Trong đợt xét tốt nghiệp Khoá 44 của Trường Đại học Luật Hà Nội vừa qua, có 1.594/2.135 sinh viên (chiếm tỷ lệ 74,66%) được công nhận tốt nghiệp đại học và cấp bằng cử nhân ngành Luật, ngành Luật Kinh tế, ngành Luật Thương mại quốc tế và ngành Ngôn Ngữ Anh (tiếng Anh pháp lý).
Điều đáng chú ý, tỷ lệ sinh viên xếp loại xuất sắc và loại giỏi rất cao. Cụ thể, tỷ lệ tốt nghiệp xuất sắc là 51 sinh viên (chiếm tỷ lệ 3,2%); Xếp hạng tốt nghiệp loại giỏi có 989 sinh viên (chiếm tỷ lệ 62,04%); Xếp hạng tốt nghiệp loại khá có 553 sinh viên (chiếm tỷ lệ 34,69%).
Có thể thấy, tỷ lệ sinh viên xếp loại xuất sắc và giỏi cao hơn gần gấp đôi tỷ lệ sinh viên xếp loại khá.
Lý giải điều này, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Triều Dương – Trưởng phòng Phòng Đào tạo đại học, Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, trong những năm qua, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc của các trường đại học hầu hết đều tăng cao, bởi đã có những thay đổi trong quy định, quy chế về tính điểm học tập để xếp hạng tốt nghiệp cho các em.
Tiến sĩ Nguyễn Triều Dương – Trưởng phòng Phòng Đào tạo đại học, Trường Đại học Luật Hà Nội. Ảnh: NP |
Thầy Dương nêu ra 3 nguyên nhân chính để có kết quả cao đối với Khoá 44 của trường.
Thứ nhất, theo quy định của Quyết định số 43/2007/QĐ-BGDĐT ngày 15/8/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Thông tư số 57/2012/TT- BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ ban hành kèm theo Quyết định số 43/2007/QĐ-BGDĐT ngày 15 tháng 8 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, có hiệu lực kể từ ngày 10 tháng 02 năm 2013; Quy chế đào tạo trình độ đại học của Trường Đại học Luật Hà Nội ban hành kèm theo Quyết định số 2626/QĐ-ĐHLHN ngày 23 tháng 8 năm 2018 của Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội, việc xếp hạng sinh viên đã có sự thay đổi.
Trước đó, khi xét hạng tốt nghiệp theo thang điểm 10, sinh viên đạt 7.0 đến dưới 8.0 mới được xếp hạng tốt nghiệp loại khá; từ 8.0 đến dưới 9.0 mới xếp hạng tốt nghiệp loại giỏi, từ 9.0 trở lên đến 10 thì sinh viên mới được xếp hạng tốt nghiệp loại xuất sắc. Trong giai đoạn áp dụng quy định này thì số lượng sinh viên tốt nghiệp xếp loại xuất sắc là rất ít, tỷ lệ sinh viên đạt loại giỏi cũng không nhiều.
Nhưng khi có sự thay đổi từ xếp hạng tốt nghiệp theo thang điểm 10 sang thang điểm 4.0, với sự thay đổi của Quy chế đào tạo nêu trên, việc xét tốt nghiệp theo thang điểm 4, hạng tốt nghiệp có thay đổi.
Cụ thể, tính theo thang điểm 4 thì từ 2.5 đến cận 3.2 (tương đương từ 6.5 trở lên theo thang điểm 10) sinh viên đã được xếp hạng khá; từ 3.2 đến cận 3.6 (tương đương từ 7,6 trở lên theo thang điểm 10) sinh viên được xếp hạng giỏi; từ 3.6 đến 4.0 (tương đương từ 8.5 trở lên theo thang điểm 10) sinh viên xếp hạng xuất sắc.
Như vậy, nếu trước đây, sinh viên đạt 7.6 đến dưới 8.0 chỉ được xếp hạng khá nhưng với Quy chế mới thì từ 7.6 các em đã đạt giỏi. Và hiện nay, sinh viên đạt từ 8.5 đã xếp hạng xuất sắc trong khi trước đây phải đạt 9,0 mới được tốt nghiệp xuất sắc.
Đây là lý do mà các sinh viên trong các năm gần đây tỷ lệ tốt nghiệp khá, giỏi, xuất sắc nhiều hơn so với khi đào tạo theo niên chế.
