Ngành giáo dục TPHCM tập huấn ra đề kiểm tra Ngữ văn, giáo viên cần lưu ý gì?

21/01/2024 07:21
Minh Anh (ghi)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bài viết nêu số lưu ý khi giáo viên ra kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Thực hiện Công văn số 138/SGDĐT-GDTrH của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh về việc tập huấn ra đề kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn trung học cơ sở, trung học phổ thông theo Chương trình 2018, vừa qua giáo viên đã tham gia tập huấn tại Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong (Quận 5).

Người viết đã được tham gia tập huấn và xin chia sẻ cùng thầy cô giáo những lưu ý về việc ra đề kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn ở Chương trình mới.

Một phần nội dung Công văn 138/SGDĐT-GDTrH. (Ảnh: Minh Anh)

Một phần nội dung Công văn 138/SGDĐT-GDTrH. (Ảnh: Minh Anh)

Quy trình xây dựng ma trận đề, bản đặc tả và đề kiểm tra

Bước 1: Xác định những yêu cầu cần đạt cần đánh giá trong bài kiểm tra (mục tiêu đánh giá)

Cơ sở lựa chọn: Chương trình Ngữ văn 2018 (cột yêu cầu cần đạt); bộ sách giáo khoa đang sử dụng (mục yêu cầu cần đạt của từng bài học); kế hoạch dạy học của tổ chuyên môn (kiểm tra đánh giá định kì).

Một số câu hỏi cần đặt ra khi lựa chọn yêu cầu cần đạt: Nên lựa chọn loại văn bản/thể loại nào để đánh giá (học sinh đã được học theo quy định của Chương trình 2018, học sinh sử dụng thường xuyên trong thực tế, được lặp lại và phát triển yêu cầu cần đạt qua các cấp lớp...).

Nên đặt ra bao nhiêu yêu cầu đánh giá kĩ năng viết trong thời gian 90 phút? Nên lựa chọn mấy yêu cầu cần đạt về kĩ năng đọc để phù hợp để phù hợp với thời gian làm bài 90 phút? Nên lựa chọn mấy yêu cầu cần đạt về đọc hiểu nội dung?

Yêu cầu cần đạt về đọc hiểu hình thức liên quan đến thể loại là bắt buộc phải chọn. Nên lựa chọn mấy yêu cầu cần đạt về liên hệ, so sánh, kết nối?

Có đánh giá kiến thức tiếng Việt tích hợp với đọc hiểu không? Nếu có thì nên lựa chọn (những) nội dung nào để tích hợp thuận lợi với phần Đọc? Nên lựa chọn kiểu bài viết nào (mà học sinh đã học) để đánh giá?

Những điều cần tránh: đơn vị kiến thức cũ (Chương trình 2006); lựa chọn quá nhiều yêu cầu cần đạt về đọc hiểu nội dung hoặc không lựa chọn yêu cầu nào; chỉ lựa chọn yêu cầu cần đạt đọc hiểu hình thức liên quan đến loại văn bản/thể loại;

Kiểm tra những kiến thức tiếng Việt học sinh chưa học hoặc đặt ra yêu cầu cao hơn so với sách giáo khoa; xác định kiểu bài viết không đúng theo yêu cầu cần đạt của Chương trình mới.

Bước 2: Xây dựng ma trận: Xác định số câu hỏi cho từng mức độ nhận thức; xác định trọng số điểm cho từng kĩ năng

Xác định trọng số điểm cho kĩ năng đọc và viết như thế nào? Nhận biết, thông hiểu, vận dụng như mức điểm của các câu hỏi đọc hiểu cần được phân hoá theo mức độ tư duy thế nào?

Có bắt buộc phải kết hợp câu hỏi trắc nghiệm và câu hỏi tự luận không? Nếu lựa chọn hình thức trắc nghiệm thì nên đánh giá ở mức độ nhận thức nào? Phân chia tỉ lệ điểm giữa trắc nghiệm và tự luận trong phần Đọc hiểu như thế nào cho phù hợp?

Nên đặt mấy câu hỏi đọc hiểu là phù hợp với thời gian làm bài 90 phút? Ở cột "Nội dung/đơn vị kiến thức" cần ghi chính xác tên loại văn bản/ thể loại và tên kiểu bài viết theo Chương trình mới. Ở cấp trung học cơ sở, có cần đánh giá kĩ năng đọc ở mức vận dụng cao không?

