700 giáo viên khốn đốn vì không được trả lương 4 tháng nay

29/04/2019 06:28
AN PHONG
(GDVN) - Nhiều giáo viên hợp đồng bậc tiểu học và trung học cơ sở ở Quảng Ngãi đang chật vật, khốn đốn vì chưa được trả khoản lương từ đầu năm đến nay.

Sở Nội vụ Quảng Ngãi cho hay, đã có văn bản tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng liên quan trả lương cho các giáo viên hợp đồng này đến hết năm học (ngày 31/5).

Khó khăn vì bị “nợ” lương

Theo thống kế sơ bộ của sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi, tính đến cuối tháng 4, ở bậc tiểu học và trung học cơ sở, địa phương này đang có hơn 700 giáo viên giảng dạy hợp đồng. Hầu hết, những giáo viên này đều không được nhận lương từ đầu năm đến nay.

Nhiều giáo viên ở Quảng Ngãi đang bị nợ lương nhiều tháng nay. Ảnh: AN
Nhiều giáo viên ở Quảng Ngãi đang bị nợ lương nhiều tháng nay. Ảnh: AN

“Tôi đi dạy gần 8 năm, trải qua hai lần thi tuyển giáo viên nhưng không đậu nên phải tiếp tục dạy hợp đồng. Trước đây, dù mức lương hợp đồng ít ỏi nhưng được thanh toán hàng tháng, ít khi chậm lương.

Nhưng từ đầu năm học đến nay, nhiều giáo viên hợp đồng như tôi không được nhận lương”, một giáo viên hợp đồng chia sẻ.

Với mức lương từ khoảng 2,5 – 3 triệu đồng/tháng, cuộc sống của người giáo viên hợp đồng vốn đã chật vật, nay bị nợ lương nhiều tháng liền khiến cuộc sống của họ càng khó khăn hơn. 

Phận giáo viên mầm non và nỗi lo bị quỵt lương

Hai vợ chồng đều là giáo viên hợp đồng tại một trường trung học cơ sở ở thành phố Quảng Ngãi, cô H.T.N. phải chạy vạy, vay mượn khắp nơi để trang trải cuộc sống, chờ đến ngày nhận lương rồi hoàn trả.

“Cuộc sống của cả gia đình và hai đứa con chỉ trông chờ vào hai suất lương hợp đồng của hai vợ chồng, nhưng từ tháng 1 đến nay thì chúng tôi phải giảng dạy không lương. Để lo tiền ăn học cho hai đứa con, vợ chồng tôi phải đi vay của họ hàng”, cô N. buồn bã nói.

Ông Nguyễn Văn Hưng – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Quảng Ngãi xác nhận, hiện có nhiều giáo viên bậc tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn đang bị “nợ lương".

Chỉ tính riêng số lượng giáo viên hợp đồng bị nợ lương từ tháng 1 đến nay là hơn 100 giáo viên, chưa kể các nhân viên hợp đồng như: y tế, bảo vệ, cấp dưỡng…

Tâm lý chung của các giáo viên hợp đồng là rất buồn bởi cuộc sống của họ vốn đã nhiều khó khăn, vất vả.

Vì tình yêu nghề mà họ tiếp tục gắn bó với nghề giáo. Nhưng ngoài việc bị nợ lương thì đến cuối năm học này sẽ là thời điểm chấm dứt hợp đồng các giáo viên này theo quy định. Điều này khiến họ càng lo lắng và buồn hơn”, ông Hưng nói.

Để hỗ trợ cho các giáo viên, nhiều trường phải linh động sử dụng các khoản kinh phí để tạm ứng cho thầy cô, đợi cơ quan chức năng có phương án giải quyết sau.

Trả lương cho giáo viên đến ngày 31/5

Ông Đỗ Văn Phu – Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ngãi cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh này có hơn 700 giáo viên hợp đồng đang bị chậm lương. 

Nhiều gia đình thày cô, tết đến trong nhà không có nổi vài chục bạc

Trước đây, theo Nghị quyết 19 thì các đơn vị sự nghiệp công lập được phép ký hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế.

Ngoài ra, số lượng học sinh ở một số khu vực đô thị tăng cao nên nhu cầu giáo viên khá lớn trong khi lượng giáo viên thi tuyển không đủ, do đó các trường phải chủ động hợp đồng giáo viên giảng dạy.

Tuy nhiên, khi Nghị định 161 của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 1/1/2019) thì không có hợp đồng trong đơn vị công lập.

Do đó, Ủy ban tỉnh đã chỉ đạo chấm dứt hợp đồng với các giáo viên và phía Kho bạc cũng không giải ngân để chi trả tiền lương cho giáo viên hợp đồng.

Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Đoàn Dụng – Giám đốc sở Nội vụ Quảng Ngãi cho biết, đã gửi công văn tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi có công văn gửi Kho bạc tỉnh để trả lương cho giáo viên hợp đồng đến hết ngày 31/5 (thời điểm kết thúc năm học).

“Vào tháng 7 tới, tỉnh sẽ tổ chức thi tuyển giáo viên để bù đắp vào số lượng giáo viên của tỉnh đang thiếu. Năm ngoái, qua thi tuyển đã tuyển được gần 1.600 giáo viên.

Tuy nhiên, đặc thù của ngành giáo dục là luôn thiếu giáo viên, vì mỗi năm có người về hưu, chuyển công tác ra ngoại tỉnh… Bình quân mỗi năm địa phương thiếu từ 500 – 700 giáo viên các bậc học”, ông Dụng nói.

AN PHONG