Từ chối trả lời làm rõ thông tin 3 công khai, Học viện Tài chính có khuất tất?

19/10/2024 06:37
Tuệ An
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Theo các chuyên gia, việc cơ sở giáo dục chưa cập nhật 3 công khai trách nhiệm trước hết thuộc về người đứng đầu đơn vị. 

Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 28/12/2017 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 13/2/2018 yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học phải công bố báo cáo ba công khai hàng năm trên website của nhà trường.

Trong Thông tư nêu rõ mục tiêu thực hiện công khai là để người học, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và xã hội tham gia giám sát và đánh giá các cơ sở giáo dục và đào tạo theo quy định của pháp luật. Đồng thời, nâng cao tính minh bạch, phát huy dân chủ, tăng cường tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục và đào tạo trong quản lý nguồn lực và đảm bảo chất lượng giáo dục và đào tạo.

Về nguyên tắc thực hiện công khai của các cơ sở giáo dục phải đảm bảo đầy đủ các nội dung, hình thức và thời điểm công khai vào tháng 6 hàng năm. Thông tin được công khai trên trang thông tin điện tử theo quy định phải chính xác, đầy đủ, kịp thời và dễ dàng tiếp cận.

Tuy nhiên, thời gian qua, từ tháng 7 đến 15/10/2024, khi phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam truy cập vào website của Học viện Tài chính đều không tìm thấy báo cáo 3 công khai năm học 2023-2024 của nhà trường.

Để có thông tin khách quan về vấn đề này, Tạp chí đã gửi câu hỏi và nhiều lần liên hệ với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đào Tùng - Giám đốc Học viện Tài chính. Tuy nhiên sau gần 1 tháng hứa hẹn phản hồi thông tin, ngày 7/10/2024, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được công văn số 1459/HVTC-VP ngày 3/10/2024 của Học viện Tài chính về việc từ chối tiếp xúc và cung cấp thông tin báo chí với phóng viên. Lý do Học viện đưa ra là, việc phóng viên tìm hiểu Học viện thực hiện báo cáo 3 công khai theo Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT là không đúng tôn chỉ, mục đích của Tạp chí.

HVTC-3CK.png
Báo cáo 3 công khai mà phóng viên tìm được của năm học gần nhất đăng tải trên website Học viện Tài chính là năm học 2021-2022 (Ảnh chụp màn hình)

Không tìm thấy báo cáo 3 công khai năm học 2022-2023 và 2023-2024 của Học viện Tài chính

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Bá Thuyền – Đại biểu Quốc hội khóa XIII khẳng định: Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định các cơ sở giáo dục cần thực hiện báo cáo 3 công khai theo Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT là hoàn toàn đúng đắn. Vì khi các trường không công khai các hoạt động của mình thì người học, cơ quan quản lý và xã hội sẽ không thể giám sát được. Do đó, việc công khai các thông tin trên website nhà trường là yêu cầu bắt buộc. Khi phóng viên không tìm được báo cáo 3 công khai của cơ sở giáo dục thì chắc hẳn người học, xã hội cũng khó mà tìm thấy. Phải chăng có vấn đề khuất tất bên trong thì mới không công khai minh bạch, thuận tiện cho xã hội tìm kiếm?

Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần thanh tra, kiểm tra sát sao hơn, trường nào không/liên tiếp chưa thực hiện đúng theo quy định trong minh bạch thông tin thì cần xử lý kiên quyết, nghiêm minh. Đáng nói, nếu xử phạt hành chính là không đủ sức răn đe do đó cần có hình thức xử lý mạnh tay hơn. Có như vậy thì các cơ sở giáo dục mới nghiêm túc chấp hành.

“Điều quan trọng nhất là mọi hành vi vi phạm phải được phát hiện và xử lý kịp thời, trước hết trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị.

Từ trước đến nay chúng ta đều nhắc đến trách nhiệm của người đứng đầu nhưng đâu đó còn xử lý chưa kiên quyết.

"Cơ sở giáo dục cần công khai thông tin là để thực hiện trách nhiệm giải trình với xã hội và cần có trách nhiệm cung cấp thông tin khi cơ quan báo chí hỏi bởi một trong những chức năng của báo chí là tham gia giám sát xã hội”, ông Nguyễn Bá Thuyền nhấn mạnh.

nguyenbathuyenluatdansugiaoducnetvn.jpg
Ông Nguyễn Bá Thuyền – Đại biểu Quốc hội khóa XIII. Ảnh: Quochoi.vn

Trong khi đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng: “Việc thực hiện báo cáo 3 công khai đã được quy định rõ ràng tại Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT nên các trường cần thực hiện theo đúng quy định. Việc công khai minh bạch là nguyên tắc ở mọi đơn vị, nhất là cần minh bạch yếu tố liên quan đến tài chính. Nếu trường nào không thực hiện hoặc thực hiện nhưng xã hội không tìm được thì tôi đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có hình thức xử lý mạnh tay.

Bên cạnh đó, về trách nhiệm, tất cả hiệu trưởng của các trường đại học, giám đốc đại học, học viện phải chịu trách nhiệm về việc công khai, minh bạch thông tin của đơn vị mình. Cơ sở giáo dục nào không thực hiện đúng thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Người đứng đầu có thể phân cấp, phân quyền cho phòng/ban thực hiện phụ thuộc vào hoạt động của từng đơn vị. Tuy nhiên, việc thực hiện công khai minh bạch đã là quy định thì các đơn vị cần thực hiện nghiêm minh. Đặc biệt, trong lĩnh vực giáo dục, các thầy cô cần gương mẫu thực hiện theo đúng quy định. Nếu cơ sở giáo dục không thực hiện việc công khai nghiêm túc, tuân thủ quy định thì làm sao có thể thực hiện chức năng 'trồng người' được”.

