Ngành Du lịch địa chất, Du lịch thông minh khác gì ngành du lịch nói chung?

10/04/2024 06:27
Thu Trang
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -So với ngành du lịch nói chung, chương trình đào tạo ngành Du lịch địa chất và Du lịch thông minh có nhiều điểm khác biệt.

Những năm gần đây, Quản trị du lịch và dịch vụ lữ hành là một trong những ngành học "hot" nhận được sự quan tâm của nhiều thí sinh.

Thế nhưng, bên cạnh việc đào tạo về du lịch nói chung, nhiều trường đại học đã mở những ngành/chuyên ngành mới với định hướng đào tạo riêng, nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực trong xu hướng phát triển mới của ngành du lịch.

Hiện, Trường Du Lịch, Trường Đại học Duy Tân là cơ sở đào tạo đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam đào tạo chuyên ngành Du lịch thông minh, ngành này được trường bắt đầu tuyển sinh từ năm 2021.

Còn tại Trường Đại học Mỏ - Địa chất cũng đã bắt đầu mở ngành Du lịch địa chất từ năm 2021.

Chương trình đào tạo mới lạ

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Tô Xuân Bản, Trưởng Khoa Khoa học và Kỹ thuật Địa chất, Trường Đại học Mỏ - Địa chất chia sẻ, chương trình đào tạo cử nhân Du lịch địa chất của trường có thời gian đào tạo là 4 năm với 160 tín chỉ toàn khóa.

Chương trình đào tạo được chia ra làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1, sinh viên sẽ được đào tạo các kiến thức chung, nền tảng của các ngành Địa chất, địa lý, kinh tế, xã hội, du lịch địa chất cùng với các kiến thức về văn hóa, xã hội, kinh tế chính trị, quốc phòng an ninh và thể dục. Giai đoạn 2, sinh viên sẽ được tập trung đào tạo về nhóm kỹ năng C-D-I-O (Hình thành ý tưởng, thiết kế, thực hiện và vận hành).

Sau khi tốt nghiệp sinh viên sẽ có được kiến thức và kỹ năng khác nhau như: Hiểu biết các kiến thức chuyên sâu ngành du lịch địa chất và có khả năng kết hợp đa ngành để đưa ra các ý tưởng cho các hoạt động khác nhau thuộc lĩnh vực du lịch địa chất cho những đối tượng, khu vực cụ thể.

Sinh viên sẽ vận dụng được các kiến thức cơ sở về địa chất, địa mạo, thành phần vật chất trái đất, lịch sử phát triển của trái đất với khu vực, kết hợp với các kiến thức về kinh tế, du lịch, văn hóa, địa lý, luật du lịch đáp ứng việc tiếp thu các kiến thức chuyên ngành trong hoạt động du lịch, góp phần tích cực vào nghiên cứu, phát triển du lịch một cách bền vững.

Chỉ ra những thuận lợi trong đào tạo chuyên ngành này, theo thầy Bản, với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, học ngành Du lịch địa chất có nhiều cơ hội phát triển.

Cùng với đó, đất nước Việt Nam tạo thuận lợi cho sinh viên Du lịch địa chất được thực tập và thực hành các kỹ năng trong quá trình học tập, bởi nước ta có sự đa dạng về tài nguyên thiên nhiên và địa chất, tạo tiềm năng lớn cho việc mở rộng du lịch địa chất.

Chính vì vậy, Du lịch địa chất sẽ tạo ra sự kích thích đáng kể góp phần đẩy mạnh nền kinh tế của các khu vực, nâng cao nhận thức về khoa học, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên của các du khách và cộng đồng địa phương.

Về chương trình đào tạo chuyên ngành Du lịch thông minh, Tiến sĩ Bùi Kim Luận - Phó Hiệu trưởng Trường Du Lịch, Trường Đại học Duy Tân chia sẻ, năm 2022, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch ban hành đề án “Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”.

Smart Tourism (Du lịch thông minh) là một xu hướng mới trong ngành Du lịch, chương trình học Du lịch thông minh được xây dựng dựa trên các công nghệ cốt lõi như Công nghệ Thông tin và Truyền thông (Information and Communication Technology), Mạng xã hội (Social networks), Điện toán Đám mây (Cloud Computing), Trí tuệ Nhân tạo (Artificial Intelligence) và Thực tế ảo (Virtual Reality).

