiên cứu phát triển Phương Đông

Về phía Trường Đại học Cần Thơ có Giáo sư, Tiến sĩ Hà Thanh Toàn – Hiệu trưởng nhà trường cũng lãnh đạo một số phòng, ban như: Phòng Thanh tra – pháp chế; Phòng đào tạo; Phòng tài chính; Phòng đào tạo sau đại học; Trung tâm liên kết đào tạo;…

Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam có cuộc làm việc với Trường Đại học Cần Thơ.
Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam có cuộc làm việc với Trường Đại học Cần Thơ.

Chia sẻ tại buổi làm việc, Giáo sư Hà Thanh Toàn cho biết, Trường Đại học Cần Thơ trải qua 57 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, trường xây dựng theo mô hình của đại học Bắc Mỹ, và là một trong những trường đại học có diện tích lớn nhất cả nước.

Giáo sư Hà Thanh Toàn (bên phải) cho biết, Trường Đại học Cần Thơ đang có hướng chuyển từ trường đại học thành đại học.
Giáo sư Hà Thanh Toàn (bên phải) cho biết, Trường Đại học Cần Thơ đang có hướng chuyển từ trường đại học thành đại học.

2 năm nay, trường tự chủ hoàn toàn chi thường xuyên với 12 khoa khác nhau, đang có nguyện vọng chuyển từ Trường Đại học Cần Thơ thành Đại học Cần Thơ gồm 5 trường chuyên môn như: trường Kinh tế, trường Bách khoa, trường Công nghệ thông tin và truyền thông, trường Nông nghiệp, trường Thủy sản. Theo đó, các trường chuyên môn không lập bộ máy quản lý riêng, chỉ có hiệu trưởng – phó hiệu trưởng và văn phòng.

Trường cũng đang xin cho phép thành lập 2 phân hiệu tại Hậu Giang và tại Sóc Trăng.

Đào tạo sư phạm còn nhiều khó khăn

Cũng tại buổi làm việc với Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Trường Đại học Cần Thơ đã có những chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc trong các hoạt động đào tạo, tài chính, đầu tư cho giáo dục.

Thầy Nguyễn Minh Trí – Trưởng Phòng Đào tạo, Trường Đại học Cần Thơ cho biết, thời gian qua thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương, ngành giáo dục có nhiều đổi mới với nhiều chuyển biến tích cực.

Dẫu vậy, còn một số văn bản thực hiện còn có nhiều vướng mắc cần tháo gỡ.

Thầy Nguyễn Minh Trí (bên trái) – Trưởng Phòng Đào tạo, Trường Đại học Cần Thơ chia sẻ tại chương trình làm việc.
Thầy Nguyễn Minh Trí (bên trái) – Trưởng Phòng Đào tạo, Trường Đại học Cần Thơ chia sẻ tại chương trình làm việc.

Trường Đại học Cần Thơ là cơ sở giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó có đào tạo giáo viên, đến nay trường đã mở 13 ngành đào tạo giáo viên. Trong tuyển sinh, theo quy định, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phân giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các ngành đào tạo giáo viên và xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào nhưng khó khăn mà nhà trường gặp phải là: Chỉ tiêu Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho trường trong các năm không ổn định, có năm hơn 1000 chỉ tiêu nhưng có năm chỉ vài trăm chỉ tiêu.

Có một số ngành, năm 2022, Bộ chỉ giao 7-8 chỉ tiêu/ngành, việc giao chỉ tiêu thấp và không ổn định khiến công tác tuyển sinh, đào tạo sư phạm gặp nhiều trở ngại. Trong bối cảnh trường thực hiện tự chủ chi thường xuyên nhưng chỉ tiêu được giao thấp như vậy sẽ gây khó khăn cho trường.

Theo thầy Trí, Bộ Giáo dục Và Đào tạo có thể cấp chỉ tiêu căn cứ vào báo cáo nhu cầu giáo viên của các địa phương, thế nhưng, hiện nay, số liệu tính toán nhu cầu của các địa phương lại lấy từ Sở nội vụ, tức là chưa có con số thống kê của hệ thống giáo dục tư thục trong khi nhu cầu của hệ thống giáo dục tư thục đang rất lớn.

Chỉ tiêu sư phạm xuất phát từ nhu cầu xã hội, nên để các trường chịu trách nhiệm với xã hội việc đó, vì các trường có trách nhiệm giải trình với xã hội, thông qua thống kê sinh viên tốt nghiệp có việc làm.

“Chúng tôi đề xuất, tối thiểu phải giao 40 chỉ tiêu/ngành, năng lực đào tạo của trường lên đến 2000 nhưng trường vẫn luôn quan tâm đến chất lượng, không tuyển sinh quá nhiều nhưng không thể giao chỉ tiêu quá ít”, thầy Trí cho biết.

Theo Trưởng Phòng Đào tạo Trường Đại học Cần Thơ, chỉ tiêu phải được giao từ đầu năm để tạo thuận lợi cho các trường trong công tác tuyển sinh. Năm nay chỉ tiêu vẫn chưa được giao, các trường gặp khó trong phân bổ chỉ tiêu tương ứng với các phương thức xét tuyển, đặc biệt đối với phương thức xét tuyển sớm.

Trường có phương thức xét tuyển sớm bằng học bạ, cần phải công bố sớm cho người học nhưng hiện chỉ có thể công bố chỉ tiêu dự kiến, và chỉ tiêu này sẽ thay đổi.

Như vậy, cơ quan quản lý phải phân bổ chỉ tiêu đảm bảo ổn định, đạt mức tối thiểu và phải phân bổ sớm cho các trường

Liên quan đến việc thực hiện Nghị định 116/2020/NĐ-CP Quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm, thầy Trí cho biết, đây là một chính sách tốt, thu hút người giỏi vào học sư phạm nhưng quá trình triển khai thực hiện có nhiều khó khăn.

