Chỉ mình lãnh đạo Bộ Giáo dục nỗ lực, tự chủ đại học sẽ còn nhiều gian truân

13/05/2020 06:22
Hồng Thủy
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Người xưa nói “thần thiêng nhờ bộ hạ”. Nếu chỉ một mình Bộ trưởng quyết liệt còn các cơ quan tham mưu, giúp việc không xem đó là nhiệm vụ, e tự chủ khó thành.

Ngày 6/1/2020 tại Hội nghị triển khai Nghị định số 99/2019/NĐ-CP, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định rõ: 

Hội đồng trường phải thực quyền. Chỉ khi thực quyền thì Luật 34 và Nghị định 99 mới đi vào cuộc sống. Hiện nhiều Hội đồng trường chưa thực quyền; nhưng khi luật hóa như hiện nay thì không thể còn tình trạng này.

Cơ quan chủ quản tránh tình trạng can thiệp hành chính vào Hội đồng trường vì tính tự chủ, trách nhiệm giải trình đã được quy định rất rõ.”. [1]

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ (giữa) chủ trì hội nghị triển khai Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 6/1/2020. Ảnh: moet.gov.vn.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ (giữa) chủ trì hội nghị triển khai Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 6/1/2020. Ảnh: moet.gov.vn.

Theo tường thuật của Báo Tuổi Trẻ, câu chuyện hội đồng trường vẫn tiếp tục là vấn đề nóng ngay khi Nghị định hướng dẫn và thi hành một số điều của luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học vừa được công bố. [2]

Có luật rồi, cứ theo luật mà làm

Tại hội nghị ngày 6/1/2020, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ với lãnh đạo các trường đại học rằng, trong phiên họp Chính phủ ông cũng đã có ý kiến đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chủ quản thực hiện theo tinh thần Luật số 34/2018/QH14 và Nghị định 99/2019/NĐ-CP mới ban hành.

Cũng theo người đứng đầu Ngành Giáo dục và Đào tạo, Luật số 34/2018/QH14 và Nghị định 99/2019/NĐ-CP đủ rõ; các trường cứ dựa vào luật và nghị định mà làm. Bất kỳ hướng dẫn nào trái luật và nghị định đều không được chấp thuận.

Thượng tôn pháp luật cũng là quan điểm được Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh khi phát biểu tại cuộc họp Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng ngày 26/07/2019, theo tường thuật của Báo Nhân Dân:

“Chúng ta đã có luật và làm theo luật, nhưng khi cần thiết và đòi hỏi của thực tế thì sửa luật, đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết; đồng thời cũng phải chống tham nhũng ngay trong cơ quan phòng chống tham nhũng,...”. [3]

Dấu ấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trong thể chế hóa chủ trương tự chủ đại học
Dấu ấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trong thể chế hóa chủ trương tự chủ đại học

Chưa kể, Điều lệ Đảng cộng sản Việt Nam quy định rõ ràng, Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật; Tổ chức đảng quyết định các vấn đề thuộc phạm vi quyền hạn của mình, song không được trái với nguyên tắc, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của cấp trên. [4]

Tuy nhiên, thực tế vẫn có những cơ quan chủ quản đại học bám vào các quy định cũ để can thiệp vào quyền tự chủ của trường đại học, mặc dù trái với Nghị quyết số 19/NQ-TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương, Luật số 34/2018/QH14 của Quốc hội cũng như Nghị định số 99/2019/NĐ-CP.

Ngay tại Hội nghị triển khai Nghị định 99/2019/NĐ-CP ngày 6/1/2020, lãnh đạo một trường đại học cho biết cơ quan chủ quản xây dựng quy trình bổ nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng không theo Luật số 34/2018/QH14 mà bám vào quy trình 5 bước theo Quy định số 105/QĐ-TW ngày 19/12/2017 về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ. [5] [6]

Giải đáp thắc mắc xung quanh thẩm quyền của Hội đồng trường trong mối quan hệ với cơ quan chủ quản, lúc đó, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết:

- Những văn bản của bộ ban ngành không đúng luật thì thế nào? Hội đồng trường phải theo các quy định hiện hành của pháp luật và quy định của Đảng. Văn bản chỉ đạo điều hành là văn bản cá biệt, phải phù hợp với quy định của pháp luật.

- Hội đồng trường quyết định cơ cấu tổ chức, vị trí việc làm...phải được thể hiện trong Quy chế tổ chức và hoạt động của trường.

Câu trả lời của bà Nguyễn Thị Kim Phụng vẫn chưa thể khiến các trường hết băn khoăn, nhất là mệnh đề "và quy định của Đảng" là quy định nào? điều khoản nào? nội dung nào?. Trong khi đó, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương đã chỉ đạo rất rõ, về cơ bản đã được thể chế hóa trong Luật số 34/2018/QH14 cũng như Nghị định số 99/2019/NĐ-CP. 

