Chính sách thuế, "đòn quyết định" cho giáo dục tư thục phát triển

05/11/2019 14:43
Thùy Linh
(GDVN) - Cần có chính sách ưu đãi về thuế đối với các cơ sở giáo dục tư thục mới có thể thu hút được đầu tư từ xã hội, doanh nghiệp và người dân cùng chăm lo giáo dục.

Ngày 5/11, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức buổi Tọa đàm với chủ đề “Góp ý chính sách ưu đãi về thuế đối với các trường tư thục”. 

Tới dự tọa đàm có chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong;

Các đại biểu dự Tọa đàm. Ảnh Thùy Linh
Các đại biểu dự Tọa đàm. Ảnh Thùy Linh

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Hiền – Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, Hà Nội;

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch hội đồng Hệ thống Giáo dục Lômônôxôp Hà Nội;

Tiến sĩ Võ Thế Quân - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đông Đô (Hà Nội); 

Thầy Nguyễn Anh Tuấn và cô Đàm Thùy Dương - đại diện Trường phổ thông liên cấp Wellspring Hà Nội;

Cô Nguyễn Hồng Nhung - Kế toán trưởng Trường Lương Thế Vinh (Hà Nội);

Và cô Đỗ Thu Hiền - Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên giáo dục và đào tạo phát triển kỹ năng sống Minh Trí (Quảng Ninh). 

Phát biểu tại toạ đàm, Nhà báo Đào Ngọc Tước, Phó Tổng biên tập Báo điện tử Giáo dục Việt Nam cho biết, Luật Giáo dục sửa đổi 2019 (Luật số 43/2019/QH14) sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2020, hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tham mưu cho Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn thi hành. 

Tọa đàm “Góp ý chính sách ưu đãi về thuế đối với các trường tư thục” thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia. Ảnh: Thùy Linh.

Tọa đàm “Góp ý chính sách ưu đãi về thuế đối với các trường tư thục” thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia. Ảnh: Thùy Linh.

Theo đó, Điều 103. Chính sách ưu đãi đối với trường dân lập, trường tư thục, Luật số 43/2019/QH14 quy định các trường dân lập, các trường tư thục "được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế và tín dụng" và “giao Chính phủ quy định chi tiết điều này”. 

Nhà báo Đào Ngọc Tước thông tin thêm, từ năm 2005 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục, thể thao, trong đó quy định về chính sách thuế: “Có chính sách ưu đãi đối với các cơ sở ngoài công lập, đặc biệt là với các cơ sở hoạt động theo cơ chế phi lợi nhuận”. 

Nếu được quan tâm đầy đủ, Giáo dục tư thục mạnh biết chừng nào

Năm 2006, Chính phủ ban hành Nghị định số 53/2006/NĐ-CP, trong đó điểm a), khoản 2, điều 8 quy định các trường ngoài công lập “được hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong suốt thời gian hoạt động”.

Năm 2008, Chính phủ ban hành Nghị định số 69/2008/NĐ-CP về chính sách khuyến khích xã hội hóa, tiếp tục quy định tại điều 8: các trường ngoài công lập “được hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong suốt thời gian hoạt động”. 

Tuy nhiên, để hưởng được chính sách ưu đãi này, các trường ngoài công lập  phải đáp ứng tiêu chuẩn "diện tích đất tối thiểu / học sinh" ở thành phố là 8 m2/trẻ bậc mầm non; 6 m2/ học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông; 55 m2/ sinh viên bậc đại học, cao đẳng, theo Quyết định số 1466/QĐ-TTg ngày 10/10/2008.

Nếu không đáp ứng được tiêu chuẩn này, các trường ngoài công lập phải đóng 100% thuế thu nhập doanh nghiệp (thuế suất 28%, 25%, 22% và từ 2016 là 20%). 

Năm 2013 Chính phủ điều chỉnh "diện tích đất tối thiểu" đối với sinh viên bậc đại học, cao đẳng thành "Diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo tối thiểu", giữ nguyên quy định "diện tích đất tối thiểu" đối với các bậc học dưới, theo Quyết định số 693/QĐ-TTg. 

Các đại biểu dự Tọa đàm. Ảnh Thùy Linh
Các đại biểu dự Tọa đàm. Ảnh Thùy Linh

Đến năm 2016, Chính phủ điều chỉnh "diện tích đất tối thiểu" đối với học sinh mầm non, phổ thông ngoài công lập ở thành phố thành "diện tích sử dụng tối thiểu" theo Quyết định số 1470/QĐ-TTg, giữ nguyên số m2 định mức như Quyết định số 1466/QĐ-TTg ngày 10/10/2008.

“Những điều chỉnh nói trên của Chính phủ đã góp phần giúp các trường tư thục tháo gỡ khó khăn, tăng cường nguồn lực của xã hội đầu tư vào giáo dục, giảm bớt gánh nặng sĩ số, biên chế, ngân sách nhà nước phải chi cho giáo dục công lập đang quá tải ở các đô thị lớn”, ông Đào Ngọc Tước nhấn mạnh. 

Tuy nhiên, trong điều kiện các trường tư thục hiện nay rất khó khăn trong tiếp cận quỹ đất/ mặt bằng xây trường, sĩ số các trường công lập nội đô tại các đô thị lớn tiếp tục quá tải và không có xu hướng giảm, cần có chính sách ưu đãi về thuế đối với các cơ sở giáo dục tư thục mới có thể thu hút được đầu tư từ xã hội, doanh nghiệp và người dân, chung tay cùng Nhà nước chăm lo cho sự nghiệp giáo dục.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn Luật số 43/2019/QH14.

Vì vậy, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức buổi Tọa đàm với chủ đề “Góp ý chính sách ưu đãi về thuế đối với các trường tư thục” để lắng nghe ý kiến các nhà giáo, các nhà đầu tư, các trường tư thục về thuận lợi, khó khăn vướng mắc và các đề xuất cơ chế, quy trình thủ tục để cụ thể hóa chủ trương "được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế và tín dụng" mà Điều 103, Luật số 43/2019/QH14 đã quy định, tổng hợp gửi đến các cơ quan chức năng.

Thùy Linh