ĐBQH, chuyên gia: Trách nhiệm giải trình với xã hội của HV Tài chính ở đâu?

20/10/2024 06:18
Quỳnh Giao
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Theo các đại biểu quốc hội nếu cơ sở giáo dục thực hiện đúng theo quy định, không có sai phạm thì không có lý do gì lại không thực hiện báo cáo 3 công khai.

Thời gian qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có nhiều bài viết phản ánh về việc thực hiện báo cáo 3 công khai của các trường đại học, học viện, theo quy định của Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT về quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Thông tư yêu cầu việc thực hiện công khai của các cơ sở giáo dục phải đảm bảo đầy đủ các nội dung, hình thức và thời điểm công khai vào tháng 6 hàng năm.

Thông tin qua các bài viết cho thấy, bên cạnh nhiều trường nghiêm túc thực hiện đúng cả về nội dung, hình thức và thời gian thì vẫn còn một số cơ sở giáo dục gặp trình trạng nhầm lẫn số liệu, kê khai không nhất quán, có những sai sót trong thông tin, yêu cầu quyền truy cập...

Thậm chí, có cơ sở giáo dục phóng viên không tìm thấy báo cáo 3 công khai trên website nhà trường. Đơn cử như trường hợp của Học viện Tài chính, phóng viên không tìm thấy báo cáo 3 công khai năm học 2023-2024 của nhà trường

Để có thông tin khách quan về vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ và gửi câu hỏi tới Học viện Tài chính, tuy nhiên sau đó nhà trường có văn bản gửi Tạp chí với nội dung từ chối cung cấp thông tin cho báo chí. Điều này khiến Tạp chí băn khoăn về tính công khai, minh bạch của đơn vị này trong việc thực hiện trách nhiệm giải trình đối với xã hội.

HVTC-3CK.png
Báo cáo 3 công khai mới nhất trên website của Học viện Tài chính mà phóng viên tìm thấy được là báo cáo của năm học 2021-2022. (Ảnh chụp màn hình ngày 15/10/2024)

Không tìm thấy báo cáo 3 công khai, nhà trường có thiếu minh bạch?

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Ngô Văn Sửu - nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương khẳng định: Việc các cơ sở giáo dục đại học thực hiện báo cáo 3 công khai theo Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT là rất cần thiết. Vì nội dung báo cáo 3 công khai bao gồm nhiều thông tin thể hiện chất lượng đào tạo của nhà trường, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, thu chi tài chính… Những nội dung này cần được công khai để sinh viên, phụ huynh, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và xã hội tham gia giám sát và đánh giá nhằm nâng cao tính minh bạch, phát huy dân chủ, tăng cường tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục và đào tạo trong quản lý nguồn lực và đảm bảo chất lượng giáo dục và đào tạo.

“Nếu cơ sở giáo dục làm đúng thì có gì không phải công khai minh bạch để phóng viên, người học, xã hội giám sát. Còn nếu các cơ sở giáo dục công khai ở vị trí mà mọi người không dễ dàng truy cập hoặc công khai không đầy đủ chính là biểu hiện của sự thiếu minh bạch.

Việc thực hiện báo cáo 3 công khai chính là giải pháp nhằm chống những vấn đề tiêu cực trong lĩnh vực giáo dục. Bởi hiện nay, trong nhà trường có rất nhiều hoạt động mà xã hội cần tham gia giám sát từ vấn đề thu chi tài chính hay việc thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, quy mô đào tạo có đúng theo chỉ tiêu được phê duyệt không, đội ngũ giảng viên thế nào, ... ”, ông Ngô Văn Sửu nhấn mạnh.

Cũng theo nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nếu cơ sở giáo dục không công khai những thông tin này thì xã hội sẽ không thể giám sát được.

gdvn-ngo-van-suujpgmin-55971-3040.jpg
Ông Ngô Văn Sửu - nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ảnh: Nhật Minh

Đồng tình với quan điểm này, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội, đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII cho rằng: "Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định các cơ sở giáo dục phải thực hiện báo cáo 3 công khai là rất đúng đắn. Bởi vì khi các trường công khai về nhân lực, tài chính, cơ sở vật chất… thì phụ huynh và người học, xã hội cũng như đội ngũ nhân lực trong trường mới biết để theo dõi, giám sát.

Bất cứ đơn vị sự nghiệp công lập nào cũng cần thực hiện công khai, minh bạch thông tin. Và đặc thù của giáo dục thì càng phải công khai, minh bạch.

Cùng bàn về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng: Việc các cơ sở giáo dục phải thực hiện báo cáo 3 công khai đã được quy định rõ ràng tại Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT. Nếu trường nào không thực hiện đúng theo quy định thì Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo phải vào cuộc để tìm hiểu nguyên nhân.

Việc thực hiện báo cáo 3 công khai là để khẳng định sự minh bạch của một cơ sở giáo dục. Trường hợp trường nào không công khai chính là biểu hiện của sự mờ ám thì, khi ấy cần được xử lý nghiêm minh.

