Gần 70% SV tốt nghiệp loại xuất sắc và giỏi, Trường ĐH Ngoại thương lý giải

06/10/2023 06:33
Nguyên Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- PGS Vũ Thị Hiền cho biết, khóa sinh viên tốt nghiệp năm nay được áp dụng những đổi mới trong việc xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo và rèn luyện.

Trong đợt tốt nghiệp lần 2 năm 2023, Trường Đại học Ngoại thương đã công nhận tốt nghiệp cho 1.655 sinh viên đại học chính quy. Đáng lưu ý, trong số đó có gần 70% sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc và giỏi.

Cụ thể, trường có 21% sinh viên đạt kết quả học tập loại xuất sắc, khoảng 48,2% sinh viên đạt kết quả học tập loại giỏi.

Lý giải về những con số này, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Thị Hiền – Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Ngoại thương cho biết, nhà trường đã có nhiều đổi mới trong việc xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo và rèn luyện cho sinh viên, để đảm bảo khi sinh viên ra trường, không chỉ có thành tích học tập xuất sắc mà còn có khả năng tiếp cận nhanh chóng vào môi trường công việc.

Khóa sinh viên năm nay tốt nghiệp là khóa học đầu tiên được áp dụng chương trình đào tạo mới, xây dựng và phát triển theo nguyên tắc: căn bản, mở và linh hoạt.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Thị Hiền – Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Ngoại thương. Ảnh: NVCC

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Thị Hiền – Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Ngoại thương. Ảnh: NVCC

Theo cô Hiền, “căn bản” nghĩa là các chương trình đều có nền tảng kiến thức về ngành và nền tảng những kiến thức cần có của một cử nhân, để các em có thể vững bước vào tương lai, phát triển bản thân, phát triển sự nghiệp, các em được trang bị những kiến thức quan trọng để có tầm nhìn tốt, tự tin bước vào thị trường nhân lực .

Nguyên tắc “mở” thể hiện sự kết nối trong chương trình đào tạo của Trường Đại học Ngoại thương với các bậc học trước, sau và ngang.

Chương trình đào tạo của nhà trường kết nối với chương trình của bậc trung học phổ thông, để sinh viên có thể bật lên những thế mạnh mà các em đã khám phá được ở trung học phổ thông.

Đồng thời, chương trình đào tạo của trường cũng kết nối với các chương trình thạc sĩ, tiến sĩ trong và ngoài nước.

Còn kết nối ngang có nghĩa là khả năng tương thích của chương trình với các chương trình đại học trong và ngoài nước. Hiện, nhà trường có tới gần 100 trường đại học trên thế giới công nhận tín chỉ và ký kết thỏa thuận về trao đổi sinh viên.

Như vậy, sinh viên Trường Đại học Ngoại thương có cơ hội giao lưu với gần 100 trường đại học trên thế giới, các em sẽ có nhiều cơ hội thuận lợi để được học hỏi, nắm bắt những kiến thức mới trong xu thế hội nhập quốc tế.

Nguyên tắc “linh hoạt” có nghĩa là thiết kế chương trình đào tạo của nhà trường hướng tới việc tạo ra cho sinh viên những lựa chọn phù hợp với sở thích, năng lực và nhu cầu thay đổi nhanh chóng của thị trường lao động.

Ví dụ, ở những thời điểm nhất định, có những nội dung cần thiết và đáp ứng nhanh chóng thị trường lao động thì sinh viên được quyền chọn môn học theo ý mình. Nhà trường tạo ra một “Menu môn học” phong phú để sinh viên lựa chọn những môn học chuyên sâu hay những môn học mình yêu thích mà bản thân các em cảm thấy cần thiết.

“Đó là 3 nguyên tắc xuyên suốt trong xây dựng chương trình đào tạo của trường, cũng là điều tạo ra sự đặc biệt, giúp sinh viên phát huy những điểm mạnh của mình và học tập một cách chủ động, sáng tạo.

Với đầu vào chất lượng, sinh viên của trường đều có năng lực tốt, giỏi nên nhà trường muốn các em có thể khai phá được năng lực của mình và và ngày càng phát triển bản thân” cô Hiền khẳng định.

Lễ trao bằng tốt nghiệp đợt 2 năm 2023 của Trường Đại học Ngoại thương. Ảnh: Fanpage nhà trường

Lễ trao bằng tốt nghiệp đợt 2 năm 2023 của Trường Đại học Ngoại thương. Ảnh: Fanpage nhà trường

Theo cô Hiền, điều đặc biệt thứ hai trong xây dựng chương trình và tổ chức đào tạo của Trường Đại học Ngoại thương là các chương trình khác nhau sẽ có những yêu cầu đặc thù nghề nghiệp của chương trình đó. Do vậy, mỗi chương trình, nhà trường đều xây dựng mô hình để gắn kết giữa đào tạo với thực tiễn, sinh viên trong suốt 4 năm học đều có các học phần đặc thù để phát triển các kỹ năng, và có cách nhìn, quan điểm về phát triển nghề nghiệp.

