Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 06/2024/TT-BGDĐT ban hành Quy chế Cuộc thi nghiên cứu khoa học, kĩ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Thông tư Thông tư 06/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27/05/2024 và thay thế Thông tư 38/2012/TT-BGDĐT sửa đổi Thông tư số 32/2017/TT-BGDĐT.
Theo đó, Thông tư 06/2024/TT-BGDĐT có một số nội dung mới so với các Thông tư cũ như sau:
Thứ nhất, về mục đích của cuộc thi, Thông tư 06/2024/TT-BGDĐT có thêm nội dung: "Góp phần đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá; thúc đẩy giáo dục tích hợp khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM); nâng cao chất lượng dạy học trong các cơ sở giáo dục".
Người viết là giáo viên trung học phổ thông nhận thấy, Thông tư 06/2024/TT-BGDĐT bổ sung nội dung này phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Hiện nay, các trường trung học cơ sở (lớp 8, 9) và trung học phổ thông đều tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cho học sinh.
Hoạt động này dành cho những học sinh có năng lực, sở thích và hứng thú với các hoạt động tìm tòi, khám phá khoa học, kỹ thuật giải quyết các vấn đề thực tiễn.
Hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thuật được thực hiện dưới dạng dự án do 1 học sinh hoặc nhóm (hai thành viên), dưới sự hướng dẫn của giáo viên bộ môn.
Thứ hai, yêu cầu của cuộc thi theo Thông tư 06/2024/TT-BGDĐT có thêm nội dung: "Nội dung nghiên cứu khoa học, kỹ thuật của học sinh bảo đảm thiết thực, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi và yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh theo mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông".
Thông tư 06/2024/TT-BGDĐT yêu cầu nội dung nghiên cứu của dự án phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi là quy định rất đúng đắn.
Bởi lẽ, nhiều năm qua, từ cuộc thi cấp trường, cấp tỉnh, đến cấp quốc gia, không ít dự án được cho là quá sức học sinh, có sự can thiệp sâu của giáo viên và nhà khoa học gây dư luận không tốt.
Thứ ba, cuộc thi này có 22 lĩnh vực: 1) Khoa học động vật; 2) Khoa học xã hội và hành vi; 3) Hóa Sinh; 4) Y Sinh và khoa học Sức khỏe; 5) Kỹ thuật Y Sinh; 6) Sinh học tế bào và phân tử; 7) Hóa học; 8) Sinh học trên máy tính và Sinh –Tin; 9) Khoa học Trái đất và Môi trường; 10; Hệ thống nhúng; 11) Năng lượng: Hóa học; 12) Năng lượng: Vật lí; 13) Kỹ thuật cơ khí; 14) Kĩ thuật môi trường; 15) Khoa học vật liệu; 16) Toán học; 17) Vi Sinh; 18) Vật lí và Thiên văn; 19) Khoa học Thực vật; 20) Rô bốt và máy thông minh; 21) Phần mềm hệ thống; 22) Y học chuyển dịch.
Thứ tư, nội dung và hình thức thi của Thông tư 06/2024/TT-BGDĐT quy định chi tiết, cụ thể hơn Thông tư số 38/2012/TT-BGDĐT.