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học giải đáp nhiều thắc mắc xung quanh nội dung Nghị định 99, ảnh: moet.gov.vn.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học giải đáp nhiều thắc mắc xung quanh nội dung Nghị định 99, ảnh: moet.gov.vn.

Hướng dẫn chung chung như vậy dường như "an toàn" cho cơ quan tham mưu cấp Vụ, Cục; nhưng vô hình trung lại khiến các trường khó khăn hơn; và chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ về triển khai Luật số 34/2018/QH14 lẫn Nghị định số 99/2019/NĐ-CP khó trở thành hiện thực.

Cấp tham mưu hướng dẫn thi hành Nghị định trả lời: “cần đọc kỹ Nghị định”! 

Khi nghiên cứu điển hình tình trạng triển khai thực hiện Nghị định 99 và Luật số 34 ở một số cơ sở giáo dục đại học đang tự chủ, chúng tôi khá bất ngờ khi được biết, ngày 21/02/2020, Trường Đại học Tôn Đức Thắng có Văn bản số 321/2020/TĐT-VB gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc xin ý kiến hướng dẫn thi hành một số nội dung chưa rõ của Nghị định 99/2019/NĐ-CP.

Nhà trường cho biết cơ quan quản lý cấp trên yêu cầu Trường Đại học Tôn Đức Thắng phải thực hiện các bước qui hoạch, giới thiệu nhân sự Chủ tịch Hội đồng trường, Ban giám hiệu theo quy trình 5 bước quy định tại Phụ lục 2 Quyết định 105-QĐ/TW ngày 19/12/2017; cũng như đưa ra một số yêu cầu không có trong Nghị định, và cũng không thấy ở văn bản pháp qui nào qui định cho trường đại học!.

Cơ quan quản lý cấp trên sẽ là đơn vị ra quyết định phê duyệt quy hoạch nói trên; và chỉ công nhận những nhân sự đã có trong quy hoạch khi nhân sự đó được hội đồng bầu làm Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng (trong khi quy hoạch này đã được Hội đồng trường thông qua).

Bộ trưởng Nhạ: Từng vị trí trong Hội đồng trường phải đúng vai, thuộc bài
Bộ trưởng Nhạ: Từng vị trí trong Hội đồng trường phải đúng vai, thuộc bài

Theo văn bản của Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Quy định 105/QĐ-TW áp dụng cho việc quy hoạch, miễn nhiệm cán bộ, công chức trong đoàn thể chính trị, xã hội, chính quyền; trong khi Nhà trường là cơ sở giáo dục đại học chứ không phải tổ chức chính trị, xã hội. Nhất là Qui định 105/QĐ-TW “không có đối tượng thi hành là đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ hoàn toàn chi thường xuyên”; nên áp quyết định ấy vào cho đối tượng này là không phù hợp.

Theo Điều 16 Luật Giáo dục đại học (Luật số 08/2012/QH13) và nội dung sửa đổi điều này trong Luật số 34/2018/QH14 thì, "Hội đồng trường của trường đại học công lập là tổ chức quản trị, thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan", và "Quyết định và trình cơ quan quản lý có thẩm quyền ra quyết định công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng trường đại học; bổ nhiệm, bãi nhiệm, miễn nhiệm phó hiệu trưởng trường đại học trên cơ sở đề xuất của hiệu trưởng trường đại học."

Do đó, quan điểm của Trường Đại học Tôn Đức Thắng là “chủ thể nào quyết định nhân sự, thì sẽ là chủ thể thực hiện việc quy hoạch và phê duyệt qui hoạch”

Điều này phù hợp với chỉ đạo của Ban chấp hành Trung ương trong Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017: “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả cơ chế hội đồng trường trong các trường đại học theo hướng, hội đồng trường là cơ quan thực quyền cao nhất của trường đại học; bí thư đảng uỷ kiêm chủ tịch hội đồng trường”. [7]

Ngoài ra, Trường Đại học Tôn Đức Thắng là đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ hoàn toàn, thực hiện theo Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ; cũng như Quyết định số 158/QĐ-TTg ngày 29/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ. 

Nếu thực hiện theo nguyên tắc như yêu cầu của cơ quan quản lý trực tiếp, thì sẽ không đúng Nghị quyết số 19-NQ/TW, Luật số 34/2018/QH14, Nghị định 99/2019/NĐ-CP cũng như Nghị quyết 77/2014/NQ-CP và Quyết định 158/QĐ-TTg; và thẩm quyền của Hội đồng trường trong Nghị quyết của Trung ương đã được Quốc hội, Chính phủ pháp điển hóa sẽ bị vi phạm.

Mọi văn bản trái với Luật giáo dục đại học và Nghị định 99 đều không có giá trị
Mọi văn bản trái với Luật giáo dục đại học và Nghị định 99 đều không có giá trị

Vì vậy, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn quy trình giới thiệu nhân sự theo quy định của Đảng đối với trường đại học đã tự chủ hoàn toàn chi thường xuyên và chi đầu tư; và một số nội dung cụ thể khác để Nhà trường thực hiện, nhằm tránh những khó khăn khi đến giai đoạn trình cơ quan quản lý trực tiếp công nhận.