Mục tiêu là vận dụng sự phát triển của công nghệ tiên tiến, tạo lập các nền tảng, ứng dụng phục vụ khách du lịch, cộng đồng địa phương, doanh nghiệp kinh doanh và cơ quan quản lý nhà nước về du lịch.

Diễn đàn du lịch do Trường Đại học Duy Tân tổ chức. Ảnh: NTCC
Diễn đàn du lịch do Trường Đại học Duy Tân tổ chức. Ảnh: NTCC

Với thế mạnh truyền thống về công nghệ thông tin, thực tại ảo và trí tuệ nhân tạo, sinh viên ngành Du lịch thông minh - Trường Đại học Duy Tân sẽ được trang bị những kỹ năng như: Kỹ năng quản lý (cách thức quản lý thời gian, áp lực, tài chính, rủi ro, lập kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho cá nhân và nhóm); Năng lực sáng tạo (sáng tạo và đổi mới là chìa khóa cho sự thành công của sự phát triển du lịch thông minh); Kỹ năng tiếp thị (phương thức thúc đẩy, quảng bá du lịch, bán ý tưởng cho khách hàng); Kỹ năng tiếng Anh (cải thiện khả năng tiếng Anh giao tiếp và tiếng Anh chuyên ngành sau khi hoàn thành khóa học).

Sinh viên Trường Đại học Duy Tân tham gia dự án du lịch thông minh với Đại học Daejin Hàn Quốc. Ảnh: NTCC
Sinh viên Trường Đại học Duy Tân tham gia dự án du lịch thông minh với Đại học Daejin Hàn Quốc. Ảnh: NTCC

Chương trình Du Lịch thông minh được xây dựng dựa trên nghiên cứu chương trình giảng dạy của các đại học lớn trên thế giới với nhiều phương pháp tiếp cận tiên tiến như giảng dạy bằng tình huống, gắn lý luận với thực tiễn, chú trọng đào tạo kỹ năng cho sinh viên thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông để phát triển các công cụ và phương pháp tiếp cận sáng tạo nhằm cải thiện du lịch.

Bàn về điểm khác nhau của chương trình đào tạo ngành Du lịch thông minh so với ngành Du lịch nói chung, thầy Luận cho biết, ngành Du lịch thông minh dựa trên các công nghệ cốt lõi như ICT, truyền thông di động, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo và thực tế ảo.

Các công cụ này hỗ trợ, tìm ra các cách thức sáng tạo để thu thập và sử dụng dữ liệu thu được từ cơ sở hạ tầng vật lý, kết nối xã hội, các nguồn tổ chức (cả chính phủ và phi chính phủ) và du khách, có thể kết hợp với các công nghệ tiên tiến để tăng hiệu quả, tính bền vững, trải nghiệm cho hoạt động du lịch.

Chương trình học sẽ do các giảng viên giàu kinh nghiệm và trình độ cao, nhiều giảng viên tốt nghiệp từ nhiều nước trên thế giới như Australian, Mỹ, Hàn Quốc giảng dạy, kết hợp với các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch và công nghệ thông tin. Từ đó, sinh viên sẽ được chia sẻ những kinh nghiệm thực tế, và có cơ hội thực tập tại các doanh nghiệp, tìm kiếm việc làm sau khi ra trường.

Chỉ ra những điểm khác biệt giữa ngành Du lịch Địa chất và ngành Du lịch, Trưởng Khoa Khoa học và Kỹ thuật Địa chất, Trường Đại học Mỏ - Địa chất chia sẻ, sinh viên sau khi tốt nghiệp đều có thể làm việc trong lĩnh vực du lịch nói chung, đặc biệt là Du lịch địa chất.

Sinh viên ngành Du lịch địa chất Trường Đại học Mỏ - Địa chất đi thực tế. Ảnh: Website nhà trường
Sinh viên ngành Du lịch địa chất Trường Đại học Mỏ - Địa chất đi thực tế. Ảnh: Website nhà trường

Du lịch địa chất là một loại hình du lịch cung cấp cho khách tham quan những thông tin, kiến thức và hiểu biết về giá trị đặc trưng địa chất, địa mạo, địa lý của một địa điểm gắn với bảo vệ và phát triển bền vững với môi trường, di sản, thẩm mỹ, văn hóa và hạnh phúc của cộng đồng...

Mục đích của Du lịch địa chất là giúp cho du khách thấy thích thú khi tham quan và trải nghiệm vẻ đẹp và sự kỳ vĩ về địa chất, địa hình, địa mạo gắn với văn hóa, lịch sử và tôn giáo bản địa của các danh lam - thắng cảnh. Qua đó giúp du khách hiểu biết các giá trị hữu hình và vô hình, từ đó trân trọng và chung sức bảo vệ giữ gìn những danh lam thắng cảnh.