Cũng theo ông Phạm Văn Hòa, với trường hợp của Học viện Tài chính, khi phóng viên truy cập vào website không tìm thấy báo cáo ba không khai, đến khi phóng viên hỏi nhà trường lại từ chối trả lời là biểu hiện của sự không minh bạch. Chỉ có không minh bạch mới quanh co, ngại tiếp xúc với cơ quan báo chí.

dbqh-pham-văn-hoa.jpg
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn.

Cần có sự quản lý chặt chẽ từ các cơ quan quản lý Nhà nước

Để cơ sở giáo dục thực hiện báo cáo 3 công khai một cách nghiêm minh, ông Ngô Văn Sửu đề xuất, cơ quan quản lý nhà nước cần có sự kiểm soát chặt chẽ hơn về quá trình thực hiện báo cáo 3 công khai của các cơ sở giáo dục hiện nay.

Theo ông Sửu, việc phóng viên không tìm thấy báo cáo 3 công khai của Học viện Tài chính thì cơ quan quản lý Nhà nước cần thanh tra, kiểm tra. Không chỉ riêng đơn vị này mà tất cả các cơ sở giáo dục khác cũng cần được quản lý chặt chẽ hơn, nghiêm minh hơn.

Đặc biệt, ngay cả một cơ quan báo chí có tôn chỉ, mục đích là "tham gia tư vấn phản biện chính sách về giáo dục đào tạo, trọng tâm về đại học, cao đẳng góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo Việt Nam” muốn tìm hiểu thông tin mà nhà trường cũng từ chối phản hồi thì với người học hay những người khác, đơn vị khác muốn tiếp cận thông tin này sẽ rất khó khăn.

“Phải chăng có gì bất cập nên mới giấu giếm bằng cách từ chối trả cơ quan báo chí. Với những trường hợp đã được phản ánh nhiều lần mà vẫn không thực hiện nghiêm túc cần có chế tài xử lý nghiêm khắc để làm gương cho các đơn vị khác”, ông Sửu nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Lê Như Tiến cho rằng: "Để cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm quy định về công khai, tôi cho rằng cơ quan quản lý nhà nước phải tiến hành thanh tra, kiểm tra và phải “thổi còi” đối với những trường thực hiện báo cáo 3 công khai nhưng người học, xã hội không tìm kiếm được. Phải chăng, rường đó có ý định giấu giếm hoặc là có dấu hiệu sai phạm?".

gdvn-le-nhu-tien-6642-3166.jpg
Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội. Ảnh: Thành An

Với trường hợp của Học viện Tài chính, đơn vị này chịu sự quản lý của 2 cơ quan là Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như Bộ Tài chính. Do đó, ông Tiến cho rằng cả hai cơ quan quản lý này đều phải có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra các hoạt động của Học viện Tài chính. Bên cạnh đó, Học viện Tài chính cũng phải nhận thức được rằng cơ sở có trách nhiệm cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí vì đó chính là thực hiện chức năng giải trình với xã hội của nhà trường.

“Luật Báo chí đã quy định rõ việc cung cấp thông tin cho báo chí và các trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có quyền từ chối cung cấp thông tin cho báo chí.

Đối với việc thực hiện báo cáo 3 công khai mà nhà trường từ chối cung cấp thông tin là không đúng với quy định vì nội dung này không thuộc danh mục các trường hợp danh mục bí mật nhà nước,....", ông Tiến bày tỏ.

Điều 38, Luật Báo chí (Luật số 103/2016/QH13) quy định việc cung cấp thông tin cho báo chí như sau:

1. Trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp. Việc cung cấp thông tin cho báo chí có thể bằng văn bản, trên trang thông tin điện tử tổng hợp, họp báo, trả lời phỏng vấn và các hình thức khác. Cơ quan báo chí phải sử dụng chuẩn xác nội dung thông tin được cung cấp và phải nêu rõ xuất xứ nguồn tin.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có quyền từ chối cung cấp thông tin cho báo chí trong các trường hợp sau đây:

a) Thông tin thuộc danh Mục bí mật nhà nước, bí mật thuộc nguyên tắc và quy định của Đảng, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật;

b) Thông tin về vụ án đang được Điều tra hoặc chưa xét xử, trừ trường hợp cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan Điều tra cần thông tin trên báo chí những vấn đề có lợi cho hoạt động Điều tra và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm;

c) Thông tin về vụ việc đang trong quá trình thanh tra chưa có kết luận thanh tra; vụ việc đang trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo; những vấn đề tranh chấp, mâu thuẫn giữa các cơ quan nhà nước đang trong quá trình giải quyết, chưa có kết luận chính thức của người có thẩm quyền mà theo quy định của pháp luật chưa được phép công bố;

d) Những văn bản chính sách, đề án đang trong quá trình soạn thảo mà theo quy định của pháp luật chưa được cấp có thẩm quyền cho phép công bố.

Quỳnh Giao