Tuyển sinh riêng đối với ngành sức khỏe là không cần thiết

22/12/2022 06:46
Bắc Sơn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Theo Tiến sĩ Cao Văn Dư, việc tổ chức một kỳ thi riêng đối với khối các nhóm ngành sức khỏe là điều không cần thiết.

Tuyển sinh đại học khối các trường y dược là vấn đề đã được thảo luận từ lâu. Tại hội nghị giáo dục y khoa với chủ đề “Chuyển đổi đào tạo y khoa trong kỷ nguyên của đổi mới và tiến bộ kỹ thuật” hồi tháng 11, vấn đề tuyển sinh của khối ngành lại tiếp tục được đưa ra bàn luận. Theo đó, lãnh đạo một số trường tiếp tục đã đề xuất tổ chức một kỳ thi tuyển sinh riêng cho khối ngành sức khỏe.

Hiện nay, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông được tổ chức với hai mục đích: Xét tốt nghiệp và lấy kết quả làm căn cứ tuyển sinh đại học. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều cơ sở giáo dục đại học, kỳ thi chưa thực sự có tính phân loại thí sinh cao giống như trước đây. Do vậy, không ít trường đại học đã giảm chỉ tiêu tuyển sinh bằng phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, kết hợp tăng chỉ tiêu ở các phương thức khác như xét chứng chỉ ngoại ngữ, sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của 2 đại học quốc gia,...

Khối ngành sức khỏe hiện vẫn tuyển sinh chủ yếu dựa vào điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Những lo ngại về chất lượng đầu vào khi đề thi với chức năng phân loại thí sinh chưa cao khiến nhiều lãnh đạo khối trường sức khỏe mong muốn tổ chức một kỳ thi riêng nhằm tạo ra phương thức tuyển sinh đầu vào chất lượng nhất.

Tổ chức một kỳ thi riêng không phải là gốc rễ vấn đề

Trao đổi về đề xuất trên với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Cao Văn Dư - Giảng viên Khoa Dược, Trường Đại học Lạc Hồng cho rằng chất lượng đầu vào là yếu tố quan trọng không thể phủ nhận, tuy nhiên việc tuyển sinh riêng đối với ngành sức khỏe là điều không cần thiết.

Ảnh minh họa: nguồn Trường Đại học Lạc Hồng
Ảnh minh họa: nguồn Trường Đại học Lạc Hồng

“Nếu nói sức khỏe quan trọng, vậy các ngành khác thì sao? Theo tôi, các ngành học đều có vai trò quan trọng như nhau, không có ngành dễ, ngành khó, điều cốt yếu chính quyết định chất lượng là ở thái độ người học và chất lượng đơn vị đào tạo”, vị giảng viên khoa Dược khẳng định.

Tiến sĩ Dư cho rằng đây là vấn đề liên quan đến chất lượng giáo dục thực chất. "Khi chất lượng giáo dục được nâng cao, đảm bảo minh bạch và trung thực, thì chất lượng tuyển sinh đầu vào sẽ thực chất. Muốn vậy, cần giao tự chủ mạnh hơn cho các trường đại học trong tuyển sinh", giảng viên Trường Đại học Lạc Hồng thẳng thắn bày tỏ quan điểm:

Tiến sĩ Cao Văn Dư nói: “Bây giờ là thời kỳ cạnh tranh về giáo dục, nếu các ngành đào tạo muốn tồn tại thì phải tạo ra sự cạnh tranh, mà thể hiện rõ nhất ở chất lượng đào tạo, thông qua các chỉ số như người học phải hài lòng, sinh viên đã ra trường được xã hội thừa nhận,...

Do vậy theo tôi việc tổ chức một kỳ thi riêng không phải là vấn đề chính”.

Vậy câu hỏi đặt ra: làm sao để nâng cao chất lượng việc đào tạo khối ngành sức khỏe? Quay trở lại khoảng 15-20 năm trước, việc đỗ vào một trường y là điều hết sức vinh dự. Tuy nhiên, vừa qua, dư luận xã hội nói nhiều về con số gần 10.000 nhân viên ngành y tế thôi việc với phần lớn lý do đến từ áp lực công việc trong khi tiền lương quá thấp, không đủ trang trải giữa thời bão giá.

Mùa tuyển sinh đại học 2022, nhiều trường đào tạo khối ngành sức khỏe thiếu hàng trăm chỉ tiêu, phải ra thông báo tuyển bổ sung số lượng lớn. Thực trạng này khiến không ít người làm giáo dục trăn trở; nhân lực hoạt động trong ngành y cũng không ít người giật mình: Còn đâu cái thời “nhất y, nhì dược”?

Chia sẻ với phóng viên, Tiến sĩ Cao Văn Dư cho rằng, việc quản lý chất lượng đào tạo là điều quan trọng để siết chặt chất lượng nhân lực khối ngành sức khỏe.

