Thuộc ngành nghề nặng nhọc, độc hại khiến ít HS chọn học kỹ thuật xây dựng

15/07/2023 06:37
Tường San
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Với sự phát triển của các máy móc hiện đại, nhân lực kỹ thuật xây dựng đã không còn vất vả, nặng nhọc, nguy hiểm như trước kia.

Dù là ngành, nghề đang “khát” nhân lực khi nhiều doanh nghiệp sẵn sàng đặt hàng, về tận cơ sở giáo dục nghề nghiệp để tuyển dụng, thế nhưng, kỹ thuật xây dựng (đổ bê tông, lắp dựng và tháo dỡ cốp pha, giàn giáo,…) vẫn chưa có nhiều người học quan tâm đến.

Đây cũng là ngành học thuộc Danh mục các ngành, nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo Thông tư Thông tư 05/2023/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động – Thương binh và xã hội và được miễn, giảm học phí theo quy định hiện hành.

Điều 15, Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định, đối tượng được miễn học phí gồm: Người tốt nghiệp trung học cơ sở học tiếp lên trình độ trung cấp;

Điều 16 của Nghị định này cũng quy định, đối tượng được giảm 70% học phí gồm học sinh, sinh viên học các chuyên ngành nhã nhạc cung đình, chèo, tuồng, cải lương, múa, xiếc; một số nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với giáo dục nghề nghiệp theo danh mục các nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.

Theo tâm lý chung của xã hội, kỹ thuật xây dựng cũng được cho là ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, vất vả. Tuy nhiên, trên thực tế, với sự phát triển của khoa học công nghệ hiện đại, nhiều máy móc ra đời đã thay thế được các công đoạn nặng nhọc, khó nhằn trước đây.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Đặng Khắc Nam, Phó Trưởng khoa Xây dựng, Trường Cao đẳng Việt – Đức (Nghệ An) cho hay, kỹ thuật xây dựng là ngành, nghề đang có đầu ra rất rộng mở ở cả trong nước và quốc tế với mức thu nhập cao. Học sinh, sinh viên khi học xong có thể đi xuất khẩu lao động hay làm việc tại các công ty trên địa bàn, khu vực,... nhưng lại đang khan hiếm nhân lực.

Trong Thông tư 05/2023/TT-BLĐTBXH, kỹ thuật xây dựng là một trong những ngành, nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, điều này đã ảnh hưởng đến tâm lý của một số bậc phụ huynh và học sinh “ngại” chọn ngành học này.

Sinh viên Khoa xây dựng, Trường Cao đẳng Việt - Đức (Nghệ An) (Nguồn: Website nhà trường).

Sinh viên Khoa xây dựng, Trường Cao đẳng Việt - Đức (Nghệ An) (Nguồn: Website nhà trường).

Trong khi đó, với sự phát triển của khoa học – công nghệ, ngày nay, nhiều máy móc hiện đại ra đời đã thay thế những công đoạn nặng nhọc, nguy hiểm như máy trộn, máy đục, máy cắt bê tông,.... mà vẫn đảm bảo định lượng, định kích thước,… theo mong muốn của người sử dụng. Chính vì vậy, ngành, nghề này đã không còn vất vả như trước kia.

Cũng theo Phó Trưởng khoa Xây dựng, Trường Cao đẳng Việt – Đức, Khoa có lợi thế với bề dày hơn 50 năm thành lập và phát triển, là ngành học đầu tiên của Trường Cao đẳng Việt - Đức.

Do đó, Khoa luôn nhận được sự quan tâm từ các lãnh đạo nhà trường cùng Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An; có sự kết nối, đặt hàng từ nhiều doanh nghiệp, công ty trên địa bàn, trong nước và cả nước ngoài để cam kết đảm bảo đầu ra cho người học.

Không những vậy, trong quá trình đào tạo, các giáo viên của Khoa cũng vừa giảng dạy, vừa cầm tay chỉ việc để học sinh, sinh viên ra trường vững tay nghề, có chuyên môn cao.

Để Khoa xây dựng ngày càng phát triển và thu hút đông đảo học sinh, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động hiện nay, theo thầy Đức, các Sở, ban, ngành có liên quan cần tạo điều kiện hơn cho các thầy cô được tiếp cận, học tập với các công nghệ mới để về truyền tải kiến thức cho người học, giúp các em khi ra trường đi làm đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp; chỉ đạo, tổ chức thêm nhiều cuộc thi để thầy cô và các em được tham gia, giao lưu học tập, trau dồi kiến thức.

Mặt khác, các doanh nghiệp nên có những chính sách, hỗ trợ cho các em ngay trong quá trình học tập như sau khi thực tập xong, các em có thể quay lại làm việc luôn tại các đơn vị đó.

Công tác phân luồng hiện nay vẫn chưa được thực hiện tốt

Cũng chia sẻ quan điểm về thực trạng trên, thầy Phùng Văn Cao, Trưởng khoa xây dựng, Trường Cao đẳng Việt Xô bày tỏ, xu hướng chung của nhiều người hiện nay là muốn lựa chọn các công việc nhẹ nhàng, được ngồi điều hòa, máy lạnh thay vì chọn các ngành, nghề thuộc lĩnh vực xây dựng dù cơ hội việc làm rộng mở, mức lương khởi điểm ra trường từ 10 triệu đồng/tháng trở lên.

Thầy Phùng Văn Cao chỉ ra một số nguyên nhân gây nên khó khăn này.

Trước hết, việc đào tạo nghề của nước ta hiện nay vẫn đi theo lối cũ là đào tạo một cách dàn trải để khi học sinh/sinh viên học xong có thể làm được nhiều việc thay vì đào tạo chuyên sâu nên bị thiếu đi nguồn nhân lực có tay nghề giỏi.

Bên cạnh đó, nhiều nơi sử dụng lao động về lĩnh vực kỹ thuật xây dựng hiện nay khi tuyển dụng vẫn chưa có sự phân biệt rõ ràng giữa người đã qua đào tạo và thợ. Điều này vừa gây ra sự tốn kém nguồn lực, vừa gây ra hậu quả không tốt về an toàn lao động khi làm việc, ảnh hưởng đến chất lượng công việc.

Đặc biệt, công tác phân luồng ở nước ta vẫn chưa được thực hiện tốt. Tâm lý của nhiều phụ huynh vẫn muốn con mình phải có bằng đại học thay vì chọn các ngành học theo nhu cầu xã hội và năng lực của bản thân người học. Do đó, đã ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn nhân lực của xã hội và tốn kém cho cả gia đình.

Để thúc đẩy công tác tuyển sinh và thu hút người học cho những ngành, nghề đang khát nguồn nhân lực hiện nay, thầy Phùng Văn Cao mong rằng, các doanh nghiệp cần có cơ chế tuyển dụng rõ ràng hơn như yêu cầu về bằng cấp, năng lực, quy định cụ thể về việc sử dụng lao động kỹ thuật xây dựng của các doanh nghiệp phải qua đào tạo, tránh sự đánh đồng giữa người đã qua đào tạo và thợ như hiện nay; công tác phân luồng ở bậc phổ thông cần được thực hiện kỹ lưỡng hơn.

Tường San