Trao quyền cho cơ sở giáo dục chọn SGK là xác đáng, phù hợp với thực tiễn

31/10/2023 06:38
Minh Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Dự thảo thông tư mới về lựa chọn sách giáo khoa phổ thông (thay thế Thông tư 25/2020-TT/BGDĐT) đang được Bộ GDĐT xin ý kiến từ nay đến ngày 20/12/2023.

Dự thảo quy định việc lựa chọn sách giáo khoa phổ thông áp dụng đối với bậc tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp, các cơ sở thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Một trong những điểm mới đáng chú ý tại dự thảo là các quy định hướng tới tăng cường vai trò của cơ sở giáo dục trong lựa chọn sách giáo khoa.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng (thành phố Hà Nội) nhận định, việc trao quyền cho cơ sở giáo dục chọn sách giáo khoa là xác đáng, phù hợp với thực tiễn.

“Sách giáo khoa là phương tiện để học sinh học tập, như vậy thì phải để giáo viên, học sinh - những người trực tiếp sử dụng tự quyết định”, Tiến sĩ Tùng Lâm nhấn mạnh.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng (thành phố Hà Nội). Ảnh: Thùy Linh

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng (thành phố Hà Nội). Ảnh: Thùy Linh

Theo thầy Lâm, những điều chỉnh mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại dự thảo lần này là những thay đổi cần thiết, phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của giáo viên, học sinh trên cả nước.

“Việc lựa chọn sách phải đảm bảo mục tiêu trên hết là vì phục vụ dạy học, nâng cao chất lượng học sinh chứ không phải vì yếu tố nào khác. Vì vậy, mỗi giáo viên phải nêu cao tinh thần, trách nhiệm của mình trong quá trình nghiên cứu, lựa chọn sách giáo khoa”, thầy Lâm bày tỏ.

Về quy trình lựa chọn sách giáo khoa, Tiến sĩ Tùng Lâm góp ý nên thực hiện phân cấp quản lý, giao vai trò thẩm định cho các Phòng Giáo dục và Đào tạo (đối với trường tiểu học, trung học cơ sở) và Sở Giáo dục và Đào tạo (trường trung học phổ thông), thay vì tập trung hết về Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến quyền tôn trọng kết quả chọn sách của từng hội đồng ở các cơ sở giáo dục.

“Quyền quyết định lựa chọn sách giáo khoa vẫn phải là của các trường. Phòng Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ nên đóng vai trò xem xét, góp ý và thẩm định. Khi cơ sở giáo dục được trao quyền lựa chọn sách, đồng nghĩa trách nhiệm cũng cao hơn, hiệu trưởng phải là người chịu trách nhiệm cuối cùng cho kết quả lựa chọn sách ở cơ sở giáo dục”, Tiến sĩ Tùng Lâm nêu ý kiến góp ý.

Cũng đồng tình cao với những quy định chọn sách của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại dự thảo lần này, một giáo viên tại Nghệ An chia sẻ:

“Trước đây, giáo viên cũng tham gia vào việc lựa chọn sách, nhưng các ý kiến chỉ mang tính chất tham khảo. Tuy nhiên, với việc thay vì cấp tỉnh thành lập hội đồng chọn sách thì nay hội đồng ở từng cơ sở giáo dục, tiếng nói của giáo viên sẽ mạnh mẽ hơn. Kết quả chọn sách giáo khoa đảm bảo đi vào thực chất, sát sườn nhất với điều kiện từng nhà trường, học sinh”.

Giáo viên này cũng cho rằng, quy trình mới này sẽ giúp giảm đi những tiêu cực, hạn chế trong quy trình chọn sách hiện nay - đó là tình trạng nhà xuất bản "bắt tay" với hội đồng chọn sách tỉnh, thành phố.

“Khi hội đồng chọn sách giáo khoa thực hiện ở cấp tỉnh, cả nước chỉ có 63 hội đồng. Nhưng, khi các cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên tự thành lập hội đồng chọn sách giáo khoa, thì số lượng các hội đồng là rất lớn.

Do vậy, tình trạng "bắt tay" với các hội đồng chọn sách sẽ hạn chế được nhiều”, vị giáo viên phân tích.

Thầy Nguyễn Văn Lực - Giáo viên Trường Trung học cơ sở Trịnh Phong (Diên Khánh, Khánh Hòa). Ảnh: NVCC

Thầy Nguyễn Văn Lực - Giáo viên Trường Trung học cơ sở Trịnh Phong (Diên Khánh, Khánh Hòa). Ảnh: NVCC

Cùng góp ý về nội dung mới trong dự thảo thông tư lựa chọn sách giáo khoa, thầy Nguyễn Văn Lực - Tổ trưởng tổ chuyên môn Lịch sử - Địa lý - Giáo dục công dân- Nghệ thuật, Trường Trung học cơ sở Trịnh Phong (Diên Khánh, Khánh Hòa) cho rằng, dự thảo thông tư cần làm rõ thêm một số nội dung.

Thứ nhất, hiện nay các cơ sở giáo dục đã thống nhất việc học sách giáo khoa các khối lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8,10, 11. Như vậy, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành thông tư mới về việc lựa chọn sách giáo khoa thì các cơ sở giáo dục có phải tổ chức lựa chọn lại sách giáo khoa những lớp đang sử dụng không?

Thứ hai, kiến nghị sớm ban hành quy định mới về lựa chọn sách giáo khoa để tạo thuận lợi cho công tác chọn sách giáo khoa phục vụ năm học 2024-2025 (đối với sách ở các khối lớp 5, 9, 12).

Về việc nên hay không lựa chọn lại sách giáo khoa, đa số giáo viên đều cho rằng thực hiện theo tinh thần tại dự thảo thông tư này, quyền lựa chọn sách thuộc về các cơ sở giáo dục, do đó tùy theo tình hình thực tế tại mỗi đơn vị để có quyết định lựa chọn lại hay không.

“Việc chọn sách đã giao cho các trường rồi, thì việc chọn lại hay không do trường tự quyết định”, thầy Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ ý kiến.

Trong khi đó, thầy Nguyễn Văn Lực đề xuất thực hiện chọn lại sách giáo khoa (với những cơ sở chưa có sự đồng thuận giữa nguyện vọng chọn sách của đơn vị với danh mục sách giáo khoa hiện hành của địa phương).

Minh Chi