1) Căn cứ lựa chọn văn bản: Chương trình Ngữ văn 2018

* Tiêu chí lựa chọn ngữ liệu (trang 15, 16 Chương trình giáo dục phổ thông 2018 môn Ngữ văn), cụ thể:

- Phục vụ trực tiếp cho việc phát triển các phẩm chất và năng lực theo mục tiêu, yêu cầu cần đạt của chương trình.

- Phù hợp với kinh nghiệm, năng lực nhận thức, đặc điểm tâm – sinh lí của học sinh ở từng lớp học, cấp học. Từ ngữ dùng làm ngữ liệu dạy tiếng ở cấp tiểu học được chọn lọc trong phạm vi vốn từ văn hoá, có ý nghĩa tích cực, bảo đảm mục tiêu giáo dục phẩm chất, giáo dục ngôn ngữ, giáo dục thẩm mĩ và phù hợp với tâm lí học sinh.

- Có giá trị đặc sắc về nội dung và nghệ thuật, tiêu biểu về kiểu văn bản và thể loại, chuẩn mực và sáng tạo về ngôn ngữ.

- Phản ánh được thành tựu về tư tưởng, văn học, văn hoá dân tộc; thể hiện tinh thần yêu nước, độc lập dân tộc, ý thức về chủ quyền quốc gia; có tính nhân văn, giáo dục lòng nhân ái, khoan dung, tình yêu chân thiện mĩ, tình yêu thiên nhiên, tinh thần hội nhập quốc tế, hướng đến những giá trị phổ quát của nhân loại.

2) Căn cứ lựa chọn văn bản: Từ gợi ý sách giáo khoa

Có thể chọn ngữ liệu kiểm tra là một đoạn khác trong tác phẩm mà học sinh đã được học trong sách giáo khoa.

Có thể chọn tác phẩm/ bài viết khác của các tác giả mà học sinh đã được học trong sách giáo khoa.

3) Căn cứ lựa chọn văn bản: Từ nguồn đáng tin cậy

Những tác phẩm văn học được chứng minh giá trị qua thời gian, được đông đảo người đọc thừa nhận và yêu thích; những tác phẩm đoạt giải thưởng có uy tín của Việt Nam và nước ngoài;

Những tác phẩm văn học, bài viết được đăng tải trên các trang web uy tín về văn học nghệ thuật, các trang web của các bộ, ngành, mục xã luận, góc nhìn...

Bước 3: Xây dựng bản đặc tả kiểm tra

Cần diễn đạt chính xác các yêu cầu cần đạt trong Chương trình 2018 ở cột "Mức độ đánh giá" của bản đặc tả. Không "rã" thành các mức độ thấp hơn.

Không được tự ý thêm vào hoặc sửa đổi yêu cầu cần đạt nhưng có thể lựa chọn một số yêu cầu cần đạt để phù hợp với thời gian của bài kiểm tra.

Ma trận và bản đặc tả phải được xây dựng trước và trình bày phía trên đề kiểm tra vì đây là căn cứ cần thiết để thiết kế đề kiểm tra.

Đánh giá thường xuyên hoặc kiểm tra giữa kì chưa cần đánh giá mức độ nhận thức cao nhất trong yêu cầu cần đạt của cấp lớp.

Đối với kiểm tra cuối kì cần đánh giá mức độ nhận thức cao nhất trong yêu cầu cần đạt của cấp lớp.

Bước 4: Lựa chọn văn bản đáp ứng những yêu cầu cần đánh giá

Lựa chọn văn bản thuộc thể loại/loại văn bản đã xác định ở ma trận và bản đặc tả; văn bản ngoài cả 3 bộ sách giáo khoa; văn bản cần đáp ứng tất cả yêu cầu cần đạt cần đánh giá thông qua bài kiểm tra, điển hình về thể loại hoặc loại văn bản.

Về nội dung: phù hợp với đặc điểm tâm lí lứa tuổi học sinh; mang tính giáo dục, phù hợp với những chuẩn mực đạo đức, văn hoá, pháp luật Việt Nam; tránh văn bản phản cảm, nhạy cảm, dễ tranh cãi trong dư luận; có giá trị đặc sắc về nội dung và nghệ thuật.

Về nguồn dẫn: tác giả và nhà xuất bản có uy tín hoặc website chính thống (ghi rõ nguồn), ghi nguồn đúng quy cách. Nên chọn văn bản được in trong sách, không nên lấy nguồn trôi nổi trên mạng.