Ngày 03/4/2020 Bộ Giáo dục và Đào tạo có Văn bản số 1171/BGDĐT-TCCB do Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Cảnh Chí Dũng ký, trả lời Văn bản số 321/2020/TĐT-VB. Tuy nhiên văn bản trả lời này chưa có hướng dẫn nào về vấn đề trên, ngoài việc yêu cầu Nhà trường nghiên cứu kỹ quy định tại Khoản 1, Điều 7, Nghị định số 99/2019/NĐ-CP.

Khi nghị định chưa qui định hoặc qui định chưa rõ, có thể gây suy diễn, khó thi hành, thì cơ sở mới đi hỏi cơ quan quản lý nhà nước để được hướng dẫn. Nhưng hướng dẫn như thế thì xem như là “không hướng dẫn gì!”.

Ngày 16/4/2020, Trường Đại học Tôn Đức Thắng tiếp tục có Văn bản số 644/2020/TĐT-VB gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo nhắc lại đề nghị hướng dẫn thực hiện Nghị định 99/2019/NĐ-CP. Ngày 07/05/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo có Văn bản trả lời (số 1582/BGDĐT-TCCB, do Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Cảnh Chí Dũng tiếp tục ký), nhắc lại nội dung Công văn 1171/BGDĐT-TCCB, tiếp tục không có hướng dẫn cụ thể nào về vấn đề Quy định 105/QĐ-TW.

Chủ trương tự chủ đại học, đổi mới quản trị đại học đã được Chính phủ quyết định từ năm 2005 (Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP ngày 2/11), nhưng phải 15 năm sau chủ trương này mới được thể chế hóa, sau khi tiếp tục được Ban chấp hành Trung ương Đảng quyết nghị trong Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017.

Việc thể chế hóa chủ trương tự chủ đại học có vai trò, đóng góp rất lớn của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. Ông đặc biệt quan tâm đến việc đổi mới cơ chế quản trị đại học, thực hiện tự chủ thực chất và hoàn thiện các hành lang pháp lý cho hội đồng trường. 

Chỉ còn vài bước nữa để triển khai vào thực tiễn. Nhưng khi các trường vấp phải các vấn đề mang tính kĩ thuật như quy trình tổ chức thực hiện, hoặc còn một số nội dung thủ tục chưa được qui định và cần hướng dẫn; thì vấp phải rào cản từ cơ quan chủ quản với các quy định cũ, "vận dụng" các "quy trình" chưa kịp thay đổi theo tinh thần Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 để cản trở quá trình thực hiện quyền tự chủ này; và cơ quan quản lý nhà nước thì lại trả lời như không trả lời gì!

Lúc này, hơn bao giờ hết, các Cục, Vụ chức năng của Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đồng hành, nỗ lực tối đa để giúp Bộ trưởng thực hiện cho kỳ được chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước về tự chủ đại học. Nếu có sự trả lời hoặc hành động vô cảm, thì đều có thể làm hỏng tâm huyết và công sức của người đứng đầu một ngành rất quan trọng.

Người xưa có câu, “thần thiêng nhờ bộ hạ”. Nếu chỉ một mình Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ quyết liệt thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW, Luật số 34/2018/QH14 và Nghị định 99/2019/NĐ-CP; còn các cơ quan tham mưu, giúp việc trực tiếp bên dưới lại không xem đó là nhiệm vụ của mình, không tập trung thực hiện mục tiêu của người đứng đầu ngành đặt ra trong Hội nghị ngày 6/1/2020, e rằng quyết tâm đẩy mạnh tự chủ đại học còn rất lâu mới thành hiện thực.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=6431

[2]https://tuoitre.vn/bo-truong-giao-duc-co-quan-chu-quan-khong-can-thiep-sau-vao-truong-dai-hoc-202001061113289.htm

[3]https://nhandan.com.vn/chinhtri/item/40999902-ban-chi-dao-trung-uong-ve-phong-chong-tham-nhung-hop-phien-thu-16.html

[4]http://tulieuvankien.dangcongsan.vn/van-kien-tu-lieu-ve-dang/dieu-le-dang/dieu-le-dang-do-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-xi-cua-dang-thong-qua-3431

[5]https://images.hcmcpv.org.vn/Uploads/File/2601201980C19DC3/105Q%C4%90TW.pdf

[6]https://baophapluat.vn/giao-duc/thuc-hien-luat-giao-duc-dai-hoc-siet-xu-phat-vi-pham-489344.html

[7]https://moj.gov.vn/qt/cacchuyenmuc/daihoidaibieu/Lists/VanBanCuaDangCapTren/Attachments/42/Ngh%E1%BB%8B%20quy%E1%BA%BFt%20s%E1%BB%91%2019-NQ-TW.pdf 

Hồng Thủy