Còn gặp một số thách thức trong tuyển sinh

Tuy nhiên, vì là ngành học còn khá mới lạ nên công tác tuyển sinh cũng gặp phải một số thách thức ban đầu.

Theo thầy Bản, mặc dù đã và đang có sự truyền thông rộng rãi trên các trang thông tin, tuy nhiên tuyển sinh ngành Du lịch Địa chất còn gặp nhiều khó khăn, do là ngành mới nên chưa nhận được sự quan tâm của phụ huynh và học sinh.

Bên cạnh đó, chương trình đào tạo của ngành đòi hỏi sinh viên phải nỗ lực rất nhiều trong quá trình học để đảm bảo được các kiến thức và hoàn thành khóa học.

“Đây ngành đào tạo hoàn toàn mới trong lĩnh vực đào tạo nhân lực cho ngành du lịch, do đó, đội ngũ giáo viên, cán bộ phục vụ đã phải nghiên cứu, tìm hiểu và đối sánh rất kỹ càng các chương trình đào tạo du lịch nói chung và du lịch liên quan đến địa chất nói riêng để thiết kế 1 chương trình đào tạo phù hợp, đáp ứng chất lượng và đảm bảo chuẩn đầu ra của ngành ”, thầy Bản thông tin thêm.

Cùng bàn về vấn đề này, theo Phó Hiệu trưởng Trường Du Lịch, Trường Đại học Duy Tân, nhà trường là cơ sở đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam đào tạo ngành Du lịch thông minh. Tuy nhiên, vì ngành học còn khá mới tại Việt Nam nên chưa được nhiều thí sinh chú ý đến.

Tốt nghiệp ngành Du lịch địa chất, Du lịch thông minh sẽ làm công việc gì?

Về cơ hội việc làm của ngành Du lịch thông minh, Tiến sĩ Bùi Kim Luận chia sẻ, sau khi hoàn thành chương trình học, sinh viên tốt nghiệp sẽ làm việc tại các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch thông minh, đại lý du lịch trực tuyến (OTA), công ty phát triển hệ thống du lịch thông minh và các cơ quan quản lý hệ thống thông tin du lịch thông minh tại Việt Nam.

Do đó, sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Smart Tourism sẽ làm việc ở nhiều vị trí cụ thể như: Quản lý đại lý du lịch trực tuyến trong và ngoài nước; Quản lý hệ thống đại lý du lịch; Chuyên gia hệ thống du lịch thông minh (phân tích & thiết kế, quản lý hệ thống); Giảng viên về quản lý hệ thống thông tin du lịch.

Để gia tăng cơ hội việc làm cho sinh viên, nhà trường không chỉ hợp tác với doanh nghiệp ở thị trường trong nước mà còn mở rộng đến thị trường quốc tế. Sinh viên có cơ hội tham gia thực tập, thực tế nghề nghiệp hay từ năm nhất.

Nhà trường cũng thường xuyên mở rộng hợp tác với những doanh nghiệp như: Vietravel, Saigontourist, Trung tâm xúc tiến Du lịch,... thông qua việc: hợp tác giảng dạy, gửi sinh viên thực tập, tham gia ngày hội việc làm và tuyển dụng nhân sự,…

Bên cạnh đó, trường cũng thường xuyên tìm kiếm các cơ hội thực tập cho sinh viên tại nước ngoài như: Hồng Kong, Thái Lan, Italia, Đài Loan… tạo cơ hội cho sinh viên tiếp cận môi trường làm việc quốc tế, chuyên nghiệp.

Cùng bàn về vấn đề này, thầy Bản chia sẻ, sự đa dạng về tài nguyên thiên nhiên và địa chất là tiềm năng lớn cho việc mở rộng du lịch địa chất tại Việt Nam.

Nhu cầu nhân lực về ngành này là rất lớn khi các công viên địa chất đang được các địa phương trong cả nước đầu tư phát triển. Hiện tại ngoài 3 công viên địa chất toàn cầu ở Đắk Nông, Cao Bằng, Hà Giang, nhiều tỉnh thành khác cũng đang xây dựng các đề án để khai thác và phát triển công viên địa chất như Lạng Sơn, Quảng Bình, Lào Cai, Quảng Ngãi…

Ngoài ra, sinh viên ngành Du lịch địa chất cũng có thể tham gia vào các loại hình du lịch khác như du lịch sinh thái, quản lý và thiết kế tour du lịch….

