Mục tiêu của nước ta là tiến tới công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của con người thông qua cách tăng cường sản xuất hàng hóa và dịch vụ thông qua sử dụng công nghệ tiên tiến và tối ưu hóa quy trình sản xuất.
Chính vì vậy, Kỹ thuật Hóa học đang ngày càng giữ vai trò quan trọng, trở thành ngành nghề không thể thiếu trong các lĩnh vực sản xuất. Thế nhưng, mặc dù thị trường đang “khát” nguồn nhân lực nhưng nhiều học sinh lại chưa “mặn mà”.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Ngô Xuân Đại, phụ trách Bộ môn Kỹ thuật Hóa học (Khoa Hóa và Môi trường – Trường Đại học Thủy lợi) cho hay, khi đi tuyển sinh, nhiều học sinh, phụ huynh vẫn nghĩ học ngành này nặng về tính hàn lâm, nghiên cứu, công việc sau khi ra trường sẽ chỉ đơn thuần là làm các nhà hóa học.
Tuy nhiên, trên thực tế, Kỹ thuật Hóa học không phải chỉ tập trung vào khoa học cơ bản mà tập trung vào tính ứng dụng trong thực tiễn như sản xuất, chế biến.
Mặc dù dựa trên nền kiến thức của hóa học nhưng Kỹ thuật Hóa học còn được kết hợp thêm nhiều kiến thức khác như Toán, Kỹ thuật,… Đặc biệt, ngành học này còn tạo ra sản phẩm cho xã hội để ứng dụng trong nghiên cứu hoặc ứng dụng trong thực tiễn.
Ảnh minh họa (Nguồn: Website của Khoa Hóa và Môi trường – Trường Đại học Thủy lợi). |
Tiến sĩ Đại chia sẻ thêm, Kỹ thuật Hóa học hiện đang đóng vai trò chủ chốt, gắn liền với nhiều lĩnh vực của xã hội như công nghệ dầu khí, công nghệ nhựa, công nghệ về hóa thực phẩm, vật liệu bán dẫn làm ra những linh kiện điện tử, trong sản xuất nông nghiệp, gốm sứ,… và ứng dụng làm sao để tạo ra sản phẩm tốt nhất, tốn ít tài nguyên mà lại tốt cho môi trường.
Không những vậy, khi lựa chọn ngành học này, người học có thể sử dụng kiến thức, kỹ năng hóa học của mình để thỏa sức sáng tạo vào các lĩnh vực trong thực tiễn như ứng dụng hóa học cho sức khỏe con người, phục vụ nhu cầu làm đẹp,…
Với khả năng tạo ra được đa dạng các sản phẩm phục vụ trong đời sống như vậy cùng nhu cầu “khát” nhân lực ở cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp quốc tế, nhà máy sản xuất,…Cơ hội việc làm dành cho sinh viên sau khi ra trường rất rộng mở như làm việc tại các viện nghiên cứu, các công ty, doanh nghiệp nước ngoài. Làm việc trong được cả lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp, ở cả khu vực thành thị và nông thôn, với mức lương khởi điểm có thể lên đến 20 triệu đồng/tháng.
Hơn nữa, sau khi tốt nghiệp ra trường, với kiến thức và chuyên môn đã có, các em có thể dễ dàng và chủ động được trong cả quá trình làm việc của mình thay vì bị làm việc một cách thụ động như một số ngành khác. Do đó, nhiều sinh viên của ngành Kỹ thuật Hóa học của Trường Đại học Thủy lợi sau khi ra trường đã có thể tự khởi nghiệp và có thu nhập vững chắc.
Không những vậy, khi người học lựa chọn đi học bậc sau đại học ngành Kỹ thuật Hóa học ở nước ngoài có thể dễ dàng cạnh tranh với nhiều cường quốc khác trong việc xin học bổng cao như lựa chọn học ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Nga,…, những quốc gia đang phát triển về công nghệ khoa học. Từ đó, có thể tiết kiệm được chi phí học tập cho bản thân lại được học hỏi thêm nhiều kiến thức về công nghệ hiện đại trên thế giới để về phục vụ nước nhà.
Theo thầy Đại, các bạn học sinh hiện nay thường lựa chọn những ngành học theo xu hướng và có phần “bóng bẩy”, nhàn hạ thay vì lựa chọn những ngành học đặc thù về khoa học tự nhiên và khá khó nhưng cơ hội việc làm rộng mở, nhu cầu xã hội đang rất cần như Kỹ thuật Hóa học.
