Bộ GD lấy ý kiến dự thảo dạy tiếng Việt cho trẻ em DTTS trước khi vào lớp 1

20/07/2023 06:33
Lệ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Dự thảo 2 Thông tư về việc quy định dạy và học tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1.

Dự thảo nhằm chuẩn bị tâm thế sẵn sàng, tạo hứng thú, sự chủ động, tính tự tin, độc lập cho trẻ trong học tập; hình thành một số kĩ năng học tập cơ bản và năng lực sử dụng tiếng Việt, kĩ năng giao tiếp - ứng xử xã hội cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một.

Chương trình dạy tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số có 5 nội dung lớn

Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến chương trình dạy tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số có 5 nội dung lớn.

Ảnh minh hoạ: Lớp học tại trường tiểu học Nacosa (tỉnh Điện Biên)

Ảnh minh hoạ: Lớp học tại trường tiểu học Nacosa (tỉnh Điện Biên)

Những nội dung này được sắp xếp theo trình tự khoa học, các chủ điểm gần gũi, phù hợp với trẻ theo định hướng tiếp cận năng lực và phẩm chất người học, gồm: 1. Chuẩn bị tâm thế vào lớp Một; 2. Hình thành các kỹ năng học tập cơ bản; 3. Hình thành và phát triển năng lực nghe - nói; 4. Hình thành và phát triển năng lực đọc; 5. Hình thành và phát triển năng lực viết.

Trong đó, nội dung chương trình “Chuẩn bị tâm thế vào lớp Một” chủ yếu để trẻ làm quen với môi trường vật chất ở trường, lớp học cấp tiểu học; đồng thời, làm quen môi trường tâm lý tạo cảm giác an toàn, tôn trọng ngôn ngữ và văn hóa,...

Đối với nội dung “Hình thành các kỹ năng học tập cơ bản”, trẻ được học các kỹ năng chuẩn bị, sử dụng và bảo quản đồ dùng học tập; kỹ năng sử dụng các ký hiệu, quy ước trong học tập, vui chơi.

Bên cạnh đó, trẻ được trang bị kỹ năng làm việc độc lập, tìm kiếm sự giúp đỡ khi gặp khó khăn; các kỹ năng làm việc nhóm và kỹ năng nhận nhiệm vụ, thực hiện nhiệm vụ được giao ở mức độ đơn giản.

Về “Hình thành và phát triển năng lực nghe - nói” cung cấp cho trẻ kiến thức giao tiếp cơ bản; nghe - nói trong những tình huống làm quen ban đầu, giao tiếp tiếng Việt phù hợp lứa tuổi.

Với nội dung “Hình thành và phát triển năng lực đọc” giúp trẻ rèn kỹ thuật đọc đúng, củng cố việc nhận dạng và đọc được chữ cái đơn là chữ in thường hay các chữ số từ 1-9.

Cuối cùng, về nội dung “Hình thành và phát triển năng lực viết” dạy trẻ cách ngồi đúng tư thế, cách cầm bút và tô được các tổ hợp nét cơ bản, thực hiện hoạt động tô chữ, tô từ, tô chữ số từ 1-9.

Thời gian dạy và học tối đa 1 tháng trong hè

Theo Dự thảo, thời gian thực hiện tổ chức dạy và học tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một thực hiện không quá 80 tiết, tối đa 01 tháng trong thời gian hè (tháng 7, 8 hàng năm).

Việc phân phối thời gian dạy học còn tùy thuộc vào điều kiện về lớp học, giáo viên, điều kiện sống, Hiệu trưởng và bộ phận chuyên môn sẽ lập kế hoạch chi tiết cho phù hợp.

Lưu ý, giáo viên cần xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với tình hình thực tế của lớp rồi trình Hiệu trưởng phê duyệt để thực hiện.

Trong Dự thảo, Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ để thực hiện chương trình cần chuẩn bị điều kiện cả về cơ sở vật chất và giáo viên giảng dạy. Cụ thể:

Đối với cơ sở vật chất: Địa điểm học tập tại trường tiểu học đảm bảo thuận tiện đi lại; đảm bảo vệ sinh, an toàn, không gian thân thiện có góc văn hóa địa phương; chuẩn bị đầy đủ đồ dùng học tập, thiết bị giảng dạy,...

Đối với giáo viên: Cần bố trí giáo viên có năng lực tốt, tay nghề vững vàng, biết tiếng dân tộc tham gia giảng dạy tiếng Việt cho trẻ em trước khi vào lớp Một.

Bên cạnh đó, giáo viên được huấn luyện về nội dung và phương pháp dạy học tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1, phương pháp dạy ngôn ngữ thứ hai để chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ,…

Dự thảo lấy ý kiến đóng góp hết ngày 13/9/2023.

Xem toàn bộ dự thảo TẠI ĐÂY.

Lệ Quyên