Đóng tiền "giữ chỗ" vào lớp 10 trường tư, có cần quy định mức phí ghi danh?

17/03/2024 06:52
Lưu Diễm
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Trước mùa tuyển sinh vào lớp 10, nhiều phụ huynh ở Hà Nội tính đến nộp phí "giữ chỗ" ở trường tư thục để giành suất học cho con.

Đến thời điểm hiện tại, tuy rằng Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vẫn chưa chính thức công bố phương án tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông công lập, nhưng nhiều trường tư thục trên địa bàn đã đưa ra phí ghi danh, giữ chỗ cho học sinh trong mùa tuyển sinh vào lớp 10 năm 2024.

Để ghi danh vào trường tư, học sinh phải nộp phí “đặt cọc”, phí ghi danh, giữ chỗ với mức phí dao động từ 1,2 triệu đồng đến hơn 20 triệu đồng. Đây là quy định của nhiều trường tư thục để đảm bảo công tác tuyển sinh đúng kế hoạch, kịp thời chuẩn bị và hạn chế thí sinh ảo rút hồ sơ.

Ở các trường này, khi phụ huynh đăng ký, nếu học sinh không theo học ở trường, số tiền cọc sẽ không được hoàn trả. Thế nhưng, vì để lo một suất học cho con mình, nhiều phụ huynh vẫn chấp nhận sẵn sàng đóng khoản phí "ghi danh".

Có phụ huynh dự tính đóng phí ghi danh cho 3-5 trường tư

gdvn_anh13.jpg
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 được đánh giá là “cuộc đua” căng thẳng, áp lực. Ảnh minh hoạ: Ngọc Ánh.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, chị Hoài Phương (nhân vật đã được đổi tên) có con gái thứ ba đang học lớp 9 tại một trường trung học cơ sở trên địa bàn quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, chị vừa hoàn thành giấy xác nhận nhập học và nộp 2 triệu đồng phí giữ chỗ như một hình thức “đặt cọc” cho con vào Trường Trung học phổ thông Đoàn Thị Điểm.

“Đồng thời, gia đình cũng đang dự định bỏ ra 15 triệu đồng để dành cho con “tấm vé giữ chỗ” tại Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Lương Thế Vinh nếu con trúng tuyển.

Dù biết rằng sức học của con khá tốt, nhưng gia đình vẫn lo lắng vì sợ trượt suất vào trường công lập. Vì vậy, tôi nộp phí giữ chỗ như để mua sự yên tâm cho bố, sự an lòng cho mẹ và giảm bớt tâm lý căng thẳng cho con”, chị Phương chia sẻ.

Lý giải sự áp lực trên “đường đua” thi vào lớp 10, chị Phương cho biết, nguyên nhân đầu tiên là chỉ tiêu trường trung học phổ thông công lập trên địa bàn Thành phố Hà Nội nói chung và khu vực quận Hoàn Kiếm nói riêng không nhiều. Điều này dẫn đến tỷ lệ “chọi” giữa các thí sinh sẽ khó khăn hơn.

Tính riêng trên địa bàn dân cư của quận Hoàn Kiếm, khu vực chỉ có 2 cơ sở giáo dục trung học phổ thông công lập là Trường Trung học phổ thông Việt Đức và Trường Trung học phổ thông Trần Phú.

Bản thân chị Phương sinh ra và lớn lên tại quận Hoàn Kiếm, từng là học sinh Trường Trung học phổ thông Trần Phú, chị cho biết, sau 37 năm, dù dân số hiện nay đã tăng lên đáng kể, nhưng mật độ các trường công lập ở khu vực này vẫn không thay đổi.

Mặt khác, các cơ sở trung học phổ thông công lập ở địa bàn quận Hoàn Kiếm và nhiều trường trong khu vực lân cận như quận Ba Đình đều là những trường có điểm chuẩn cao thuộc top đầu thành phố. Do đó, khi đăng ký sắp xếp nguyện vọng, phụ huynh và học sinh còn phải tính toán dự phòng điểm chênh lệch giữa các phương án để "chống trượt".

