Lấy ngữ liệu ngoài sách giáo khoa, vai trò người duyệt đề Ngữ văn rất quan trọng

10/01/2024 06:46
Nguyễn Thế Trung
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Việc ra đề kiểm tra môn Ngữ văn hiện nay không phải giáo viên nào cũng cẩn thận, có đủ năng lực tự ra đề nên những sai sót, hạn chế vẫn thường xảy ra.

Ngày 21/7/2022, Bộ ban hành Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông đối với các lớp thực hiện chương trình 2018 ở cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông kể từ năm học 2022-2023.

Dù chỉ mới thực hiện được 3 học kỳ nhưng việc lấy ngữ liệu ngoài sách giáo khoa đã và đang bộc lộ một số hạn chế nhất định.

Nhiều đề kiểm tra định kỳ môn Ngữ văn có ngữ liệu chưa thực sự phù hợp về nội dung, tính giáo dục, nguồn dẫn không rõ ràng, nội dung ngữ liệu dài,…nên học sinh gặp khó khăn trong việc ôn tập, làm bài.

Bên cạnh đó, một số đề văn hiện nay đang được giáo viên “cắt, dán”, sao chép, xin đồng nghiệp ở các trường khác. Vì thế, một số đề kiểm tra Ngữ văn “bị lộ” từ khi chưa kiểm tra. Điều này đang đặt ra nhiều trăn trở khi thực hiện lấy ngữ liệu ngoài sách giáo khoa. Đặc biệt, trách nhiệm của người duyệt đề kiểm tra.

Đề Ngữ văn lớp 8 của Phòng Giáo dục và Đào tạo Thanh Bình (Đồng Tháp) được giáo viên chia sẻ trên một diễn đàn Ngữ văn trung học cơ sở.

Đề Ngữ văn lớp 8 của Phòng Giáo dục và Đào tạo Thanh Bình (Đồng Tháp) được giáo viên chia sẻ trên một diễn đàn Ngữ văn trung học cơ sở.

Duyệt đề phải hết sức cẩn thận vì đề Ngữ văn luôn nhạy cảm

Những ngày vừa qua, nhiều đề kiểm tra Ngữ văn đã được báo chí phản ánh khi lấy ngữ liệu chưa phù hợp, nhất là đề Ngữ văn 8 khi học sinh vừa học xong thể loại truyện cười.

Chẳng hạn, ngày 2/1, Phòng Giáo dục huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) đã tổ chức cho học sinh kiểm tra học kỳ 1 năm học 2023-2024. Phần Đọc - Hiểu với 6 điểm và Viết 4 điểm. Ở phần Đọc - Hiểu, đề kiểm tra lấy ngữ liệu truyện Sao chưa mời tôi ăn.

Có điều, ngữ liệu trong văn bản khá phản cảm, câu hỏi cũng không hề phù hợp khi hỏi về nghĩa hàm ẩn bằng cụm từ “một đống lù lù”…

Trong khi, đề của phòng giáo dục ngoài người duyệt đề thì còn có người phản biện nhưng lại để một đề bài như vậy cho học sinh cả huyện cùng làm. Vì thế, ngay khi được giáo viên chia sẻ lên mạng xã hội đã nhận được nhiều ý kiến không đồng tình.

Khi nói đến truyện cười, chúng ta biết đó là thể loại tự sự dân gian chứa đựng yếu tố gây cười, nhằm mục đích giải trí, hoặc phê phán, châm biếm, đả kích những thói hư, tật xấu trong cuộc sống. Truyện cười là một trong những biểu hiện sinh động cho tính lạc quan, trí thông minh sắc sảo của tác giả dân gian.

Cốt truyện thường xoay quanh những tình huống, hành động có tác dụng gây cười. Cuối truyện thường có sự việc bất ngờ, đẩy mâu thuẫn đến đỉnh điểm, lật tẩy sự thật, từ đó tạo ra tiếng cười.

Nhân vật truyện cười thường có hai loại: Loại thứ nhất thường là những nhân vật mang thói xấu phổ biến trong xã hội như: lười biếng, tham ăn, keo kiệt,... hoặc mang thói xấu gắn với bản chất của một tầng lớp xã hội cụ thể.

Đây chính là những đối tượng mà tiếng cười hướng đến. Bằng các thủ pháp trào phúng, tác giả dân gian biến các kiểu nhân vật này thành những bức chân dung hài hước, lạ đời, tạo nên tiếng cười vừa mang ý nghĩa xã hội vừa có giá trị thẩm mĩ.

Loại thứ hai thường là những nhân vật tích cực, dùng trí thông minh, sự sắc sảo, khôn ngoan để vạch trần, chế giễu, đả kích những hiện tượng và những con người xấu xa của xã hội phong kiến hoặc dùng khiếu hài hước.

Vì thế, lựa chọn truyện cười làm ngữ liệu phải thực sự cẩn thận bởi nó thường có tính 2 mặt. Khi yếu tố gây cười được phát huy cũng đồng thời ngôn từ, tình tiết truyện sẽ có từ ngữ không phù hợp.