Thông tư 06/2024/TT-BGDĐT |
Thông tư số 38/2012/TT-BGDĐT sửa đổi Thông tư 32/2017/TT-BGDĐT |
1. Nội dung thi - Nội dung thi là kết quả thực hiện dự án nghiên cứu khoa học, kỹ thuật của học sinh (sau đây gọi tắt là dự án dự thi) thuộc các lĩnh vực của Cuộc thi quy định tại Phụ lục 1 kèm theo Quy chế này. Dự án dự thi có thể do 01 (một) học sinh thực hiện (sau đây gọi là dự án cá nhân) hoặc do 02 (hai) học sinh thuộc cùng một cơ sở giáo dục thực hiện (sau đây gọi là dự án tập thể); - Báo cáo kết quả thực hiện dự án dự thi bao gồm các nội dung cơ bản sau: câu hỏi nghiên cứu (đối với dự án khoa học) hoặc vấn đề nghiên cứu (đối với dự án kỹ thuật); thiết kế và phương pháp nghiên cứu; thực hiện thu thập, phân tích và giải thích dữ liệu (đối với dự án khoa học) hoặc chế tạo và kiểm tra (đối với dự án kỹ thuật). |
1. Nội dung thi: Nội dung thi là kết quả nghiên cứu của các dự án, đề tài, công trình nghiên cứu khoa học, kỹ thuật (sau đây gọi chung là dự án) thuộc các lĩnh vực của Cuộc thi (phụ lục I); dự án có thể của 01 học sinh (gọi là dự án cá nhân) hoặc của nhóm không quá 3 học sinh (gọi là dự án tập thể). |
2. Hình thức thi - Mỗi dự án dự thi gửi báo cáo kết quả thực hiện dự án theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này và trưng bày bảng thuyết minh về kết quả thực hiện dự án (sau đây gọi là poster) tại khu vực tổ chức Cuộc thi; - Tác giả hoặc nhóm tác giả trình bày tóm tắt kết quả thực hiện dự án và trả lời phỏng vấn của giám khảo tại khu vực trưng bày poster. |
2. Hình thức thi: Dự án dự thi được trưng bày tại khu vực trưng bày của Cuộc thi, tác giả hoặc nhóm tác giả trình bày dự án và trả lời phỏng vấn của ban giám khảo. |
Thứ năm, quy định đơn vị dự thi, số lượng dự án dự thi, thí sinh và người hướng dẫn của Thông tư 06/2024/TT-BGDĐT khác Thông tư 38/2012/TT-BGDĐT.
Thông tư 06/2024/TT-BGDĐT |
Thông tư số 38/2012/TT-BGDĐT sửa đổi Thông tư 32/2017/TT-BGDĐT |
- Đối với các đơn vị dự thi là Sở Giáo dục và Đào tạo, mỗi đơn vị dự thi được đăng ký tối đa 03 (ba) dự án dự thi. Riêng Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi đơn vị được đăng ký tối đa 06 (sáu) dự án dự thi; - Đối với các đơn vị dự thi là trường trực thuộc Bộ, đại học, trường đại học, viện, học viện, mỗi đơn vị được đăng ký tối đa 02 (hai) dự án dự thi; - Đơn vị đăng cai tổ chức Cuộc thi được đăng ký tối đa 06 (sáu) dự án dự thi. Riêng đơn vị đăng cai tổ chức Cuộc thi là Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội hoặc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi đơn vị được đăng ký tối đa 12 (mười hai) dự án dự thi. - Mỗi dự án dự thi có ít nhất 01 (một) người hướng dẫn nghiên cứu là giáo viên, nhân viên có chuyên môn phù hợp với dự án dự thi đang làm việc tại cơ sở giáo dục nơi thí sinh đang học. - Mỗi người hướng dẫn nghiên cứu chỉ được hướng dẫn 01 (một) dự án dự thi trong 01 (một) lần tổ chức Cuộc thi. |
- Mỗi đơn vị dự thi có thể đăng ký một hoặc nhiều dự án dự thi. Số lượng dự án dự thi tối đa cho một đơn vị dự thi được thông báo tại văn bản hướng dẫn tổ chức Cuộc thi hằng năm của Bộ Giáo dục và Đào tạo. - Mỗi dự án dự thi có tối thiểu 01 người hướng dẫn nghiên cứu. Một người hướng dẫn được hướng dẫn tối đa hai dự án nghiên cứu khoa học của học sinh trong cùng thời gian. |
Thứ sáu, Thông tư 06/2024/TT-BGDĐT quy định trưởng ban (Ban giám khảo) là nhà khoa học có uy tín có học hàm, học vị từ phó giáo sư, tiến sĩ trở lên.