Từ đó, chị quyết định nộp hồ sơ thêm ở các trường tư để con có thể giảm bớt gánh nặng thi cử nặng nề, mở ra nhiều cơ hội dự phòng hơn.

Mức phí nhập học tại một số trường ngoài công lập hiện nay như sau: Trường Trung học phổ thông Phan Bội Châu là 1,2 triệu đồng/học sinh; Trường Trung học phổ thông Lý Thái Tổ (Cầu Giấy) 10 triệu đồng; Trường Trung học phổ thông Newton 12 triệu đồng; Trường Phổ thông liên cấp Phenikaa 5 triệu đồng; Trường Trung học phổ thông Hà Nội Academy (Tây Hồ) 20 triệu đồng;…

Tương tự, chị Hà Thu (nhân vật đã được đổi tên) - phụ huynh có con học lớp 9 tại trường Trung học cơ sở Yên Hoà (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng thở phào nhẹ nhõm, yên tâm hơn sau khi hoàn thành việc đặt cọc suất học ở một trường trung học phổ thông tư thục.

“Mỗi trường có ưu điểm nhất định, gia đình tôi sẽ cân nhắc và quyết định xem con sẽ học trường nào.

Nhưng vì mức độ cạnh tranh vào các trường công lập khá cao, chỉ lo rằng hôm thi, lỡ con làm bài không đạt phong độ dẫn đến điểm số không như mong muốn, nên cần có phương án dự phòng.

Chúng tôi xác định tốn kém 5-10 triệu đồng nộp phí "giữ chỗ" ở 1 đến 2 trường tư để an tâm hơn”, chị Thu tâm sự.

Với gia đình chị Thu, nộp phí giữ chỗ lớp 10 như một giải pháp đảm bảo sự yên tâm cho cả bố mẹ và con em mình. Tất nhiên, lựa chọn đăng ký hồ sơ ở ngôi trường nào còn phải phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình, học lực của học sinh, khoảng cách di chuyển không quá xa nhà để tránh vất vả cho con, cùng nhiều tiêu chí khác.

Cũng theo chia sẻ của chị Thu, một số học sinh cùng lớp với con chị còn dự kiến có thể nộp hồ sơ xét tuyển và đóng phí "giữ chỗ" ở 3-5 trường tư.

Vì thực tế trước đây, có trường hợp gia đình không đặt cọc ghi danh vào trường tư, và khi con trượt tất cả các nguyện vọng mới tá hỏa đi xin đóng tiền thì nhận được câu trả lời là trường đã đóng cửa tuyển sinh do đủ chỉ tiêu.

Có cần quy định giới hạn phí ghi danh vào trường tư?

Với những gia đình có điều kiện hoặc đã xác định nguyện vọng duy nhất là vào trường tư, việc nộp phí ghi danh không phải là vấn đề lớn. Nhưng với những gia đình coi việc học ở trường tư thục chỉ là phương án dự phòng, thì phí giữ chỗ của một số trường là số tiền "không mấy dễ chịu".

gdvn_ngocanh4.jpg
Phụ huynh và học sinh chấp nhận mất cọc nếu nộp phí ghi danh ở nhiều nơi để đổi lấy sự yên tâm.

Theo ý kiến của chị Hà Thu, điểm thuận lợi của việc nộp phí giữ chỗ đối với nhà trường là giúp cơ sở đào tạo ổn định sớm được số lượng thí sinh thông qua đặt cọc, còn đối với phụ huynh và học sinh thì yên tâm có chỗ để học.

Bên cạnh những mặt lợi ích, việc này cũng tồn tại một số điểm bất cập. Vị phụ huynh cho rằng, quy định đặt cọc có thể giảm bớt tình trạng thu nộp hồ sơ ảo; tuy nhiên, vấn đề này ở các trường là không thể tránh khỏi. Bởi vì trên thực tế, có rất nhiều gia đình giữ chỗ tuyển sinh vào lớp 10 cho con ở nhiều nơi, và họ sẵn sàng mất tiền cọc nếu con đỗ vào trường công lập.