Môi trường giáo dục luôn đề cao tính giáo dục, văn chương cần tính nhân văn để hướng học trò tới chân, thiện, mĩ nên người ra đề cũng cần chắt lọc, cẩn thận. Đặc biệt, người duyệt đề cần mạnh dạn không duyệt nếu đề, ngữ liệu không phù hợp.

Cương quyết không duyệt những đề kiểm tra Ngữ văn không đạt yêu cầu

Một tổ trưởng Ngữ văn cấp trung học cơ sở ở một tỉnh phía Nam chia sẻ với chúng tôi rằng, hằng năm, ban giám hiệu nhà trường phân công cho thầy duyệt đề kiểm tra các khối lớp (2 lần giữa kỳ và 2 lần cuối kỳ) của giáo viên trong tổ. Việc duyệt đề kiểm tra thường khá vất vả vì phải đọc kĩ mỗi đề hơn chục trang A4 từ ma trận, bản đặc tả, đề bài, đáp án.

Thực tế, ai cũng biết, trách nhiệm của người duyệt đề kiểm tra thường rất lớn. Nếu không may, đề bài chỉ cần một lỗi chính tả thì khi kiểm tra phải đi từng lớp đính chính. Giáo viên trong tổ, giáo viên gác kiểm tra cũng đặt câu hỏi về năng lực, tính cẩn thận của tổ trưởng chuyên môn.

Đặc biệt, mỗi dịp kiểm tra thì sở, phòng giáo dục vẫn thường về một số đơn vị trường học để kiểm tra công tác ra đề, việc tổ chức kiểm tra của các nhà trường. Nếu đề kiểm tra sai ma trận, bản đặc tả, chọn ngữ liệu không phù hợp, đáp án không chuẩn, người bị góp ý và quy trách nhiệm đầu tiên là tổ trưởng chuyên môn (người duyệt đề) chứ không phải là giáo viên ra đề.

Trong khi đó, việc ra đề kiểm tra môn Ngữ văn hiện nay không phải giáo viên nào cũng cẩn thận, có đủ năng lực tự ra đề nên những sai sót, hạn chế vẫn thường xảy ra.

Việc một số giáo viên không tự ra đề có nhiều nguyên nhân. Có thể ngày tập huấn không tập trung, mải mê nói chuyện với nhau. Cũng có thể năng lực của giáo viên không thể ra được đề kiểm tra. Cũng có khi ra đề kiểm tra mất quá nhiều thời gian nên họ lựa chọn phương án xin của đồng nghiệp ở đơn vị khác, hoặc lấy trên mạng internet rồi về sửa tên trường rồi nộp cho ban giám hiệu.

Thực tế, trong nhiều trường học phổ thông hiện nay, có cả giáo viên không biết chút gì về tin học, chưa thể tự đánh máy và soạn thảo được văn bản. Vì vậy, có giáo viên không chỉ đi xin đề mà còn phải nhờ in đề giúp để nộp cho nhà trường. Chính vì vậy, việc duyệt đề kiểm tra môn Ngữ văn lại càng khó hơn, vất vả hơn.

Người duyệt đề không chỉ đơn thuần dò tìm lỗi chính tả, ngữ pháp mà còn phải so sánh câu hỏi với ma trận, với đáp án xem có trùng khớp hay không; ngữ liệu có nằm trong sách giáo khoa hay không; lấy ngữ liệu từ nguồn nào… mới dám đặt bút ký duyệt.

Trong thâm tâm của giáo viên duyệt đề, có lẽ ai cũng mong các tổ viên của mình làm đúng cấu trúc, ma trận, có ngữ liệu, câu hỏi và đáp án phù hợp để không phải yêu cầu chỉnh sửa lại. Bởi, khi yêu cầu giáo viên trong tổ chỉnh sửa lại đề, bao giờ cũng kéo theo những thị phi này nọ.

Dù tổ trưởng đã chỉ ra những lỗi sai nhưng khi giáo viên phải làm lại, chỉnh sửa lại đề không phải ai cũng vui vẻ, có người còn tỏ ra khó chịu. Nhưng, đặt giữa quyền lợi học sinh, uy tín của tổ chuyên môn, người duyệt đề bắt buộc phải yêu cầu chỉnh sửa.

Bản thân người viết là tổ trường chuyên môn cũng đã nhiều lần yêu cầu giáo viên chỉnh sửa đề, thậm chí đã báo cáo sự việc lên ban giám hiệu và yêu cầu 1 giáo viên làm mới hoàn toàn một đề kiểm tra.

Lí do: đề kiểm tra cuối kỳ nhưng giáo viên để “kiểm tra giữa kỳ” vì cắt, dán chưa hết. Ngữ liệu phần đọc hiểu không đúng thể loại và có những từ ngữ phản cảm, thiếu tính giáo dục. Câu hỏi không khớp với ma trận, bản đặc tả và đáp án. Tên đơn vị còn để đơn vị khác (xóa chưa hết).

Việc ngành giáo dục đang thực hiện Công văn 3175 trong đổi mới, kiểm tra môn Ngữ văn ở giai đoạn đầu chắc chắn sẽ còn nhiều khó khăn, bất cập. Vì vậy, người ra đề, duyệt đề cũng hết sức cẩn thận để không còn những đề kiểm tra dở khóc, dở cười xảy ra ở một số nơi vừa qua.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguyễn Thế Trung