Học ngành Kỹ thuật không gian có nhiều cơ hội việc làm?

21/07/2023 06:42
Vân Ánh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cơ hội việc làm đa dạng nhưng ngành Kỹ thuật không gian vẫn chưa nhận được nhiều sự quan tâm từ phía người học. 

Ngành kỹ thuật không gian là ngành đào tạo về ứng dụng công nghệ vệ tinh, bao gồm xử lý và phân tích tín hiệu, hình ảnh, công nghệ viễn thám, và định vị vệ tinh. Công nghệ vệ tinh áp dụng đa dạng trong đời sống xã hội, quản lý tài nguyên, môi trường, lãnh thổ, biển đảo và an ninh – quốc phòng.

Để đáp ứng nguồn nhân lực, năm 2016, Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), Bộ môn Vật lý chính thức mở ngành Kỹ thuật không gian. Cho đến nay, đây là cơ sở giáo dục duy nhất đào tạo chuyên ngành này.

Cơ hội việc làm đa dạng nhưng ngành Kỹ thuật không gian vẫn chưa nhận được nhiều sự quan tâm từ phía học sinh và phụ huynh. Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó trưởng Bộ môn Vật lý, thầy Phan Hiền Vũ cho biết:

Chỉ tiêu tuyển sinh ngành Kỹ thuật Không gian ở Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) hàng năm khoảng 30 sinh viên. Là một trong những ngành học mới, đặc thù ở Việt Nam, nhiều phụ huynh và học sinh chưa nắm rõ thông tin và cơ hội việc làm, do đó chỉ tiêu tuyển sinh của trường chỉ đạt mức trung bình, khoảng 50%.

Để khuyến khích tinh thần học tập của người học, Trường Đại học Quốc tế có chính sách tăng tỉ lệ học bổng tuyển sinh dành cho các ngành kỹ thuật khó tuyển. Theo đó, tỉ lệ học bổng tuyển sinh của ngành Kỹ thuật không gian là 66% chỉ tiêu, còn ở các chuyên ngành khác là 8% chỉ tiêu.

Các thí sinh đạt học bổng tuyển sinh toàn phần sẽ được miễn hoàn toàn học phí trong suốt quá trình học tập theo chương trình đào tạo tại trường. Điều kiện để xét học bổng tuyển sinh toàn phần ngành Kỹ thuật không gian theo điểm tổ hợp của kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông là trên 25/30 điểm, theo điểm kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh là trên 960/1200 điểm.

Sinh viên ngành Kỹ thuật không gian thực hành xử lý tín hiệu và ảnh vệ tinh. Nguồn ảnh: NVCC.

Sinh viên ngành Kỹ thuật không gian thực hành xử lý tín hiệu và ảnh vệ tinh. Nguồn ảnh: NVCC.

Thầy Vũ chia sẻ, với những ý kiến cho rằng ngành Kỹ thuật không gian ở Việt Nam hiện chưa có nhiều cơ hội việc làm cũng như vấn đề liên quan đến thu nhập là chưa phù hợp.

Ở Việt Nam có rất nhiều lĩnh vực ứng dụng Kỹ thuật không gian, đặc biệt các ứng dụng của công nghệ vệ tinh trong giai đoạn chuyển đổi số như hiện nay. Các nguồn dữ liệu lớn từ vệ tinh là nguồn tài nguyên số quan trọng hỗ trợ công tác quản lý của nhà nước và doanh nghiệp.

Ví dụ, về công nghệ viễn thám, việc khai thác các ảnh chụp từ vệ tinh giúp quản lý tài nguyên thiên nhiên, môi trường, khí tượng thủy văn, biển và hải đảo. Đây được xem là công cụ quản lý hiệu quả của các cơ quan nhà nước, như các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,…

Việc phân tích các ảnh vệ tinh còn hỗ trợ giám sát, giảm thiểu rủi ro và thiệt hại do thiên tai, môi trường và biến đổi khí hậu. Vị trí việc làm này cũng quan trọng và phổ biến của các cơ quan, tổ chức nghiên cứu trong nước và quốc tế.

REDD+ là một sáng kiến quốc tế, cung cấp hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển nhằm giảm phát thải khí nhà kính gây nên biến đổi khí hậu. [1]

Chẳng hạn như các dự án quốc tế có triển khai ở Việt Nam như quản lý và phục hồi rừng nhiệt đới của REDD+ , quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Mekong của Worldbank (Ngân hàng thế giới),…

Riêng về công nghệ định vị vệ tinh, các ứng dụng quản lý các đối tượng di động theo thời gian thực dựa trên công nghệ định vị đang được triển khai trong nhiều lĩnh vực an ninh quốc phòng, giao thông vận tải, giám sát nguồn dịch bệnh hay y tế dự phòng,…

Sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể làm ở các cơ quan, doanh nghiệp công nghệ thông tin có nhu cầu tuyển dụng cao các vị trí phát triển ứng dụng định vị trên thiết bị di động. Một số công ty ứng dụng dịch vụ vận chuyển có thể kể đến: Taxi Xanh SM, Grab,...

