Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên. Thông tư này sẽ thay thế Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT ngày 26/8/2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Dự thảo có một số điểm mới so với Thông tư 25, ví như hội đồng lựa chọn sách giáo khoa do hiệu trưởng trường thành lập; tăng thời gian nghiên cứu, đánh giá từng sách; mở rộng đối tượng áp dụng lựa chọn sách;... Dự thảo cũng nêu rõ vai trò của cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố.
Điểm mới trong dự thảo giúp nhà trường tăng tính tự chủ
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Xinh – Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trãi (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, tại Điều 8 Chương III của Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định rất rõ việc lựa chọn sách giáo khoa.
Đến dự thảo mới này, tính tự chủ của cơ sở giáo dục được tăng thêm khi nhà trường chủ động thành lập Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở giáo dục phổ thông (gọi tắt là Hội đồng), thầy cô có thêm thời gian nghiên cứu, đánh giá sách. Bên cạnh đó, trường chủ động nghiên cứu và lựa chọn sách theo tinh thần của Hội đồng, có tính chất quyết định dưới sự giám sát của Phòng/Sở Giáo dục và Đào tạo. Điều này, giúp các cơ sở giáo dục có thêm tự tin để lựa chọn bộ sách phù hợp.
Còn về phía Sở Giáo dục và Đào tạo, Tiến sĩ Võ Văn Luyến - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bến Tre cho biết, so với Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, dự thảo Thông tư Quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên có nhiều điểm mới.
Tiến sĩ Võ Văn Luyến - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bến Tre. Ảnh: NVCC |
Tiến sĩ Luyến chia sẻ rằng: “Những điểm mới tại dự thảo đã thể hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục trong lựa chọn sách giáo khoa. Đồng thời, việc lựa chọn sách được mở rộng, đại trà, phù hợp với thực tế của mỗi nhà trường so với thông tư hiện hành.
Thứ nhất, hiện nay, các cơ sở giáo dục tổ chức họp, thống nhất và đề xuất lựa chọn sách giáo khoa. Tuy nhiên, tại dự thảo, mỗi cơ sở giáo dục phổ thông thành lập 01 Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa, nội dung này nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm của nhà trường, đặc biệt là đội ngũ giáo viên trong việc lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng.
Thứ hai, trong quá trình lựa chọn sách giáo khoa, tổ trưởng chuyên môn tổ chức họp các giáo viên môn học để thảo luận, bỏ phiếu. Trường hợp sau 2 lần bỏ phiếu, không có sách giáo khoa nào được trên 1/2 số giáo viên bỏ phiếu đồng ý, tổ chuyên môn quyết định lựa chọn sách có số phiếu lựa chọn cao nhất trong 2 lần bỏ phiếu. Điểm mới này giúp thầy cô giảm áp lực so với thông tư hiện hành.
Thứ ba, về việc điều chỉnh, bổ sung danh mục sách giáo khoa: Trong quá trình sử dụng, căn cứ các kiến nghị của giáo viên, học sinh, phụ huynh, các cơ sở giáo dục báo cáo về việc điều chỉnh, bổ sung. Như vậy, Điều 11 trong dự thảo tạo hướng mở cho các cơ sở giáo dục khi triển khai thực hiện giảng dạy thực tế, vì trường hợp đưa vào sử dụng phát hiện có “sạn” trong sách giáo khoa và kịp thời điều chỉnh”.
Cùng chia sẻ về nội dung này, Thạc sĩ Nguyễn Bá Khương - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hàm Long (Bắc Ninh) chia sẻ rằng: “Nhà trường chưa xảy ra việc không có sách giáo khoa nào được trên 1/2 số giáo viên bỏ phiếu đồng ý. Tuy nhiên, nội dung này được đề cập trong dự thảo thể hiện tính chặt chẽ, bao quát hơn so với thông tư hiện hành”.
Dự thảo đề cao vai trò giáo viên ở cơ sở giáo dục
Một trong những điểm mới được nêu dự thảo là: “Tổ chức cho toàn bộ giáo viên môn học của cơ sở giáo dục phổ thông tham gia lựa chọn sách của các môn học”.
Thầy Luyến bày tỏ quan điểm: “Dự thảo đề cao vai trò của giáo viên ở các cơ sở giáo dục trong việc lựa chọn sách giáo khoa. Bởi, giáo viên là người trực tiếp truyền tải kiến thức cho học sinh, nắm được đặc điểm, tâm lý của các em. Vì vậy, việc xem xét, đề xuất lựa chọn giao quyền tự chủ cho giáo viên là phù hợp, điều đó càng nâng cao tinh thần trách nhiệm của giáo viên trong việc lựa chọn sách giáo khoa”.
Dự thảo cũng đề cập: “Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức thẩm định hồ sơ lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở giáo dục phổ thông thuộc phạm vi quản lý theo quy định tại khoản 5 Điều 7 Thông tư này; tổng hợp kết quả lựa chọn sách giáo khoa của các cơ sở giáo dục phổ thông, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, phê duyệt”.
Thầy Luyến cho rằng, nội dung này phù hợp với phân cấp quản lý thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý và vai trò của Phòng/Sở Giáo dục và Đào tạo. Đồng thời, vai trò xem xét, thẩm định quy trình chọn sách từ cơ sở giáo dục của Sở, Phòng là rất quan trọng, giúp kiểm soát việc lựa chọn sách giáo khoa tại các cơ sở giáo dục, đảm bảo đúng theo quy định của thông tư.
Trường hợp trong quá trình sử dụng sách giáo khoa, nếu có kiến nghị của giáo viên, học sinh và phụ huynh, các trường đề xuất Phòng/Sở Giáo dục và Đào tạo về việc điều chỉnh, bổ sung danh mục sách, thầy Luyến thông tin, vấn đề này sẽ được thực hiện theo quy trình lựa chọn sách giáo khoa quy định tại Điều 7 dự thảo thông từ này.
Cũng theo dự thảo: “Nhà trường tham mưu ban hành quy định về mức chi cho hội đồng chọn sách của cơ sở giáo dục”, tuy nhiên, thông tư này chưa đề cập rõ vấn đề thời gian ban hành mức chi cho hội đồng chọn sách.
Bày tỏ chia sẻ về nội dung này, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bến Tre nói: “Về tham mưu ban hành quy định về mức chi cho Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, Sở đã tham mưu cho Ủy ban Nhân dân trình Hội đồng Nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 19/2023/NQ-HĐND ngày 05/7/2023 Quy định nội dung chi và mức chi cho hoạt động lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh”.
Về phía Trường Trung học phổ thông Hàm Long, thầy Khương cho biết: “Khi dự thảo được thông qua, nhà trường sẽ đợi văn bản hướng dẫn cụ thể của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh.
Tuy nhiên, thành viên Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa đều là thầy cô tâm huyết, được “chọn mặt gửi vàng” khi giảng dạy và làm việc đã được hưởng lương theo chế độ của nhà nước.
Có thể nói, việc có thêm kinh phí cho Hội đồng là một nguồn động viên, khích lệ, nhưng nếu không có nguồn kinh phí đó, thầy cô trong trường vẫn sẽ thực hiện nhiệm vụ với trách nhiệm của một nhà giáo”.