Tự chủ tài chính hiệu quả nhìn từ kinh nghiệm của Trường ĐH Công thương TP.HCM

25/06/2024 06:37
Nhật Lệ
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn, cần có chương trình đào tạo nhân sự quản lý ở các trường đại học để họ có đủ năng lực điều hành, quản lý tài chính và nhân sự.

Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh tiền thân là Trường Cán bộ Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 23/2/2010, trường chính thức trở thành Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh theo Quyết định số 284/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ. Ngày 1/7/2023, Thủ tướng đã ký quyết định số 789/QĐ-TTG, đổi tên trường thành Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh.

Sứ mạng của trường là đào tạo nguồn nhân lực có đạo đức, kiến thức và kỹ năng đáp ứng nhu cầu của xã hội; nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ đa ngành, đa lĩnh vực; thực hiện trách nhiệm xã hội, phục vụ cộng đồng và hội nhập quốc tế. Tầm nhìn của trường trở thành đại học nghiên cứu ứng dụng và đổi mới sáng tạo có vị thế trên thế giới, tiên phong trong lĩnh vực công thương.

Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những cơ sở giáo dục đại học công lập đầu tiên của Việt Nam thực hiện tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư. Nhà trường đã từng bước khẳng định được vị thế của mình với nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo có hiệu quả, đem lại nguồn thu cao.

Ảnh 1_Công thương HCM.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn - Hiệu trưởng Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NTCC)

Bài học kinh nghiệm từ việc thực hiện tự chủ đại học

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn - Hiệu trưởng Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định: “Tôi đánh giá cao sự quan tâm đến các thách thức tài chính mà các cơ sở giáo dục công lập hiện đang phải đối mặt trong quá trình thực hiện tự chủ. Để khắc phục những thách thức này, cần phải có một chiến lược toàn diện với các giải pháp cụ thể”.

Theo thầy Hoàn, về vấn đề thiếu kinh phí, các trường có thể tích cực tìm kiếm nguồn thu từ các hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, dịch vụ tư vấn, dịch vụ chuyên gia…. Việc tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp và tận dụng các dự án tài trợ có thể mở rộng nguồn thu. Đồng thời, cũng cần chủ động trong việc cải thiện hiệu quả quản lý tài chính để giảm thiểu lãng phí và tối đa hóa các nguồn lực có sẵn.

Về vấn đề mức học phí thấp, điều này có thể được xem xét điều chỉnh dựa trên định mức kinh tế kỹ thuật, chi phí đào tạo thực tế và khả năng chi trả của sinh viên. Tuy nhiên, việc này cần được tiến hành một cách thận trọng và có lộ trình để đảm bảo rằng việc tăng học phí không gây gánh nặng quá lớn cho sinh viên và gia đình sinh viên.

Để tăng nguồn thu từ hoạt động dịch vụ, khoa học và công nghệ, các trường có thể mở rộng cung cấp những khóa học chuyên nghiệp, tư vấn, và các dịch vụ nghiên cứu theo yêu cầu của các tổ chức ngoài giáo dục. Việc này không chỉ mang lại nguồn thu mới mà còn góp phần nâng cao uy tín và vị thế của trường trong hoạt động khoa học và công nghệ.

Việc tăng cường công tác truyền thông và xây dựng mối quan hệ với cựu sinh viên cũng là một phương thức quan trọng để thu hút sự hỗ trợ từ các nhà tài trợ và đóng góp cho hoạt động giáo dục của trường.

“Mỗi cơ sở giáo dục cần có chiến lược riêng phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của mình để đối phó với những thách thức này. Việc áp dụng một cách linh hoạt và sáng tạo các biện pháp nêu trên có thể giúp các trường dần vượt qua khó khăn và hướng tới một tương lai bền vững hơn”, thầy Hoàn chia sẻ.

Ảnh 2_Công thương HCM.jpg
Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những cơ sở giáo dục đại học đã tự chủ hoàn toàn. (Ảnh: NTCC)

Hiệu trưởng Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh thông tin, trong quá trình triển khai Nghị định 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục đại học, có một số khó khăn và vướng mắc cụ thể mà nhà trường đã và đang gặp phải.

