Chương trình mới nhưng ôn kiểm tra định kỳ vẫn theo "lối cũ"

01/01/2024 06:38
Thuận Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trong khoảng 2 tuần chuẩn bị kỳ kiểm tra, nhiều học sinh, phụ huynh đã phải học và hỗ trợ miệt mài suốt ngày đêm nhưng có học sinh vẫn không thể theo kịp.

Vào thời điểm này, học sinh ở nhiều trường học đang bước vào giai đoạn kiểm tra học kỳ I của năm học 2023-2024.

Chương trình mới cùng với nhiều môn học mới, cách kiểm tra, đánh giá cũng đã có những đổi mới được quy định trong các thông tư hướng dẫn. Tuy nhiên trong thực tế, việc kiểm tra, đánh giá học sinh ở nhiều trường học vẫn tạo ra áp lực cho học sinh trong việc ôn tập bài. Giáo viên vẫn phải ra đề cương, ôn tập theo đề cương còn học sinh vẫn thiên về lối học thuộc lòng theo đề cương mẫu.

Điều này dẫn đến việc, trong khoảng 2 tuần chuẩn bị cho kỳ kiểm tra, nhiều học sinh được phụ huynh dành nhiều thời gian hỗ trợ miệt mài nhưng có em vẫn không thể theo kịp.

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn.

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn.

Giáo viên quay cuồng với đề cương, ôn tập và kiểm tra mỗi ngày

Chỉ tiêu môn học mỗi thầy cô đã phải đăng ký từ đầu năm. Nếu chất lượng kiểm tra của học sinh không đạt kết quả cao thì việc đánh giá chất lượng giáo dục của thầy cô giáo trong năm học ấy cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Bởi thế, việc ra đề cương, ôn tập theo đề cương và kiểm tra mỗi ngày luôn được các thầy cô giáo chú trọng nhất trong giai đoạn học sinh ôn tập kiểm tra.

Ngoài những môn học đánh giá bằng nhận xét, những môn đánh giá bằng điểm số nhiều giáo viên đều làm đề cương. Giáo viên không chỉ ra đề cương mà còn tổ chức ôn tập theo đề cương, kiểm tra việc học và làm bài theo đề cương của học sinh (đặc biệt là học sinh tiểu học).

“Mỗi ngày lên lớp, tôi đều phải kiểm tra việc thuộc bài của từng học sinh. Có 2 môn các em phải học thuộc các câu hỏi như Lịch sử & Địa lý, Khoa học. Không kiểm tra việc học của các em thì nhiều em có khi bỏ giấy trắng”, cô giáo Mai, giáo viên một trường tiểu học tại một tỉnh phía Nam bộc bạch.

Ngoài ra, các môn Toán, Tiếng Việt thầy cô cũng thường phải ôn theo mẫu đề minh họa mà trước đó giáo viên đã thiết kế theo ma trận gửi về nhà trường.

Học sinh quay cuồng học bài để kiểm tra

Trung bình học sinh tiểu học phải học bài kiểm tra khoảng từ 3 đến 6 môn. Học sinh trung học thì số môn lấy điểm nhiều hơn. Mỗi giáo viên phụ trách môn học đều có những đề cương ôn tập riêng. Vì thế, số lượng câu hỏi, bài tập học sinh phải học là không hề nhỏ.

“Có thầy cô thương học sinh (cách nói của nhiều học sinh) nên cho câu hỏi ít học đỡ mệt. Có thầy cô lại cho khá nhiều. Tổng cộng lại các đề cương phải học cũng phải mấy chục câu hỏi và bài tập”, một học sinh bậc trung học cơ sở chia sẻ.

Ở khối lớp nhỏ, giáo viên thường phô tô luôn đề cương cho học sinh chỉ việc học. Ở khối lớp lớn hơn, thường các thầy cô giao cho lớp hoặc gửi lên nhóm Zalo của lớp in ra cho các em ôn tập.

Có những môn học chỉ cần học lý thuyết thuộc lòng là được. Có những môn học vừa học thuộc lý thuyết, vừa phải giải nhuần nhuyễn các dạng bài tập để khi vào phòng làm kiểm tra trúng dạng bài còn biết thay số vào làm.

“Con tôi đi học 2 buổi ở trường về chỉ kịp ăn cơm là ngồi ngay vào bàn học. Mới học lớp 1 mà phải viết và trả lời câu hỏi. Đêm nào 2 mẹ con cũng đánh vật với con chữ đến gần 11 giờ đêm mới được đi ngủ”, chị Lan Trinh chia sẻ.