Công khai minh bạch là để xã hội giám sát, sao HV Tài chính không tuân thủ?

Bên cạnh những cơ sở giáo dục thực hiện báo cáo 3 công khai rõ ràng, minh bạch, thuận tiện cho xã hội truy cập thì cũng có trường phóng viên không tìm được báo cáo 3 công khai. Ví như trường hợp của Học viện Tài chính, ngày 15/10/2024 phóng viên truy cập vào website của nhà trường chỉ tìm thấy báo cáo 3 công khai đến năm học 2021-2022 (chưa có báo cáo 3 công khai năm học 2022-2023 và 2023-2024). Theo các chuyên gia, đối với cơ sở giáo dục không cập nhật thông tin để xã hội, người học thuận lợi giám sát, đặc biệt còn từ chối cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí có tôn chỉ, mục đích là "tham gia tư vấn phản biện chính sách về giáo dục đào tạo, trọng tâm về đại học, cao đẳng góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo Việt Nam" thì cần có hình thức xử lý thích đáng.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An nhấn mạnh: "Về nguyên tắc, khi cơ quan báo chí muốn tìm hiểu thông tin thì nhà trường cần trả lời, công khai, minh bạch."

bui-thi-an-7630.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII. Ảnh: NVCC.

Cùng bàn về vấn đề này, một giáo sư là nguyên giám đốc của một đại học chia sẻ: Việc các cơ sở giáo dục thực hiện báo cáo 3 công khai đã được quy định cụ thể trong Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT. Tuy nhiên, hiện nay có không ít trường không thực hiện, hoặc thực hiện chỉ mang tính hình thức cho có. Trong khi đó, bộ phận chuyên trách theo dõi, giám sát vấn đề này lại chưa đủ nguồn lực nên đâu đó vẫn còn cơ sở giáo dục không thực hiện một cách nghiêm túc.

“Thực chất, khi cơ sở giáo dục công khai chính là cách để người học, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và xã hội tham gia giám sát và đánh giá các cơ sở giáo dục và đào tạo. Nếu trường đào tạo một cách nghiêm túc vì lợi ích người học, số liệu rõ ràng, minh bạch thì không có lý do gì phải giấu giếm ”, vị giáo sư này cho hay.

Cũng theo vị này, các số liệu trong báo cáo 3 công khai có đầy đủ hết các thông tin, số liệu chi tiết về quy mô đào tạo của nhà trường, kết quả tuyển sinh như thế nào, đội ngũ ra sao, tài chính, các hoạt động thu chi như thế nào… Nếu những thông tin này đều được công khai, minh bạch thì xã hội có thể giám sát hoạt động của cơ sở giáo dục.

“Khi một trường tự chủ sẽ được tự mở ngành, tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh nhưng liệu cơ sở giáo dục ấy có tuyển sinh đúng theo quy định hay không cũng là một vấn đề. Nhiều ngành hiện nay được mở ra nhưng nhà trường không công khai về đội ngũ giảng dạy sẽ rất khó để theo dõi liệu đội ngũ ấy có đảm bảo chất lượng hay không, liệu nhà trường có đảm bảo về tỷ lệ sinh viên/giảng viên theo quy định không.… Rất nhiều thông số này nếu nhà trường không công khai thì người học, xã hội không thể nắm được.

Ví dụ tôi cần tìm kiếm số liệu để nghiên cứu về một trường có bao nhiêu giáo sư, phó giáo sư hoặc ngành này có đội ngũ như thế nào thì rất khó để biết nếu nhà trường không công khai số liệu.

Về việc phóng viên không tìm thấy báo cáo 3 công khai của Học viện Tài chính, nếu số liệu đó là minh bạch thì tại sao nhà trường lại không công khai ở vị trí thuận tiện truy cập trên website? Phải chăng có gì đó chưa rõ ràng? Thực ra mỗi đơn vị đều có bộ phận thống kê các số liệu này hàng năm nên không thể nói là ‘bận quá’ không làm được. Hay lý do trục trặc lỗi kỹ thuật cũng không hợp lý vì hiện tại là thời đại công nghệ thông tin. Việc các cơ sở giáo dục công khai minh bạch là để xã hội giám sát, nâng cao trách nhiệm giải trình. Đồng thời đây cũng là cơ sở để người học lựa chọn ngành học phù hợp”.

Bên cạnh đó, vị giáo sư này cũng cho rằng hiện nay hình thức xử phạt chưa đủ tính răn đe. Cần có biện pháp xử lý mạnh hơn để các cơ sở giáo dục nghiêm túc thực hiện theo quy định.

“Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có quy định mà trường nào vẫn không thực hiện thì có thể dừng tuyển sinh đối với trường đó đến khi nào thực hiện mới thôi. Nếu hình xử phạt chỉ là xử phạt hành chính thì nhiều đơn vị sẽ cho rằng cứ nộp phạt là xong. Đồng thời hình thức xử lý phải mạnh hơn còn nếu chỉ phạt tiền vài chục triệu đồng thì không thấm vào đâu so với mức học phí của sinh viên. Do đó, trường chỉ cần thu học phí của một sinh viên là đủ tiền nộp phạt. Nếu không có biện pháp đủ mạnh thì các trường sẽ không thực hiện", vị này nêu quan điểm.

Tuệ An