Làm gì để ngữ liệu đề kiểm tra Ngữ văn bớt "sạn"?

18/01/2024 06:35
Ánh Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ngành giáo dục các địa phương cần tăng cường tập huấn cho giáo viên trong việc ra đề kiểm tra môn Ngữ văn Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đề kiểm tra môn Ngữ văn bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông của một số tỉnh thành trên cả nước thời gian qua được truyền thông phản ánh sai sót, gây ra nhiều tranh cãi.

Trong phạm vi bài bài viết này, người viết - giáo viên Ngữ văn bậc trung học phổ thông - có đôi điều cùng chia sẻ về việc ra đề kiểm tra môn Ngữ văn Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Một số lỗi thường gặp khi ra đề kiểm tra môn Ngữ văn

Thứ nhất, vẫn có địa phương lấy ngữ liệu trong sách giáo khoa ra đề kiểm tra định kì. Ví dụ, đề kiểm tra học kì 1 môn Ngữ văn 10 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nam lấy bài thơ Thu hứng (Đỗ Phủ) trong sách giáo khoa Kết nối tri thức với cuộc sống để ra đề kiểm tra. [1]

Bài thơ Thu hứng trong sách Ngữ văn 10. (Ảnh: GVCC)

Bài thơ Thu hứng trong sách Ngữ văn 10. (Ảnh: GVCC)

Tuy vậy, khi được truyền thông phản ánh việc lấy văn bản trong sách giáo khoa ra đề kiểm tra là làm trái quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Nam nêu ý kiến trên một tờ báo như sau:

"Trong định hướng của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Công văn 3175/BGDĐT-GDTrH - tác giả chú thích) đã nêu rõ: việc lấy ngữ liệu trong đề kiểm tra là “tránh dùng lại” chứ không nhất thiết là “không được dùng”. [1]

Cần biết rằng, quy định lấy ngữ liệu ngoài sách giáo khoa để ra đề kiểm tra, đề thi còn được nêu rõ ở Chương trình môn Ngữ văn 2018 - chứ không riêng gì Công văn 3175/BGDĐT-GDTrH.

Theo đó,“Trong việc đánh giá kết quả học tập cuối năm học, cuối cấp học, cần đổi mới cách thức đánh giá (cấu trúc đề, cách nêu câu hỏi, phân giải độ khó,...); sử dụng và khai thác ngữ liệu bảo đảm yêu cầu đánh giá được năng lực của học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép tài liệu có sẵn; tránh dùng lại các văn bản ngữ liệu đã học để đánh giá được chính xác khả năng đọc hiểu và phân tích, cảm thụ tác phẩm văn học.”

Trả lời truyền thông về việc ra đề kiểm tra môn Ngữ văn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) khẳng định:

"Tôi cần nhấn mạnh rằng công văn 3175 ghi rõ "Tránh dùng lại văn bản đã học trong sách giáo khoa" có nghĩa là giáo viên không được dùng văn bản đã in trong sách giáo khoa để ra đề thi trong đọc hiểu, viết cho học sinh." [2]

Vậy nên, theo người viết, Sở/Phòng Giáo dục và Đào tạo các địa phương cần nghiên cứu thật kĩ các văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo để ra đề theo quy định.

Thứ hai, ngữ liệu một số đề kiểm tra Ngữ văn còn phản cảm hoặc người ra đề nhận định sai lạc về nội dung, ý nghĩa của tác phẩm văn học.

Ví dụ, đề kiểm tra học kì 1 môn Ngữ văn 6 (phần viết) của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nam cũng khiến nhiều giáo viên không đồng tình vì cách đặt vấn đề thiếu nhân văn. Phần viết của đề kiểm tra này có nội dung như sau:

"Trong vai người chứng kiến tình cảnh của cô bé bán diêm trong truyện Cô bé bán diêm của nhà văn Han Cri-xti-an An-đéc-xen (sách giáo khoa Ngữ văn 6, Kết nối tri thức với cuộc sống, tập 1, Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam 2022, trang 61-64), hãy kể về một trải nghiệm đáng nhớ của em trong đêm giao thừa khi chứng kiến tình cảnh đáng thương của cô bé. Hãy nêu một vài suy nghĩ của em về ý nghĩa của tình thương trong cuộc sống. [1]

Đề kiểm tra Ngữ văn 6 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nam. (Ảnh: GVCC)

Đề kiểm tra Ngữ văn 6 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nam. (Ảnh: GVCC)

Giáo viên Phương Thế N. ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng: "Theo tôi, đề thiếu nhân văn. Nếu là người chứng kiến (học sinh) cảnh cô bé trong đêm lạnh để kể lại, người đó sẽ cứu giúp cô bé, chứ không phải để em chết cóng.

Tưởng tượng phải có cơ sở, hợp lí. Tưởng tượng đóng vai như hướng của đề là chưa phù hợp? Nếu để một học sinh lớp 6 (đứa trẻ 12 tuổi) kể về việc mình chứng kiến một đứa trẻ đáng thương chết như thế nào, thì cái mệnh đề sau (hãy nêu một vài suy nghĩ của em về ý nghĩa của tình thương trong cuộc sống) thực sự không hợp lý".

Cho nên, để ra được một đề kiểm tra chính xác thì đòi hỏi giáo viên phải hiểu rõ nội dung và ý nghĩa của tác phẩm. Thầy, cô giáo ra đề cũng cần thảo luận thêm với đồng nghiệp cùng tổ chuyên môn để có cái nhìn khách quan, đa chiều.

