Học chứng chỉ CDNN theo hạng cấp sau 30/6/2022, GV mất tiền oan, trách nhiệm ai?

20/05/2023 07:57
Bùi Nam
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo người viết, việc giáo viên học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp theo hạng cấp sau ngày 30/6/2022 là lỗi hỗn hợp do cơ quan đào tạo cấp chứng chỉ...

Ngày 14/4/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/5/2023.

Ảnh minh họa: Vtv.vn

Ảnh minh họa: Vtv.vn

Thông tư 08/2023, có nhiều điểm mới, có lợi cho giáo viên, tuy nhiên vẫn còn có những băn khoăn của giáo viên về bổ nhiệm, chuyển xếp lương và chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.

Bày tỏ băn khoăn của mình về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, một bạn đọc là giáo viên tiểu học gửi thư về Tòa soạn như sau:

“Kính chào Tòa soạn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam Giáo dục. Bản thân tôi là 1 giáo viên tiểu học, năm nay tròn 9 năm giữ hạng III nên đầu năm nay (năm 2023) tôi mới quyết định học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng II, thời điểm tôi đăng ký học, Hiệu trưởng trường tôi còn động viên giáo viên đi học lấy chứng chỉ để có thể được thăng hạng lên hạng II trong thời gian tới.

Hiện nay, tôi đã bỏ tiền túi học, hoàn thành và được cấp chứng chỉ chức danh nghề nghiệp viên chức hạng II, thời điểm cấp năm 2023.

Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT, tôi mới “ngỡ ngàng” vì chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng II của tôi được cấp sau ngày 30/06/2022 là không được chấp nhận, không có giá trị.

Nếu như trước thời điểm 30/06/2022, Bộ Giáo dục ra thông báo thì tôi đã không "dại" gì mà đi học.

Bên cạnh đó bản thân tôi phát hiện ra có sự ưu ái đặc biệt giữa 1 bên là giảng viên và 1 bên là giáo viên phổ thông như sau: "Thông tư 04/2022/TT-BGDĐT dành cho giảng viên các trường cao đẳng, đại học ngày 04/03/2022 (có hiệu lực ngày 19/04/2022) quy định các chứng chỉ chức danh nghề nghiệp sau ngày 30/06/2022 là không hợp lệ để cho giảng viên biết để dừng lại không học chứng chỉ nữa.

Còn giáo viên phổ thông, nhiều thầy cô bỏ tiền đi học, các trường sư phạm vẫn tổ chức lớp dạy chứng chỉ thu tiền đều đều. Và đến khi Thông tư 08/2023 ngày 14/04/2023 (có hiệu lực ngày 30/05/2023) ban hành, giáo viên mới "ngã ngửa" là chứng chỉ nghề nghiệp theo hạng cấp sau ngày 30/6/2022 là không có giá trị.

Nên chăng, công nhận chứng chỉ chức danh nghề nghiệp không có giá trị sau ngày 30/5/2023 (thời điểm Thông tư 08/2023 có hiệu lực) sẽ hợp lý hơn".

Chia sẻ của cô giáo tiểu học trên cũng là băn khoăn của nhiều bạn đọc là giáo viên thời gian qua gửi thư về Tòa soạn, những người đã bỏ tiền túi, thời gian học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp theo hạng từ sau ngày 30/6/2022.

Tuy nhiên, theo người viết, việc giáo viên học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp theo hạng sau ngày 30/6/2022 là lỗi hỗn hợp do cơ quan đào tạo cấp chứng chỉ; cơ sở giáo dục nơi công tác và cả bản thân giáo viên chưa tìm hiểu kỹ các quy định của pháp luật liên quan.

Bởi, ngày 18 tháng 10 năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 89/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 của chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Theo đó, tại khoản 2 Điều 1 quy định về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp được sửa đổi như sau:

“2. Sửa đổi Điều 15 như sau:

“Điều 15. Hình thức bồi dưỡng

Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức…”

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 10 tháng 12 năm 2021.

Có nghĩa là quy định tại Nghị định của Chính phủ, từ năm 2022, đối với giáo viên là viên chức chỉ còn chứng chỉ duy nhất là Chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức, không còn chứng chỉ chức danh nghề nghiệp theo các hạng như trước đây.

Như vậy, cơ sở nào mở lớp, đào tạo, cấp chứng chỉ chức danh nghề nghiệp các hạng I, II, III là chưa phù hợp các văn bản quy định pháp luật hiện hành.

Và, các địa phương, thủ trưởng các đơn vị vận động, đồng ý để giáo viên học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp theo hạng cũng không hợp lý, không theo quy định của Nghị định 89/2021/NĐ-CP.

Giáo viên đi học cũng có một phần lỗi của mình khi không tìm hiểu kỹ quy định hiện hành, mất tiền oan uổng.

Tuy vậy, với Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT có nhiều điểm mới, trong đó không yêu cầu tất cả giáo viên phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.

Tại khoản 2 Sửa đổi điểm b khoản 3 Điều 3, điểm b khoản 3 Điều 4 và điểm b khoản 3 Điều 5 như sau:

“b) Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên...”

Có nghĩa là giáo viên ở mỗi hạng phải có “Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp”.

Giáo viên đã có một trong các chứng chỉ theo hạng của cấp học đang giảng dạy cấp trước ngày 30/6/2022 thì được xác định đáp ứng yêu cầu về chứng chỉ, được sử dụng khi tham dự kỳ thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp và không phải học chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tương ứng với từng cấp học.

Khi bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên tương ứng theo quy định tại các Thông tư 01-04 và khi chuyển chức danh nghề nghiệp thì không yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ.

Tức, khi bổ nhiệm từ hạng cũ sang hạng mới không cần phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp theo hạng tương ứng.

Tuy nhiên, giáo viên tuyển dụng mới phải có chứng chỉ theo quy định trong thời gian thực hiện chế độ tập sự, giáo viên thi thăng hạng cao hơn phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp dùng chung hoặc chứng chỉ nghề nghiệp theo hạng trước 30/6/2022.

Như vậy, các giáo viên cần phải có chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp viên chức là: Giáo viên mới nhận công tác, giáo viên có nhu cầu thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Những giáo viên sau đây không cần có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp gồm: Giáo viên đang công tác không có nhu cầu thăng hạng chức danh nghề nghiệp, những giáo viên có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp theo hạng trước 30/6/2022.

Do đó, dù giáo viên cũng có phần trách nhiệm khi chưa nghiên cứu văn bản nhưng trách nhiệm lớn hơn thuộc về cơ sở đào tạo cấp chứng chỉ và cơ quan quản lý, nên người viết xin phép kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét cho giáo viên có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp theo hạng trước ngày 30/5/2023 nên được chấp nhận, được dùng để thi, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp cao hơn.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Bùi Nam