Cô bé Lan, học trò cũ hiện đang là học sinh lớp 8 có lực học khá cũng cho biết: “Con không đủ thời gian để học mặc dù đã không dám ngủ trưa, còn phải thức khuya, dậy sớm. Đâu phải học bài một môn mà hàng chục môn phải học, phải làm bài tập”.

Siêng như cô bé Lan còn phải ca thán thì một số học sinh khác sẽ thế nào? Cậu bé Long, học sinh lớp 9 nói rằng: “Con dành thời gian để học và làm bài tập những môn sẽ thi vào lớp 10, những môn học bài thì học hên xui, miễn đừng bị điểm liệt là được”.

"Con học thuộc lòng trước, mình phải dò lại bài sau cho chắc chắn. Có đêm phải ngồi tới khuya học cùng con vì sợ cháu nản mà không học ", chị Mai - một phụ huynh cho biết.

Ở bậc trung học, một ngày có khi kiểm tra 3-4 môn. Thế nên, để chuẩn bị kiến thức kiểm tra cho các môn này quả là cực hình đối với bọn trẻ.

Học theo đề cương chính là đã giảm tải việc học cho học sinh?

“Học sinh ôn tập theo đề cương cũng vất vả vì phải học thuộc cùng lúc quá nhiều môn để chuẩn bị kiểm tra. Tuy thế, việc có đề cương cũng sẽ giúp các em ôn bài trọng tâm hơn, giảm áp lực phải học quá nhiều.

Nếu không có đề cương, các em phải tự khái quát lại những kiến thức đã học trong học kỳ, điều này không phải em nào cũng làm được. Vì thế, học theo đề cương cũng chính là cách giảm áp lực phải học nhiều, học tràn lan cho các em", thầy giáo Hữu Tuấn giáo viên một trường trung học cơ sở phía Nam khẳng định.

"Ngoài ra, học theo đề cương cũng sẽ giúp giáo viên hoàn thành chỉ tiêu chất lượng môn mình đã đăng ký. Vì thế, giáo viên nào cũng chọn cách làm đề cương cho học trò”, cô giáo Minh Uyên bật mí.

Kiểm tra đánh giá học sinh ở nhiều trường học hiện nay vẫn chưa thật sự đổi mới

Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành việc đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh theo Thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT đối với lớp 1, 2, 3, 4 và Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT đối với học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông.[1]

Thông tư số: 26/2020/TT-BGDĐT Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT cũng nêu rõ:

Kiểm tra, đánh giá định kì, gồm kiểm tra, đánh giá giữa kì và kiểm tra, đánh giá cuối kì, được thực hiện thông qua: bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính), bài thực hành, dự án học tập.[2]

Trong các cuộc họp chuyên môn lãnh đạo vẫn luôn nhắc nhở giáo viên việc đổi mới việc kiểm tra, đánh giá theo quan điểm phát triển năng lực. Giáo viên đánh giá học sinh không giới hạn vào khả năng tái hiện tri thức (kiểu học thuộc lòng) mà chú trọng khả năng vận dụng tri thức trong việc giải quyết các nhiệm vụ phức hợp.

Trong đánh giá thành tích học tập của học sinh, giáo viên không chỉ đánh giá kết quả mà chú ý cả quá trình học tập của các em, hoạt động trong tổ, nhóm thể hiện dưới nhiều dạng bài kiểm tra như làm trên giấy, thực hành, sản phẩm dự án, cá nhân, nhóm….phù hợp với đặc trưng từng môn học.

Nhưng trong thực tế hiện nay, việc đổi mới kiểm tra đánh giá học sinh chưa thật sự chuyển mình, vẫn thiên về kiểu tái hiện kiến thức thông qua việc cho đề cương và học thuộc lòng như trước đây.

Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 định hướng phát triển năng lực và phẩm chất người học thì việc kiểm tra và đánh giá kết quả học tập của học cũng phải đổi mới ngay từ cách ra đề.

Việc giáo viên phải đăng ký chỉ tiêu chất lượng môn học cao ngất ngưởng như hiện nay đang góp phần cản trở việc đổi mới trong khâu kiểm tra, đánh giá học sinh từ phía các thầy cô giáo.

Vì lo sợ chỉ tiêu chất lượng không đạt nên nhiều thầy cô vẫn đang chọn cách "dọn sẵn mâm cỗ" để học sinh sẵn học thuộc, thay vì để các em chủ động, sáng tạo trong việc học hành.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-26-2020-tt-bgddt-sua-doi-quy-che-danh-gia-xep-loai-hoc-sinh-trung-hoc-190228-d1.html

[2] https://luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-26-2020-tt-bgddt-sua-doi-quy-che-danh-gia-xep-loai-hoc-sinh-trung-hoc-190228-d1.html

Thuận Phương