Chia sẻ kinh nghiệm ra đề kiểm tra định kì môn Ngữ văn

Thứ nhất, về việc tìm ngữ liệu cho đề kiểm tra, giáo viên cần hiểu rõ tinh thần của Công văn 3175/BGDĐT-GDTrH.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành: "Không phải giáo viên không được dùng văn bản khác của những tác phẩm đã được học trong sách giáo khoa".

"Ví dụ, một tác phẩm văn học dài mà trong sách giáo khoa đã đưa trích đoạn đó vào dạy học thì giáo viên không lấy trích đoạn đó để ra đề đọc hiểu, viết chứ không phải là không được lấy trích đoạn khác trong tác phẩm văn học đó để ra đề." [2]

Người viết lấy ví dụ, sách giáo khoa Ngữ văn 11 - bộ Cánh Diều - đưa đoạn trích Trái tim Đan-Kô (trích Bà lão I-déc-ghin, Go-rơ-ki) để minh hoạ cho đặc trưng thể loại truyện ngắn.

Truyện ngắn Bà lão I-déc-ghin có 3 phần: phần đầu là truyền thuyết về đứa con trai đại bàng Lác-ra; phần thứ hai là hồi ức về tuổi trẻ tự do, phóng túng, cuồng nhiệt của bà lão I-déc-ghin; phần 3 là truyền thuyết về chàng Đan-Kô (sách giáo khoa đặt nhan đề là Trái tim Đan-kô).

Như vậy, giáo viên hoàn toàn được phép lấy phần đầu hoặc phần thứ hai của truyện Bà lão I-déc-ghin để ra đề kiểm tra.

Cùng với đó, không ít giáo viên nói rằng, việc tìm ngữ liệu cho đề kiểm tra ngoài sách giáo khoa là khá khó khăn.

Tuy vậy, cá nhân tôi cho rằng, thầy cô giáo chỉ cần chịu khó đọc sách, báo thì việc tìm được ngữ liệu đúng và hay không hề khó.

Ví dụ, sách giáo khoa Ngữ văn 10 (học kì 2) bộ Chân trời sáng tạo dạy thể loại truyện ngắn, được minh hoạ qua một số tác phẩm của các tác giả Bùi Hiển, Nguyễn Huy Thiệp... Giáo viên có thể sưu tầm một vài tác phẩm của các tác giả này để ra đề kiểm tra định kì.

Nhiều giáo viên than, việc tìm ngữ liệu truyện thơ Nôm (lớp 11) ngoài sách giáo khoa cũng không phải chuyện dễ, vì một số tác phẩm xa lạ với tâm lí lứa tuổi học sinh.

Sách giáo khoa Ngữ văn 11 (Chân trời sáng tạo) dạy đoạn trích Trao duyên, Thuý Kiều hầu rượu Hoạn Thư - Thúc Sinh (Truyện Kiều, Nguyễn Du) thì giáo viên có thể lấy một số đoạn trích khác để ra đề kiểm tra như Mã Giám Sinh mua Kiều, Thúy Kiều báo ân báo oán...

Cần nhớ, giáo viên không được lấy lại những văn bản đã có trong sách giáo khoa (của các bộ sách) từ lớp 1 đến lớp 12.

Thứ hai, để hạn chế tối đa "sạn" trong đề kiểm tra môn Ngữ văn thì bắt buộc tổ chuyên môn phải tuân theo một quy trình chặt chẽ khi ra đề.

Gần đến kì kiểm tra định kì, tổ trưởng chuyên môn chỉ cần phân công 2 giáo viên ra đề cho 1 khối lớp là đủ.

Sau khi nhận đề kiểm tra từ giáo viên, tổ trưởng gửi đề cho tổ phó chuyên môn để phản biện. Tổ phó thấy chỗ nào bất hợp lí, có sai sót thì phải trao đổi lại với giáo viên ra đề để cùng thống nhất chung.

Tổ phó gửi đề kiểm tra đã phản biện lần 1 cho tổ trưởng, tổ trưởng đọc và phản biện đề lần 2. Nếu tổ trưởng phát hiện đề còn bất cập thì phải trao đổi lại với tổ phó và giáo viên ra đề.

Đề của giáo viên nào chuẩn và hay thì tổ trưởng chuyên môn tham mưu với hiệu phó chuyên môn cho sử dụng kiểm tra chính thức, còn đề chưa hay thì để dự phòng.

Đây là quy trình ra đề kiểm tra định kì môn Ngữ văn nơi đơn vị tôi đang công tác được duy trì từ hơn 10 năm qua.

Ngoài ra, để không còn những đề kiểm tra Ngữ văn có "sạn" thì ngành giáo dục các địa phương cần tăng cường tập huấn cho giáo viên.

Việc tập huấn cần được triển khai vào giữa học kì, cuối kì, cuối năm học và thời gian chuẩn bị bước vào năm học mới.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://danviet.vn/ca-2-de-thi-van-cuoi-hoc-ky-1-lop-6-va-lop-10-o-ha-nam-deu-khien-giao-vien-co-y-kien-20240104140014474.htm?fbclid=IwAR2F7gRzi2mXgz2cbv-SbKK59OTlDRQPBxXW-CiPpXTIq6XtS7sDrm3d9yo

[2] https://tuoitre.vn/thot-tim-voi-ngu-lieu-de-thi-van-bo-giao-duc-va-dao-tao-noi-gi-20240111230328959.htm

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Ánh Dương