Chưa tốt nghiệp phổ thông mà vào cao đẳng là tự thừa nhận chuẩn kém thế giới

10/10/2018 14:37
Đỗ Thơm
(GDVN) - Đây là nhấn mạnh của Tiến sĩ Lê Viết Khuyến trước đề xuất chỉ cần có giấy chứng nhận hoàn thành chương trình phổ thông, học sinh sẽ được vào thẳng cao đẳng.

Theo đó, Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) đề xuất, học sinh học hết chương trình Trung học phổ thông, nếu đủ điều kiện thì được hiệu trưởng nhà trường cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình.

Nếu được dự thi và đạt yêu cầu thì được Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cấp bằng tốt nghiệp…

Trong khi đó, đối với quy định hiện hành, học sinh học hết chương trình Trung học phổ thông, có đủ điều kiện theo quy định thì được dự thi, nếu đạt yêu cầu thì được cấp bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến. Ảnh: giaoduc.net.vn
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến. Ảnh: giaoduc.net.vn

Mục đích của việc cấp loại giấy chứng nhận hoàn thành chương trình phổ thông là để sửa đổi khoản 3, khoản 4 Điều 33 Luật Giáo dục nghề nghiệp theo hướng bổ sung đối tượng người học đã được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông, bên cạnh người có bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông hoặc thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa Trung học phổ thông (khoản 3 Điều 118).

Về điểm trên, các chuyên gia tỏ ra rất băn khoăn về giá trị pháp lý của giấy chứng nhận này so với bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, Hiệp hội các trường Đại học, cao đẳng Việt Nam đã phân tích căn cứ chứng tỏ nếu Luật Giáo dục (sửa đổi) quy định theo hướng trên là chúng ta đang vô hình thừa nhận trình độ cao đẳng Việt Nam thấp hơn tiêu chuẩn của thế giới.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến nhấn mạnh, theo thông lệ hiện nay các nước cần tuân theo Phân loại giáo dục theo tiêu chuẩn quốc tế ISCED-2011 do UNESSCO ban hành năm 2011, có hiệu lực trên toàn thế giới từ 2014, đối với tất cả thành viên UNESSCO kể cả Việt Nam .

Họ chia ra 9 cấp độ: cấp độ 0 là cho giáo dục mầm non, cấp độ 1 cho tiểu học, cấp độ 2 cho trung học bậc thấp tách hai luồng.

Một luồng như ta gọi là trung học cơ sở đó là dành cho phổ thông, một luồng hướng theo nghề (gọi là sơ học nghề).

Sau đó cấp độ 3 là cho trung học bậc cao (bên phổ thông là trung học phổ thông, nhánh theo hướng nghề là trung học nghề).

Cấp độ 4 là cho sau trung học phổ thông nhưng chưa phải đại học (ở Việt Nam là một dạng của trung cấp nghề).

Cấp độ 5 là cho cao đẳng

Cấp độ 6 là cho cử nhân.

Cấp độ 7 là thạc sĩ.

Cấp độ 8 là cho tiến sĩ.

Đối với khu vực giáo dục đại học, ISCED chia từ cấp độ 5, cao đẳng thuộc về giáo dục đại học.

Chưa tốt nghiệp phổ thông mà vào cao đẳng là tự thừa nhận chuẩn kém thế giới ảnh 2"Học Thạc sĩ, Tiến sĩ ở Việt Nam là một hiện tượng kỳ dị"

Trong khi đó, hiện nay, cao đẳng của Việt Nam đang không thuộc giáo dục đại học mà thuộc giáo dục nghề nghiệp.

Như vậy, cao đẳng của Việt Nam đang thấp hơn cấp độ 5 theo tiêu chuẩn phân loại của ISCED.

Trước đây, cao đẳng là thuộc về giáo dục đại học nhưng hiện nay, giáo dục đại học không có cao đẳng.

Vô hình chung, chúng ta đang tự nguyện đánh tụt cao đẳng của mình xuống dưới cấp độ 5 theo phân loại của thế giới.

Cao đẳng của Việt Nam hiện nay như vậy chỉ tương đương cấp độ 4 của ISCED.

Theo ISCED, ở cấp độ 3 là trung học bậc cao, liên quan đến định hướng chương trình thì phân thành 2 luồng (định hướng văn hóa là trung học phổ thông, định hướng nghề là trung học nghề).

Căn cứ vào mức độ hoàn thành cấp độ và khả năng tiếp cận với cấp độ cao hơn, họ chỉ rõ:

“Hoàn thành cấp độ 3 nhưng không được tiếp cận trực tiếp các chương trình đào tạo bằng thứ nhất ở các cấp độ 5, 6 hoặc 7: gồm những chương trình có thời gian học tối thiểu 2 năm ở cấp độ 3 và kết thúc sau tối thiểu 11 năm tổng thời gian học lũy kế kể từ khi bắt đầu học cấp độ 1.

Những chương trình này có thể hoặc chấm dứt hoặc cho phép tiếp cận trực tiếp cấp độ 4. Người học hoàn thành các chương trình này được công nhận là hoàn thành cấp độ 3”.

Như vậy với việc hoàn thành chương trình trung học phổ thông mà chưa có đánh giá, chưa có bằng tốt nghiệp thì không được tiếp cận chương trình cấp độ 5, 6, tức là không được học thẳng lên cao đẳng, đại học.

"Giấy chứng nhận hoàn thành trung học phổ thông cũng là hoàn thành nhưng hoàn thành ra sao, có đạt hay không thì phải có đánh giá, có đạt yêu cầu hay không.

Vì vậy, học xong lớp 12 mà không qua đánh giá thì rõ ràng không được tiếp cận trình độ cao đẳng, đại học", Tiến sĩ Lê Viết Khuyến nhận định.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến khẳng định, nếu Luật Giáo dục dự kiến cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình phổ thông và cho phép sửa luật Giáo dục Nghề nghiệp để các đối tượng này được học lên cao đẳng, một lần nữa Việt Nam lại thừa nhận chương trình cao đẳng của Việt Nam thấp hơn so với chuẩn cao đẳng của thế giới.

Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, để giải quyết bài toán phân luồng, Hiệp hội đã đề xuất Khung cơ cấu hệ thống giáo dục Việt Nam mới cần được sửa lại trong các luật về giáo dục, cụ thể như sau:

Khung cơ cấu Hệ thống giáo dục quốc dân do Hiệp hội đề xuất.
Khung cơ cấu Hệ thống giáo dục quốc dân do Hiệp hội đề xuất.

Nếu thực hiện các điểm đề xuất trên, theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, nó sẽ đảm bảo được việc phân luồng hoc sinh ngay từ sau bậc trung học cơ sở và cũng sẽ không làm mất đi cơ hội học tiếp lên của những người theo hướng học nghề.

Đỗ Thơm