Về dung lượng văn bản: đảm bảo học sinh có đủ thời gian để đọc (kể cả chú thích) và trả lời câu hỏi, văn bản của đề kiểm tra nên ngắn hơn văn bản trong sách giáo khoa, tổng các ngữ liệu không quá 1300 chữ (theo đề minh hoạ tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025).

Về chú thích, cần cước chú những từ ngữ hoặc thông tin trong văn bản mới lạ với học sinh (thuật ngữ, điển cố, điển tích,...).

Nếu trích văn bản từ một tác phẩm lớn thì cần có phần giới thiệu tóm tắt ngắn gọn hoặc lược thuật để học sinh biết được bối cảnh, hiểu đúng văn bản trong tính chỉnh thể của tác phẩm.

Đối với văn bản dịch từ tiếng nước ngoài, cần chọn bản dịch phổ biến, dịch giả được đánh giá cao.

Độ khó của văn bản: độ dài trung bình của câu/từ; tỉ lệ từ khó trong văn bản; tỉ lệ từ Hán Việt trong văn bản; tỉ lệ từ địa phương; tỉ lệ danh từ riêng.

Căn cứ để xây dựng ma trận, bản đặc tả đề kiểm tra định kì: Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT ban hành Chương trình giáo dục phổ thông.

Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông.

Công văn 3175/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông.

Bước 5: Thiết kế đề kiểm tra

Yêu cầu chung về việc đặt câu hỏi trong đề kiểm tra: Câu hỏi cần được thiết kế dựa trên những yêu cầu cần đạt đã xác định trong bản đặc tả; câu hỏi cần đáp ứng đúng mức độ nhận thức đã xác định trong bản đặc tả;

Câu hỏi cần tường minh (rõ yêu cầu về thao tác và sản phẩm mà học sinh cần thực hiện); câu hỏi phải chuẩn về ngữ pháp và ngữ nghĩa (đơn nghĩa và được hiểu theo nghĩa đen).

Câu hỏi cần tránh áp đặt hoặc đánh đố, cần hỏi những vấn đề mà học sinh có đủ căn cứ trong văn bản để trả lời. Với những vấn đề mở, tránh đặt câu hỏi mà học sinh có thể đoán trước câu trả lời hoặc có thể trả lời một cách sáo rỗng, khiên cưỡng.

Câu hỏi cần có nội dung và cách diễn đạt vừa sức, phù hợp với học sinh; câu hỏi không tách rời văn bản hoặc không rõ yêu cầu tương tác trực tiếp với văn bản (học sinh không đọc hiểu văn bản cũng có thể trả lời được).

Một số lỗi thường gặp khi đặt câu hỏi trong đề kiểm tra

Phần đọc hiểu: Câu hỏi không có trong yêu cầu cần đạt trong Chương trình 2018, không đáp ứng yêu cầu cần đạt đã xác định trong bản đặc tả; câu hỏi không đáp ứng đúng mức độ nhận thức cần đánh giá.

Hệ thống câu hỏi trong đề kiểm tra chồng chéo hoặc trùng lặp một phần; sử dụng dấu câu không chính xác. Lưu ý, câu hỏi dùng dấu chấm hỏi, câu lệnh dùng dấu chấm.

Sử dụng thuật ngữ hàn lâm, thuật ngữ của Chương trình 2006 hoặc thuật ngữ học sinh chưa được học ở cấp lớp; ghi nguồn văn bản chưa đúng quy cách; yêu cầu viết đoạn văn để trả lời câu hỏi đọc hiểu; câu hỏi có nội dung phản cảm, không tế nhị.

Phần viết: Đề yêu cầu học sinh viết kiểu bài không đúng với ma trận và bản đặc tả; phần dẫn của đề viết dài, phức tạp không cần thiết đối với nhiệm vụ viết.

Đề bài sử dụng (các) hình ảnh gây khó khăn cho học sinh khi xác định vấn đề cần viết hoặc tạo ra nhiều liên tưởng phức tạp, khó xây dựng hướng dẫn chấm điểm.

Đề bài không phải kiểu bài quy định trong Chương trình 2018; đề bài yêu cầu học sinh viết về một văn bản/một nhân vật trong văn bản mà học sinh đã học trong sách giáo khoa;

Đề bài "đóng", bắt buộc học sinh viết về một đối tượng nào đó theo yêu cầu; ngữ liệu viết quá dài, học sinh không đủ thời gian để cảm thụ và viết; đề chưa chú trọng đến vốn sống, vốn trải nghiệm của học sinh.

Minh Anh (ghi)