Năm đầu tiên, trường được 2 địa phương Long An, Vĩnh Long đặt hàng với mấy trăm chỉ tiêu, thế nhưng, sau khi Ủy ban Nhân dân 2 tỉnh làm việc với Hội đồng Nhân dân tỉnh thì Hội đồng Nhân dân tỉnh chỉ đồng ý cấp kinh phí với những sinh viên thuộc địa phương mình, do đó, đến khi hợp đồng chỉ có 11 sinh viên, số sinh viên còn lại địa phương không chi trả kinh phí cho nhà trường.

Với những sinh viên này, trường đã miễn học phí cho các em, nhưng sinh viên vẫn hỏi về hỗ trợ sinh hoạt phí. Trả lời vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu nhà trường làm việc với các địa phương. Do đó, khó khăn này vẫn chưa được giải quyết

Điều này cho thấy sự bất cập về việc thực hiện chính sách, nhiều địa phương vẫn nghĩ Nghị định của Chính phủ thì trách nhiệm cấp ngân sách thuộc về Trung ương.

Hiện trường chỉ đào tạo theo các hình thức: đặt hàng (số lượng ít), đào tạo theo nhu cầu xã hội, đào tạo theo chỉ tiêu của Bộ Giáo dục và Đào tạo chứ chưa thực hiện đào tạo theo hình thức đấu thầu.

Đối với vấn đề xử phạt trường đại học tuyển sinh vượt chỉ tiêu, Trưởng phòng đào tạo Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, đối với những ngành được giao chỉ tiêu, nên quy định giao tối thiểu 40 chỉ tiêu, khi tính vượt chỉ tiêu nên tính 5%, để cho phép số thí sinh ảo.

Nếu giới hạn 40 chỉ tiêu trở xuống thì không nên tính theo %, mà tính con số tuyệt đối, cụ thể nếu vượt 5 sinh viên mới xử phạt. Đặc biệt là không tính tại thời điểm quyết định thu nhận đầu vào mà tính theo thời điểm báo cáo với Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đối với lĩnh vực đào tạo khối ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ cũng là cơ sở đào tạo có thế mạnh về lĩnh vực này. Tuy nhiên, nhìn chung tình hình tuyển sinh nói chung của các trường đại học trên cả nước đều gặp nhiều khó khăn (chỉ đạt khoảng 40% tổng chỉ tiêu). Trường Đại học Cần Thơ đạt từ 70 – 80 % tổng chỉ tiêu.

Nếu không có chính sách khuyến khích người học thì các ngành nông lâm, thủy sản sẽ thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long đang có nhu cầu nhân lực rất lớn.

“Ngành cơ khí nông nghiệp trước đây là ngành mạnh nhưng giờ không tuyển sinh được, có trường phải ngành hủy ngành, vậy cơ giới hóa nông nghiệp nông thôn sẽ không có nhân lực, như vậy thì không thể phát triển kinh tế”, thầy Trí cho hay.

Với hoạt động kiểm định chất lượng, thầy Nguyễn Minh Trí đề xuất, cần tăng thời gian chu kỳ kiểm định lên 10 năm (thay vì 5 năm như hiện nay) để giảm bớt gánh nặng tài chính cho các trường tự chủ.

Về biên chế nhân sự, cần có cơ chế cho phép trường đại học công lập ký hợp đồng lao động với giảng viên nghỉ hưu, được tính vào đội ngũ giảng viên cơ hữu, để các trường đảm bảo đội ngũ mở ngành đào tạo, giải quyết khó khăn về bài toán nhân sự cho các trường.

Đại diện Trường Đại học Cần Thơ cũng đề xuất, cần có cơ chế tạo thuận lợi cho hoạt động đào tạo liên thông, đào tạo từ xa, phải xem đào tạo phi chính quy cũng là một phần quan trọng của hoạt động đào tạo tại các cơ sở giáo dục đại học.

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng khẳng định sự đồng hành của Hiệp hội với các trường đại học trên con đường phát triển giáo dục.

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng khẳng định sự đồng hành của Hiệp hội với các trường đại học trên con đường phát triển giáo dục.

Chia sẻ với những trăn trở của Trường Đại học Cần Thơ, Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng – Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam khẳng định, Hiệp hội ghi nhận những ý kiến từ phía nhà trường, sẽ có các văn bản kiến nghị đến Chính phủ và các cơ quan quản lý để tháo gỡ những vướng mắc trong hoạt động đào tạo, nhân sự, tài chính.

Đặc biệt, thời gian tới Hiệp hội sẽ có kiến nghị để có chiến lược phát triển cho Trường Đại học Cần Thơ cũng như một số đại học vùng, đảm bảo đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực cho các vùng, khu vực trên cả nước.

Lãnh đạo Hiệp hội chụp ảnh kỷ niệm cùng Giáo sư Hà Thanh Toàn và cán bộ Trường Đại học Cần Thơ.

Lãnh đạo Hiệp hội chụp ảnh kỷ niệm cùng Giáo sư Hà Thanh Toàn và cán bộ Trường Đại học Cần Thơ.

Tại buổi làm việc với Trường Đại học Cần Thơ, lãnh đạo Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cũng đã có những trao đổi, chia sẻ, tư vấn cho lãnh đạo, cán bộ quản lý nhà trường những vấn đề còn vướng mắc. Hiệp hội sẽ đồng hành cùng Trường Đại học Cần Thơ nói riêng và các trường đại học trên cả nước nói chung để hướng tới mục tiêu xây dựng và phát triển hệ thống giáo dục đại học ngày càng vững mạnh, hướng tới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển đất nước.

Nguyên Phương