Thứ nhất, dù Nghị định đã trao quyền tự chủ tài chính, nhưng trong thực tế, nhiều trường đại học vẫn phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước do khó khăn trong việc thu hút nguồn tài trợ từ bên ngoài và từ các dịch vụ, khoa học và công nghệ.

Thứ hai, tự chủ về nhân sự cho phép các trường tự quyết định về số lượng và chất lượng cán bộ, giảng viên. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra thách thức trong việc đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng giảng viên, cân đối giữa chuyên môn và kinh nghiệm.

Thứ ba, việc trao quyền tự chủ đòi hỏi các trường phải xác định rõ ràng mục tiêu phát triển, lộ trình chiến lược và các kế hoạch tài chính dài hạn. Điều này có thể gây áp lực lên những nhà quản lý trường học trong việc đáp ứng cả kỳ vọng của Chính phủ và nhu cầu của sinh viên.

Để khắc phục những vướng mắc này và phù hợp hơn với tình hình thực tế của các cơ sở giáo dục đại học, Hiệu trưởng Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị:

Nhà nước có thể xem xét việc hỗ trợ ban đầu cho các trường trong quá trình chuyển đổi sang tự chủ để giảm bớt gánh nặng tài chính và tạo điều kiện thuận lợi, cơ chế thông thoáng cho việc thu hút nguồn tài trợ từ bên ngoài.

Cần có các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhân sự quản lý tại các trường đại học để họ có đủ năng lực điều hành, quản lý tài chính và nhân sự một cách hiệu quả. Việc tự chủ không chỉ là tự chủ về mặt tài chính và nhân sự mà còn cần được đồng bộ với các tiêu chuẩn chất lượng giáo dục quốc gia và quốc tế.

Việc thiết lập một hệ thống giám sát hiệu quả sẽ giúp các trường đánh giá được mức độ thành công của quá trình tự chủ, từ đó điều chỉnh các chiến lược cho phù hợp.

Thầy Hoàn cho rằng, những sửa đổi và bổ sung này sẽ giúp các cơ sở giáo dục đại học không chỉ đáp ứng được yêu cầu của Nghị định 60/2021/NĐ-CP mà còn phát triển một cách bền vững và hiệu quả hơn.

Ảnh 4_Công thương HCM.jpg
Sinh viên Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh thực hành. (Ảnh: NTCC)

Bức tranh nguồn thu trong cơ sở giáo dục đại học hiện nay

Ở nhiều nước trên thế giới, tự chủ đại học được coi là xu thế phát triển tất yếu, là điều kiện cần và đủ để các cơ sở giáo dục đại học tồn tại và phát triển trong xu thế cạnh tranh và hội nhập. Được kỳ vọng sẽ tạo nên cuộc cách mạng toàn diện cho giáo dục đại học, đến nay, tự chủ đại học đã đạt một số kết quả đáng khả quan, tạo bước chuyển biến tích cực cả về nhận thức lẫn công tác tổ chức thực hiện. Nhưng bên cạnh đó cũng là những thách thức mà các cơ sở giáo dục đại học phải đối mặt khi không còn được hỗ trợ bởi ngân sách. Lúc này, các cơ sở giáo dục chỉ còn “trông chờ” vào nguồn thu từ học phí.

Tại nhiều đơn vị, nguồn thu từ học phí chiếm tới 70-80%, thậm chí 90% trong cơ cấu nguồn thu. Trong khi đó nguồn thu từ hoạt động hợp tác với doanh nghiệp, các nguồn tài trợ từ bên ngoài, các tổ chức, cá nhân, hoạt động hiến tặng… vẫn còn rất thấp.

Theo Hiệu trưởng Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh, để phân tích nguyên nhân khiến các trường đại học gặp khó khăn trong việc tăng nguồn thu từ các hoạt động ngoài học phí, có thể xét đến một số yếu tố như:

Một là, đa số nguồn kinh phí cho nghiên cứu khoa học ở các trường đại học vẫn chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước, với số lượng hạn chế, không đủ mạnh để đầu tư cho các dự án lớn và dài hạn. Nhiều trường có đủ nguồn lực nghiên cứu nhưng lại thiếu khả năng chuyển giao và thương mại hóa kết quả nghiên cứu, do thiếu liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp và thị trường.