Giám khảo là các nhà khoa học, chuyên viên, giảng viên, giáo viên, có chuyên môn phù hợp với lĩnh vực của Cuộc thi. Mỗi lĩnh vực hoặc nhóm lĩnh vực có 01 (một) tiểu ban giám khảo; mỗi tiểu ban giám khảo có 01 (một) Trưởng tiểu ban đồng thời là giám khảo của tiểu ban đó.
Đây là những điểm mới của Thông tư 06/2024/TT-BGDĐT so với Thông tư số 38/2012/TT-BGDĐT.
Thứ bảy, giáo viên, nhân viên đã hướng dẫn học sinh xây dựng kế hoạch nghiên cứu báo cáo với tổ chuyên môn để tổ chuyên môn báo cáo, đề nghị hiệu trưởng hoặc giám đốc (sau đây gọi chung là người đứng đầu) cơ sở giáo dục xem xét, phê duyệt.
Người đứng đầu cơ sở giáo dục phê duyệt kế hoạch nghiên cứu và người hướng dẫn nghiên cứu theo đề nghị của tổ chuyên môn; chỉ đạo tổ chuyên môn theo dõi, hỗ trợ quá trình nghiên cứu của học sinh theo kế hoạch nghiên cứu đã được phê duyệt.
Đây là những điểm mới của Thông tư 06/2024/TT-BGDĐT so với Thông tư số 38/2012/TT-BGDĐT. Như vậy, tổ chuyên môn (tổ trưởng) cũng phải có trách nhiệm trong việc giám sát giáo viên, nhân viên trong quá trình hướng dẫn học sinh thực hiện dự án.
Thứ tám, Thông tư 06/2024/TT-BGDĐT quy định bốc thăm phân công giám khảo chấm thi.
Điểm đánh giá dự án dự thi là trung bình cộng điểm của các giám khảo chấm thi được làm tròn đến 01 (một) chữ số thập phân.
Trường hợp điểm của thành viên giám khảo lệch 20% so với điểm trung bình cộng của các giám khảo chấm thi thì loại bỏ điểm đó và tính lại điểm trung bình của các giám khảo còn lại.
Trường hợp có trên 50% số giám khảo có điểm đánh giá lệch 20% so với điểm trung bình cộng điểm của các giám khảo chấm thi thì Trưởng Tiểu ban giám khảo tổ chức họp với các giám khảo cùng chấm dự án đó để thảo luận, thống nhất điểm đánh giá; kết quả đánh giá được ghi thành biên bản có chữ ký của Trưởng Tiểu ban giám khảo và các giám khảo chấm thi.
Đây là những điểm mới của Thông tư 06/2024/TT-BGDĐT so với Thông tư 38/2012/TT-BGDĐT. Có thể nhận thấy, việc chấm thi được quy định chặt chẽ, chi tiết, giúp việc đánh giá dự án được công khai, minh bạch, công bằng.
Thứ chín, các giải của Cuộc thi được xếp theo lĩnh vực hoặc nhóm lĩnh vực dựa trên điểm đánh giá các dự án dự thi, không phân biệt dự án cá nhân hay dự án tập thể, gồm có giải Nhất, giải Nhì, giải Ba và giải Tư.
Tổng số giải của Cuộc thi không vượt quá 60% tổng số dự án dự thi. Trong đó, số giải Nhất không vượt quá 10% tổng số giải; số giải Nhì, giải Ba, giải Tư, mỗi loại giải không vượt quá 30% tổng số giải.
Còn Thông tư 38/2012/TT-BGDĐT quy định giải lĩnh vực gồm có: giải Nhất, giải Nhì, giải Ba và giải Khuyến khích;
Giải toàn Cuộc thi gồm có: giải Nhất, giải Nhì, giải Ba và giải Khuyến khích; có thể lựa chọn trong số các dự án đoạt giải nhất toàn Cuộc thi để trao 01 giải Xuất sắc;
Bạn đọc có thể xem toàn văn Thông tư 06/2024/TT-BGDĐT ban hành Quy chế Cuộc thi nghiên cứu khoa học, kĩ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông TẠI ĐÂY.