Trong khi nhiều cơ sở giáo dục cân đối khoản thu phí ghi danh hợp lý, thì mức đặt cọc ở một số trường trung học phổ thông đưa ra ở mức cao.

Chị Đ.K.A - phụ huynh của em học sinh lớp 9 đang có dự định cho con tiếp tục theo học lớp 10 tại Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Siêu (Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng: Đối với các bậc phụ huynh, nên tin tưởng vào sức học của con mình, khuyến khích các sĩ tử bình tĩnh, tự tin ôn luyện để thi đạt kết quả tốt nhất.

Bên cạnh đó, cha mẹ cần hiểu năng lực của con mình qua các kỳ thi thử để đặt ra nguyện vọng phù hợp, an toàn.

Ngoài ra, gia đình nên tập trung xem xét vào các tiêu chí của con em mình qua sức học tập, mục tiêu tương lai, điều kiện gia đình,... để chọn phương án thoải mái và an toàn nhất.

Đối với công tác quản lý giáo dục, chúng ta cần thiết đưa ra những quy định cụ thể, rõ ràng về mức phí giữ chỗ, khung giới hạn đặt cọc cho các trường ngoài công lập. Điều này có thể giúp cho phụ huynh học sinh trong những năm tới đây có sự yên tâm hơn, ổn định hơn trên cuộc đua tuyển sinh vào lớp 10 vốn đã rất khốc liệt này.

Trao đổi vấn đề này với phóng viên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện là Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho biết, qua câu chuyện này có thể thấy công tác tuyển sinh vào lớp 10 ở một thành phố lớn như Hà Nội còn tồn tại nhiều vấn đề, cần nhìn nhận việc này ở góc độ quản lý của nhà nước về giáo dục.

Cần có quy định cụ thể về mức phí tối đa đối với phí ghi danh, giữ chỗ cho học sinh vào lớp 10 các trường tư thục.

“Việc học sinh đóng phí ghi danh vào trường nhưng nếu sau này không theo học ở trường thì không được hoàn trả lại số tiền đã nộp là rất vô lý.

Vì thế, nhà nước phải có sự quản lý chặt chẽ hơn vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hà Nội cần quản lý, giám sát được hoạt động tuyển sinh để đảm bảo sự công bằng và tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, phụ huynh”, thầy Trần Xuân Nhĩ nêu quan điểm.

Nói về "cuộc đua" căng thẳng mỗi mùa tuyển sinh vào lớp 10 công lập tại Hà Nội trong những năm gần đây, Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ cho rằng, cần làm phải tốt công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, nhằm tăng cơ hội cho người học tìm kiếm các cơ hội học tập phù hợp với năng lực của bản thân, điều kiện kinh tế gia đình cũng như cơ cấu lao động của địa phương.

Về tầm nhìn dài hạn, cần phải có giải pháp để bố trí quỹ đất cho giáo dục, đầu tư xây dựng mới trường lớp và giải quyết bài toán về đội ngũ để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.

Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, số học sinh được tuyển vào lớp 10 các trường trung học phổ thông công lập trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm học 2023-2024 là 78.623, chiếm tỉ lệ 60,9%, tăng khoảng 1.000 học sinh so với năm học 2022 - 2023. [1]

Trong mùa tuyển sinh 2023, Trường Trung học phổ thông Chu Văn An dẫn đầu điểm chuẩn vào lớp 10 Hà Nội với 44,5 điểm. Trường Trung học phổ thông Kim Liên đứng ở vị trí thứ hai về điểm chuẩn với 43,25 điểm; kế tiếp là Trường Trung học phổ thông Việt Đức với 43 điểm,... [2]

Tài liệu tham khảo:

[1] https://tuoitre.vn/ti-le-tuyen-sinh-lop-10-ha-noi-thap-ky-luc-so-gd-dt-noi-gi

[2] https://laodong.vn/tuyen-sinh/top-truong-co-diem-chuan-lop-10-cao-nhat-va-thap-nhat-tai-ha-noi-nam-2023

Lưu Diễm