“Hiện nay, có rất nhiều cơ sở giáo dục đại học tư nhân đào tạo khối ngành sức khỏe được mở ra, vậy Nhà nước đã quản lý được chất lượng đào tạo của các trường mở ồ ạt hay chưa? Chất lượng đào tạo ở đây bao gồm đội ngũ giảng dạy, điều kiện cơ sở vật chất, chương trình đào tạo,... Đây là những yếu tố quyết định cần được quan tâm và quản lý chặt chẽ”.

Đối với chất lượng tuyển sinh đầu vào nhân lực khối ngành sức khỏe, thầy Dư cho rằng có nhiều yếu tố quyết định.

Đầu tiên, yếu tố dễ phản ánh nhất chính là năng lực thể hiện ở các môn học là nền tảng cho ngành này như: Toán, Lý, Hóa, Sinh…

Tiếp đó, ngoài năng lực ở các môn học nền tảng, với kinh nghiệm của mình, thầy Dư cho rằng một phần ảnh hưởng quan trọng nữa chính là phẩm chất tính cách của người học. Công việc bác sĩ yêu cầu tính cẩn thận và tỉ mỉ, sự nhẫn nại và lòng vị tha…

Yếu tố quan trọng nữa chính là sự đam mê. “Thực tế, chúng ta thấy có không ít sinh viên khi đã học đến năm 3, năm 4, thậm chí khi đã ra trường và đi làm mới nhận thấy bản thân không phù hợp với ngành y nên đã nghỉ việc”, Tiến sĩ Cao Văn Dư chia sẻ.

Đây không phải là câu chuyện hiếm, cũng không chỉ riêng với ngành sức khỏe. Đam mê công việc, ngành học là điều kiện cần để quyết định bước đi đường dài, rèn luyện sự kiên trì, bền bỉ cùng tính ham học hỏi trong việc học và làm nghề sau này.

Khối ngành sức khỏe là công việc liên quan trực tiếp đến tính mạng con người, vì vậy thời gian học lâu, chưa kể chi phí học tập đắt đỏ, tuy nhiên, mức lương bác sĩ mới ra trường khi làm việc tại các bệnh viện công còn thấp là rào cản khiến nhiều bạn trẻ bây giờ “ngại” học y.

Chia sẻ về vấn đề này, giảng viên khoa Dược trường Đại học Lạc Hồng cho rằng, bức tranh lương bổng nhìn chung ở tất cả các ngành ở nước ta đều không cao, điều này liên quan đến tình hình kinh tế-xã hội đất nước hiện tại.

Do vậy, việc xác định gắn bó với ngành y hay không tùy thuộc vào mục tiêu của mỗi người. “Các bạn trẻ cần xác định tinh thần trước, đặt mục tiêu 2 năm đầu mới ra trường dùng để tìm hiểu, phát triển thêm kỹ năng bản thân. Hiện nay có rất nhiều đơn vị sẵn sàng trả lương rất cao, điều quan trọng rằng năng lực bạn có đáp ứng yêu cầu công việc không?”

Thầy Dư nhấn mạnh việc nâng cao kỹ năng tay nghề, khi có năng lực thì chúng ta sẽ tự biết cách dùng chính năng lực đó để tạo thêm thu nhập cho bản thân.

Hoàn thiện chính sách đào tạo đặt hàng để tạo cơ sở thu hút nhân lực ngành sức khỏe

Góp ý thêm về các chính sách giúp thu hút tốt hơn nhân lực ngành y tế, chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Đỗ Trọng Tấn - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Đông Á kiến nghị đẩy mạnh chính sách đào tạo đặt hàng, đảm bảo vấn đề đầu ra cho sinh viên khối ngành sức khỏe.

Đây cũng là cách làm Trường Đại học Đông Á đang áp dụng. Hiện nay, trường đang đào tạo 2 ngành Điều dưỡng và Dinh Dưỡng. Nhà trường hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài, sinh viên sau khi kết thúc đào tạo chuyên môn sẽ được xuất khẩu theo chương trình hợp tác của nhà trường.

“Điều quan trọng để thu hút được nhân lực ngành y chính là việc đảm bảo được chất lượng của đào tạo và đảm bảo đầu ra hiệu quả”, thầy Tuấn nói.

Tuy nhiên, để chính sách đặt hàng được phát huy tối đa tính hiệu quả, vị phó hiệu trưởng kiến nghị cần thống nhất giữa đào tạo và đảm bảo đầu ra, các quy định về quy chế đền bù, thu hồi tiền đào tạo… cũng cần rõ ràng.

Đây là điểm “nghẽn” khi triển khai việc đặt hàng đào tạo đối với nhân lực của cả khối ngành y tế và sư phạm, cần được giải quyết kịp thời, tạo cơ sở quan trọng để bổ sung nhân lực các ngành đầy đủ.

Bắc Sơn