Do đó, sinh viên ngành Du lịch địa chất sẽ có rất nhiều lựa chọn về việc làm sau khi ra trường như hoạt động trong lĩnh vực du lịch và dịch vụ: Điều hành, quản lý, thiết kế các tour du lịch địa chất; Hướng dẫn viên du lịch địa chất; Chuyên gia tư vấn, thiết kế và triển khai nghiên cứu và phát triển công viên địa chất, di sản địa chất.

Bên cạnh đó, sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc tại các sở, ban, ngành có liên quan hoạt động quản lý hoặc tổ chức du lịch hay tự khởi nghiệp trong các hoạt động du lịch, đặc biệt là du lịch lữ hành, du lịch địa chất.

Bàn về cơ hội để gia tăng cơ hội thực tập cũng như việc làm cho sinh viên, thầy Bản cho biết, hiện tại, đội ngũ giảng viên ngành du lịch địa chất đang tham gia vào nhiều đề án phát triển du lịch địa chất với nhiều tỉnh thành trong cả nước như Hà Giang, Cao Bằng, Ninh Bình, Hòa Bình, Lạng Sơn, Cà Mau.

Sinh viên ngành Du lịch địa chất sẽ thường xuyên được đồng hành cùng giảng viên trong các đề án đó, đây là cơ hội tuyệt vời để sinh viên có những kiến thức thực tế và mối quan hệ ngay từ khi còn đang học tập tại giảng đường đại học.

Ngoài ra, trong chương trình đào tạo ngành Du lịch địa chất có rất nhiều môn học gắn với thực tập như: thực tập địa chất tổng hợp, thực tập du lịch đại cương, thực tập doanh nghiệp…

Nguyễn Thị Minh Thư, sinh viên khoá 66 ngành Du lịch Địa chất, Trường Đại học Mỏ - Địa chất chia sẻ, khi học ngành Du lịch địa chất, mỗi sinh viên có các học phần thực tập, qua đó sinh viên sẽ tự lên kế hoạch 1 chương trình du lịch cụ thể.

Chia sẻ về điểm thú vị khi thực tập ngành Du lịch Địa chất, Thư cho biết, học phần đầu tiên sinh viên được đi thực tập tại Quảng Ninh, đến các điểm lộ và Vịnh Hạ Long. Trong quá trình thực tập, thầy cô vừa lồng ghép yếu tố văn hóa và địa chất, địa mạo như lịch sử hình thành vịnh, quá trình thành tạo…

Học phần tiếp theo sinh viên có cơ hội đến Hữu Lũng và Bắc Sơn của tỉnh Lạng Sơn. Tại đây, sinh viên được ghé đến thảo nguyên Đồng Lâm và được giới thiệu về lịch sử thành tạo của khu vực này. Tiếp đến là làng Quỳnh Sơn ở Bắc Sơn, tìm hiểu về các nét văn hóa đặc sắc tại nơi đây cũng như trải nghiệm leo núi…

Sau mỗi chuyến đi sinh viên sẽ làm video tổng kết và nộp lại nhật ký thực tập, báo cáo thực tập. Mỗi địa điểm thực tập không chỉ về địa chất, địa mạo mà còn có nhiều giá trị văn hóa, lịch sử.

Là một sinh viên có nhiều thành tích tốt trong học tập, Thư chia sẻ: “Mình cảm thấy khi học ngành Du lịch địa chất hay bất kỳ chuyên ngành nào, bản thân các bạn sinh viên cần phải quyết tâm và ham học hỏi, không chỉ mỗi kiến thức chuyên ngành mà còn là những kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, kỹ năng lên kế hoạch... Đây cũng là một cách tích lũy kinh nghiệm và trải nghiệm cho công việc sau này của các bạn.

Khi học một ngành đòi hỏi sự hiểu biết sâu rộng và các kỹ năng mềm, như ngành Du lịch địa chất, bản thân mình cũng được rèn luyện rất nhiều. Không chỉ mở rộng kiến thức chuyên ngành, làm phong phú hơn các trải nghiệm mà còn năng động hơn, cởi mở hơn, tích cực trong tất cả các hoạt động.

Vì vậy các bạn sinh viên khi học ngành Du lịch địa chất có một môi trường rất tốt để rèn luyện và học tập, cải thiện khả năng của bản thân”.

Thu Trang