Ngoài ra, để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật Không gian đã được cải tiến, tăng cường khối kiến thức và kỹ năng phân tích dữ liệu lớn. Từ đó, sinh viên tốt nghiệp có thêm cơ hội làm việc trong nhiều lĩnh vực khác, bao gồm cả kinh doanh và tài chính.

Sinh viên ngành Kỹ thuật không gian thực hành phát triển ứng dụng trên hệ điều hành iOS. Nguồn ảnh: NVCC

Sinh viên ngành Kỹ thuật không gian thực hành phát triển ứng dụng trên hệ điều hành iOS. Nguồn ảnh: NVCC

Theo thống kê kết quả khảo sát của nhà trường, tỉ lệ sinh viên ngành Kỹ thuật không gian tốt nghiệp sau 3 tháng có việc làm đạt 94%, với mức lương trong khoảng 12 – 23 triệu đồng/tháng ở các công ty phần mềm, công nghệ. Mức lương này có thể giúp sinh viên tốt nghiệp an tâm làm việc để tích lũy kinh nghiệm, nâng caọ kiến thức và kỹ năng để phát triển nghề nghiệp.

Cũng theo thầy Vũ, việc đào tạo chuyên ngành đặc biệt này cũng có những thuận lợi và khó khăn nhất định. Vì là cơ sở duy nhất đào tạo nên trường có đa dạng cơ hội hợp tác, liên kết với các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài nước hỗ trợ tiếp nhận sinh viên thực tập và hướng dẫn đồ án tốt nghiệp.

Hàng năm, các viện nghiên cứu như: Viện Nghiên cứu Khoa học Vũ trụ (ISAS) của Nhật, Viện Khoa học Thiên văn và Vũ trụ (KASI) của Hàn Quốc, Viện Thiên văn học và Vật lý thiên văn (ASIAA) của Đài Loan cấp một số học bổng dành cho sinh viên ngành Kỹ thuật Không gian thực tập tại các viện từ 1 - 2 tháng. Sinh viên xuất sắc sẽ có cơ hội thực tập nhiều lần trong suốt quá trình học tại trường. Các chương trình thực tập nhằm tạo điều kiện để sinh viên tiếp cận, làm việc với những kiến thức khoa học công nghệ tân tiến, trang thiết bị hiện đại.

Tuy nhiên đây cũng là ngành đặc thù nên hiện tại trường mới có các trang thiết bị, phòng thí nghiệm và tài liệu học tập đảm bảo công tác giảng dạy chuyên ngành cho sinh viên. Còn để phục vụ và thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu hơn thì cơ sở vật chất phía trường học chưa đủ.

Do đó khi tiến hành chuyên sâu, các thầy cô sẽ phải liên lạc với các trường, viện ở nước ngoài để sử dụng các phòng thí nghiệm. Đồng thời phía Bộ môn cũng cần nhiều sự hỗ trợ về các hướng nghiên cứu, các kỹ thuật mới trong chuyên ngành và các lĩnh vực liên quan từ các chuyên gia của viện nghiên cứu, doanh nghiệp trong nước.

Đào tạo ngành Kỹ thuật Không gian là một trong những nhiệm vụ của chiến lược quốc gia về phát triển khoa học và công nghệ vũ trụ. Để cải thiện, phát triển chuyên ngành này trong thời gian tới, Phó trưởng Bộ môn Vật lý, thầy Phan Hiền Vũ cho hay:

"Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp để tạo nhu cầu lao động trong các lĩnh vực phát triển và ứng dụng công nghệ vệ tinh. Cùng với đó Nhà nước cần đầu tư các phòng thí nghiệm chuyên sâu cho các trường đại học phụ trách đào tạo khoa học và công nghệ vũ trụ để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế của sinh viên", thầy Vũ thông tin.

Ngoài ra, vị Phó trưởng Bộ môn Vật lý cũng mong các bộ, ngành cần quan tâm, tạo điều kiện để giảng viên, sinh viên được sử dụng nguồn dữ liệu vệ tinh của Việt Nam phục vụ đào tạo và nghiên cứu phát triển các ứng dụng thực tiễn.

Chuyên ngành Kỹ thuật không gian thuộc Bộ môn Vật lý trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) xét tuyển dựa trên 6 phương thức. Trong đó, Nhà trường dành 50-70% tổng chỉ tiêu với phương thức sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

4 tổ hợp xét tuyển vào chuyên ngành gồm A00 (Toán, Vật lý, Hóa học), A01 (Toán, Vật lý, Tiếng anh), A02 (Toán, Vật Lý, Sinh học) và D90 (Toán, Tiếng anh và Khoa học tự nhiên).

Điểm trung bình xét tuyển của ngành Kỹ thuật Không gian trong 3 năm gần đây ở các tổ hợp dao động từ 20 - 21 điểm.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://baonghean.vn/redd-co-che-moi-giam-phat-thai-khi-nha-kinh-post114705.html

Vân Ánh