Hai là, trong môi trường giáo dục, nhiều giảng viên và nhà quản lý thiếu kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết để điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Cơ chế, chính sách hiện hành có thể chưa tạo điều kiện thuận lợi cho các trường đại học thực hiện các hoạt động liên doanh, liên kết, hoặc cho thuê tài sản công, khiến các cơ hội tiềm năng không được khai thác hiệu quả.

Ba là, việc thiết lập một mạng lưới mối quan hệ rộng lớn để thu hút nguồn tài trợ, hiến tặng yêu cầu nhà trường cần có chiến lược xây dựng thương hiệu và uy tín lâu dài, điều mà nhiều cơ sở giáo dục chưa thể làm tốt. Đồng thời, một bộ phận trong xã hội có thể vẫn chưa sẵn lòng chấp nhận việc các trường đại học tham gia vào các hoạt động thương mại, do quan niệm về vai trò truyền thống của giáo dục đại học.

Theo thầy Hoàn, để khắc phục những khó khăn này, các trường đại học cần có chiến lược phát triển tổng thể, bao gồm việc tăng cường hợp tác với doanh nghiệp, cải thiện cơ sở vật chất, nâng cao năng lực nghiên cứu và kỹ năng kinh doanh cũng như làm việc chặt chẽ với chính quyền để cải thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động tài chính đa dạng của các cơ sở giáo dục đại học.

Ảnh 6_Công thương HCM.jpg
Lễ ký kết hợp tác giữa Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh với một số tổ chức, doanh nghiệp. (Ảnh: NTCC)

Cũng theo Hiệu trưởng Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh, về tỷ lệ phần trăm nguồn thu từ tài trợ, hiến tặng trong tổng nguồn thu của trường, mức độ này có thể khác nhau tùy thuộc vào từng cơ sở giáo dục và chiến lược huy động vốn của họ. Một số trường có thể nhận được nhiều tài trợ, hiến tặng hơn nhờ uy tín và mạng lưới cựu sinh viên rộng lớn, trong khi những trường khác có thể có tỷ lệ nhận tài trợ thấp hơn do các yếu tố như vị thế trên thị trường giáo dục, chất lượng nghiên cứu hoặc hiệu quả của hoạt động quan hệ công chúng. Thông thường, nguồn thu này không chiếm tỷ trọng lớn so với các nguồn thu khác như học phí, nhưng lại có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ nếu được quản lý và khai thác hiệu quả.

Từ thực tế tại trường, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn cho hay để gia tăng nguồn thu từ hoạt động tài trợ và hiến tặng, các cơ sở giáo dục đại học cần chú ý đến một số yếu tố như: Cựu sinh viên thường có lòng trung thành cao và sẵn lòng hỗ trợ trường học cũ của mình. Việc tổ chức sự kiện, mạng lưới và các chương trình cựu sinh viên sẽ giúp tăng cường mối liên kết và khả năng tài trợ; Hợp tác với các doanh nghiệp thông qua các dự án nghiên cứu, thực tập cho sinh viên, hay các chương trình đào tạo cụ thể, sẽ mở rộng cơ hội nhận được tài trợ từ các nguồn này.

Đồng thời cần có một chiến lược quan hệ công chúng và truyền thông mạnh mẽ sẽ giúp nâng cao hình ảnh của trường, thu hút sự quan tâm và hỗ trợ từ cộng đồng và các nhà tài trợ tiềm năng; Tính minh bạch trong việc sử dụng nguồn tài trợ và hiến tặng sẽ tạo niềm tin và khuyến khích các đối tác tiếp tục hỗ trợ tài chính cho trường; Xây dựng văn hóa hiến tặng trong cộng đồng có thể thông qua việc giáo dục sinh viên và cộng đồng về tầm quan trọng của việc hỗ trợ giáo dục và nghiên cứu.