Thứ hai, trong bối cảnh dịch bệnh Covid – 19 diễn biến phức tạp và bất ngờ, ngoài việc giảng dạy trực tuyến, trường thực hiện việc kiểm tra, thi trực tuyến áp dụng theo Quy chế đào tạo trình độ đại học ban hành kèm theo Thông tư số 08/2021/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 3 năm 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Quy chế đào tạo trình độ đại học của Trường Đại học Luật Hà Nội ban hành kèm theo Quyết định số 2719/QĐ- ĐHLHN ngày 12 tháng 8 năm 2021 và Quyết định số 5050/QĐ- ĐHLHN ngày 02 tháng 12 năm 2022 của Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội, đối với các học phần có điểm thi kết thúc học phần được tổ chức đánh giá bằng hình thức trực tuyến thì điểm học phần được tính căn cứ vào các điểm đánh giá bộ phận theo các trọng số sau đây: Điểm đánh giá nhận thức và thái độ tham gia thảo luận có trọng số 10%; Điểm bài tập nhóm hoặc điểm bài tập cá nhân có trọng số 40%; Điểm thi kết thúc học phần có trọng số 50% nên điểm kết quả tổng hợp các học phần cao hơn.
Theo cách này sẽ giúp ích cho người học, vì đánh giá được cả quá trình học tập của các em, đặc biệt với khối ngành xã hội như ngành Luật, việc đánh giá thái độ tích cực tham gia học tập với trọng số 10% là phù hợp.
Cũng trong bối cảnh dịch bệnh, sinh viên có thời gian đầu tư vào việc học, kết nối với nhau nên các bài tập cá nhân, bài tập nhóm và các sản phẩm nhóm của các em làm rất tốt nên đạt được kết quả cao hơn.
Khác với khi học trực tiếp, điểm các bài tập chỉ tính tỷ lệ 40%, còn kết thúc học phần tính 60%. Như vậy, kết quả tổng kết phụ thuộc vào bài thi học phần nhiều hơn.
Trong bối cảnh dịch bệnh, đối với các khối ngành kỹ thuật có thể gặp khó khăn hơn do không được thực hành nhiều, nhưng với khối ngành Luật có những đặc thù riêng. Nhà trường đã tiếp cận nhanh trong việc thực hiện chuyển đổi số, kho học liệu của trường vô cùng phong phú, được số hoá từ lâu nên sinh viên dù học online vẫn được tiếp cận với các giáo trình, tài liệu đầy đủ. Sinh viên có nhiều thời gian để trao đổi và học tập nên đã hoàn thành các bài tập với kết quả rất tốt.
Thứ ba, với hình thức kiểm tra và thi trực tuyến chủ yếu thực hiện dưới dạng các tiểu luận nên sinh viên có nhiều thời gian chuẩn bị và có thể trao đổi, tham khảo từ nhiều tài liệu nên chất lượng của các tiểu luận rất tốt. Vì vậy, kết quả tổng hợp điểm cao hơn các năm trước đó khi hình thức thi, kiểm tra rất phong phú và đa dạng.
Tiến sĩ Nguyễn Triều Dương cũng cho biết, Trường Đại học Luật Hà Nội xác định tầm nhìn đến năm 2030 trở thành cơ sở giáo đại học theo định hướng nghiên cứu. Nhà trường đã có sự đầu tư rất lớn về phát triển đội ngũ, phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học. Cũng từ đó, chất lượng đào tạo ngày một nâng lên.
Tương ứng với số lượng sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc và loại giỏi cao, thông tin về tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm, Tiến sĩ Dương cho hay: “Tỷ lệ sinh viên có việc làm của trường rất cao, trên 88 %.
Về việc sinh viên ra trường làm việc đúng chuyên ngành, với lĩnh vực pháp luật, các ngành nghề, công việc cũng đa dạng. Tất nhiên, không thể 100% cử nhân Luật đều làm việc tại các cơ quan như: Toà án, cơ quan kiểm sát, cơ quan thi hành án … mà các bạn còn có thể làm việc ở những vị trí khác nhau trong các lĩnh vực khác nhau, như làm luật sư, công chứng viên, thừa phát lại.. hay làm việc tại các doanh nghiệp, ngân hàng….vì lĩnh vực nào cũng cần nhà tư vấn về pháp lý”.