Nhìn nhận từ thực tế, nhiều trung tâm hỗ trợ nông dân, trung tâm dịch vụ việc làm,… tại các tỉnh, thành phố trên cả nước đã và đang tích cực, chủ động phối hợp tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ, đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho người lao động.
Qua thời gian, hoạt động của các trung tâm này đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Đáng nói, hoạt động đào tạo và giới thiệu việc làm của một số trung tâm còn gặp một số hạn chế, khó khăn do không được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, không được tham gia thực hiện công tác đào tạo nghề tạo nguồn xuất khẩu lao động và giới thiệu việc làm cho người lao động ở địa phương.
Trước thực trạng trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Diệp, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố Đà Nẵng cho hay, từ khi có Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014, trung tâm dịch vụ việc làm không được phép hoạt động từ trình độ sơ cấp trở lên nhưng vẫn được dạy nghề dưới 3 tháng cho người lao động.
Ảnh minh họa (Nguồn: Fanpage của Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng). |
Thế nhưng, thực tế hiện nay, nhiều nơi sử dụng lao động lại yêu cầu tuyển dụng người phải có chứng chỉ nghề trình độ sơ cấp trở lên.
Do đó, không được đào tạo trình độ sơ cấp đã ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, khó khăn cho một bộ phận người lao động muốn học nghề ngắn hạn, nghề dịch vụ như pha chế, nấu ăn,…, đặc biệt là lao động thất nghiệp muốn nhanh chóng chuyển việc nhưng vẫn cần có chứng chỉ nghề trình độ sơ cấp để thuận lợi hơn khi đi xin việc.
Nếu trung tâm dịch vụ việc làm được đào tạo nghề trình độ sơ cấp, tức dù chỉ kéo dài thêm vài tháng so với việc dạy nghề hiện tại, nhưng không những giúp người lao động có chứng chỉ nghề đáp ứng được nhu cầu của nơi sử dụng lao động mà thời gian đào tạo cũng được kéo dài hơn, lượng kiến thức được cung cấp tất nhiên cũng sẽ nhiều hơn.
Cũng theo ông Diệp, năm 2019, thành phố Đà Nẵng đã quyết định sáp nhập Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Đà Nẵng vào Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố Đà Nẵng.
Thế nhưng, theo Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014, trung tâm dịch vụ việc làm không được phép đào tạo nghề từ trình độ sơ cấp trở lên.
Do vậy, cơ sở vật chất, trang thiết bị của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Đà Nẵng trước kia dùng để đào tạo giờ phải bỏ không, đội ngũ nhân sự, giảng viên bị dôi dư, lãng phí.
Bên cạnh đó, do xu hướng tự chủ, việc không được phép hoạt động giáo dục nghề nghiệp đã ảnh hưởng đến nguồn thu của đơn vị, thu nhập của đội ngũ nhân sự.
Chính vì vậy, ông Diệp đề xuất rằng, các trung tâm dịch vụ việc làm nên được phép đào tạo nghề trình độ sơ cấp để đảm bảo quyền lợi cho cả trung tâm và cả người lao động.
Mặt khác, theo ông Diệp, trên thực tế, một số trung tâm dịch vụ việc làm đã đổi tên từ Trung tâm dịch vụ việc làm thành Trung tâm dịch vụ việc làm – giáo dục nghề nghiệp để có thể đào tạo nghề theo hệ thống giáo dục nghề nghiệp.
Thế nhưng, theo Điều 6, Nghị định 23/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định, tên của trung tâm dịch vụ việc làm bao gồm “Trung tâm dịch vụ việc làm” kèm theo tên địa phương hoặc tên khác do cơ quan quyết định thành lập đề xuất. Vậy nên, việc đổi tên nhằm mục đích được phép hoạt động giáo dục nghề nghiệp cũng là vi phạm quy định hiện hành.
Cũng nêu ý kiến về vấn đề trên, ông Phan Xuân Nam, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế bày tỏ, khó khăn của trung tâm hỗ trợ nông dân hiện nay là có chức năng đào tạo nghề nhưng do không thuộc trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp nên không thể tổ chức đào tạo sơ cấp nghề cho lao động nông thôn.
Trong khi đó, nhu cầu được đào tạo nghề để làm việc của người dân trên địa bàn tương đối cao. Một bộ phận người dân mong muốn được đào tạo nghề sơ cấp để phục vụ cho sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi tại các trang trại, doanh nghiệp,... Một bộ phận khác cũng mong muốn con em của mình được đi học nghề sơ cấp như may mặc,… để thuận lợi hơn khi xin việc.
Theo ông Nam, trước khi có Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014, trung tâm có thực hiện hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp, qua thời gian đào tạo, trung tâm đã thể hiện được năng lực này khi được tỉnh Thừa Thiên Huế đánh giá tốt trong công tác đào tạo nghề.
Không những vậy, trung tâm cũng đã đào tạo được số lượng lao động có tay nghề đã được đào tạo tốt cho các nơi sử dụng lao động. Đặc biệt, đối với người dân, việc được dạy nghề đã giúp họ có thể hoạt động một cách hiệu quả trong lĩnh vực đã được đào tạo.
Vậy nên, ông Nam cho rằng, nếu được nằm trong phạm vi, đối tượng áp dụng, được phép đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp, trung tâm sẽ có thêm điều kiện thuận lợi hơn để tổ chức các lớp đào tạo nghề sơ cấp cho bà con nông dân. Từ đó, vừa tạo được công ăn việc làm cho người dân, vừa đem lại nguồn lao động tốt cho nơi sử dụng lao động.
Cũng là một đơn vị trước khi có Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 có thực hiện công tác đào tạo nghề, ông Võ Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Nam cho hay:
“Theo quy định hiện hành, không được đào tạo nghề nên trung tâm chủ yếu tập trung vào các chức năng, nhiệm vụ như nắm bắt thông tin của các cơ sở có chức năng đào tạo nghề để tư vấn ngành nghề đào tạo, tư vấn chính sách cho người lao động, giới thiệu việc làm, dự báo thị trường lao động,… cùng các nhiệm vụ do địa phương giao”.
Theo ông Dũng, nếu được bổ sung vào phạm vi, đối tượng được phép hoạt động giáo dục nghề nghiệp tất nhiên sẽ mang lại thuận lợi hơn bởi trung tâm dịch vụ khi dạy nghề sẽ xác định được mục tiêu đào tạo sát với nhu cầu của xã hội.
Tuy nhiên, để đào tạo nghề không phải đơn giản. Nếu trung tâm dịch vụ việc làm được phép hoạt động đào tạo giáo dục nghề nghiệp, cần phải tạo cơ chế, đảm bảo về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên cũng như xác định được mục tiêu đào tạo, nguồn học viên mới có thể thực hiện được.