Ảnh 5_Công thương HCM.jpg
Dự án “Nui gạo ăn liền Prebiotic” của sinh viên nhà trường giành giải Nhì chung cuộc lĩnh vực kinh doanh tạo tác động xã hội tại Ngày Hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh sinh viên năm 2024. (Ảnh: NTCC)

Chiến lược đa dạng hóa nguồn thu

Để tiếp tục đa dạng hóa các nguồn thu, đảm bảo thực hiện tốt tự chủ tài chính trong thời gian sắp tới, Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh định hướng: Mở rộng quan hệ đối tác với các doanh nghiệp để phát triển các chương trình đào tạo liên kết, dự án nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ, qua đó tạo ra nguồn thu từ việc chuyển giao tri thức và công nghệ; Ngoài các khóa đào tạo đại học và sau đại học, việc cung cấp các khóa học ngắn hạn, chứng chỉ chuyên nghiệp có thể phù hợp với nhu cầu cập nhật kiến thức của người đi làm, từ đó mở ra nguồn thu mới.

Đầu tư vào cơ sở vật chất và nguồn nhân lực để tạo điều kiện cho việc tiến hành nghiên cứu khoa học. Tăng cường liên kết với các tổ chức nghiên cứu quốc tế để mở rộng cơ hội tài trợ nghiên cứu; Tạo dựng một chương trình quan hệ cựu sinh viên mạnh mẽ và phát triển văn hóa hiến tặng, đồng thời tổ chức các chiến dịch gây quỹ định kỳ để thu hút nguồn tài trợ từ các cá nhân và tổ chức.

Đảm bảo chất lượng giáo dục và nghiên cứu ở mức xuất sắc để thu hút sinh viên và nhà tài trợ. Việc này sẽ không chỉ tăng kinh phí mà còn mở ra cơ hội thu từ các dự án nghiên cứu có tài trợ; Thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp trong cộng đồng sinh viên và giảng viên và phát triển các sáng kiến ươm tạo công nghệ để tạo ra các sản phẩm có giá trị thương mại.

Xác định và khai thác hiệu quả các tài sản không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả, qua việc cho thuê hoặc sử dụng cho các hoạt động có thu nhập; Nhà trường cần một kế hoạch chiến lược rõ ràng và bền vững, không chỉ dựa trên việc đa dạng hóa nguồn thu mà còn phải cải thiện quản lý tài chính và đầu tư cho chất lượng đào tạo và nghiên cứu, nhằm tạo ra một môi trường giáo dục đại học hấp dẫn và cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Ảnh 7_Công thương HCM.jpg
Cánh tay robot được giới thiệu tại cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học, Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NTCC)

Bên cạnh đó, thầy Hoàn cũng kiến nghị Chính phủ nên xem xét việc tăng cường ngân sách dành cho nghiên cứu khoa học, với quy trình đánh giá và phân bổ kinh phí minh bạch, hiệu quả. Từ đó thúc đẩy hoạt động nghiên cứu ứng dụng và cơ bản trong các trường đại học.

Đề xuất những cơ chế thuế ưu đãi cho các dự án hợp tác quốc tế, cũng như đơn giản hóa các thủ tục pháp lý liên quan đến hợp tác giáo dục và nghiên cứu quốc tế để thu hút nguồn lực từ bên ngoài.

Kiến nghị về các chính sách thuế giảm giá hoặc miễn thuế cho các doanh nghiệp khi tài trợ cho giáo dục và nghiên cứu, cũng như cho những hoạt động liên doanh của các cơ sở giáo dục với doanh nghiệp.

Tạo cơ chế để các doanh nghiệp có thể đầu tư trực tiếp vào các trường đại học thông qua việc mua cổ phần, tài trợ cơ sở vật chất hoặc hỗ trợ các chương trình đào tạo có liên quan đến nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp.

Nới lỏng các quy định về sử dụng và quản lý tài sản công để các trường có thể dễ dàng hơn trong việc liên kết, hợp tác, kinh doanh sử dụng tài sản công một các hiệu quả nhất.

Phát triển quỹ đầu tư giáo dục hoặc quỹ đổi mới sáng tạo, từ đó cung cấp nguồn vốn cho các dự án giáo dục và nghiên cứu có tiềm năng.

Tạo điều kiện để các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân có thể thành lập quỹ học bổng dành cho sinh viên, giảm bớt gánh nặng học phí và thu hút tài năng.

“Nhà trường tin rằng với sự hỗ trợ của chính sách từ phía Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục đại học sẽ có thể phát triển bền vững, đồng thời giảm bớt áp lực tài chính lên người học, đảm bảo quyền tiếp cận giáo dục chất lượng cao cho mọi tầng lớp xã hội”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn nhấn mạnh.

Nhật Lệ