Nhìn lại điểm chuẩn trúng tuyển Y khoa, Răng-Hàm-Mặt ở một số trường ĐH năm 2022

29/05/2023 06:34
Khánh An
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có thống kê so sánh điểm trúng tuyển vào ngành Y khoa, Răng - Hàm - Mặt ở một số trường đại học để độc giả tiện theo dõi. 

Cứ đến mùa tuyển sinh đại học hàng năm, điểm chuẩn của các trường đào tạo khối ngành sức khỏe luôn được quan tâm, đặc biệt là ngành Y khoa và Răng - Hàm - Mặt luôn là những ngành có điểm chuẩn trong tốp cao nhất cả nước.

Trước kia, các ngành Y khoa và Răng - Hàm - Mặt chỉ có các trường y dược đào tạo như Trường Đại học Y Hà Nội, Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh. Thế nhưng, thời gian gần đây, nhiều trường đại học công lập, ngoài công lập dù “không chuyên” nhưng cũng mạnh dạn mở thêm các ngành học này.

Tuy nhiên, điểm chuẩn hai ngành học do được một số trường đại học mới mở trong vài năm gần đây đó lại thấp chỉ bằng ngưỡng điểm sàn của Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố.

Năm 2022, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng áp dụng mức điểm chuẩn trúng tuyển 35 ngành đào tạo đại học chính quy ngành sức khoẻ từ 19 đến 22 điểm. Trong đó, ngành Răng - Hàm - Mặt và Y Khoa là hai ngành có mức điểm trúng tuyển cao nhất với 22 điểm.

Tại Trường Đại học Tân Tạo (Long An), các ngành thuộc khối sức khỏe là những ngành có mức điểm trúng tuyển cao nhất từ 19 đến 22 điểm. Cụ thể, ngành Y khoa có mức điểm trúng tuyển là 22. Các ngành Điều dưỡng, Kỹ thuật Y học xét nghiệm, mức điểm trúng tuyển là 19 điểm.

Trường Đại học Duy Tân, Trường Đại học Phan Châu Trinh có điểm chuẩn năm 2022 theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông của ngành Y khoa và ngành Răng-Hàm-Mặt cũng là 2 ngành có mức điểm cao nhất là 22 điểm.

So sánh điểm chuẩn ngành Y khoa và Răng-Hàm-Mặt của một số cơ sở giáo dục đại học trên cả nước năm 2022.

So sánh điểm chuẩn ngành Y khoa và Răng-Hàm-Mặt của một số cơ sở giáo dục đại học trên cả nước năm 2022.

Việc điểm chuẩn ngành Y khoa và ngành Răng-Hàm-Mặt không được cao như vậy đã khiến không ít người băn khoăn, lo lắng bởi ngành y là một ngành học khó, những người học có điểm đầu vào không cao như vậy liệu có đáp ứng được chương trình đào tạo?

Và nếu nguồn nhân lực đó dù có tốt nghiệp ra trường và đi làm cũng khiến nhiều người nghi ngại về quá trình đào tạo và chất lượng của thế hệ bác sĩ này trong tương lai liệu có được đảm bảo hay không?

Không những điểm đầu vào không cao, các tổ hợp môn xét tuyển vào ngành Y khoa cũng đã và đang bị thay đổi càng ngày càng bất ngờ.

Nếu như năm 2022, Trường Đại học Y dược Thái Bình, Trường Đại học Y dược Thái Nguyên tổ chức xét tuyển ngành Y khoa có sử dụng tổ hợp không có môn Sinh học (môn học truyền thống của ngành Y từ xưa đến nay). Bên cạnh tổ hợp B00 (Toán, Hóa, Sinh truyền thống), trường sử dụng thêm các tổ hợp A00 (Toán, Hóa, Lý), D07 (Toán, Hóa, Anh) thì mới đây, việc một số trường đại học đưa môn Ngữ văn vào tổ hợp xét tuyển ngành Y khoa đã khiến dư luận dậy sóng.

Năm 2023, Trường Đại học Văn Lang vừa thông báo xét tuyển ngành Y khoa có 2 tổ hợp không có môn Sinh học là A00 và tổ hợp mới có sử dụng môn Ngữ văn là D12 (Ngữ văn, Hóa học, tiếng Anh).

Ngoài ra, Trường Đại học Võ Trường Toản (Hậu Giang) và Trường Đại học Tân Tạo (Long An) sử dụng tổ hợp có môn Ngữ văn để xét tuyển là B03 (Toán học, Ngữ văn, Sinh học) trong phương thức xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Trường Đại học Duy Tân cũng đưa thêm tổ hợp A16 (Toán, Khoa học tự nhiên, Ngữ văn) để xét tuyển ngành Y khoa bên cạnh các tổ hợp B00, D90 (Toán, Khoa học Tự nhiên, tiếng Anh) và D08 (Toán, Anh, Sinh học).

Theo Bộ giáo dục và Đào tạo, trong cuộc bàn luận về môn Văn trong tổ hợp tuyển sinh y khoa ở một số trường đại học tư thục, các chuyên gia, các trường đào tạo về y khoa đã lên tiếng trong vấn đề chuyên môn này là rất quan trọng, là tín hiệu rất tích cực.

Các phản biện từ xã hội, cộng đồng, từ báo chí, từ các chuyên gia…; các trường cũng tiến hành trao đổi, giải trình với xã hội, với thí sinh, với cơ quan quản lý nhà nước… tất cả đều thể hiện tính tích cực, toát lên tinh thần tự chủ đại học, đi đôi với trách nhiệm giải trình.

Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn lắng nghe, tiếp thu để có thể có những điều chỉnh chính sách phù hợp với chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước, do vậy, đánh giá rất cao việc cơ quan báo chí đã truyền tải tiếng nói chuyên môn của các chuyên gia, ý kiến từ các trường đào tạo y khoa…

Đây là các góc nhìn rất quan trọng đối với các cơ quan hoạch định chính sách. Bên cạnh đó, qua các ý kiến, tiếng nói của các cơ quan chuyên môn, của các chuyên gia, gia đình, phụ huynh và thí sinh có thêm các thông tin đa chiều để nghiên cứu, lựa chọn.

Khánh An