“Ở nhiều nước trên thế giới, ngành Kỹ thuật Hóa học đang thu hút được rất nhiều người tài năng theo học nhưng ở Việt Nam, các bạn trẻ vẫn chưa mấy “mặn mà”.
Trong khi đó, nhìn từ thực tế của nước ta hiện nay, có nhiều nhà máy đã hoạt động lâu năm rất cần những nguồn nhân lực để đổi mới công nghệ sản xuất; nhiều doanh nghiệp mong tuyển dụng được những kỹ sư kỹ thuật hóa học tài năng để giúp họ làm chủ được công nghệ sản xuất…” - thầy Đại bộc bạch.
Cũng bàn về thực trạng tuyển sinh và đào tạo ngành Kỹ thuật Hóa học hiện nay, Tiến sĩ Dương Thế Hy, Trưởng Bộ môn Công nghệ hóa học và Vật liệu - Khoa Hóa – Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng bày tỏ, năm học 2023-2024, qua các trang tư vấn tuyển sinh, số lượng người học tìm hiểu về ngành Kỹ thuật Hóa học đã tăng nhiều hơn so với những năm học trước.
Chia sẻ về lý do tại sao ngày càng nhiều người học lựa chọn ngành Kỹ thuật Hóa học nhiều hơn, thầy Hy cho hay:
“Thực tế có thể thấy, sinh viên ngành Kỹ thuật Hóa học sau khi tốt nghiệp ra trường có cơ hội việc làm rất rộng mở bởi có thể làm việc tại cả môi trường nhà nước và tư nhân.
Đối với môi trường nhà nước, các em có thể làm việc ở các trung tâm kiểm định, sở khoa học công nghệ,… Còn ở môi trường tư nhân, các em có thể làm việc các trung tâm phân tích, nhà máy, doanh nghiệp, nhân viên bán hàng kỹ thuật – một công việc đang có xu hướng được nhiều bạn trẻ lựa chọn,…
Vậy nên, năm học trước, sinh viên ngành Kỹ thuật Hóa học của Khoa Hóa – Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng khi tốt nghiệp ra trường rất dễ xin việc. ”.
Thầy Hy cho biết thêm, tại thành phố Đà Nẵng, số doanh nghiệp, nhà máy tuyển dụng kỹ sư kỹ thuật hóa học đang có xu hướng ngày càng gia tăng mạnh mẽ, đặc biệt là đối với các đơn vị sản xuất liên quan đến hóa chất, hóa học.
Trước kia, có những nhà máy có quy mô lớn nhưng không có kỹ sư kỹ thuật hóa học nào, tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, đây là nguồn nhân lực không thể thiếu và đang cần phải có ngày càng nhiều nếu không cơ sở đó sẽ không thể cải tiến, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, kịp thời với xu hướng phát triển của xã hội; khó cạnh tranh được với các doanh nghiệp, nhà máy khác cả trong nước và nước ngoài.
Bên cạnh đó, mức lương khởi điểm của ngành học này cũng tương đối cao, vào khoảng 7 – 12 triệu đồng/tháng.
Thầy Hy cho biết thêm, hạn chế trong việc tuyển sinh khối ngành này do đặc thù công việc liên quan đến kỹ thuật hóa học thường làm ở các nhà máy nên thường tập trung ở các khu công nghiệp. Do đó, dù cơ hội việc làm rộng mở nhưng có một số bạn ngại chọn ngành học này vì muốn tìm việc ở trung tâm thành phố hơn.
Là một ngành đào tạo kỹ sư, chương trình học của Kỹ thuật Hóa học tất nhiên không phải đơn giản và dễ dàng, tuy nhiên, thầy Hy cho rằng, nếu các bạn có đam mê và nỗ lực quyết tâm học tập, nắm bắt được nhu cầu thị trường, xu thế phát triển chắc chắn sẽ trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao mà thị trường lao động đang rất cần.
Ngoài ra, về khó khăn trong công tác đào tạo, thầy Hy nêu ý kiến, do sự thu hẹp của các nhà máy, công ty nhà nước cùng với quy mô phát triển của các nhà máy, doanh nghiệp tư nhân ngày càng gia tăng, việc các em sinh viên của ngành được tiếp cận, thực tập đang có xu hướng càng ngày càng khó khăn. Nhiều đơn vị tư nhân đang rất hạn chế trong việc nhận sinh viên đến thực tập.
Vậy nên, thầy Hy mong rằng, để đáp ứng được nhu cầu công việc của thị trường lao động, các doanh nghiệp, nhà máy nên tạo điều kiện cho sinh viên được tiếp cận, thực tập, học hỏi hơn.