Trung tâm Dịch vụ việc làm khó tự chủ khi không được đào tạo nghề
Là đơn vị được giao tự chủ 100% chi thường xuyên từ năm 2018 nhưng lại gặp vướng mắc khi thực hiện hoạt động giáo dục nghề nghiệp (nguồn thu sự nghiệp ổn định) đang là một trong những khó khăn lớn đối với Trung tâm Dịch vụ việc làm tại Quảng Ninh nói riêng và một số địa phương khác.
Trung tâm Dịch vụ việc làm tại Quảng Ninh (Ảnh: PL) |
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Phạm Ngọc Khánh - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Ninh cho biết, căn cứ vào các văn bản pháp luật hiện hành, Trung tâm Dịch vụ việc làm là một trong những đơn vị có chức năng hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Cụ thể, khoản 1, điều 14 Bộ Luật Lao động số 10/2012/QH13 ngày 18/6/2012 quy định:“Tổ chức dịch vụ việc làm có chức năng tư vấn, giới thiệu việc làm và dạy nghề cho người lao động.....”.
Mục e, khoản 1, điều 38 của Luật Việc làm số 38/2013/QH13 ngày 16/11/2013 quy định Trung tâm Dịch vụ việc làm có nhiệm vụ:“đào tạo kỹ năng, dạy nghề theo quy định của pháp luật”.
Khoản 3, điều 34, Nghị định 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ nêu rõ trách nhiệm của Trung tâm Dịch vụ việc làm “Tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm và dạy nghề cho người lao động theo quy định của pháp luật”
Khoản 7, điều 7, Nghị định 23/2021/NĐ-CP ngày 19/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết Khoản 3, Điều 37, Điều 39 của Luật Việc làm về Trung tâm Dịch vụ việc làm: “Đào tạo kỹ năng tham gia phỏng vấn, tìm kiếm việc làm và các kỹ năng làm việc khác; giáo dục nghề nghiệp theo quy định của pháp luật”.
Khoản 7, điều 2, Quyết định số 418/QĐ- UBND ngày 17/02/2022 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Trung tâm Dịch vụ việc làm trực thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Quảng Ninh là “Đào tạo kỹ năng tham gia phỏng vấn, tìm kiếm việc làm và các kỹ năng làm việc khác; giáo dục nghề nghiệp theo quy định của pháp luật”.
Tuy nhiên, tại Điều 2, Nghị định số 15/2019/NĐ-CP ngày 01/02/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Giáo dục nghề nghiệp và Điều 2 Nghị định 143/2016/NĐ-CP ngày 14/10/2016 của Chính phủ quy định điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp quy định về đối tượng áp dụng thì Trung tâm Dịch vụ việc làm lại không phải là đối tượng được hoạt động giáo dục nghề nghiệp đào tạo nghề trình độ sơ cấp.
Dù nhiều Trung tâm Dịch vụ việc làm trên cả nước đã thực hiện hoạt động đào tạo, dạy nghề trình độ sơ cấp trở lên kể từ khi được thành lập và đáp ứng đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình và giáo trình đào tạo nhưng lại không được hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Cụ thể, Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Ninh sẽ khó đáp ứng được yêu cầu là đơn vị tự chủ 100% chi thường xuyên khi không còn hoạt động sự nghiệp trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp.
Bên cạnh đó, mất đi một địa chỉ đào tạo, dạy nghề sơ cấp cũng gây hạn chế đối với người lao động khi muốn tham gia vào thị trường lao động.
Thực tế nhu cầu tham gia đào tạo nghề sơ cấp của người lao động là rất lớn (Ảnh: PL) |
Thực tế thị trường lao động tại địa phương, có rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa trong các lĩnh vực như dịch vụ, du lịch chỉ cần tìm lao động có tay nghề trình độ sơ cấp.
Đặc biệt, đối với người lao động bị thất nghiệp, có nhu cầu học những nghề trình độ sơ cấp, nếu Trung tâm Dịch vụ việc làm được đào tạo trình độ này sẽ góp phần giúp người lao động chuyển đổi sinh kế, sớm quay trở lại thị trường lao động.
“Khi không được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, bên cạnh việc đội ngũ giáo viên mất công việc, những trang thiết bị, cơ sở vật chất sẽ xuống cấp, vậy ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho việc này?” ông Phạm Ngọc Khánh băn khoăn.
Cũng theo ông Phạm Ngọc Khánh, để tiếp tục thực hiện hoạt động đào tạo, dạy nghề hiện nay ở khu vực phía Bắc có Trung tâm dịch vụ việc làm tại Hải Dương, Phú Thọ đã đổi tên thành “Trung tâm dịch vụ việc làm – Giáo dục nghề nghiệp” để phù hợp với quy định hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Còn Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Ninh hiện chỉ duy trì đào tạo nghề thường xuyên (có thời gian đào tạo dưới 3 tháng).
Trung tâm Dịch vụ việc làm nêu kiến nghị
Đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Ninh, ông Phạm Ngọc Khánh kiến nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tháo gỡ vướng mắc, bất cập về đối tượng áp dụng theo Luật Giáo dục nghề nghiệp và các Nghị định có liên quan để phù hợp với quy định tại Khoản 1 Điều 7, Luật Giáo dục nghề nghiệp: “Đa dạng hóa các loại hình cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các hình thức đào tạo nghề nghiệp; khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các tổ chức khác, công dân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp và tham gia hoạt động đào tạo nghề nghiệp”.
Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Ninh kiến nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tháo gỡ vướng mắc, bất cập về đối tượng áp dụng theo Luật Giáo dục nghề nghiệp và các Nghị định có liên quan (Ảnh: PL) |
Trên cơ sở pháp lý của Luật Việc làm, Nghị định số 23/2021/NĐ-CP và phù hợp yêu cầu của khoản 8 điều 3 Luật Giáo dục nghề nghiệp; điều 74 của Luật Dân sự; điều 1 và điều 3 Nghị định 60/2021/NĐ- CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và phù hợp với thực tiễn của hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm cả nước đang thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động trong đó có hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề và đào tạo nghề trình độ sơ cấp, tạo cơ hội cho người lao động chuyển đổi sinh kế và sớm quay trở lại tham gia vào thị trường lao động theo quy định.
Ngoài ra, cần tạo điều kiện để Trung tâm Dịch vụ việc làm thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ và hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần Nghị quyết 19-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương và các quy định hiện hành.