Mô hình này cho phép sinh viên tăng cường sự trải nghiệm trong thực tiễn, từ đó tìm kiếm được những định hướng nghề nghiệp, vị trí việc làm trong tương lai.

Từ những trải nghiệm thực tế đầy hứng thú và ý nghĩa như vậy, các em có động lực và say mê trong học tập, quá trình tiếp thu kiến thức cũng rất dễ dàng và chủ động, hiệu quả.

Do đó, những sinh viên có năng lực tốt thì ngày càng phát huy được năng lực của bản thân.

Điểm đặc biệt thứ ba, theo Phó Giáo sư Vũ Thị Hiền là nhà trường giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng thông qua hoạt động trải nghiệm, qua các thử thách. Vì vậy, trường đã xây dựng một hệ thống các chương trình ngoại khóa và những thử thách thực tế của cuộc sống, thành 4 nhóm gắn với chương trình đào tạo.

4 nhóm hoạt động ngoại khóa này tương ứng với 4 năm học của sinh viên, đi từ những kỹ năng đơn giản cho đến những kỹ năng bậc cao, với những thử thách ngày càng được nâng dần lên.

Nhóm thứ nhất là nhóm phá băng bản thân (We, the Icebreakers): Năm đầu tiên phải phá vỡ những rào cản, trở ngại của bản thân để kết nối với “cộng đồng Ngoại thương”.

Nhóm thứ hai là nhóm khai phá chuyên môn (We, the Explorers): Chủ yếu liên quan đến chuyên môn, lĩnh vực, ngành học sinh viên đã chọn. Khai phá giúp các đào sâu những thế mạnh, sở thích, đam mê của mình. Các em được đồng hành cùng những nhóm đối tượng, đơn vị khác nhau trong trường để cùng nhau khám phá, học hỏi.

Cụ thể, sinh viên có thể tham gia vào hoạt động nghiên cứu khoa học, tham gia vào những dự án khác nhau.

Nhóm thứ ba là nhóm khai phá năng lực sáng tạo (We, the Innovators): Khi các em đã có nền tảng kiến thức và đã xây dựng được mạng lưới kết nối qua 2 năm học đầu tiên, thì đến giai đoạn này, sinh viên đã có thể sáng tạo ở mức độ nhất định trên cơ sở năng lực của mình. Sinh viên có thể tham dự nhiều cuộc thi để kích thích năng lực sáng tạo, tham gia các dự án sáng tạo,…

Nhóm thứ 4 là nhóm We, the Ambassadors: Lúc này, sinh viên có thể xem mình là một “đại sứ” của Trường Đại học Ngoại thương để hiện diện ở các tổ chức, doanh nghiệp, các trường đại học trên thế giới.

Nhóm này sẽ có nhiều hoạt động khác nhau, các em ra nước ngoài học tập, tham gia các cuộc thi tranh biện ở nước ngoài, các cuộc thi quốc tế, các cuộc thi tài năng và các cuộc thi chuyên môn. Sinh viên cũng có thể đến thực tập tại doanh nghiệp và tham gia các dự án của doanh nghiệp trong nước và trên thế giới.

“Cách thức nhà trường triển khai những hoạt động ngoại khóa cũng góp phần tạo ra những sinh viên xuất sắc.

Cùng với đó, các viện, khoa chuyên môn, các bộ môn cùng các đơn vị quản lý chức năng đã luôn theo sát, hướng dẫn, hỗ trợ sinh viên trong quá trình học tập để đạt được kết quả cao.

Khóa 58 cũng là khóa học đầu tiên được nhà trường áp dụng hệ thống quản lý giảng dạy và học tập mới (edusoft, ftugate).

Chính những đổi mới này ngày càng thúc đẩy chất lượng đào tạo và giúp nhà trường có được kết quả cao trong hoạt động đào tạo”, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Ngoại thương nhận định.

Cô Hiền cho biết, trong đợt tốt nghiệp lần 1 năm 2023, số lượng sinh viên giỏi, xuất sắc của trường cũng chiếm tỷ lệ cao (hơn 70%). Những năm qua, số lượng sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc của trường luôn ở mức cao, điều đó chứng minh cho những nỗ lực trong đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo của trường.

Nguyên Phương